A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người anh hùng bắn rơi B52 trên bầu trời xứ Nghệ

Trong những ngày tháng 12 lịch sử, ký ức hào hùng về trận Điện Biên Phủ trên không lại ùa về trong tâm khảm của người lính già - Thiếu tá, Thương binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Văn Nam. Ông chính là người đã cùng kíp chiến đấu Tiểu đoàn Tên lửa 52, Trung đoàn Tên lửa 267, Sư đoàn Phòng không 365 bắn rơi chiếc B52 thứ 2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Một ngày trung tuần tháng 12, chúng tôi tìm về thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - nơi gia đình Thiếu tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Văn Nam đang sinh sống. Mặc dù, mấy hôm trời lạnh làm cho vết thương tái phát nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những chiến công của ông và đồng đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không đôi mắt ông bừng sáng kể cho chúng tôi nghe rành rọt từng chi tiết.

Thiếu tá, thương binh, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Văn Nam.

Trung tuần tháng 12/1972, tình hình Hội nghị Pari diễn biến phức tạp. Ngày 13/12, do thái độ lật lọng của phía Mỹ, Hội nghị hoàn toàn bế tắc. Ngày 14/12, Tổng thống Mỹ Nich-xơn chính thức thông qua kế hoạch mở cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên Lai-nơ-bếch-cơ 2.

Trong tình hình đó, những bệ phóng của Trung đoàn 267 lại được điều về triển khai chiến đấu trên đất Nghệ An, nằm trong đội hình của Sư đoàn Phòng không 365, để một mặt bảo vệ thành phố Vinh, một mặt làm lực lượng dự bị chiến lược theo phương án đánh B52 toàn Quân chủng.

Ngày 18/12/1972, lệnh của trên đưa toàn Trung đoàn 267 vào trực ban sẵn sàng chiến đấu. 16 giờ cùng ngày, Bộ Tổng Tham mưu thông báo có 32 chiếc B52 xuất kích từ sân bay An-đéc-xơn vào đánh miền Bắc. 19 giờ 44 phút, tên lửa Hà Nội phóng những quả đầu tiên vào những tốp B52 đầu tiên của địch. 20 giời 13 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bảo vệ Hà Nội bắn rơi chiếc B52 đầu tiên. Sở chỉ huy Sư đoàn 365 thông báo sẽ có B52 từ Hà Nội bay qua khu vực của Sư đoàn...

Vào lúc 20 giờ 15 phút, ngày 18/12/1972, đang trực chiến tại trận địa Đất Thịt thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 52 nhận được thông báo từ Đài I (đài ra đa dẫn đường của Tiểu đoàn): Bắt được mục tiêu B52. Được lệnh phát sóng, sĩ quan điều khiển Hoàng Văn Nam mở máy phát sóng bắt mục tiêu nhưng không phát hiện được mục tiêu trên màn hiện sóng vì nhiễu tạp đã che kín đội hình tốp B52 vừa đánh phá Hà Nội trở về. Bằng kinh nghiệm từ nhiều trận đánh máy bay Mỹ và những bài học do các đơn vị tên lửa đi trước truyền lại, sĩ quan điều khiển Hoàng Văn Nam xác định giải nhiễu đang bám sát là của tốp máy bay B52. Ông quyết định ấn tay quay, lệnh cho các trắc thủ góc tà, phương vị bám sát giải nhiễu. Sau khi đo cự ly của tốp mục tiêu và báo cáo Tiểu đoàn trưởng, được lệnh của Tiểu đoàn trưởng, ông ấn nút phóng 2 quả tên lửa. Quan sát trên màn hình hiện sóng tín hiệu quả tên lửa thứ nhất vượt qua tín hiệu mục tiêu, tiếp đó tín hiệu quả tên lửa thứ hai vừa trùng tín hiệu B52 đã nổ tung tạo thành đám mây che kín tín hiệu mục tiêu. Toàn kíp chiến đấu đồng thanh hô lên trong niềm vui sướng: “Máy bay bị tiêu diệt!”. Sáng hôm sau, Tiểu đoàn được lệnh thông báo chiếc B52 do Tiểu đoàn 52 bắn rơi là chiếc thứ hai của trận Điện Biên Phủ trên không...

Trong câu chuyện với ông chúng tôi được biết, tháng 6/1965, khi chưa đầy 17 tuổi, thanh niên Hoàng Văn Nam đã tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Đại đội 553, Tiểu đoàn 70 Súng máy phòng không 12,7mm, thuộc Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Cấm, cầu Phương Tích, sân bay Vinh, Cửa Lò, tuyến Đường 7. Trong thời gian này ông đã cùng đồng đội bắn rơi 2 máy bay địch.

Tròn 1 năm sau ngày nhập ngũ, với những thành tích xuất sắc, ông được lựa chọn đi học lớp trắc thủ tên lửa phòng không. Sau khóa học chiến sĩ trẻ Hoàng Văn Nam được biên chế về Tiểu đoàn 52, Trung đoàn 267. Trên cương vị là trắc thủ cự ly, rồi sĩ quan điều khiển tên lửa, ông đã cùng với kíp chiến đấu Tiểu đoàn 52 lập được nhiều chiến công xuất sắc. Ông đã tham gia chiến đấu 70 trận, bám sát và điều khiển hơn 100 quả tên lửa SAM-2, bắn rơi 29 máy bay Mỹ (trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ). Đặc biệt, trong trận chiến đấu ngày 30/9/1967, tại trận địa ở An Lão, thành phố Hải Phòng, khi Tiểu đoàn bị địch phát hiện, bắn phá ác liệt, nhiều đồng chí thương vong, bản thân ông cũng bị nhiều mảnh đạn găm vào người, nhưng trước tình thế khí tài tên lửa có nguy cơ bị cháy do bắt lửa từ thùng dầu gần đó, ông đã dũng cảm vượt lên những cơn đau, nhanh chóng đẩy thùng dầu ra xa khí tài và ông đã bị bỏng nặng...

Cuối năm 1989, mặc dù sức khỏe yếu được về nghỉ hưu tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc nhưng ông vẫn hăng hái tham gia các hoạt động của địa phương và được giao giữ các cương vị: Phó Chủ tịch UBND kiêm trưởng Công an thị trấn Quán Hành, quyền Chủ tịch UBND; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Quán Hành... Dù ở cương vị nào cựu chiến binh Hoàng Văn Nam cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; luôn giữ vững và phát huy bản chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trên mọi lĩnh vực hoạt động.

Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng quê hương, ông Hoàng Văn Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều Huân, Huy chương các loại. Đặc biệt, ngày 10/8/2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Bài, ảnh: HUY CƯỜNG


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội