A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021))

Chiến dịch Hồ Chí Minh: Cuộc tiến công chiến lược binh chủng hợp thành lớn nhất của Quân đội ta

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là cuộc tiếng công chiến lược binh chủng hợp thành lớn nhất của Quân đội ta từ trước đến nay. Trong chiến dịch ta đã sử dụng tổng cộng 15 Sư đoàn cùng với  5 Trung đoàn, Lữ đoàn bộ binh; 4 Trung, Lữ đoàn tăng- thiết giáp, 6 Trung đoàn đặc công và các đơn vị hỏa lực kỹ thuật. Tổng cộng: 280.000 quân, 400 xe tăng- thiết giáp, 420 khẩu pháo các loại…

Sau khi ta giải phóng  Buôn Mê Thuột (10/3/1975), Tây Nguyên (24/3/1975), Huế (26/3/1975), Đà Nẵng (29/3/1975); ngụy quân Sài Gòn bị mất toàn bộ Quân khu 1 và 2, một nửa quân ngụy đã bị tiêu diệt. Trong thế tan rã chiến lược hầu như không thể cứu vãn nổi, địch vẫn ra sức tổ chức lực lượng tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể mặc cả với ta trong trường hợp dẫn đến thương lượng hòa bình. Chúng lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa, như tập đoàn phòng ngự Phan Rang, tập đoàn phòng ngự Xuân Lộc và sau  đó là tập đoàn phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, với tổng lực lượng gồm:  5 Sư đoàn bộ binh (22, 25, 5, 18 và Sư đoàn thủy quân lục chiến) cộng với 2 Lữ đoàn dù (1, 4); Lữ 3 kỵ binh thiết giáp, 4 Liên đoàn biệt động quân, bảo an và các đơn vị khác. Tổng cộng  240.000 quân, 625 xe tăng- thiết giáp, 400 khẩu pháo…

Lực lượng tăng - thiết giáp của cánh quân phía Đông Bắc quân giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thẳng về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa.

Ngày 16/4/1975, ta tiến công Phan Rang, đập tan tuyến phòng ngự của địch ở đây, bắt sống Trung tướng Tư lệnh mặt trận Nguyễn Vĩnh Nghi. Ngày 20/4/1975, trước sức tiến công của ta, Sư đoàn 18 ngụy tháo chạy. Xuân Lộc thất thủ. Các tuyến phòng ngự từ xa đã bị phá vỡ, địch co về phòng giữ trực tiếp thành phố Sài Gòn với 3 tuyến phòng ngự: Vòng ngoài (bán kính 25 – 30 km), vòng ven và nội đô thành phố.

Giữa tháng 4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch tiến công  mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa. Tất cả các lực lượng chiến lược được huy động cho chiến dịch này, gồm: Các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tổng cộng 15 Sư đoàn) cùng với  5 Trung đoàn, Lữ đoàn bộ binh; 4 Trung, Lữ đoàn tăng- thiết giáp, 6 Trung đoàn đặc công và các đơn vị hỏa lực kỹ thuật. Tổng cộng: 280.000 quân, 400 xe tăng- thiết giáp, 420 khẩu pháo các loại…

Sau các chiến dịch và đợt chiến đấu tạo thế, ngày 26/4/1975, quân ta đã bao vây và áp sát Sài Gòn trên 5 hướng:

Hướng Bắc: Quân đoàn 1; Tây Bắc: Quân đoàn 3; Hướng Đông: Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2. Hướng Tây Nam: Đoàn 232 và lực lượng chủ lực Quân khu 8. Một số đơn vị đặc công và biệt động đã đứng chân ở vùng ven và nội đô.

17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch bắt đầu, trước tiên ở hướng Đông và Đông Nam. Ngày 26/4 - 28/4/1975, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự chống cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Từ chiều ngày 28/4/1975, Bộ Tổng Tham mưu quân ngụy mất hiệu lực chỉ huy. Các tướng chỉ huy quân ngụy bắt đầu tháo chạy ra nước ngoài.

Ngày 29/4/1975, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản  kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công.

Bộ đội Sư đoàn 320A (Quân đoàn 3) đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975.

Sáng ngày 30/4/1975, quân ta thọc sâu vào nội đô, các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch. Trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, bộ đội ta vẫn kiên quyết tiến công. 11 giờ 30 phút, ta chiếm và cắm cờ trên Dinh Độc Lập; bắt toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều  kiện.

Cùng với đòn tấn công quân sự, Nhân dân nội ngoại thành Sài Gòn đã nổi dậy giành chính quyền ở 107 điểm. Nắm thời cơ chiến lược, ngày 1/5/1975 ở đồng bằng sông Cửu Long, các Quân khu 8, Quân khu 9 đồng loạt tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại cuối cùng của ngụy quân Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

Kết quả, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương, cảnh sát của địch, thu 500 khẩu pháo, trên 400 xe tăng, xe thiết giáp, trên 500 máy bay, 600 tàu chiến, 270.000 khẩu súng các loại, trên 3.000 xe quân sự các loại và toàn bộ kho tàng…

Đây là chiến dịch tiến công chiến lược binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến đấu của Quân đội ta. Chiến dịch được thực hiện trong tình huống hai bên mặt đối mặt, cùng biết rõ ý đồ và lực lượng của nhau, khó tạo nên yếu tố bất ngờ ngay cả trong phạm vi  chiến thuật, do đó, là một bước phát triển về nghệ thuật chỉ huy. Ta tiến công trên tất cả các hướng, tạo thành thế hợp vây ngay từ đầu, khiến địch chỉ còn cách hoặc chấp nhận tác chiến hoặc chấp nhận đầu hàng. Trong đột phá chiến dịch, ta vừa đánh địch phòng ngự vòng ngoài, vừa dùng các binh đoàn mạnh thọc thẳng theo chiều sâu vào đầu não địch, đánh quỵ địch nhanh chóng. Lần đầu tiên ta sử dụng bộ đội  tăng - thiết giáp tập trung ở quy mô binh đoàn (lữ đoàn) đảm nhận một hướng tấn công chủ yếu với  tính chất là cụm cơ động thọc sâu và đã phát huy được sức đột kích mạnh cùng khả năng tác chiến trong hành tiến. Về chỉ đạo chiến lược, ta đã kết hợp chiến dịch với tiến công chiến lược trên toàn chiến trường, giành thắng lợi hoàn toàn.

Nguồn: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội