A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình thiêng liêng

Một ngày đầu tháng Sáu năm 2019, tôi có chuyến công tác đến Trung đoàn 762, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa và gặp lại Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Quát. Anh cho tôi nhiều bất ngờ. Bởi, trước đây tôi và anh từng có thời gian công tác với nhau ở đảo Hòn Mê, anh là lái xe, tôi là Trung đội trưởng Trung đội 12,7mm án ngữ trên đỉnh đảo, anh hay chở thủ trưởng và khách lên thăm trận địa nên chúng tôi khá thân thiết.

Bất ngờ hơn nữa, giờ đây anh là Nhân viên Đội quy tập hài cốt liệt sỹ Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa. Anh Quát tâm sự: “Mình rất vinh dự khi đã có gần 3 năm gắn bó với nhiệm vụ liêng thiêng này. Tháng 5 năm 2019, mình cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Lào về nước mùa khô năm 2018 - 2019. Còn bây giờ, bên đất bạn Lào là mùa mưa nên anh em về nước thực hiện các nhiệm vụ khác và chuẩn bị tốt mọi mặt để lên đường vượt dãy Trường Sơn tiếp tục đi tìm đồng đội vào mùa khô 2019 - 2020”. 

Tôi hỏi anh Quát: “Từ biển khơi tới miền rừng núi cao, nhiệm vụ, đặc thù công việc thay đổi có gì đặc biệt?”. Anh xúc động trả lời: “Thiêng liêng! Rất đỗi thiêng liêng. Bằng tình cảm đồng đội, đồng chí và lòng biết ơn sâu sắc những người đã ngã xuống, ai cũng cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, quyết tâm cao nhất để đưa được nhiều hài cốt liệt sỹ về với đất mẹ sau hàng chục năm trời đằng đẵng”. Từng tìm hiểu về các đơn vị quy tập hài cốt liệt sỹ của Quân khu, tôi đã chứng kiến sự vất vả, khó khăn khó có thể nói hết bằng lời của cán bộ, nhân viên quy tập, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ trên đất nước bạn Lào. Nhưng anh Quát lại “mềm hóa” đi những nhọc nhằn và tôi thấy ở trong anh luôn trào dâng lên niềm cảm xúc mãnh liệt với mong muốn tìm kiếm, đưa được hết hài cốt những người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất nước Bạn. 

Đội quy tập mộ liệt sỹ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đi tìm hài cốt liệt sỹ tại huyện Pô Ly Khăn, tỉnh Bô Ly Khăm Xay - Lào.                                      Ảnh: Hồ Trang

Cũng như anh Quát, mọi cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ đều rất ít nói về khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy, nhưng tôi biết với hàng nghìn ngôi mộ được tìm thấy - hàng nghìn liệt sỹ đã trở về với đất mẹ sau bao nhiêu năm nằm lại trong rừng thẳm của nước bạn Lào cũng đồng nghĩa với bấy nhiêu khó khăn, gian khổ và hiểm nguy mà các anh đã vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ…

Các đợt quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào của Quân khu đều diễn ra vào mùa khô, từ tháng 9, tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mùa khô ở Lào khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu nước, đất đai như bị rang lên; thức ăn, rau xanh thiếu thốn. Cán bộ, nhân viên các đội quy tập vừa tìm kiếm phần mộ liệt sỹ, vừa tăng gia sản xuất, vừa làm công tác dân vận… Nhưng khó khăn nhất là hầu hết vị trí mộ liệt sỹ đều nằm trong rừng sâu, phải hành quân bộ cả ngày đường mới tới nơi. Anh em vừa đi, vừa mở đường. Mấy chục năm trời, địa hình thay đổi do mưa gió bào mòn, các phần mộ trôi đi hoặc bị san phẳng; việc so sánh vị trí các phần mộ với sơ đồ được cung cấp hết sức khó khăn. Với tấm sơ đồ, những thông tin ít ỏi và sự dẫn đường giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của nhân dân các dân tộc Lào thì hành trang của các anh là sức người, là nghĩa tình với người đã ngã xuống. Chiến trường xưa đã thay đổi rất nhiều nhưng bom đạn còn sót lại không hề ít. Những bãi mìn, bãi bom bi như những chiếc bẫy giăng ra thử thách lòng dũng cảm và kiên trì của những người đi tìm đồng đội. Chỉ cần một nhát cuốc bổ xuống không đúng cách, hay chiếc xẻng bị dẫm quá sâu, tiếng nổ chát chua sẽ vang lên…

Mùa khô rừng Lào khắc nghiệt, ngày nắng khô khốc, đêm rét thấu xương. Mặt đất rắn đanh, nhát cuốc bổ xuống, bật ngược trở lại. Những đôi tay chai sạn, tướp máu vẫn cẩn thận lật từng lớp đất như sợ đụng chạm vào cõi yên nghỉ của các liệt sỹ. Mỗi ngôi mộ được phát hiện, dẫu không còn nguyên vẹn, dẫu chẳng có một dòng tên tuổi, địa chỉ cũng khiến cán bộ, nhân viên các đội quy tập mừng rơi nước mắt. Bởi đó là hồn cốt, là xương máu của cha anh đã hòa vào cỏ cây, đất đá góp phần cho nước Bạn độc lập, tự do...

Đã có lần tôi trò chuyện với Thượng tá Lê Phương Đông, Chính trị viên Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị  và được anh chia sẻ: “Với cán bộ, nhân viên chúng tôi, mỗi lần xuất quân sang nước Bạn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ như một lần ra trận. Tất cả đều phải đủ vũ khí trang bị, cuốc xẻng, võng, gạo và những đồ vật không thể thiếu cho việc cất bốc mộ liệt sỹ. Nhưng với chúng tôi, những chuyến đi ấy là niềm hạnh phúc bởi thành quả là biết bao liệt sỹ được trở về đất mẹ thân thương”.

Anh Đông cũng cho biết, ở Lào, đội được phân công khảo sát, tìm kiếm, quy tập trên địa bàn thuộc 3 tỉnh Khăm Muộn, Xa La Van và Xa Vẳn Na Khệt. Chiến tranh đã lùi xa, địa hình đã thay đổi quá nhiều, phần lớn hài cốt liệt sỹ chưa tìm thấy đều ở những địa bàn hết sức phức tạp phải xác định tọa độ trên bản đồ. Nhiều khu vực trước khi tìm kiếm, phải tổ chức rà phá bom mìn, phát quang. Địa hình các tỉnh với phần lớn diện tích là rừng rậm, vách cao, suối sâu nên việc tìm kiếm của đội ngày càng gian nan. Có những đợt tìm kiếm kéo dài cả tuần, lương thực, thực phẩm, nước uống cạn kiệt, cả đội lại động viên nhau ăn rau rừng, bắt cá, uống nước suối. Nhiều người bị vắt, muỗi rừng cắn phát sốt, điều trị khỏi lại tiếp tục lên đường. Có khi các anh mải băng rừng lần theo dấu vết rồi bị lạc đường, không còn thức ăn, nước uống, phải đốt lửa ở qua đêm, đợi trời sáng mới xác định được hướng đi.

Là người có nhiều thành tích trong công tác quy tập, Thượng úy QNCN Trương Quang Trung, Nhân viên Đội quy tập mộ liệt sỹ Bộ CHQS Quảng Bình chia sẻ: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ anh em gặp rất nhiều khó khăn: hồ sơ, tài liệu quản lý bị thất lạc, các phần mộ liệt sỹ chưa được quy tập chủ yếu tập trung ở vùng núi cao, rừng sâu, xa các trục đường giao thông, không có dân nước bạn sinh sống, nhiều khu vực bị bom đạn cày xới nhiều lần nên việc tìm kiếm xác định phần mộ vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mặt khác, phần lớn các nhân chứng Việt Nam cũng như nước bạn Lào lúc bấy giờ, nay đã già yếu, không có điều kiện hỗ trợ cho việc khảo sát, tìm kiếm...”.

Được xem kế hoạch hoạt động tìm kiếm của đội, mới hiểu hết những việc các anh đang làm với biết bao thử thách: Trước khi lên đường 100% cán bộ, chiến sỹ trong đội đều được huấn luyện thuần thục các nhiệm vụ, như: Rà phá, tháo gỡ bom mìn; trinh sát địa hình, xác định đúng tọa độ; kinh nghiệm tìm kiếm mộ liệt sỹ; luyện tập hành quân xa, mang vác nặng vượt suối, trèo đèo; huấn luyện hậu cần, kỹ thuật, luyện tập xử lý 5 biện pháp cấp cứu; trình độ sử dụng máy thông tin liên lạc, học tiếng và tìm hiểu phong tục tập quán các dân tộc nước Bạn…

Nhân dân các dân tộc Lào ở bản Pắc, huyện Vùng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào động viên cán bộ, nhân viên Đội quy tập mộ liệt sỹ Bộ CHQS Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ.
                                                                                                  Ảnh: Hồ Việt

Sau bao nhiêu năm tìm kiếm bên nước Bạn, các đội quy tập tìm kiếm mộ liệt sỹ Quân khu đã đến hàng nghìn địa điểm, khai quật hàng chục nghìn mét khối đất đá, cơ động hàng trăm nghìn km để tìm kiếm, hồi hương được hàng nghìn bộ hài cốt liệt sỹ về nước, trong đó nhiều hài cốt xác định được tên, quê quán đã bàn giao cho các địa phương. Đặc biệt, trong quá trình làm nhiệm vụ, các đội còn làm tốt công tác dân vận khi tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân Lào anh em, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, trồng hoa màu, giúp nhân dân nhiều phương tiện sản xuất. 

Với gia đình mẹ Nang Bu Khăm, ở bản Phôn Xa Vàng, huyện Mường Pẹc, tỉnh Xiêng Khoảng thì cán bộ, nhân viên Đội quy tập Bộ CHQS Nghệ An không chỉ là Bộ đội Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ mà gia đình mẹ ai cũng xem các anh như là người thân trong gia đình. Mẹ Nang Bu Khăm kể, trước năm 2015, gia đình mẹ thuộc diện hộ nghèo nhưng sau hơn 3 năm học tập mô hình tăng gia, chăn nuôi tập trung của Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An và được cán bộ, nhân viên trong Đội trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ quy hoạch gần 2.000m2 vườn, giàn trồng các loại rau xanh. Nhờ đó, hàng ngày, không chỉ đủ rau xanh để ăn, mẹ Nang Bu Khăm còn bán rau ra thị trường, cho thu nhập cao và trở thành hộ gia đình kinh tế khá trong bản.

Thiếu tá Lê Quốc Ân, Phó đội trưởng Đội quy tập Bộ CHQS Nghệ An chia sẻ với chúng tôi: “Mặc dù thường xuyên cơ động lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên nhiều hướng, nhiều mũi của 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn và Xay Xổm Bun nhưng không vì thế mà công tác tăng gia, chăn nuôi của đội bị sao nhãng. Bên cạnh nâng cao đời sống của anh em, chúng tôi còn xem đây là một nhiệm vụ dân vận phải làm tốt để gần dân, hiểu dân, được nhân dân các bộ tộc Lào tin yêu, thắt chặt thêm tình cảm quân dân. Xuất phát từ tình cảm đó của bộ đội Việt Nam mà nhiều cụ ông, cụ bà nước Bạn sức đã yếu, mắt đã mờ, không chỉ cung cấp cho đội nhiều thông tin chính xác mà còn bất chấp hiểm nguy, dấn thân cùng bộ đội Việt Nam lặn lội nơi rừng thiêng, nước độc để tìm kiếm, quy tập các phần mộ liệt sỹ. Nhiều cán bộ, nhân viên các đội quy tập mang trên mình thương tật suốt đời, khi thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này”. 

“Những khó khăn gian khổ hiểm nguy đó, cán bộ, nhân viên các đội quy tập đón nhận như những điều bình thường. Chính điều bình thường giản dị đó đã tạo nên sức mạnh đoàn kết để anh em vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - Đại tá Vũ Đình Thắm, Trưởng phòng Chính sách Quân khu khẳng định với chúng tôi như thế khi nói về các anh, những người đi tìm đồng đội trên đất nước Triệu Voi.

Ghi chép của Mạnh Hùng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội