A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các nguyên tắc cơ bản về phân định biển

Phân định biển là hoạt động mang tính quốc tế, nhằm hoạch định đường biên giới biển (nội thủy, lãnh hải) và ranh giới biển (vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) giữa hai hay nhiều quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp giáp nhau. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với các quốc gia có biển nhằm giải quyết ổn thỏa các tranh chấp biển, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển cho từng khu vực biển cũng như các đại dương trên thế giới. Vì thế, phân định biển bao giờ cũng diễn ra phức tạp, trong thời gian tương đối dài, với nhiều nội dung liên quan giữa hai hay nhiều quốc gia với nhau, thông qua đàm phán, trung gian hoặc các cơ chế tài phán quốc tế khác, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo đó, việc hoạch định ranh giới lãnh hải được quy định rõ tại Điều 15 của Công ước: khi hai quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại. Đối với việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia nói trên, được thực hiện bằng con đường thoả thuận theo đúng pháp luật quốc tế để đi tới một giải pháp công bằng (Điều 74 và 83 của Công ước). Như vậy, nguyên tắc cơ bản trong phân định biển theo luật pháp quốc tế là trên cơ sở thỏa thuận và công bằng.

Sơ đồ các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 

Là quốc gia có vùng biển rộng, bờ biển dài, trong đó có nhiều khu vực chồng lấn với vùng biển của các nước đối diện, liền kề trong khu vực, Việt Nam luôn tuân thủ nguyên tắc phân định biển trên cơ sở luật pháp, thông lệ và thực tiễn quốc tế. Luật Biển Việt Nam năm 2012 (Khoản 3, Điều 4) khẳng định: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế” (Luật Biển Việt Nam , Nxb CTQG, H. 2013, tr. 9 - 10.). Trên thực tế, ngay sau khi thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam đã tích cực, chủ động nghiên cứu, hoạch định và ký nhiều hiệp định, thỏa thuận,… về phân định biển với các nước có liên quan (Gồm: Hiệp định về Vùng nước lịch sử Việt Nam - Cam-pu-chia (năm 1982); Thỏa thuận về khai thác vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a (năm 1992); Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thái Lan về phân định ranh giới trên biển trong Vịnh Thái Lan (năm 1997); Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (năm 2000); Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ In-đô-nê-xi-a về phân định ranh giới thềm lục địa (năm 2003). Trong quá trình thực hiện, Việt Nam luôn nhất quán lập trường là: căn cứ vào luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời, có tính đến các hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên trong khu vực phân định để đạt được một giải pháp công bằng mà các bên đều chấp nhận được. Việt Nam luôn coi đó là chìa khóa để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, góp phần duy trì, gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Theo tapchiqptd.vn

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội