A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bố trí thế trận trong trận then chốt quyết định

Thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976), Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược vì Tây Nguyên là địa bàn có vị trí vô cùng quan trọng về chiến lược, nếu ta giải phóng được, sẽ làm rung chuyển toàn bộ chiến trường miền Nam.

Để bảo đảm chiến dịch chắc thắng, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tiến hành công tác chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chu đáo và quyết định chọn Buôn Ma Thuột để đánh trận mở đầu - trận then chốt quyết định. Trận Buôn Ma Thuột được coi là điển hình của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trong đó, mưu kế điều khiển thế trận là nét nổi bật, góp phần vào thành công của Chiến dịch Tây Nguyên.

Ngày 4-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Từ ngày 4 đến 9-3, ta đã chỉ huy tổ chức nghi binh, tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch, tạo điều kiện đánh Buôn Ma Thuột. Thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ Đắc Lắc là vị trí xung yếu, nhưng do mắc mưu kế nghi binh của ta nên địch dồn phần lớn lực lượng lên phía bắc; phòng thủ của chúng ở đây mỏng hơn và có nhiều sơ hở. Qua một thời gian ta tiến hành nghi binh, địch tin chắc ta sẽ đánh Pleiku. Ta quyết định nổ súng đánh cắt giao thông, chia cắt chiến dịch theo kế hoạch. Trong ngày mở đầu chiến dịch, 3 con đường huyết mạch (19, 14, 21) tiếp tế cho Tây Nguyên của địch đã bị cắt hoàn toàn. Khi thấy địch vội vã dùng trực thăng đổ liên đoàn 21 biệt động quân từ bắc Tây Nguyên xuống sân bay Hòa Bình và đưa liên đoàn này lên Buôn Hồ (nam Thuần Mẫn 30km) để bảo vệ bắc Buôn Ma Thuột, ta đã sử dụng các đơn vị pháo binh tổ chức bắn kiềm chế hai sân bay Cù Hanh, Hòa Bình; Sư đoàn 968 đánh cắt đường 14 giữa Kon Tum và Pleiku và tiếp tục bắn phá vào hai thị xã này.

Bố trí thế trận trong trận then chốt quyết định
Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 148, Sư đoàn 316) tiến công tiêu diệt khu thiết giáp của địch trên hướng Tây Bắc thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu

 

Tiếp tục kế hoạch cô lập Buôn Ma Thuột, ngày 9-3-1975, Sư đoàn 10 nổ súng tiến công Đức Lập. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, sư đoàn phải tổ chức nhiều đợt tiến công, đưa pháo vào gần bắn thẳng, đến 8 giờ 30 phút ngày 10-3 mới làm chủ được quận lỵ. Sau khi chiếm Đức Lập, chiều 10-3, Sư đoàn 10 tiếp tục tiến công căn cứ Đắc Lắc, giải phóng Đắc Song. Sau 6 ngày đêm chiến đấu, giai đoạn tạo thế của chiến dịch đã hoàn thành, Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị chia cắt từ mọi phía. Lúc này, dù địch có biết ta đánh vào Buôn Ma Thuột cũng đành bó tay.

 

Tuy nhiên, kể cả khi ta đã chiếm Thuần Mẫn, tiến công Đức Lập nhưng địch vẫn chưa đoán được ý định tiến công vào Buôn Ma Thuột. Để bảo đảm chắc thắng, ta tập trung lực lượng lớn, gồm 12 trung đoàn bộ binh và binh chủng tham gia tiến công Buôn Ma Thuột; triển khai tiến công trên 5 hướng: Sư đoàn 316 trên hướng bắc, nam và đông; Sư đoàn 10 tổ chức một mũi binh chủng hợp thành thọc sâu vào sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy; Trung đoàn 95B triển khai đánh vào ngã sáu.

Trận đánh Buôn Ma Thuột bắt đầu lúc 2 giờ 3 phút ngày 10-3-1975. Các đội đặc công của Trung đoàn 198 luồn sâu lót sẵn bất ngờ nổ súng tiến công kho Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, sân bay thị xã và hậu cứ trung đoàn 53, làm chủ được một số mục tiêu. Phối hợp với đặc công, các phân đội H12 và ĐKB bắn phá vào căn cứ của sư đoàn 23. Lợi dụng tiếng nổ, các loại xe pháo, xe tăng, ô tô chở bộ binh của ta từ 5 hướng (đơn vị gần là 10km, đơn vị xa là 25km) tiến vào thị xã. Các đơn vị chiếm lĩnh trận địa, phát triển chiến đấu theo kế hoạch. Bị tiến công dồn dập từ nhiều hướng, địch co về phòng thủ tại căn cứ sư đoàn 23, đồng thời sử dụng 79 lần chiếc máy bay ném bom vào đội hình tiến công của ta. Phạm Văn Phú, tư lệnh quân đoàn 2 ngụy yêu cầu Vũ Thế Quang (chỉ huy ở nam Tây Nguyên) cố giữ 2-3 ngày để chúng tăng viện ứng cứu. Sau khi phân tích tình hình, Tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm nhanh chóng đánh chiếm căn cứ sư đoàn 23 và các mục tiêu còn lại trước khi địch đưa lực lượng dự bị đến ứng cứu. Từ 6 giờ ngày 11-3, ta nổ súng tiến công vào căn cứ sư đoàn 23 ngụy, sau hai giờ hỏa lực chuẩn bị, bộ binh, xe tăng ta từ 3 mũi tiến công, đến 11 giờ ngày 11-3-1975, ta làm chủ Buôn Ma Thuột.

Buôn Ma Thuột bị chiếm, đường 19 bị cắt, Pleiku, Kon Tum bị bao vây uy hiếp, hướng Nha Trang-Cam Ranh bị bỏ ngỏ, địch rơi vào thế bị động, lúng túng. Ngày 14-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống Việt Nam cộng hòa đã quyết định rút toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên theo đường 7 về giữ đồng bằng. Do đã dự kiến trước tình huống địch rút chạy, ta dùng Sư đoàn 320 truy kích tiêu diệt quân địch, đồng thời yêu cầu bộ đội địa phương Phú Yên chặn đánh địch ở Củng Sơn. Sư đoàn 320 đã giành thắng lợi to lớn trong truy kích địch. Địch hoang mang, rối loạn và nhanh chóng bị tiêu diệt, chỉ có một số rất ít chạy được về Tuy Hòa. Đến ngày 24-3-1975, quân ta đã đập tan ý định bỏ Tây Nguyên về co cụm ở đồng bằng của địch, tạo nên bước ngoặt chiến lược của cuộc chiến tranh, thúc đẩy nhanh quá trình tan rã và sụp đổ của chúng.

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội