A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện những người lính Công binh phá đá mở đường cứu nạn

Tảng đá nặng hơn 40 tấn, sạt xuống, án ngữ trên đường 71 - con đường độc đạo dẫn vào nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 là cản trở rất lớn đối với lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi tiến vào thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm các công nhân còn mất tích tại đây. Với quyết tâm bằng mọi cách phải mở được đường vào thủy điện Rào Trăng 3, nhiệm vụ phá tảng đá lớn này đã được giao cho lực lượng công binh của Lữ đoàn 414.

Khu vực nởi tảng đá nặng hơn 40 tấn sạt lở.

Theo chân tổ công binh khoan nổ Lữ đoàn 414, do Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Phó tham mưu trưởng lữ đoàn chỉ huy, 04 giờ 00 phút sáng ngày 22/10/2020 xe chúng tôi khởi hành từ Ban CHQS huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (nơi Lữ đoàn 414 tập kết lực lượng ứng cứu sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337). 06 giờ 15 phút chúng tôi có mặt tại Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, sau khi tham dự cuộc họp quan trọng với lãnh đạo địa phương và Quân khu 4 bàn biện pháp mở đường vào Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 08 giờ 00 phút, tổ công binh nhanh chóng di chuyển xuống thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế), lên ghe cơ động vào Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Sau hơn 1 giờ, vượt quãng đường thủy hơn 20km qua lòng hồ thủy điện Hương Bình, chúng tôi được lực lượng tiền trạm của lữ đoàn tại nhà máy thủy điện Rào trăng 4, do Đại úy Vương Đình Tuệ, Phó đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 4 phụ trách đón. Không một phút nghỉ ngơi, tổ công tác nhanh chóng tập kết vật chất, khí tài, thuốc nổ, hành quân bộ hơn 2km theo đường 71, vượt qua nhiều điểm sạt lở để tiếp cận vị trí tảng đá tại km18.

Tới nơi, ai cũng thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại tranh thủ vừa uống hớp nước, ăn vội miếng lương khô mang theo, anh Hưng trò chuyện với chúng tôi: “Khi nhận nhiệm vụ khoan nổ phá tảng đá này, tôi đã báo cáo với Thượng tá Mai Văn Thanh, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, tổ chức họp đơn vị, bàn biện pháp thực hiện. Phương án ban đầu được vạch ra là sử dụng máy ép hơi vận chuyển từ đơn vị vào, tuy nhiên xét thấy quảng đường vận chuyển xa, máy nặng hơn 700kg, cồng kềnh, để đưa được vào hiện trường là điều không đơn giản, trong khi yêu cầu đặt ra phải phá đá, mở đường thật nhanh, tiết kiệm thời gian để phương tiện vào cứu nạn. Sau một hồi thảo luận, cuối cùng, chúng tôi chốt phương án sử dụng máy đục bê tông được trang bị trên xe cứu hộ đa năng (Man) để khoan đá”. Nói chưa hết câu, anh đứng dậy, xăm xăm đi tới, ra lệnh: “Khẩn trương lên, chúng ta trinh sát thực địa thôi các đồng chí!”.

Nhiệm vụ khoan tảng đá hết sức khó khăn, vất vả, nguy hiểm.

Theo chân anh Hưng và các chiến sĩ công binh tới vị trí sạt lở, quan sát chúng tôi thấy một cảnh tượng kinh hoàng, hàng trăm khối đất đá trên núi sạt xuống, vùi lấp đường 71; tảng đá xanh liền khối khoảng hơn 40 tấn án ngữ ngay giữa đường, lún sâu dưới bùn đất. Với chuyên môn và bằng kinh nghiệm qua nhiều lần tham gia cứu hộ, cứu nạn, sau khi khảo sát, hội ý nhanh với tổ, anh Hưng báo cáo với chỉ huy lữ đoàn và Sở chỉ huy phía trước phương án nổ thành nhiều đợt, bóc tách từng lớp từ ngoài vào cho đến khi thông xe và được sự đồng ý.

Chứng kiến bộ đội công binh khoan nổ mới thấy trách nhiệm, tinh thần vượt khó, không quản ngại vất vả, hiểm nguy vì nhiệm vụ của những người lính công binh thật tuyệt vời. Khoan được tảng đá này thực sự rất khó khăn, bởi tảng đá nằm nghiêng với độ dốc hơn 45 độ; để tránh trượt chân rơi xuống vực, bộ đội phải cột dây thừng vào bụng để đồng đội níu giữ. Khi búa khoan đóng vào đá tạo nên độ rung lớn, khiến cho nhiều khối đá lớn treo lơ lửng trên vách ta luy có thể sạt xuống đội hình bất cứ lúc nào. Là người trực tiếp chỉ huy tổ khoan nổ, Đại úy Vương Đình Tuệ chia sẻ: “Khu vực làm nhiệm vụ rất nguy hiểm, vì sau nhiều ngày mưa, đất đá đã no nước, nhiều tảng đá lớn ước khoảng trên 20 tấn treo trên vách núi lâu ngày mỏi, chẳng biết sạt khi nào. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi phải cử 01 đồng chí thường xuyên theo dõi địa chất xung quanh, sử dụng loa tay sẵn sàng cảnh báo khi có nguy cơ sạt lở. Quá trình khoan, nhồi lèn thuốc nổ, anh em luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên quan sát, xác định trước hướng thoát đề phòng xảy ra sự cố còn kịp thời thoát thân”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, loại máy đục bê tông mà lữ đoàn sử dụng là loại máy động cơ hai kỳ, chạy nhiên liệu xăng, trang bị trên xe cứu hộ đa năng (MAN) dùng để đục tường, bê tông trong cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên công suất máy khá nhỏ, chỉ phù hợp khi khoan độ sâu 30 đến 40cm. Trong khi tảng đá quá lớn, cần khoan độ sâu 60 đến 80cm để phá nổ đạt hiệu quả. Vì vậy, khoan được một lúc anh em phải cho máy nghỉ, đề phòng máy chạy quá công suất, dẫn đến hư hỏng. “Khi khảo sát lên phương án phá nổ, vấn đề an toàn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Vì địa chất yếu, những điểm sạt lở trước đó hay xung quanh khu vực đều có thể sạt lở do chấn động sau nổ gây ra, đây là điều buộc chúng tôi phải tính đến. Sau khi trao đổi kỹ, chúng tôi quyết định sẽ khoan nổ làm hai đợt, bóc hai lớp từ ngoài vào đủ cho phương tiện cơ giới đi qua”, anh Hưng chia sẻ với chúng tôi.

Nhồi lèn thuốc nổ và liên kết đồ dùng gây nổ chuẩn bị phá đá,

Đợt 1, sau 12 mũi khoan, tổ công binh đã tính toán chính xác lượng thuốc nổ để thuốc nổ nổ om trong đá, nhằm hạn chế tác động lớn đến địa chất xung quanh. Kết quả nổ đầu tiên rất cao, tảng đá không vỡ vụn mà nứt ra từng mảnh để xe vào múc, ủi mở đường. Đến 07 giờ 30 phút ngày 23/10/2020 đã mở được chiều rộng 5m, đủ cho phương tiện cơ giới vào cứu nạn. Phát huy kinh nghiệm nổ của đợt 1, đợt 2 với 11 mũi khoan, tổ công binh đã phá xong tảng đá hơn 40 tấn, để đến 17 giờ 30 ngày 23/10/2020, xe cơ giới vào khai thông đường 71, giúp lực lượng cứu nạn của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế tiến thẳng vào nhà máy thủy điện Rào Trăng 3. Hiện nay, lực lượng lữ đoàn đang tích cực cùng các lực lượng cứu nạn tranh thủ từng giờ, từng phút, nỗ lực tìm kiếm 12 công nhân bị vùi lấp tại đây.

Nói về vai trò của công binh trong cứu hộ, cứu nạn tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thời gian qua, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và các cơ quan, đơn vị đều đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của Lữ đoàn công binh 414, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã và đang phát huy tốt truyền thống “Mở đường thắng lợi” của binh chủng Công binh, mở đường thắng lợi trên mặt trận phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, viết tiếp truyền thống vẻ vang của Đoàn Hải Vân anh hùng trên quê hương Bác.

Ghi chép: HOÀNG THÁI

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội