A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ thuật phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971

Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (từ ngày 30/1 đến 23/3/1971) là chiến dịch phản công có ý nghĩa chiến lược. Chiến dịch thắng lợi để lại nhiều bài học quý báu; trong đó, bài học về sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương là nổi bật nhất, thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật chiến tranh Nhân dân Việt Nam.

Trước những thắng lợi giòn giã, to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đầu năm 1971, Mỹ, ngụy đã nỗ lực tổ chức một lực lượng lớn, bao gồm: Các lực lượng dự bị chiến lược, lực lượng cơ động của Quân khu 1, tiếp vận trung ương của quân ngụy với sự hỗ trợ lớn của bộ binh, thiết giáp, không quân Mỹ, mở “Cuộc hành quân Lam Sơn 719”, nhằm chặn đứng tuyến vận tải chiến lược của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Về phía ta, tổ chức lực lượng tại chỗ bao gồm: Mặt trận Đường số 9 (B5), Trị Thiên (B4); lực lượng của Đoàn 559 và một số tiểu đoàn đặc công của Bộ; lực lượng cơ động là Binh đoàn 70 - một binh đoàn chiến dịch cấp quân đoàn đầu tiên lớn nhất của quân đội ta, gồm 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2) và một số tiểu đoàn, trung đoàn xe tăng - thiết giáp, pháo binh, phòng không, công binh.

Đây là bước phát triển mới về tổ chức lực lượng của bộ đội chủ lực ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch diễn ra ở vùng rừng núi biên giới Việt – Lào, thưa dân, lực lượng vũ trang địa phương nhỏ yếu, nơi nhạy cảm về chính trị, gần hậu phương của cả ta và địch. Với sự chủ động, nhạy bén của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tư lệnh chiến trường Nam Bộ (B2), ta đã tổ chức, sử dụng lực lượng Chiến dịch đúng đắn. Nổi bật là sự phối hợp tác chiến chặt chẽ, hiệu quả giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương trong quá trình thực hành Chiến dịch. Nhờ đó, Chiến dịch đã giành thắng lợi, hoàn thành mục tiêu đề ra là làm thất bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, phát triển mạnh mẽ thế chiến lược tiến công không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà cả cách mạng ba nước Đông Dương.

Góp phần vào thắng lợi đó, trước hết, là việc xác định, đánh giá đúng vị trí vai trò, tác dụng, phát huy được sở trường, thế mạnh của mỗi lực lượng và mối quan hệ của chúng trong tổ chức, thực hành đánh bại quân địch tiến công. Trong đó, bộ đội địa phương giữ vị trí rất quan trọng trong việc tạo thế ta, phá thế địch, còn bộ đội chủ lực đóng vai trò quyết định tiêu diệt lớn quân địch. Đây vừa là đặc điểm vừa là kết quả của việc quán triệt sâu sắc tư tưởng tích cực tiến công của ta, vừa để lập thế, tạo thời, thực hiện cách đánh của chiến dịch phản công. Nhờ có lực lượng bộ đội địa phương tổ chức các hoạt động tác chiến ngăn chặn kịp thời các mũi tiến công, đánh địch rộng khắp trên toàn địa bàn chiến dịch, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó, cả phía trước, phía sau, bên sườn. Cùng với đó, nghi binh, lừa địch vào những khu vực ta lựa chọn và chuẩn bị sẵn, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực thực hiện đánh những trận then chốt (trận then chốt thứ nhất từ ngày 20 đến ngày 25/2; trận then chốt thứ 2 từ ngày 26/2 đến ngày 3/3/1971) tiêu diệt, bẻ gãy từng mũi, từng cánh; nhất là trận then chốt quyết định (từ ngày 12 đến ngày 23/3/1971) tiêu diệt tập đoàn chiến dịch chủ yếu của địch co cụm ở bản Đông. Kết quả của Chiến dịch: ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công của chúng, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

Với sức mạnh tổng hợp của hiệp đồng bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương quân ta đã đập nát các cứ điểm của quân ngụy Sài Gòn.

Trong Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào, ở khu vực diễn ra trận đánh then chốt quyết định (bản Đông), lực lượng bộ đội địa phương của Đoàn 559 đảm nhiệm chiến đấu tại chỗ đã đạt hiệu suất rất cao, nhất là đơn vị phòng không 12,7 ly được bố trí dày đánh không quân địch từ nhiều hướng, đã bắn rơi 250 chiếc máy bay lên thẳng (chiếm 50% số máy bay lên thẳng bị bắn rơi trong Chiến dịch), một phương tiện cơ động chủ yếu của địch trong cuộc hành quân. Còn ở khu vực phía Đông, lực lượng của B5 cũng liên tục tổ chức đánh địch, phục kích giao thông (đường bộ, đường sông), tập kích vào căn cứ hậu cần, sở chỉ huy, gây cho địch nhiều tổn thất về sinh lực và phương tiện, buộc chúng phải phân tán, tăng thêm lực lượng để giữ phía sau. Ở phía Tây, lực lượng ta và bạn Lào đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn thuộc GM-30, GM-33, buộc chúng phải rút chạy về Xa-ra-van và Đồng Hến… Nhờ đó, Binh đoàn 70, lực lượng nòng cốt của Chiến dịch đang bố trí ở nam Quân khu 4 để sẵn sàng đánh địch theo các phương án dự kiến, nhưng khi được lệnh cơ động vào khu vực địa bàn Chiến dịch (cũng là lúc địch đã vượt qua biên giới – Lao Bảo và chiếm các điểm cao) đã tổ chức hành quân kịp thời triển khai đội hình đánh nhiều trận ác liệt với Lữ dù 3, Liên đoàn 1 biệt động và tập kích quân địch khi chúng vừa đổ quân chiếm các điểm cao…

Điều đó càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của bộ đội địa phương trong việc tạo thế và lực cho chiến dịch. Vì vậy, cả lý luận và thực tiễn đều khẳng định: Trong Chiến dịch phản công vấn đề tổ chức, sử dụng và phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương là một sự cần thiết, có tính tất yếu; hai lực lượng này luôn có mối quan hệ tác động qua lại, dựa vào nhau, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhau để phát huy sức mạnh và khả năng tác chiến của mỗi bên, nhằm hoàn thành mục đích, nhiệm vụ của chiến dịch. Trong sự phối hợp đó, phải lấy lực lượng của bộ đội chủ lực làm nòng cốt, đồng thời phát huy cao độ sức mạnh của bộ đội địa phương.

Ngoài ra, sự phối hợp tác chiến chặt chẽ phong phú, toàn diện không chỉ ở cấp độ chiến thuật, chiến dịch, mà có ý nghĩa chiến lược. Đó chính là sự kết hợp hai phương thức tiến hành chiến tranh của chiến tranh Nhân dân trong phạm vi Chiến dịch. Chiến dịch đã giải quyết đúng đắn một loạt các mối quan hệ giữa đánh rộng khắp và đánh tập trung, đánh nhỏ, đánh vừa với đánh lớn, tiêu hao và tiêu diệt quân địch; kết hợp tốt các hình thức, biện pháp tác chiến chiến dịch với các hình thức chiến thuật; lấy tiến công, phản công là chủ yếu kết hợp với phòng ngự chiến thuật, chốt chặn, bao vây đột phá tiêu diệt địch với bảo vệ mục tiêu trọng yếu; tận dụng, khai thác và kết hợp hệ thống hậu cần, kỹ thuật, mạng đường giao thông, thông tin liên lạc tại chỗ có sẵn với chuẩn bị tích cực, trực tiếp của chiến dịch; phát huy thế mạnh và sở trường, khắc phục khó khăn của ta với hạn chế cái mạnh, khoét sâu điểm yếu, mâu thuẫn và khó khăn, sai lầm của địch… Đây là những vấn đề then chốt của nghệ thuật chiến đấu đã được vận dụng để giành thắng lợi trong Chiến dịch này.

Bộ đội của ta đánh chiếm căn cứ bản Đông.

Nhờ sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương nên Chiến dịch phản công đã giải quyết được các điều kiện và yêu cầu của cấp chiến lược đặt ra, đó là: Phải giành quyền chủ động, sớm phá vỡ ý định tiến công của địch, buộc chúng phải hành động theo cách đánh của ta. Ý định chiến dịch xác định ban đầu là không quyết chiến với địch từ Lao Bảo về phía Đông, mà tập trung lực lượng tiến hành những trận tiêu diệt lớn các cụm quân chủ yếu của địch trong khu vực từ biên giới ở Lao Bảo đến bản Đông; chặn đứng địch ở lòng chảo bản Đông và kiên quyết không cho chúng vào Sê Pôn để bảo đảm tuyến vận chuyển chiến lược của ta không bị gián đoạn.

Thực tế Chiến dịch đã diễn ra đúng như vậy. Còn phía địch, trong kế hoạch hành quân, phương án hành động của chúng là sử dụng sức mạnh tổng lực của bộ binh, xe tăng, máy bay… thực hành đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh áp đảo và đè bẹp bộ đội địa phương của ta, đánh chiếm xong mục tiêu chiến dịch trước khi bộ đội chủ lực ta đến khu giao chiến (địch dự kiến sau 15 ngày tiến công của chúng thì bộ đội chủ lực ta mới đến được Đường số 9). Thế nhưng, thực tế đã không diễn ra theo dự tính của chúng, do lực lượng bộ đội địa phương của ta chặn đánh địch rất mạnh và có hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực tổ chức hành quân, triển khai tiến công địch kịp thời, làm cho địch hoàn toàn bị động lúng túng đối phó.

Cùng với đó, sự phối hợp tác chiến chặt chẽ đã gây cho địch những lúng túng, bất ngờ không những về không gian, thời gian, mà đội hình, thế trận và tổ chức hiệp đồng của chúng cũng bị phá vỡ. Địch bị chia cắt không những phía trước với phía sau, giữa các hướng, các mũi, giữa bộ binh với xe tăng, lực lượng tiến công đường bộ với lực lượng đổ bộ đường không, giữa quân ngụy Sài Gòn với quân ngụy Lào ở phía Tây với quân Mỹ ở phía Đông; không những vậy mà ta còn chặn đứng mọi khả năng chi viện, tiếp tế hậu cần, kỹ thuật và lực lượng kể cả bằng đường không - một trong những thế mạnh của chúng, cô lập từng bộ phận ở các khu vực khác nhau… Ta đã làm cho kế hoạch tác chiến của chúng bị đảo lộn, buộc phải đưa thê đội 2 vào chiến đấu sớm và chuyển hướng tiến công về phía Nam để mở đường lên Sê Pôn, nhưng chúng vẫn không thực hiện được một mục tiêu nào kể cả trong kế hoạch cũng như phương án bổ sung của cuộc hành quân.

Chính sự phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương theo một ý định và kế hoạch chiến dịch thống nhất từ cấp chiến dịch đến cấp chiến thuật, nên các lực lượng của ta trong Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào càng đánh càng mạnh, giành quyền chủ động nhanh, lần lượt bẻ gãy cánh Bắc, đánh thiệt hại cánh Nam, tiêu diệt quân địch trên hướng chủ yếu, kết thúc Chiến dịch thắng lợi. Ngược lại, địch đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt của ta ngay từ khi bắt đầu cuộc hành quân, vì thế mà lúng túng, mất dần quyền chủ động, rơi vào thế bị động chống đỡ, suy yếu và thất bại thảm hại.

Đã 50 năm trôi qua, bài học về sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương trong Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào năm 2021 vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, ngay trong thời bình, chúng ta phải tập trung đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trên từng địa bàn, từng hướng chiến lược; đồng thời, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh Nhân dân phát triển, để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của các lực lượng, lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt đánh bại chiến dịch tiến công của chúng. Muốn vậy, cần tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, có cơ cấu cân đối, hợp lý; trong đó, tập trung xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nền khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự hiện đại của chiến tranh Nhân dân Việt Nam lên tầm cao mới. Cần coi trọng tổ chức diễn tập các cấp, nhất là trên các địa bàn chiến lược, khu vực phòng thủ, nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến giữa lực lượng vũ trang địa phương với các đơn vị bộ đội chủ lực của các Quân khu, Bộ trong các loại hình chiến dịch của chiến tranh.

Nguồn: VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội