A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện những người lính cứu rừng

Nắng nóng kéo dài kéo thêm cháy nổ, cháy rừng xảy ra thường xuyên. Chỉ trong 2 tuần cuối tháng Sáu đầu tháng Bảy năm 2019 vừa qua, cả nước đã xảy ra hơn 100 vụ cháy rừng, riêng khu vực miền Trung cao điểm có ngày xảy ra 17 vụ cháy. Phối hợp với các lực lượng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động hơn 15 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng 200 phương tiện tham gia chữa cháy rừng. Sau đợt cháy rừng, cán bộ, chiến sĩ  tham gia chữa cháy trở về với nhiệm vụ thường ngày. Những ký ức, dư âm về các đợt tham gia chữa cháy rừng đó chắc sẽ còn in đậm trong tâm trí mỗi người lính trẻ. Chẳng thế mà, vào giờ nghỉ ở các đơn vị những câu chuyện mộc mạc, kỷ niệm đong đầy cảm xúc khi tham gia chữa cháy rừng được những người lính trẻ sôi nổi kể cho nhau nghe.

          

Giờ nghỉ giải lao trên thao trường huấn luyện của Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 414, nhìn về những khu rừng còn loang lỗ vết cháy ở phía xa xa, cán bộ, chiến sĩ lại kể cho nhau nghe về những kỷ niệm của khoảng thời gian xuyên ngày, trắng đêm dập lửa cứu rừng. Binh nhất Hồ Viết Đạt, chiến sĩ Đại đội 3 kể với đồng đội: “Lúc 3 giờ sáng ở điểm cháy rừng ở xã Khánh Sơn, lúc đó tiểu đội tớ đã hết nước, ai cũng khát đến “khô cổ”. Trong đêm tối như thế mà có một nhóm các bạn mặc áo thanh niên tình nguyện mang nước đến. Chia nhau từng ngụm nước, chúng tớ khỏe hẳn người ra và xúc động bởi những quan tâm kịp thời của các bạn thanh niên tình nguyện…”. Hòa vào câu chuyện của Đạt, Binh nhất Bùi Văn Hùng, chiến sĩ Đại đội 2 nhớ lại: “Ở sườn đồi bên Tiểu đội tớ thì thoải hơn nên người dân thường xuyên mang nước và mía, bánh lên tiếp tế. Xúc động nhất là có nhiều bác đã khá nhiều tuổi, mang nước lên đến nơi nhìn rất mệt mỏi mà vẫn động viên chúng tớ các cháu nghỉ ngơi đi một tý để các bác tiếp sức. Thế là họ cầm dụng cụ lao vào dập lửa…”.

 Qua câu chuyện mộc mạc của Đạt và Tân và các chiến sĩ trẻ ở từng điểm cháy mới thấy dù những ngọn lửa ngồn ngộn hung tàn, như muốn thiêu rụi tất cả, song trong cuộc chiến với “giặc lửa”, người lính không đơn độc một mình, mà họ thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên, sát cánh hỗ trợ kịp thời của bà con nhân dân. Hình ảnh nhiều mẹ già, cháu nhỏ, những người dân giữa trưa hè nắng nóng hay trong đêm tối không quản hiểm nguy vượt dốc mang từng chai nước, ổ bánh tiếp tế cho các lực lượng chữa cháy đã khiến những người lính thêm bùi ngùi, xúc động. Chia nhau từng ngụm nước, mẫu bánh, mỗi cán bộ, chiến sĩ càng cảm nhận sâu sắc hơn tình quân dân, tình đồng đội trong khó khăn, hoạn nạn mới ý nghĩa, thiêng liêng làm sao. Nghĩa tình đó như tiếp thêm sức mạnh để những người lính trẻ như không còn nghĩ đến thời gian, quên đi đói, khát, mệt nhọc, mỗi khi lửa bùng phát lại lao vào dập lửa, như lời chia sẻ của Trung sĩ Nguyễn Công Tân, Tiểu đoàn Vượt sông 27, Lữ đoàn 414, Quân khu 4 : “Nhiều người dân tiếp nước, đồ ăn nhưng lúc đó chúng tôi không biết mình ăn lúc mấy giờ. Gặp nước ở đâu uống ở đó. Lúc đang ăn thấy lửa bùng phát trở lại thì lập tức đứng dậy lại lao vào để dập lửa…”.

 

          Không chỉ ăn qua loa, uống vài ngụm nước, quên mất thời gian để cứu rừng mà những người lính còn sẵn sàng thở trong lửa hồng, bước lên than đỏ, quên đi ngột ngạt, bỏng rát. Chia sẻ của Binh nhất Trần Văn Đạt, chiến sĩ Tiểu đoàn 27 càng khiến chúng tôi càng thêm cảm phục ý chí người lính, dù khó khăn nhưng với quyết tâm không để ngọn lửa lan rộng, các anh đã không quản ngại vất vả, hiểm nguy. Đạt bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất là đường cơ động lên các đám cháy vừa dốc cao, vừa trơn trượt bởi lớp thực bì; có nhiều đoạn phía dưới là vực sâu, phía trên là lửa cháy. Mang theo dụng cụ chữa cháy nên chúng tôi phải lần từng bước nếu không rất dễ mất an toàn. Đến gần lửa thì nóng tưởng chừng như không chịu được. Tôi còn nhớ vừa dập xong đám cháy bên này thì thấy chân rất rát nhưng đám cháy phía trong lại bùng phát nên cố nén đau rát để dẫm lên than lao vào dập không để lửa lan rộng...”.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414, chúng tôi đến Tiểu đoàn Đặc công 31 (Bộ Tham mưu Quân khu) - một trong những đơn vị đầu tiên cơ động tham gia chữa cháy rừng ở Hồng Lĩnh vừa qua. Trên thao trường huấn luyện, trong mọi hoạt động, chúng tôi dễ dàng cảm nhận khí thế thi đua hăng say luyện rèn, thực hiện nhiệm vụ trong mỗi cán bộ, chiến sĩ. Với nhiều chiến sĩ trẻ của đơn vị, dịp cháy rừng vừa qua là lần đầu tiên họ tham gia chữa cháy. Tuy còn bỡ ngỡ nhưng khi ngọn lửa ngày càng lan rộng gần đến nhà dân, với suy nghĩ phải bảo vệ bằng được tính mạng, tài sản của nhân dân, những người lính đặc công không ai bảo ai lại lao vào khống chế ngọn lửa. Dân chưa yên, quân chưa nghỉ nên với Binh nhất Nguyễn Huy Thao, chiến sĩ Đại đội 1 dù người nhà đến thăm nhưng khi ngọn lửa vẫn đang ngùn ngụt bốc cháy, em đã gác việc riêng sẵn sàng cùng động đội cơ động giúp nhân chữa cháy. Thao chia sẻ: Lúc đó là ngày nghỉ, tôi nhận được tin có mẹ và cháu đến thăm. Sau khi nhận được lệnh đi chữa cháy rừng, ra đến cổng thì thấy mẹ và cháu, nhưng tôi chỉ kịp vẫy tay để cùng động đội cơ động thực hiện nhiệm vụ. Khi trở về đơn vị thì mẹ và cháu đã trở về nhà, đến giờ tôi chưa gặp lại người thân…”.

Trò chuyện cùng các đồng đội của Thao, mỗi người một kỷ niệm khó quên, song ai cũng cùng chung hồi tưởng là trước “giặc lửa”, quân và dân như trở thành đồng chí, đồng đội cùng đoàn kết, chung lòng, sẻ chia vất vả để cùng chiến đấu. Dẫn chứng cho tôi về tình quân dân trong bão lửa, Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh, Chính trị viên Đại đội 2 kể: “Đơn vị cơ động đến đám cháy, trước ngọn lửa ngùn ngụt, tôi chưa kịp định hình chỉ huy bộ đội chữa cháy thế nào thì thấy một bác trai tầm 60 tuổi ở gần đó hét lớn: “Lửa thế này, không dập được đâu, phải tạo đường băng cản lửa ngay”. Nói rồi bác cầm cưa xăng cưa liên tiếp hạ những cây xanh. Lúc đó, tôi chỉ kịp nói với bác: “Bác cứ cưa đi chúng cháu sẽ dọn dẹp tạo đường băng phía sau. Dù không quen biết nhưng trước ngọn lửa, chúng tôi với bác như trở thành đồng đội của nhau. Chính trong hoạn nạn, tình đoàn kết, chung sức, chung lòng của quân và dân đã thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm, nhiệt huyết trong mỗi chúng tôi để át dần ngọn lửa hung tàn đang muốn thiêu rụi tất cả”.

Người mà Thượng úy Nguyễn Văn Thịnh nhắc đến chính là cựu chiến binh Đậu Văn Tiến, ở xã Xuân Phổ - một trong những tấm gương quên mình tham gia chữa cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh vừa qua. Qua những việc làm của bác Tiến, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức xây dựng, phát sóng chương trình qua chuyên mục “Điều ước thứ 7”. Những chia sẻ chân thành, mộc mạc, rất đỗi bình dị của bác Tiến trong chương trình khiến những ai theo dõi cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động. Trong chương trình có đoạn bác Tiến kể: “Lúc thấy bộ đội cơ động tới, tôi thấy mình như có thêm đồng đội. Ngọn lửa mỗi lúc một bùng phát mạnh, rất nóng và nguy hiểm nhưng tôi tự trấn an mình, tôi còn các đồng đội phía sau nên không việc gì phải sợ. Quyết tâm làm bằng được đường băng để không để ngọn lửa lan rộng xuống gần nhà dân, nên tôi cùng “đồng đội của mình” đã cản được lửa…”.

 

Những ngọn lửa hung tàn ở các cánh rừng miền Trung đã lụi dần, tắt hẳn trước sức mạnh của tình quân dân, trở lại với những hoạt động thường ngày nhưng “ngọn lửa” của lòng nhiệt huyết, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ ở mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu lại được nhân rộng hơn. Và, hơn ai hết, họ không bao giờ mong muốn thiên tai, bão lũ, cháy rừng xảy ra. Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt luôn rình rập những hiểm nguy. Và họ,  những người lính không chỉ huấn luyện để sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi mà còn phải luyện kỹ để trị "giặc thủy, "giặc hỏa"

 

Thanh Hải, Đức Cương, Hồ Việt


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội