A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người xóa bỏ những “cái nhất” ở Sê Pu - Tà Băng

          Trước đây, Sê Pu - Tà Băng, xã Hướng Lập, là một trong những thôn có nhiều “cái nhất” của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị: Xa nhất, nghèo nhất, đường sá đi lại khó khăn nhất, tỉ lệ trẻ em mù chữ nhiều nhất. Vậy nhưng, giờ đây những “cái nhất” đó dần được xóa bỏ, đời sống người dân trong thôn giờ đã đỡ khó khăn, đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Có được cuộc sống khởi sắc hôm nay, người dân trong thôn luôn nhắc đến đồng chí Hồ Văn Lương, Bí thư Chi bộ thôn, đại biểu Hội đồng Nhân dân xã năng nổ, nhiệt tình, xông xáo đi đầu, góp phần dần xóa bỏ đi những “cái nhất” của thôn.

Cách đây hơn 10 năm, tôi có dịp đến với bà con thôn Sê Pu - Tà Băng. Ngày đó, vượt qua cung đường ngoằn nghèo, khúc khuỷu, trơn trượt, bánh chiếc xe máy nhích từng tý, nên chỉ hơn 10 km từ thôn Cù Bai đến Sê Pu - Tà Băng mà gần 2 tiếng đồng hồ, tôi mới đến nơi. Giữa tiết trời thâm u, thôn Sê Pu - Tà Băng hiện ra heo hút, lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, gần như cách biệt với bên ngoài. Người dân trong thôn ngồi trên bậc thềm nhìn ra màn mưa rừng, ánh mắt buồn man mác. Khác hẳn với ánh mắt, tâm trạng của người dân trong thôn, lúc đó đồng chí Hồ Văn Lương, vừa được bầu làm Trưởng thôn, nói trong quả quyết với tôi: “Thôn tôi sẽ thay đổi, sẽ dần xóa bỏ được những “cái nhất” về khó khăn này”!.

          Trở lại Sê Pu - Tà Băng lần này, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nơi đây. Bên dòng Sê Băng Hiêng, thôn Sê Pu - Tà Băng hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh sơn thủy hữu tình với những đồi cây bời lời, cà fê, cây ăn quả, những rẫy lúa, nương sắn phủ xanh mướt dọc triền núi Cà Tam. Trong thôn, tiếng trẻ con bi bô đọc bài ở các điểm trường, tiếng ô tô, xe máy chở hàng hóa vào ra; điện lưới kéo về từng nhà… Nhìn “bức tranh” no ấm, khởi sắc của thôn, tôi nhớ lại những lời quả quyết của đồng chí Hồ Văn Lương cách đây hơn 10 năm.  

Đồng chí Hồ Văn Lương (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn người dân chăm sóc lúa nước.

 

Vào thôn, đồng chí Hồ Văn Lương, trên cương vị Bí thư Chi bộ thôn đang chủ trì Hội nghị Chi bộ ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tháng 4 năm 2023. Dưới sự khơi gợi của đồng chí Hồ Văn Lương, các đảng viên sôi nổi thảo luận các biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, trọng tâm xoáy sâu vào việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hộ gia đình, chủ trương tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm của thôn… Nghị quyết được ban hành, trong đó có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân xã Hướng Lập về các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Khi màn đêm buông xuống, sau ba hồi kẻng đánh vang, chẳng mấy chốc dân làng Sê Pu - Tà Băng có mặt đông đủ ở Nhà văn hóa thôn để dự họp. Giọng anh Lương phát ra từ loa, thông báo với dân làng về những chủ trương, nội dung Nghị quyết của Chi bộ thôn. Rồi đồng chí Trưởng thôn trình bày những phần việc cụ thể để dân làng thống nhất. Sau một hồi bàn bạc, những cánh tay giơ cao tán thành…

Nhiều năm làm trưởng thôn, rồi bí thư chi bộ, 2 nhiệm kỳ được người dân tin tưởng bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, anh Hồ Văn Lương rất hiểu tâm lý của người dân trong thôn. Gần như, tất cả công việc chung, cả làng chưa bao giờ vắng mặt một ai, trừ trường hợp ốm đau hoặc có công chuyện cần thiết. Tinh thần đoàn kết, được ví như những sợi mây trên nóc nhà, gắn chặt vào nhau cùng vượt qua một đời sương gió. Nhưng, đó là câu chuyện của hơn 10 năm trở lại. Còn trước đây, những cư dân ở thôn Sê Pu - Tà Băng, cũng không nằm ngoài tập quán của đồng bào vùng cao: Sống phân tán dọc sườn núi hiểm trở. Cũng vì biệt lập với bên ngoài nên mọi thứ với Sê Pu - Tà Băng đều rất… mơ hồ.

Đồng chí Hồ Văn Lương cùng Ban cán sự thôn họp bàn biện pháp phát triển kinh tế của thôn.

 

Câu chuyện cũ được gợi nhắc, chừng như chạm vào khoảng lặng rất riêng, khiến anh có chút thoáng buồn trên gương mặt. Tôi hiểu, đó là niềm riêng của những cán bộ miền núi khi “dám” chống lại với nếp nghĩ cũ của cộng đồng, thậm chí nếp nghĩ đó có thể là những hủ tục cay nghiệt tồn tại hàng trăm năm. “Mình quyết tâm phải làm thay đổi cuộc sống của dân làng nên dù khó đến mấy cũng không bỏ cuộc. Bắt đầu từ bản thân, mình tiên phong “mở lối” thoát nghèo cho bà con dân bản” - Anh Lương chia sẻ.

Với tay bật chiếc điều khiển quạt điện ở nhà văn hóa thôn để xua đi cái nóng đầu mùa, anh Hồ Văn Lương “mở lòng” với tôi, năm 2010, lúc mới lên làm Trưởng thôn, thấy đời sống bà con khổ quá, anh trăn trở nghĩ nhiều cách để tham mưu cho Ban cán sự thôn giúp bà con dần thoát nghèo. Nhưng là cán bộ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, những việc anh tham mưu chưa có nhiều hiệu quả. Ngày đêm trăn trở suy nghĩ, tìm tòi nguyên nhân, anh nhận thấy sự nhiệt tình, trách nhiệm của mình là chưa đủ mà phải làm sao người dân dần thay đổi thói quen sản xuất, không theo kiểu “tự cung, tự cấp” như lâu nay nữa.

Để nói cho người dân hiểu, nghe, tin và làm theo mình, anh và Ban cán sự thôn xác định phải gương mẫu đi đầu. Nghĩ là làm, trên cơ sở chủ trương của xã, anh liên hệ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 để được giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế. Gia đình anh “mở lối” đi đầu, làm trước, mạnh dạn vay vốn, quây vườn trồng rau, trồng cây ăn quả, nuôi lợn, nuôi gà bằng chuồng thay vì thả rông như trước, khai hoang đất làm lúa nước, nhận khoán trồng rừng... Lấy ngắn nuôi dài, kinh tế gia đình anh một khấm khá hơn.

Từ đó, anh ngày đêm tuyên truyền, vận động và giúp đỡ các hộ gia đình trong thôn làm theo. Nhiều hộ dân thôn Sê Pu - Tà Băng dần dần thoát khỏi cái đói đeo bám. Ngồi bên cạnh, già làng Hồ Mừng, góp thêm câu chuyện: “Nó (anh Hồ Văn Lương) lặn lội đến từng nhà, gặp từng người, từ ngày này đến ngày khác, tuần này đến tuần khác, không biết bao nhiêu lần và nhiệt tình giúp đỡ từng hộ gia đình, rồi dần dần bà con cũng làm theo…”.

Sắc cờ vui trên đường dẫn vào thôn Sê Pu - Tà Băng.

 

Dặm dài theo từng câu chuyện của người cán bộ trẻ là hành trình “vực dậy” với những cuộc dân vận không mệt mỏi, như dòng sông Sê Păng Hiêng miệt mài chảy ngược về phía đại ngàn Trường Sơn. Rồi anh Hồ Văn Lương thành công, ghi dấu cuộc đổi mới của người dân thôn Sê Pu - Tà Băng, lần lượt bằng việc dân bản đã dần từ bỏ lối canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên từ rừng mà đã làm quen với những giống cây trồng, vật nuôi mới; không còn thả nuôi gia súc, gia cầm dưới chân nhà sàn, nhà nào cũng có chuồng trại chăn nuôi riêng. Bà con đã biết tổ chức trồng rau, cây ăn quả và sản xuất lúa nước, làm vườn, trồng cây công nghiệp, café, bời lời, cây sắn hàng hóa để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống... Người dân cũng biết đến trạm y tế mỗi lúc ốm đau, biết ăn chín, uống sôi và cho con em đi học cái chữ Những đổi thay lớn đó đã giúp cho Sê Pu - Tà Păng gần hơn với miền xuôi.

Bằng tình cảm, trách nhiệm, với những nỗ lực của mình, anh được người dân trong thôn tin tưởng tiếp tục bầu làm Trưởng thôn, kiêm Bí thư Chi bộ và nhiệm kỳ 2016 – 2021, anh được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân xã. Trên cương vị mới, để xứng đáng là “đại biểu dân cử”, tiếng nói của Nhân dân, anh luôn sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của  của cử tri để đề bạt trước Hội đồng Nhân dân.

Khi nông sản làm ra nhiều, người dân trông thôn muốn bán ra ngoài nhưng con đường vào thôn vẫn còn nhỏ hẹp, Sê Pu – Tà Băng vẫn chưa giao lưu với ngoài được nhiều. Hiểu được nguyện vọng của người dân, muốn thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống phải “mở đường lớn” để thông thương với bên ngoài. Anh mang những mong mỏi của người dân, của cử tri thôn minh trình bày trước Hội đồng Nhân dân. Từ tiếng nói của anh, Hội đồng Nhân dân xã đã đưa vào chương trình, dự án, Nghị quyết sau mỗi kỳ họp.

Từ tiếng nói của anh, trong các chương trình, dự án theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân xã, các chủ trương về xây dựng điện, đường, trường, trạm được đưa về thôn . Tuy nhiên, lúc đầu không phải người dân nào cũng hiểu được chủ trương của xã về xây dựng các công trình. Đặc biệt là việc hiến đất, hiến cây để xây dựng các công trình nông thôn mới. Do vậy, khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, anh Hồ Văn Lương thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chi bộ, Ban cán sự thôn không ngừng đề ra nhiều giải pháp tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp họ nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, mà người hưởng thụ cuối cùng chính là người dân.

 Để vận động người dân, anh Lương và Ban cán sự thôn lại gương mẫu đi đầu trong hiến hàng trăm m2 đất để xây dựng đường, các công trình phúc lợi. Từ đó, người dân trong thôn cũng dân nghe và làm theo. Đến nay, người dân thôn Sê Pu - Tà Păng đã hiến hàng chục ha đất để nối liền đường giao thông từ đường Hồ Chí Minh vào đến tận thôn. Những điểm qua suối được thay bằng tràn bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và thông thương hàng hóa của dân bản. Các điểm trường tiểu học và mầm non được đầu tư xây dựng khang trang. Điện lưới quốc gia đã về tận thôn. Có điện, có đường, có trường học..., người dân rất phấn khởi, yên tâm làm ăn. Thông qua sản xuất ruộng nước, chăn nuôi trâu, bò, dê, các loại gia cầm, trồng và nhận khoán bảo vệ rừng mà đời sống của bà con dân bản ngày một khởi sắc. 

          Cái nghèo, cái đói dần được đẩy lùi, dưới sự vận động không biết mệt mỏi của anh Hồ Văn Lương, thôn Sê Pu - Tà Păng lần lượt đồng lòng đặt ra các quy ước về “Xóa nạn tảo hôn”; “Cộng đồng Tà Păng không vi phạm pháp luật”; để hạn chế uống rượu, nhất là thói quen uống rượu từ sáng sớm của dân làng, quy ước không uống rượu buổi sáng cũng được xây dựng và thống nhất thực hiện... Nhờ đó, từ nhiều năm trở lại đây, thôn Sê Pu – Tà Păng đã không còn hiện tượng người dân nghiện hút, buôn bán ma túy, không còn tình trạng gây gỗ, gây mất an ninh trật tự, tỷ lệ vi phạm pháp luật giảm xuống nhiều, bản làng ngày càng yên bình.

Tôi tạm biệt Sê Pu - Tà Păng, dưới ánh hoàng hôn dát vàng lên bề mặt sông Sê Băng Hiêng. Món quà tôi mang theo về xuôi là ánh mắt cương nghị, niềm tin của người cán bộ trẻ, vị đại biểu Hội đồng Nhân dân năng nổ, nhiệt tình trách nhiệm Hồ Văn Lương đang trong hành trình đi xóa bỏ những “cái nhất” về khó khăn, lạc hậu cho đồng bào mình.

Bài, ảnh: ĐỨC CƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội