A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Noi gương anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Lời hứa chưa trọn…

Xuyên màn đêm trong mưa chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, một trong 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong quá trình cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) ở xóm 18, xã Nghi Liên, thành phố Vinh.

Trong ngôi nhà cấp 4, ánh mắt ông Nguyễn Cảnh Anh, bố của Đại úy Cường - một người đàn ông đã từng kinh qua mưa bom bão đạn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vẫn không ngăn nổi hàng lệ. Ông Anh cho biết: “Trong 3 người con Cường là đứa lo cho bố mẹ nhất. Bà nhà tôi vốn đau bệnh tim, nên hôm trước khi vào Huế nó còn gọi điện dặn tôi ở nhà bố nhớ nhắc mẹ uống thuốc cho đều. Vậy mà…!”

Đại úy Nguyễn Cảnh Cường (người đứng chỉ tay) luôn tận tụy, hướng dẫn bộ đội trong huấn luyện, công tác. 

Trong câu chuyện của ông Anh với mọi người, được biết, học xong cấp 3 bạn bè người thân khuyên Cường thi vào Trường Đại học Sư phạm Vinh cho gần nhà. Nhưng Cường bảo, trong ba anh em thì phải có người nối nghiệp bố và muốn được rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Thế là Cường thi vào Trường Sỹ quan Thông tin. Nhờ học tập và rèn luyện đạt kết quả tốt nên ra trường Cường được phân công về Quân khu 4.

“Cường là một cán bộ trẻ, năng động và luôn đảm nhận việc khó về mình. Nhất là trong các nhiệm vụ bảo đảm thông tin diễn tập, phòng chống cứu hộ, cứu nạn… Cường luôn xung phong lên đường đi trước. Trước ngày đi vào Huế công tác Cường vẫn còn 2 ngày nghỉ nhưng nghe tin đơn vị thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, Cường vội lên đơn vị ngay”.

Đại úy Lê Xuân Sơn, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80 

Giọng Đại úy Lê Xuân Sơn - Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80 như lạc giọng đi khi nhắc về người đồng đội của mình: “Trước ngày ra đi công tác ở Huế mặc dù gần tới bữa cơm nhưng Cường và anh em trong đoàn công tác chưa kịp ăn”. Và rồi, cũng chính bữa cơm cuối cùng của cuộc đời anh cùng các đồng chí trong đoàn công tác cũng không trọn vẹn. Bởi sau khi hành quân vào đến Trạm kiểm lâm 67 thì đã 20h. Mọi người tìm mãi mới được ít gạo và cái nồi nhỏ đem vào nấu nhưng do củi ướt cơm không thể chín và còn ít nước mắm của lực lượng kiểm lâm để lại, các anh chia nhau ăn để lấy sức. 

Đại úy Nguyễn Cảnh Cường (người đứng giữa) cùng đồng đội đảm nhiệm mạch máu thông tin thông suốt phục vụ nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Huế vừa qua. 

Bà Đinh Thị Thu, mẹ của Cường năm nay đã gần 70 tuổi nằm gục trên tay người thân. Từ khi nghe tin Cường và đoàn công tác gặp nạn, rất đông bà con đến thăm hỏi, động viên nhưng gia đình giấu bà. Thế nhưng, linh tính và tình mẫu tử, bà Thu đã lờ mờ nhận ra tin xấu đến với người con trai của mình. Và từ hôm đó đến nay, bà liên tục phải uống thuốc trợ tim. Ánh mắt nhìn xa xăm đờ đẫn, trong vô vọng, thỉnh thoảng bà lại khóc: Cường ơi, con bảo mẹ chuẩn bị sức khỏe để bế cháu cho con. Mà con sao nỡ dối mẹ Cường ơi!.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, vợ của Cường là một bác sĩ, nhưng do cú sốc quá lớn chị cũng như người không hồn. Được biết, vợ chồng Cường cưới nhau đến nay đã một năm nhưng vẫn chưa có con. Đã bao nhiêu lần bố mẹ, người thân giục vợ chồng đi khám nhưng vì nhiệm vụ Cường đều gác lại. Và dịp mới đây, anh xin phép đơn vị đi tranh thủ mấy ngày để hai vợ chồng cùng ra Hà Nội kiểm tra. Vậy mà, số thuốc bác sỹ cắt cho hai vợ chồng đưa về chưa kịp uống mà anh đã vội ra đi...

Bài, ảnh: TIẾN QUỐC - KỲ SƠN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội