A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ đội Tĩnh Gia, tăng gia hiệu quả

Đến khu tăng gia tập trung của Ban CHQS huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cuối buổi chiều, chúng tôi thấy tổ tăng gia mỗi người một việc, người thì cuốc đất, vun luống; người vệ sinh chuồng, người cho lợn, bò, gia cầm ăn... Quan sát vườn rau, sắn, cỏ voi, chuồng trại, ao cá trên địa hình hút gió, đất đá khô cứng, chúng tôi phần nào thấy được tinh thần chịu khó, sáng tạo, biết tạo ra những mô hình cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trung tá Đỗ Thế Thắng, Chủ nhiệm Hậu cần cho biết: “Huyện Tĩnh Gia thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn của biển nên giá cả lương thực, thực phẩm luôn biến động, đã ảnh hưởng trực tiếp tới bữa ăn hàng ngày của bộ đội. Trước tình hình đó, Ban Hậu cần đã chủ động tham mưu cho đơn vị đa dạng hóa các mô hình chăn nuôi, trồng trọt tại khu tăng gia tập trung, xem đây là giải pháp quan trọng nhằm ổn định giá cả, cải thiện bữa ăn bộ đội”.

Nhờ đầu tư đúng hướng, đàn lợn ở khu chăn nuôi tập trung của Ban CHQS huyện Tĩnh Gia phát triển tốt.

Theo anh Mai Xuân Thống, phụ trách tổ tăng gia thì năm 2014, khi bắt đầu quy hoạch lại khu vực tăng gia, chăn nuôi tập trung, các anh gặp muôn vàn khó khăn bởi nhà cửa, chuồng trại xuống cấp, đất đai hoang hóa. Bước đầu, ai cũng băn khoăn và trăn trở, không biết phải bắt đầu từ đâu. Vì gần biển nên nơi đây như một bán đảo với núi đá cánh cung tạo thành thung lũng gió, khí hậu nắng lắm mưa nhiều, khi mưa xuống đất mềm nhũn, nhão nhoét còn nắng lên thì cứng như đá… Khắc phục khó khăn đó, đơn vị đã huy động hàng trăm ngày công lao động của cán bộ, nhân viên để cải tạo đất, triệt để tận dụng từng vị trí canh tác loại cây phù hợp, ví như chỗ đất màu thì trồng rau xanh; nơi cằn cỗi, bạc màu trồng sắn, cỏ voi, bí; mặt ao kết hợp nuôi cá, thả bèo để chăn nuôi.

Nhớ lại những ngày đầu tổ tăng gia nhận nhiệm vụ khai phá mảnh đất này, anh Hồ Đình Việt không tin có ngày hôm nay. Dẫn tôi lại mấy hố vừa xuống giống bí, anh Việt cười bảo: “Nhìn đơn giản thế thôi nhưng kỳ công lắm anh ạ. Mùa đầu do đất cằn quá, bí không phát triển được, kinh nghiệm rút ra là hố phải đủ rộng, để giãn cách phù hợp, có những hố phải dùng xà beng đào bay cả tảng đá lớn. Sau đó, anh em chúng tôi vớt bèo lót đáy hố, đổ lớp phân chuồng, rồi lớp bèo, trên cùng lấy đất màu đổ đầy hố, sau đó tưới nước phân lợn, ủ vài tháng đến khi hoai mới gieo bầu hoặc bí”.

Đối với chăn nuôi khi bắt tay triển khai, tổ tăng gia ứng quỹ vốn đơn vị số tiền 20 triệu đồng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để phát triển tăng gia sản xuất theo hướng vườn, ao, chuồng, rừng. Khoảng 2 héc ta rừng các anh trồng keo, tràm; cải tạo 1.000m2 đất trồng sắn, cỏ voi; lựa chọn giống gà thịt, gà đẻ có nguồn gốc, chất lượng vừa nuôi vừa nhân giống; nạo vét, tu sửa gần 400m2 ao thả các loại cá, như trắm đen, mè, chép, chim trắng, kết hợp thả bèo. Có ít lãi, các anh tái đầu tư sản xuất, nhân rộng thêm mô hình gà sao siêu trứng, ngan, vịt… Đến nay, khu tăng gia không chỉ cung cấp đủ rau xanh, một số thực phẩm cho đơn vị mà còn cho thu nhập cao với 120 con lợn thịt, 200 con gà đẻ, gần 100 gà thịt, 40 gà sao siêu trứng; 50 con ngan cùng hàng tấn cá đang đến kỳ thu hoạch. 

Trung tá Phạm Ngọc Nhân, Chính trị viên Ban CHQS huyện cho biết: “Chính sự năng động, sáng tạo, tư duy dám nghĩ, dám làm của cán bộ, nhân viên đơn vị không chỉ bảo đảm 100% nhu cầu rau xanh phục vụ bữa ăn hàng ngày mà còn mang lại giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm. Tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thu về hơn 100 triệu đồng từ TGSX, đưa thêm vào bữa ăn cho bộ đội 3.000 đồng/ nguời/ ngày và mua sắm thêm nhiều trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên”.

             Bài, ảnh: Hải Băng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội