A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020):

Nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên 1975

Điểm nổi bật nhất trong nghệ thuật tác chiến ở Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 là đã tổ chức nghi binh, lừa địch, giấu đi hướng tiến công chủ yếu, khiến địch bất ngờ, mất quyền chủ động đối phó. Từ kế hoạch nghi binh này, ta đã tạo được thế để đánh bật địch khỏi Tây Nguyên, giải phóng “nóc nhà của Đông Dương”.

Nghi binh vốn là hành động tác chiến đánh lừa đối phương thường thấy xưa nay trong các cuộc chiến tranh. Đó là hành động tác chiến giống như thật, khiến đối phương không nhận ra ý đồ, dẫn đến mất chủ động trong đối phó và thất bại. Trong tác chiến, nghi binh là một biện pháp của tạo thế, tạo ra thời để đánh bại địch nhanh, hiệu quả. Nghi binh có nhiều biện pháp, cách thức. Đó là việc làm được phối hợp bởi nhiều lực lượng, nhiều hoạt động trong tác chiến quân sự, diễn ra trong thời gian, không gian nhất định.

 

Nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên 1975
Ngày 25-2-1975, tại một cánh rừng của Đắk Lắk, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, họp, thông qua phương án đánh chiếm Buôn Mê Thuột. 
Ảnh tư liệu.

 

Hoạt động nghi binh ở chiến dịch Tây Nguyên được xem là nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bởi trong chiến dịch này, vấn đề quan trọng nhất là ta đã chọn đơn vị thế chân được Sư đoàn 10, lực lượng mà địch vẫn xác định là “đối tượng tác chiến” chủ lực của ta ở Tây Nguyên. Đáng chú ý hơn là, đơn vị được chọn thế chân đã tổ chức các hoạt động tác chiến giống như Sư đoàn 10, khiến địch càng tin ta chọn Plei-cu là hướng tiến công chủ yếu.

Ngày 9-1-1975, Quân ủy Trung ương họp, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến dịch Tây Nguyên, trong đó xác định Buôn Ma Thuột là mục tiêu then chốt. Tuy nhiên, nếu địch phát hiện được ý định này, tăng cường lực lượng cho Buôn Ma Thuột thì ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài các lực lượng đứng chân tại chiến trường, ta rút Sư đoàn 968 từ chiến trường Nam Lào về thế chỗ cho Sư đoàn 10 và 320 ở bắc Kon Tum và tây Plei-cu làm nhiệm vụ nghi binh.

Cụ thể, đầu tháng 2-1975, sau khi tiếp nhận trận địa ở bắc Kon Tum và tây Plei-cu của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 để lại các trung đoàn 19, 29 của Sư đoàn 968 đã tổ chức trinh sát, bắn tỉa, pháo kích, đánh địch lấn ra ngoài như các hoạt động các đơn vị trước vẫn làm. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị chiến trường như làm đường cơ động, tung các toán trinh sát vào thị xã Kon Tum, tăng thêm lực lượng ra phía trước, củng cố công sự, làm trận địa pháo, dùng xe vận chuyển gạo, đạn từ phía sau ra Võ Định... Trước các hoạt động này, đầu tháng 2, địch phải điều Liên đoàn 6 từ phía sau lên bắc Kon Tum, nống ra bắc cao điểm 751, nhưng bị ta đánh trả quyết liệt phải lùi lại. Trung đoàn 19 đã tổ chức cho công binh phối hợp với dân quân và nhân dân các làng phía tây Plei-cu sửa lại các tuyến đường cơ động cho xe, pháo, mở mới những đoạn đường ở gần các mục tiêu địch trên Quốc lộ 19 tây, 5A, 5B. Công binh nổ bộc phá san đường ngầm qua các suối cạn, cố tình để lộ ý định. Các trận địa phòng ngự ở tuyến phía tây Gia Lai như Chư Kra, điểm cao 631 trên Đường 5A, 5B, Quốc lộ 19 được lệnh sửa chữa gấp, để làm bàn đạp cho các lực lượng phía sau lên tiến công. Các tổ trinh sát tăng cường trinh sát thị xã Plei-cu, trục Đường 14 đoạn Plei-cu - Hàm Rồng và đột nhập vào Bầu Cạn (đông quận lỵ Thanh An) và Chư Gôi, bắt tù binh địch để khai thác thông tin... Các hành động trên khiến địch càng tin rằng ta đã tăng cường bố phòng chặt chẽ ở phía tây Plei-cu, chuẩn bị cho chiến dịch quân sự sắp xảy ra ở Bắc Tây Nguyên.

Nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên 1975
Truy kích địch trong Chiến dịch Tây Nguyên. 
Ảnh tư liệu. 

 

Như đã nói, hoạt động nghi binh trong tác chiến là phức hợp các hoạt động quân sự. Mục đích của hoạt động này là phải làm cho địch tin là ta tiến hành công tác chuẩn bị chiến dịch giống như thật. Đó không chỉ là hoạt động phơi lộ như bảo đảm công binh, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật mà ngay cả hoạt động bảo đảm thông tin nội bộ, thông tin chỉ huy vốn được coi xem cần “bảo mật tuyệt đối” cũng được làm giống như thật để địch tin vào ý đồ nghi binh của ta.

Ở phía tây Plei-cu, sở chỉ huy sư đoàn với mật danh là “Bộ tư lệnh B3” đã tăng các phiên liên lạc bằng vô tuyến điện và tăng thời lượng các bức điện chỉ đạo tác chiến cho "Sư đoàn 10" và "Sư đoàn 320". Các máy bay của địch liên tục quần thảo ở tây Plei-cu để định vị các đài vô tuyến điện và xác định vị trí sở chỉ huy của ta. Máy bay B57 đánh bom tọa độ vào các khu vực nghi có lực lượng ta. Có lần, chúng đã đánh trúng sở chỉ huy sư đoàn ở khu vực Đức Cơ. Cùng với hệ thống thông tin vô tuyến điện của 2 sư đoàn để lại nguyên như cũ với tần suất liên lạc của mạng thông tin vô tuyến điện của Sư đoàn 968 tăng lên, địch càng tin chắc mục tiêu của quân ta Xuân 1975 là Bắc Tây Nguyên.

14 giờ ngày 28-2-1975, trận đánh nghi binh lừa địch mở màn Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Các loại hỏa lực của Sư đoàn 968 đồng loạt bắn phá các mục tiêu: Thị xã Plei-cu, sân bay Cù Hanh, căn cứ Hàm Rồng, thị xã Kon Tum, sau đó bộ binh thực hành tiến công địch trên cả hai hướng Kon Tum và Plei-cu. Trên phía tây Đường 19, hỏa lực ta, đặc biệt là pháo 85 bắn thẳng nhằm vào từng lô cốt, nhà ở của địch ở Đồn Tầm nổ súng, sau đó pháo, cối, ĐKZ đánh phá các mục tiêu còn lại. Chỉ trong 2 giờ, một loạt 3 cứ điểm của địch ở Tây Thanh An đã bị tiêu diệt, ta đã giải phóng một tuyến phòng ngự của địch ở phía tây Plei-cu 5km theo Quốc lộ 19. Trên hướng bắc Kon Tum, ta nhanh chóng đánh chiếm trận địa nam cống Ba Lỗ trên Đường 14, dãy điểm cao Ngọc Quăn, áp sát thị xã.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 968 tham quan, giáo dục truyền thống tại Thành cổ Quảng Trị.

 

Các ngày 1 và 2-3, ta tiếp tục ép địch ở tây Plei-cu và bắc Kon Tum, đưa công binh chốt ở Bầu Cạn trên Đường 19 và cắt Đường 14 Kon Tum - Plei-cu, làm cho địch càng tin chiến dịch tiến công của ta vào Bắc Tây Nguyên đã bắt đầu. Kết quả là sáng 3-3-1975, Phạm Văn Phú vội vã điều Trung đoàn 45, Sư đoàn 23 từ Ea H’leo tức tốc về lại tây thị xã Plei-cu. Thế là toàn bộ chủ lực Quân đoàn 2 địch đã bị giữ chắc ở Bắc Tây Nguyên. Điều đáng nói thêm là, mãi đến ngày 8 và 9-3, khi ta đánh vào quận lỵ Thuần Mẫn và quận lỵ Đức Lập, khiến Buôn Ma Thuột bị “lộ sáng” mà Phạm Văn Phú vẫn không đoán biết được ý đồ tác chiến. Mãi đến 4 giờ sáng ngày 10-3, khi xe tăng của ta đã tiến vào Buôn Ma Thuột, Đại tá Lê Khắc Hy, Tham mưu trưởng Quân khu 2-Quân đoàn 2 ngụy vào phòng ngủ đánh thức, Phú mới biết Buôn Ma Thuột là mục tiêu chính của ta thì đã quá muộn.

Như vậy, thực chất hoạt động nghi binh, lừa địch ở chiến dịch Tây Nguyên chính là việc tạo thế. Trong tác chiến, vấn đề tạo thế cực kỳ quan trọng. Khi đã tạo được thế thì sẽ giải quyết được bài toán chọn lực lượng để đánh vào các vị trí chủ yếu, chiến lược và quan trọng của đối phương. Ở Chiến dịch Tây Nguyên, lựa chọn đánh Buôn Ma Thuột là quyết định đúng, bởi nơi đây là trung tâm chỉ huy, tác chiến và hậu cần, kỹ thuật khu vực của địch. Tuy nhiên, nếu địch tập trung lực lượng, phương tiện thì ta khó bóc gỡ. Chính việc nghi binh tốt đã tạo điều kiện để ta nhử chủ lực của địch đến nơi khác mà khó quay lại để bảo vệ.

Kết quả của nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong tác chiến bảo vệ Tổ quốc hiện nay và sau này. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất để thực hiện thành công nghi binh chính là kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ trong các hành động mà mấu chốt là thực hiện đúng ý định của người chỉ huy. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng để đối phương nghi ngờ và phán đoán chính xác ý đồ, tổ chức phòng bị. Như vậy, việc tạo thế sẽ khó thực hiện được như ý định ban đầu.

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội