A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ (28/3/1935 - 28/3/2021)

Tạo cơ chế chính sách về việc làm và thu nhập cho dân quân

Trong những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo cơ chế, chính sách về việc làm và thu nhập cho dân quân để “giữ chân” lực lượng này tại địa phương. Nhờ đó, những năm qua, lực lượng dân quân sẵn sàng điều động tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội, xung kích trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai...

Xưởng mộc gia dụng của anh Lê Đình Thanh, chiến sĩ dân quân cơ động xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà đã tạo việc làm và thu nhập cho 3 - 4 dân quân với thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.

Trở lại huyện Cẩm Xuyên, chúng tôi có dịp được tham quan mô hình Hợp tác xã Xây dựng tổng hợp Dương Xuân Nam do anh Dương Xuân Nam, Thôn đội trưởng, thôn Đông Khê, xã Nam Phúc Thăng phụ trách. Cùng với việc nhận thầu thiết kế, xây lắp, hoàn thiện các công trình dân sinh, nhà cửa, hợp tác xã còn mở rộng phát triển các mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với các ngành nghề kinh doanh, hợp tác xã của anh Dương Xuân Nam đã nhận thầu thi công xây dựng các công trình nhà ở, dân sinh; ngoài ra, anh còn phát triển mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc, duy trì thường xuyên đàn lợn mỗi lứa 500 con, xuất chuồng 4 lứa/năm; mở rộng diện tích hơn 5.000m2 mặt ao thả cá và gần 1.000 con gà, vịt đẻ... đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng dưa lưới siêu sạch của anh Nguyễn Đăng Thành, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/vụ.

Cơ sở của anh Dương Xuân Nam không chỉ tạo nguồn thu nhập bình quân hàng năm cho gia đình 1,5 tỷ, mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động của địa phương, trong đó, hợp tác xã đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 20 chiến sĩ dân quân ngay tại địa phương. Anh Hàn Công Chiến, Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự xã Nam Phúc Thăng chia sẻ: “Trong điều kiện khó khăn về việc làm và thu nhập hiện nay, mô hình kinh tế của anh Dương Xuân Nam là “cứu cánh” cho anh em dân quân. Nhờ có được việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương sẽ “giữ chân” dân quân ở địa phương, nhờ đó có thể huy động dân quân tham gia xử lý các vấn đề nảy sinh về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả mưa bão”.

Đến thăm xưởng mộc gia dụng của gia đình anh Lê Đình Thanh, chiến sĩ dân quân cơ động xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà dù đã gần trưa nhưng trong khuôn viên rộng chừng hơn 100m2, các công nhân ở đây vẫn say sưa làm việc quên cả thời gian. Tìm hiểu tôi được biết, xưởng mộc của anh Thanh không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm và thu nhập cho từ 3 - 4 dân quân với mức thu nhập bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.

Chiến sĩ dân quân Nguyễn Thị Tuyết, là công nhân làm tại xưởng mộc, nói với tôi rằng: “Điều kiện kinh tế gia đình tôi còn nhiều khó khăn, việc làm và thu nhập bấp bênh. Có được việc làm ở đây, lực lượng dân quân chúng tôi vừa có việc làm, thu nhập ổn định ngay tại địa phương, để khi cần điều động chúng tôi sẵn sàng có mặt tham gia xử lý các tình huống xẩy ra...

Từ nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, gia đình anh Trần Quốc Phương, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà đã đầu tư phát triển mô hình nuôi lợn siêu nạc và gia cầm cho thu nhập sau khi trừ chi phí 200 - 300 triệu đồng.

Hay như mô hình Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp dưa lưới xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh do anh Nguyễn Đăng Thành, Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự xã phụ trách cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm dưa lưới của hợp tác xã đã tạo được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là chuỗi các siêu thị trên địa bàn, tạo nguồn thu từ 250 - 300 triệu đồng/vụ. Để có được thành công đó, theo anh Thành, cùng với việc mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật thì vấn đề nguồn vốn đầu tư có ý nghĩa quyết định. “Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các quỹ tín dụng ngân hàng đã tạo nguồn kinh phí để hợp tác xã mạnh dạn mở rộng diện tích, đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống dàn che, tưới tiêu phát triển mô hình dưa lưới có giá trị kinh tế”.

Hợp tác xã Nông nghiệp Cam Khe Mây, do anh Đinh Văn Nhâm, Thôn đội trưởng thôn 1, xã Hương Đô, huyện Hương Khê làm Giám đốc Hợp tác xã đã tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho 7 - 10 chiến sĩ dân quân với thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Điểm nhấn trong việc quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “Vững mạnh, rộng khắp” ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đó là việc cơ quan quân sự các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách hợp lý tạo việc làm và thu nhập cho dân quân ngay tại địa phương cũng như tạo điều kiện để anh em tiếp cận được các gói vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Khi được tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế VACR, trang trại, gia trại, dịch vụ kinh doanh sẽ tạo việc làm và thu nhập ổ định để “giữ chân” dân quân tại địa phương, sẵn sàng huy động khi có yêu cầu nhiệm vụ.

Đại tá Nguyễn Hữu Thông, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Nhờ tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cả về cơ chế, chính sách đã giúp anh em có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương, khắc phục tình trạng dân quân phải bỏ quê đi làm ăn xa. Nhờ đó, khi có tình huống xẩy ra, lực lượng dân quân luôn có mặt sẵn sàng huy động để xử lý các vấn đề nảy sinh ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...”.

Bài, ảnh: XUÂN LIỆU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội