A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trận Buôn Ma Thuột tạo thế “trúc chẻ tro bay”

Sau trận Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, thanh thế của Quân Giải phóng đã tạo nên sức nóng khiến quân đội Sài Gòn như bị “tan chảy”. Đó là nhận định của báo chí phương Tây ngay sau sự kiện lịch sử này, làm cho giới nghiên cứu quân sự nhớ tới thế “trúc chẻ tro bay” trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.

Giải tỏa, di tản trong hỗn loạn

Hồi ký “Sụp đổ hoàn toàn” (The Final Collapse; NXB University Press of the Pacific, năm 2005) của tướng Cao Văn Viên (1921-2008), người từng giữ chức tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn giai đoạn 1965-1975 viết về trận Buôn Ma Thuột: 

“Khi đòn tiến công được tung ra vào ngày 10-3, đối phương hướng các nỗ lực chính vào các sở chỉ huy của chúng tôi, nhất là bộ tư lệnh tiểu khu và các đơn vị bảo vệ bộ tư lệnh sư đoàn 23. Chịu sức ép dữ dội ngay từ đầu bởi đòn tiến công ác liệt, bộ chỉ huy tiểu khu đã không thể chỉ huy và hiệp đồng có hiệu quả. Các đơn vị địa phương quân, dân vệ và cảnh sát dần dần rối loạn, tác chiến rời rạc. Viên chỉ huy tiểu khu không thể báo cáo chính xác tình hình ở tỉnh lỵ, và khi sở chỉ huy tiểu khu bị phá hủy bởi pháo kích của đối phương, ông ta đã phải chuyển đến sở chỉ huy của sư đoàn 23. Toàn bộ sức đề kháng có tổ chức của địa phương quân và dân vệ trong tiểu khu đã chựng lại do không còn mệnh lệnh chỉ huy. Sư đoàn 23 Việt Nam cộng hòa (VNCH) cũng lâm vào tình trạng này ngay từ đầu. Sức ép đặc biệt tăng khi xe tăng của đối phương áp sát, vừa bắn vừa đột phá từ vòng ngoài khu vực phòng ngự của sư đoàn 23. Yểm trợ đường không là chính xác, hiệu quả, nhưng do cự ly quá gần nên một quả bom đã rơi trúng vào trung tâm chỉ huy của sư đoàn 23, phá hủy hệ thống thông tin, nghĩa là hủy hoại sự hiệp đồng tác chiến và khả năng kiểm soát tình hình”.

Tuân lệnh của tổng thống Thiệu, hai trung đoàn quân đội Sài Gòn được ném vào cuộc phản kích giành lại Buôn Ma Thuột. Trong sách “Việt Nam chiến sử 1946-1975” (Vietnam at war: The History 1946-1975), tướng tình báo Mỹ Phillip Davidson không nghĩ rằng điều khiển hỏa lực đường không của quân đội Sài Gòn là chính xác. Tác giả viết:

“Cuộc phản kích của quân lực VNCH xảy ra hôm 15-3-1975 và lập tức rơi thẳng vào hỗn loạn. Đã không có tăng và pháo binh hỗ trợ cho quân VNCH, và yểm trợ bằng hỏa lực đường không tầm gần cũng kém. Đã thiếu thốn đủ các loại hàng quân tiếp vụ và đã không thể tiếp viện được qua Quốc lộ 21, vì đường này bị chặn. Tất cả những yếu tố trên đều là quan trọng, nhưng chỉ đóng vai trò thứ yếu trong sự thảm bại của cuộc phản kích. Thành tố chính gây tai họa là khu gia binh ở Buôn Ma Thuột, tại hậu cứ của sư đoàn 23. Khi đáp từ trực thăng xuống khu vực Phước An, thay vì tập hợp đội ngũ để tác chiến, lính VNCH đã chạy đi tìm vợ con. Khi tìm được gia đình mình rồi, họ bỏ quân phục, vũ khí và cùng vợ con chạy xuống Nha Trang. Có thể nói, cuộc phản kích của VNCH đã suy sụp thảm hại cả trước khi nó bắt đầu”.

Cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên trong hỗn loạn của quân đội Sài Gòn. 
Ảnh tư liệu.

 

Vẫn theo lệnh của Thiệu, đại quân VNCH rút khỏi Tây Nguyên theo kế hoạch của tướng Phạm Văn Phú qua Tỉnh lộ 7B, Phú Bổn ngày 24-3-1975. Bài “Trời tối sầm đi, trên một lãnh thổ đang hẹp lại” của Ban biên tập Tuần san Times ngày 7-4-1975 có đoạn viết:

“Tuần trước (cuối tháng 3), các lực lượng của Quân Giải phóng đã được triển khai để chặn dòng di tản từ Tây Nguyên xuống phía bờ biển. Trên một đoạn đường tại tỉnh Phú Bổn (nay thuộc tỉnh Gia Lai-ND), một đoàn xe di tản, chịu tổn thất nặng bởi hỏa lực của đối phương. Tại một điểm khác, một phần của đoàn xe này vượt qua sông Ba đã rơi vào ổ phục kích của đối phương và không thể tiếp tục tiến. Khoảng 50.000 người và 500 xe tải bị kẹt giữa con sông và Quân Giải phóng. Tại bờ bên kia của sông Ba, đoàn công-voa vẫn tiếp tục bị ùn lại. Một mớ bòng bong người, xe máy, xe tải, xe con “dồn cục” trên bờ sông thành một bãi đậu xe khổng lồ. Sau đó, đạn cối và rốc két giội lửa lên bờ sông, làm các xe cộ này bốc cháy, mãi tới 24 giờ sau lửa vẫn bốc dữ dội. Cuối cùng, khoảng 50.000 người qua được sông đã xô nhau thoát ra hướng biển, nơi có các tàu hải quân Mỹ neo đậu, bất chấp hiểm nguy từ phía quân cộng sản. Tuy nhiên, những cây súng bắn tỉa của Quân Giải phóng đã làm cho 100 ngàn người còn lại không thể vượt qua sông Ba…”.

Bài viết “Việt Nam, mổ xẻ sự sụp đổ” trên tờ Bưu điện Washington số ra ngày 19-4-1975 ví cuộc rút chạy này với một sự kiện lịch sử trong Chiến tranh thế giới thứ nhất:

“Bỏ lại những phương tiện quân sự đáng giá hàng triệu USD, quân của tướng Phạm Văn Phú khởi hành từ đầu đông của Đường 19B và Tỉnh lộ 7B-con đường dẫn xuống địa ngục. 7B là con đường không được sửa chữa, không có cầu, khiến cho một đống hỗn độn xe vận tải chèn lấn nhau, cố vượt khúc cạn trên sông. Đoàn quân rút chạy xen kẽ khoảng 200.000 dân tị nạn đã bị phục kích ở Cheo Reo bởi Sư đoàn 320 của Quân Giải phóng. Kết quả là càng thêm hỗn loạn thảm khốc, vượt lên cả trận Caporetto của quân Ý trong Thế chiến thứ nhất, và cần một Hemingway, tác giả kiệt tác “Giã từ vũ khí” nói về Chiến tranh thế giới thứ nhất nữa để đặc tả”.

Hoảng loạn từ Dinh Độc Lập

Bài “Việt Nam, mổ xẻ sự sụp đổ” cho hay, sự hoảng loạn đã nhập vào dinh tổng thống VNCH:

“Thảm họa trên Đường 7B nhanh chóng loang ra. Tại vùng phía bắc của VNCH, tướng Ngô Quang Trưởng sợ bị cách ly khỏi phần lãnh thổ còn lại đã ra lệnh rút lui khỏi Huế. Nhưng tới lúc này, tổng thống Thiệu đã hoảng loạn. Bất chấp cuộc họp hôm 13-3 với Trưởng, Thiệu lệnh cho quân Sài Gòn quay trở lại. Đảo ngược hướng hành quân, quân Sài Gòn va phải những đoàn người di tản, rồi lại đổi hướng lần nữa theo dòng người xuống phía Nam. Cho tới lúc này, sư đoàn 1 tinh binh của Ngô Quang Trưởng đã tan rã đến mức việc phòng thủ Đà Nẵng trở nên không thể. Kết quả từ cuộc rút quân hấp tấp khỏi Pleiku đã phải trả giá”.

Bài của Ban biên tập tờ Times ra ngày 7-4-1975 viết:

“Lảo đảo, choáng váng, lộn xộn là cụm từ để mô tả quân đội Sài Gòn trong cuộc rút lui vào tuần trước khi phải đương đầu với cuộc tiến công của cộng sản. Gần như không hề chạm súng, quân đội Sài Gòn rút khỏi các cứ điểm của họ. Không được chỉ huy, hoàn toàn mất tinh thần, họ vứt súng và nhập vào hàng ngàn người của cuộc di tản dân sự trong kinh hoàng chạy về phía nam. Trên đà thắng chưa từng có trong hai thập kỷ nay, các đơn vị được xe tăng yểm trợ của Quân Giải phóng đã chiếm Đà Nẵng, thành phố đông dân thứ nhì ở Nam Việt Nam. “Đây là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử của Nam Việt Nam”, phó thủ tướng VNCH Phan Quang Đán, giám đốc chương trình tị nạn của chính phủ than vãn. Chiến thắng này đã đem lại cho phía cộng sản quyền kiểm soát gần như toàn bộ nửa lãnh thổ nằm ở phía bắc VNCH, làm thổi bùng con sóng tới hơn 1 triệu người phải bỏ nhà chạy tị nạn. Tại Sài Gòn, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang chịu sức ép chuyển giao quyền lực cho một chính phủ có sự tham gia rộng rãi của nhiều lực lượng hơn…”.

Báo Times ra ngày 7-4-1975 viết tiếp:

“Tồi tệ hơn, cuộc rút lui hỗn loạn của binh lính đã góp phần tạo nên một tâm lý hoảng loạn, làm hàng trăm ngàn người bỏ nhà cửa chạy đi. Trên thực tế, sự suy sụp của chính quyền ở các địa phương trở thành nhân tố quan trọng tạo nên dòng thác người tị nạn, chứ không phải do sợ cộng sản. Từ Đà Nẵng, đã có những báo cáo về việc lính VNCH bắt đầu cướp bóc các cửa hiệu. Trước ngày Đà Nẵng thất thủ 28-3, khoảng 400 quân nhân thuộc không quân Sài Gòn bắn súng lục và ném lựu đạn giành đường vượt qua đám đàn bà và trẻ em để lên một chiếc Boeing 727 được hãng World Airways thuê chở thường dân di tản về Sài Gòn. Một số người bị chết chẹt dưới bánh máy bay khi máy bay cất cánh; một số khác bị chết do sức gió đẩy rơi xuống đất khi cố bám vào cầu thang máy bay chưa đóng được; có người lính chui vào khoang chứa bánh máy bay, bị kẹp chết khi máy bay thu càng sau khi cất cánh. Đám đông vô kỷ luật tại sân bay đã buộc Hoa Kỳ phải đình chỉ chương trình di tản bằng máy bay ở đây…

“Thật kinh khủng”, cha cố người Mỹ John Mergenhagen nói với Roy Rotwan, phóng viên tờ Times: “Đàn ông xô đẩy bật những người phụ nữ và trẻ em để lấy đường leo lên tàu. Cực kỳ hỗn loạn: Đánh lộn, gào thét. Chúng tôi nghe tiếng súng đùng đùng vọng lại từ phía những ngọn đồi. Một số người đã lên đến sát boong tàu nhưng không thể leo lên vì quá già, hoặc quá mệt”. Nhiều giờ sau khi Đà Nẵng thất thủ, tổng thống Ford, đối phó với hỗn loạn hoành hành ở Đà Nẵng, đã ra lệnh cho 4 tàu Hải quân Mỹ đi sát vào bờ biển Việt Nam để thu gom những người tị nạn. Tổng thống cũng kêu gọi tất cả các quốc gia và các công ty nước ngoài có tàu trong vùng biển lân cận giúp đỡ cuộc sơ tán. Các quan chức Lầu Năm Góc dự trù các kế hoạch dùng tàu Mỹ để thu gom những người di tản, ngay cả khi Đà Nẵng đã rơi vào tay cộng sản”.

Bài “Trời tối sầm đi, trên một lãnh thổ đang hẹp lại” đưa ra một dự báo chính xác: “Quân đội VNCH nay đã tỏ ra mất khả năng và ý chí để kháng cự: Tuyến phòng thủ của VNCH bị tan chảy trước sức tiến công của Quân Giải phóng. Sau khi Đà Nẵng thất thủ, đài phát thanh của Hà Nội đã loan báo một lời kêu gọi “cuộc tiến công toàn miền” của họ. Nhiều chuyên gia Mỹ về Việt Nam hai tuần trước chỉ dự báo những tổn thất có mức độ của Sài Gòn trong mùa khô này, hôm nay đã không còn xem nhẹ một vận hội: Đà tiến công của các lực lượng cộng sản có thể đưa họ tới một toàn thắng về quân sự chỉ trong vài tuần tới”.

Theo SKNC/QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội