Sức cuốn hút của văn chương về người lính
Trong dòng chảy văn học Việt Nam qua các thời kỳ, người lính luôn là hình ảnh trung tâm chiếm giữ một vị trí quan trọng trong sáng tác của các nhà văn nhiều thế hệ. Họ là nguồn cảm hứng bất tận, là đối tượng để người nghệ sĩ hướng tới. Văn chương nghệ thuật đã khắc họa đậm nét hình ảnh người lính, góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ.
Với chức năng chân-thiện-mỹ, văn học đã giáo dục, bồi đắp cho người lính những giá trị tinh thần cao quý, góp phần hình thành phẩm chất người lính cách mạng. Phẩm chất ấy được vun đắp từ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc kết hợp với lý tưởng tiên tiến của thời đại mới.
Thực tế những năm kháng chiến chống thực dân Pháp có một ý nghĩa thử thách rèn luyện về tư tưởng và tình cảm để tạo nên những đổi thay có ý nghĩa quyết định. Tấm gương tiêu biểu là người chiến sĩ trưởng thành trong phong trào quần chúng, trong chiến đấu và sản xuất. Họ là những người chiến sĩ làm thơ và là nhà thơ-chiến sĩ như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Lộc, Hồng Nguyên... Hình bóng người chiến sĩ, một hình ảnh nổi bật nhất đã được sáng tạo nên qua hình thức tự biểu hiện. Nguyễn Đình Thi qua tập "Người chiến sĩ" đã miêu tả nhiều hình ảnh và tâm trạng của người chiến sĩ trong chiến đấu, qua những tình cảm thiết tha với đất nước và những niềm vui, nỗi nhớ trong sinh hoạt hằng ngày. Thơ ca kháng chiến trên từng mặt đã khắc họa vẻ đẹp của người chiến sĩ. Có thể nói, nhiều tình cảm rất đẹp đã được diễn tả chủ yếu thông qua quan hệ với người chiến sĩ như: Tình đồng đội, tình quân dân, tình yêu đôi lứa, tình cảm kính yêu lãnh tụ, tình yêu quê hương, đất nước... Người chiến sĩ vệ quốc là kiểu người mới hấp dẫn, mang nhiều tính chất lý tưởng và nổi lên hàng đầu trên bình diện những con người mới trong quần chúng công-nông-binh thời kỳ này. Mọi người nhắc đến anh Vệ quốc quân với bao tình thương mến: Giọt giọt mồ hôi rơi/ Trên má anh vàng nghệ/ Anh Vệ quốc quân ơi/ Sao mà yêu anh thế ("Cá nước", Tố Hữu). Nổi bật lên là tấm lòng yêu nước, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh tất cả cho thắng lợi của Tổ quốc.
Đi sâu vào cuộc đời người chiến sĩ càng thấy thấm thía, yêu thương và cảm phục. Chính Hữu đã diễn tả chân thực và thắm thiết tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu. Đây là một tình cảm rất đẹp, rất mới của một tập thể sống có lý tưởng, có tổ chức kỷ luật, yêu thương sống chết có nhau, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ ("Đồng chí"). Điều đáng quý là thơ chống Pháp khai thác được nhiều quan hệ tình cảm rất chân thực, đẹp đẽ ở người chiến sĩ và từ đó mở ra những quan hệ, bồi đắp tình cảm rất tiêu biểu của con người kháng chiến. Nhiều bài thơ đặc sắc đã gợi lên biết bao cảm mến với những cuộc đời chiến sĩ, những người con trung với nước, hiếu với dân, giàu tình yêu thương và tình nghĩa thật vẹn toàn. Những con người chân chất, giản dị, hiền lành nhưng lại vô cùng dũng cảm, quyết liệt trước kẻ thù. Các anh là hình ảnh của lá cờ vẫy gọi, là Tổ quốc trong ý nghĩa cụ thể mà sâu xa...
Đến thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, các nhà thơ trẻ trong quân đội đã có một "mùa thơ" đẹp về Trường Sơn. Phạm Tiến Duật rất trữ tình với cảm hứng “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Hoàng Nhuận Cầm với tâm hồn tươi vui, lãng mạn của người lính trẻ “Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn”... Thơ chống Mỹ cũng khắc họa rõ nét hình ảnh tuyệt đẹp của người chiến sĩ Giải phóng quân. Con người ấy mang theo dòng máu và cội nguồn dân tộc, là “Thạch Sanh của thế kỷ 20”. Thật khó để nói cho hết phẩm chất cao đẹp của anh với những hành động dũng cảm trên khắp các mặt trận. Đó là niềm tự hào, có ý nghĩa giáo dục rất lớn cho các thế hệ sau này. Các nhà thơ đều cố gắng để nói lên được hình ảnh người chiến sĩ trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước. Và không chỉ riêng ở chiến trường, chúng ta có thể bắt gặp khí thế chiến đấu và tâm hồn cao đẹp của các anh ở khắp mọi nơi. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, hình ảnh được miêu tả nhiều nhất và cũng quen thuộc nhất trong văn học là người chiến sĩ đánh giặc. Dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, người chiến sĩ vừa mang ý chí sắt thép tiến công kẻ thù nhưng gần gũi là anh Bộ đội Cụ Hồ được nhân dân yêu mến. Người chiến sĩ gang thép ấy cũng rất giàu cảm xúc yêu thương.
Những phẩm chất và nhân cách cao đẹp của người lính đã được miêu tả thật phong phú, nhiều màu sắc ở các thể loại văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết. Tác phẩm văn học tôn vinh người lính, khiến hình ảnh của họ được nhân lên và không ngừng tỏa sáng qua thời gian. Tiểu thuyết "Dấu chân người lính" (Nguyễn Minh Châu), "Đất trắng" (Nguyễn Trọng Oánh) là những tác phẩm tiêu biểu viết về người lính mang dấu ấn ở từng thời kỳ lịch sử văn học, in đậm phong cách cá nhân của mỗi tác giả. Ở đó, tinh thần yêu nước, dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc của các thế hệ người lính nối tiếp nhau được nhà văn mô tả khá đặc sắc. Bao trùm lên toàn bộ đời sống tình cảm của mỗi nhân vật là lòng yêu nước, là ý thức về độc lập cho Tổ quốc. Còn "Đất trắng" là cuốn sách đầu tiên sau chiến tranh viết theo cảm hứng sự thật: Tính khốc liệt của cuộc chiến đấu với sự hy sinh của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ được mô tả trần trụi không né tránh...
Tác phẩm "Hồi ức lính" của Vũ Công Chiến mới đây được trao giải “Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc” của Hội Nhà văn Hà Nội khiến tôi muốn tập trung sự quan sát vào tác phẩm phi hư cấu về người lính của một cây bút “tay ngang”. Tác phẩm dài hơn 700 trang, hoàn toàn viết bằng ký ức và trải nghiệm trong 6 năm ở chiến trường của Vũ Công Chiến. Tác giả nhập ngũ tháng 9-1971, là bộ đội Trường Sơn chiến đấu tại chiến trường Nam Lào và Mặt trận B3 Tây Nguyên. Sách kể lại cuộc đời lính theo thời gian tuyến tính, từ khi quyết định rời nhà trường đến những ngày hành quân ở Trường Sơn, từ trận chiến đầu tiên ở chiến trường Nam Lào tới nhiều trận đánh ác liệt khác, những lần bổ sung quân, chuyển hậu cứ mới... Tác giả chú trọng chi tiết và các sự kiện lịch sử cụ thể đã diễn ra, các sự kiện nối tiếp nhau theo thời gian tuyến tính. Đây là một cấu trúc hồi ức sáng rõ. Tác giả đã tái hiện không gian chiến trận gắn liền với thời gian của các sự kiện. Chi tiết là phần đem lại giá trị của văn xuôi phi hư cấu. May thay, Vũ Công Chiến có trí nhớ tốt, một “bộ lọc” tinh kỹ nên đã cho ra những bức tranh hiện thực sống động. Tác giả không ngần ngại khi cho người đọc thấy sự sống và cái chết quá mong manh. Cái chết rình rập, bám theo từng bước chân người lính, ẩn nấp trong từng gốc cây, ngọn cỏ, nhiều cái chết thật bất ngờ, vô nghĩa...
Đề tài chiến tranh vốn bị cho là khô khan, lại của một cây viết “tay ngang”, nhưng ngay lần đầu ra mắt đã bán chạy. Điều đặc biệt là rất nhiều độc giả trẻ tìm mua cuốn sách với đề tài tưởng chừng chỉ có những bậc cha chú của họ-những người từng sống qua chiến tranh mới quan tâm. Một cuốn sách dày vì biên tập viên “cắt chỗ nào cũng thấy tiếc”, được chính một người lính trong cuộc viết ra với lượng thông tin dồi dào, trải nghiệm chân thực và cảm xúc không tô vẽ có lẽ đã thỏa mãn nhiều thế hệ bạn đọc: Cho người đã đi qua chiến tranh hồi tưởng những tháng ngày khốc liệt và cho người trẻ hôm nay hiểu thêm về thử thách chiến tranh. Sự đón nhận của bạn đọc trẻ cho thấy thế hệ ngày nay không hề thờ ơ, xoay lưng lại với quá khứ chiến trận của thế hệ cha anh.
Tác giả của "Hồi ức lính" không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Anh viết tác phẩm của mình với suy nghĩ đơn giản: “Nếu những người trong cuộc không viết ra thì làm sao để mọi người biết, trong chiến tranh, chúng tôi đã sống và chiến đấu thực sự như thế nào. Bởi vậy, với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi viết lại "Hồi ức lính" này để kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó...”. Không có gì khiến người ta tin và xúc động bằng suy nghĩ trách nhiệm, giàu tính nhân văn như thế.
Có thể với kho tư liệu đầy ắp vốn sống thực tế này khi “vào tay” một nhà văn có nghề nó sẽ trở thành bộ tiểu thuyết đồ sộ, hấp dẫn người đọc với rất nhiều thủ pháp nghệ thuật này khác. Nhưng ở đây, với những câu chuyện và chi tiết tươi ròng sự sống, được nhìn với cự ly sát gần của người trong cuộc, nó lại có sức lôi cuốn riêng. Nó chinh phục chúng ta bằng sức mạnh của sự chân thực, bằng những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với cả một thế hệ thanh niên mà bước chân đầu tiên của họ khi vào đời là cuộc sống quân ngũ. Họ đã trở thành người lính trước khi đủ tuổi công dân. Họ bước vào cuộc chiến như một sự lựa chọn không thể khác trước hiện tình nước sôi lửa bỏng của đất nước. Những người lính các anh đã hăm hở đi vào chiến trường, không tính toán băn khoăn. Có chăng chỉ là nỗi nhớ Hà Nội và những kỷ niệm của tuổi học trò. Nỗi buồn đau lớn nhất khi lên đường vào mặt trận là những giọt nước mắt của mẹ ngày chia ly. Người lính trẻ chỉ day dứt với suy nghĩ anh “ra đi đã mang theo cả cuộc đời của mẹ”...
So sánh "Hồi ức lính" với cuốn "Quân khu Nam Đồng" đình đám khi ra mắt năm 2015, nhà báo Hữu Việt đã chỉ ra điểm chung của hai cuốn sách này, đó là đều của những người chưa viết lách bao giờ, nhưng tác phẩm của họ lại rất hấp dẫn và thu hút bạn đọc bởi những câu chuyện hết sức chân thực, phi hư cấu.
Thời gian gần đây, hàng loạt cuốn hồi ức về chiến tranh và người lính kế tiếp nhau ra mắt người đọc, được đón chào nồng nhiệt: "Lính Hà" (Nguyễn Ngọc Tiến), "Mùa chinh chiến ấy" (Đoàn Tuấn), "Chuyện lính Tây Nam" (Trung Sỹ-Xuân Tùng)... càng thêm khẳng định giá trị và sức cuốn hút của văn chương phi hư cấu về đề tài chiến tranh và người lính-một chủ đề quan trọng của nền văn học Việt Nam hiện đại.
PGS, TS LƯU KHÁNH THƠ
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận