Văn học, nghệ thuật lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh cao đẹp, là giá trị văn hóa, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ sở dĩ đẹp đẽ, lay động, truyền cảm bởi hiện hữu ngay trong đời sống bằng những hành động xả thân của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ qua các cuộc kháng chiến và trong thời bình. Ở thời kỳ nào, Bộ đội Cụ Hồ cũng không quản ngại hy sinh tính mạng vì Nhân dân, đất nước. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được nâng tầm, chắp cánh qua văn học nghệ thuật. Rất nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã lớn lên, yêu Tổ quốc, Quân đội, có chí khí, lý tưởng hơn sau khi tiếp cận với văn học nghệ thuật viết về Bộ đội Cụ Hồ.
Để Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới” đi vào cuộc sống thì sự tham gia của văn học nghệ thuật về xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là giải pháp đặc biệt quan trọng. Đây là giải pháp căn cơ, bởi lẽ văn học nghệ thuật có cách tiếp cận riêng để thấm vào cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp Nhân dân một cách nhẹ nhàng, lâu bền; trở thành nét sống của cán bộ, chiến sĩ. Văn học nghệ thuật bằng những sáng tạo và sức mạnh của mình đã “chuyên chở” hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vượt không gian, thời gian để sống mãi trong lòng các thế hệ đã qua, hôm nay và mai sau.
Không chỉ tạo sức lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bằng những sáng tác xuất sắc, độc đáo, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã có sức cổ vũ to lớn, động viên người lính vươn tới, đạt tới cái đẹp, tinh thần anh hùng trong cuộc đời binh nghiệp vô cùng gian khổ, hy sinh. Trong ba lô của người lính thường có những bài thơ, bản nhạc, truyện ngắn và tiểu thuyết như một gia tài tinh thần quý giá.
Hiện nay trong cơ chế thị trường và sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiệm vụ xây dựng Quân đội thời kỳ mới cũng đặt ra nhiều thách thức. Tuy vẫn mang bản chất của Bộ đội Cụ Hồ năm xưa nhưng không gian thử thách không chỉ là thao trường và chiến trường, mà còn mở ra thị trường và thương trường. Để có được hình tượng văn học mang phẩm chất, cốt cách, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới trong văn học nghệ thuật thì người viết phải thâm nhập thực tế, cảm nhận thật đầy đủ cuộc sống của người lính hôm nay. Các tác giả cần xây dựng những tác phẩm văn học nghệ thuật gắn với môi trường lịch sử và văn hóa; hướng tới đối tượng độc giả trẻ. Thường xuyên đầu tư, mở trại sáng tác cho các tác giả đi thực tế đơn vị. Đưa tác phẩm văn học vào giảng dạy trong nhà trường cũng như công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Ngoài ra, cần tăng cường sự định hướng của các cơ quan quản lý trong công tác quảng bá, tuyên truyền tác phẩm đến rộng rãi công chúng, độc giả.
Những tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính, những tác phẩm nói lên đúng bản chất con người, bản chất người lính trong thời đại hiện nay sẽ giúp người lính tự nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn thế giới, góp phần giữ gìn và lan tỏa phẩm chất, giá trị nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
B.Q.Đ
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận