A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở tỉnh Thanh Hóa: Vững mạnh, rộng khắp, sát nhiệm vụ

Xác định lực lượng dân quân tự vệ có vai trò hết sức quan trọng trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và các hoạt động ở cơ sở, nên những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, hoạt động có hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Văn Võ, Phó tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, hàng năm, Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã tổ chức rà soát, đăng ký số công dân trong độ tuổi thực hiện dân quân tự vệ, trên cơ sở đó, chủ động xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đủ về cơ cấu, số lượng, chú trọng nâng cao chất lượng...”.

 Để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, trước khi kết nạp một công dân vào lực lượng dân quân tự vệ đều phải đưa ra lấy ý kiến dân chủ trước các cuộc họp thôn, xóm và cơ quan. Từ việc phát huy ý kiến dân chủ của mọi người nên ai cũng luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Do vậy, những năm qua, chất lượng dân quân tự vệ các địa phương, đơn vị ở Thanh Hóa luôn được nâng lên. Khi được kết nạp, hầu hết các chiến sĩ đều phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ. Qua trao đổi với đại diện cấp ủy, chính quyền một số địa phương ở Thanh Hóa, tất cả đều khẳng định, muốn nâng cao chất lượng dân quân tự vệ trước hết phải làm tốt công tác phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ. Theo đó, chỉ tiêu phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ được giao cụ thể đến từng chi bộ và lấy đó làm một trong những tiêu chí bình xét, phân loại kết quả cuối năm. Ở những địa phương khó khăn như địa bàn miền núi, vùng giáo thì cơ quan quân sự tham mưu cho cấp ủy địa phương phân công các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy xã (phường, thị trấn) trực tiếp chỉ đạo và xây dựng mô hình điểm phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn. Từ những chủ trương, cách làm phù hợp nên chất lượng chính trị, trong đó, tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ ở Thanh Hóa không ngừng được nâng lên. Đến nay, lực lượng dân quân tự vệ tỉnh Thanh Hóa chiếm tỷ lệ 1,6% so với dân số; tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ đạt hơn 25%.

Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, tỉnh Thanh Hóa còn biết đến là địa phương đi đầu trong việc quan tâm, chăm lo, hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ. Ngọc Trạo là một xã nghèo của huyện Thạch Thành, thế nhưng UBND xã vẫn dành riêng cho Ban CHQS một phòng làm việc với đầy đủ các trang bị như tủ súng, tủ đựng tài liệu, bàn, ghế làm việc. Đi cùng với sự quan tâm về vật chất là chất lượng, hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng của xã Ngọc Trạo cũng không ngừng nâng lên. Được biết, trước đây hầu như phòng làm việc của Ban CHQS xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều chung với một số ban, ngành khác; diện tích hẹp, điều kiện sinh hoạt, học tập, làm việc khó khăn, ảnh hưởng hiệu quả công tác. Nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, đến nay cơ bản Ban CHQS xã, phường, thị trấn ở Thanh Hóa đã có phòng làm việc khang trang, kiên cố. Nhằm đảm bảo cuộc sống và sự ổn định trong lực lượng dân quân, nhiều địa phương đã có những chính sách ưu tiên, tạo việc làm, cho vay vốn với lãi suất thấp để các chiến sĩ dân quân phát triển kinh tế. Cụ thể như ở thành phố Thanh Hóa, lực lượng dân quân được cấp ủy, chính quyền địa phương liên hệ bố trí vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn và đảm nhận một số công việc như tham gia Ban quản lý chợ; dịch vụ môi trường đô thị… Còn một số xã ở các huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy... thì giao cho trung đội dân quân cơ động một diện tích đất canh tác hoặc làm bảo vệ, thi công các công trình công cộng để gây quỹ hoạt động... Theo báo cáo của Ban Dân quân, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa thì hiện nay hầu hết lực lượng dân quân nòng cốt đều có việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương. 

Lực lượng dân quân thường trực xã Tén Tằn, huyện Mường Lát cùng bộ đội Biên phòng giảo lao trên đường tuần tra biên giới

 

Công tác huấn luyện cũng được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, chỉ đạo, nên chất lượng không ngừng nâng lên. Trong chương trình huấn luyện hàng năm, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế đưa các nội dung huấn luyện bổ trợ vào sát với đặc thù địa bàn. Là địa phương có 192 km đường biên giới và hơn 100 km bờ biển nên tỉnh Thanh Hóa rất coi trọng việc xây dựng lực lượng dân quân tuyến biên giới và tuyến biển. Ở các địa bàn trọng điểm trên tuyến biến giới như xã Na Mèo (huyện Quan Sơn), Tén Tằn (huyện Mường Lát), Bát Mọt (huyện Thường Xuân) mỗi xã có một tiểu đội dân quân thường trực và 5 huyện tuyến biển đều thành lập trung đội dân quân biển. Lực lượng này, hàng năm ngoài việc huấn luyện theo chương trình quy định các địa phương còn phối hợp với các đồn Biên phòng, Hải quân tổ chức huấn luyện và tuần tra giữ gìn trật tự an toàn xã hội...

Đại tá Đỗ Văn Minh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Với sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành và sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp nên lực lượng dân quân tự vệ luôn là lực lượng nòng cốt trong mọi nhiệm vụ ở địa phương. Nổi bật trong việc tham gia phối hợp giữ gìn an ninh chính trị; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt và trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương”.

 

    Bài, ảnh: Phùng Ngọc Thăng


Tác giả: Phùng Ngọc Thăng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội