Trân quý nét văn hóa Bộ đội Cụ Hồ
Trải qua gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây đắp, kết tinh nên tinh thần yêu nước, thương dân, vì dân, ý chí dũng cảm quật cường để tô thắm những trang lịch sử bằng vàng của dân tộc!
Từ trong hiểm nguy, gian khổ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã để lại những biểu tượng cao đẹp, nét văn hóa độc đáo về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ bằng những tấm gương anh dũng, đức hy sinh thông qua những hành động, việc làm ý nghĩa thiết thực.
Trải qua lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, ở bất cứ thời kỳ nào thì cái thiêng liêng cao cả nhất vẫn là sự quyết tâm giữ vững chủ quyền Tổ quốc, là sự hy sinh của người lính để bảo vệ nhân dân, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Các áng văn chương từ xa xưa tới nay đã viết rất hay, sâu sắc, thấm thía về đề tài người lính, với những hình ảnh hiên ngang hy sinh thân mình để vì sự bình yên của Tổ quốc Việt Nam...
Dân tộc Việt Nam vốn đất không rộng, người không đông lại thường xuyên đối mặt với thiên tai, giặc giã. Và mỗi khi đất nước bị xâm lăng hay đồng bào gặp thiên tai hỏa hoạn, những người lính Cụ Hồ luôn sát cánh cùng nhân dân chống kẻ thù chung. Điều này góp phần tạo ra một nét bản sắc của tâm hồn Việt Nam là giàu yêu thương và rất đỗi anh hùng.
Ngày nay, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là sự học tập, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao giá trị con người Việt Nam truyền thống từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đã có không biết bao chiến sĩ sẵn sàng hy sinh thân mình để chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ Tổ quốc. Sinh ra từ nhân dân, lớn lên từ khói lửa chiến tranh, thiên tai địch họa, thời nay, Bộ đội Cụ Hồ phát huy cao nhất lý tưởng “Trung với Đảng, hiếu với dân... Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” để luôn là tấm khiên và thanh bảo kiếm bảo vệ Tổ quốc.
Đất nước hòa bình, nhưng ở nơi biên cương hải đảo có những cột mốc chủ quyền xây dựng bằng bê tông cốt thép và có cả những cột mốc sống canh giữ từng phút giây yên bình của quê hương đất nước. Những cột mốc sống ấy là những người lính biên phòng; những chiến sĩ hải quân không quản khó khăn, hiểm nguy vững chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương, biển đảo Tổ quốc. Họ hy sinh tuổi trẻ và hy sinh cả tính mạng vì sự bình yên Tổ quốc.
Trong cuộc chiến giữa thời bình, đối mặt với thiên tai dịch bệnh, với tinh thần “Phía trước là nhân dân”, Bộ đội Cụ Hồ luôn là lực lượng chủ lực trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Bất cứ nơi nào, dù xa xôi, khó khăn nhất, có lũ cuốn, mưa nguồn, núi lở, rừng cháy... nơi đó bộ đội có mặt sớm nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Nơi đồng bằng mưa bão ngập đồng, bộ đội dầm mình gặt lúa giúp dân. Nơi vùng sâu, vùng xa, biên cương Tổ quốc, bộ đội kéo điện sáng, bộ đội làm bác sĩ chữa bệnh, bộ đội làm thầy giáo dạy cho con trẻ cái chữ, bộ đội tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật...
Những con đường, những ruộng lúa, nương ngô ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi có các đơn vị quân đội, đoàn kinh tế - quốc phòng đứng chân đều mang dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ. Ở đâu có bộ đội, ở đó bà con yên tâm. Bộ đội đã đem lại cuộc đời mới cho người dân nơi hẻo lánh nhất! Nhiều doanh nghiệp lớn của quân đội tham gia xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm, có đơn vị vươn ra ngoài thế giới, góp phần làm ra của cải, mang thu nhập về cho đất nước! Tham gia đội quân Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là những bác sĩ quân y, sĩ quan hậu cần, sĩ quan chỉ huy tham mưu... Họ thay mặt đất nước mình tận tụy giúp đỡ, bảo vệ những người dân nghèo khổ nơi châu Phi xa xôi đang cần sự chia sẻ của tình người...
Hơn 2 năm qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, Bộ đội Cụ Hồ luôn xung kích đi đầu, có mặt tại các điểm nóng tâm dịch, trên tuyến biên cương mây mù, gió bấc ngăn chặn không để các đối tượng xâm nhập trái phép vào địa bàn. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bộ đội nhường chỗ ở, bộ đội làm bác sĩ, y tá, hộ lý, bộ đội làm “bà nội trợ” đi chợ thay cho dân. Bộ đội sống cùng dân, chia sẻ, giúp đỡ những công việc bình thường nhất...
Những hành động, việc làm cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ đã để lại trong lòng nhân dân những ấn tượng không bao giờ phai mờ. Đến bây giờ, vượt qua hoạn nạn, rất nhiều người dân luôn xem bộ đội là ân nhân của mình. Bộ đội làm “bà đỡ” bất đắc dĩ trong các khu cách ly giúp công dân “vượt cạn”, bộ đội nhường suất ăn cho công dân… Và còn đó, những tấm gương cán bộ, chiến sĩ quên mình trong tham gia giúp nhân dân phòng, chống dịch đã trở thành biểu tượng cao đẹp về lòng nhân ái, tinh thần quả cảm của Bộ đội Cụ Hồ. “Vì nhân dân phục vụ. Vì nhân dân hy sinh!”. Đấy là mệnh lệnh của trái tim người lính, là lẽ sống, lý tưởng. Đó là văn hóa cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ!
Thiêng liêng danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, do dân và vì dân. Đó là danh hiệu, danh xưng mà nhân dân tôn vinh; là giá trị văn hóa độc đáo, sáng tạo, tiêu biểu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh, gắn liền với truyền thống, chiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận