Những di sản văn hóa gắn với cuộc đời Đại danh y Lê Hữu Trác
Hơn 230 năm, kể từ ngày Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác mất, hình bóng của Đại danh y dường như vẫn đang hiển hiện trong nhiều di sản văn hóa ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) - nơi ông gắn bó phần lớn cuộc đời ở mảnh đất này.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm Canh Thìn (1724) tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, cuộc đời ông lại gắn bó với quê mẹ - bà Bùi Thị Thưởng ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác xuất thân trong một gia đình dòng dõi “trâm anh thế phiệt” có truyền thống học rộng tài cao, nhiều người đỗ đạt và làm quan to nhưng rất trọng đạo lý. Là người có tư chất thông minh nhưng về khoa cử, ông chỉ đậu đến Tam trường, rồi sung vào quân đội chúa Trịnh.
Năm 1746, lấy cớ anh ruột mất, Lê Hữu Trác rời quân ngũ về quê ngoại Hương Sơn, Hà Tĩnh để phụng dưỡng mẹ già. Tại đây, ông làm nhà cạnh bìa rừng đặt tên hiệu “Hải Thượng Lãn Ông”. Hải Thượng là hai chữ đầu của trấn Hải Dương, phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là thôn Bàu Thượng quê mẹ. “Lãn Ông” nghĩa là “ông Già Lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi và quyền thế, tự do nghiên cứu y học và thực hiện chí hướng mà mình yêu thích.
Từ đó, ông dày công nghiên cứu, tìm học những bài thuốc hay trong nhân dân để trị bệnh cứu người, tiếng tăm ngày càng lừng lẫy. Suốt 45 năm làm thầy thuốc, hết lòng vì người bệnh, ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ, tìm hiểu nền y học cổ truyền dân tộc, kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông đã hệ thống hoá tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền dân tộc. Sau hơn mười năm, ông viết nên bộ sách “Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Đây là bộ sách đồ sộ phản ánh toàn bộ sự nghiệp y học và tư tưởng của Đại Danh y Lê Hữu Trác.
Ông cũng đồng thời là nhà văn với tác phẩm “Thượng Kinh ký sự” (năm 1783, bằng chữ Hán) đã phản ánh, phê phán sâu sắc cuộc sống xa hoa, quyền uy và thế lực trong cung vua phủ chúa với những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long để chữa bệnh cho gia đình chúa Trịnh. Tập ký sự này là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá phản ánh xã hội Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII.
Hải Thượng Lãn Ông qua đời vào ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) tại quê mẹ Hương Sơn - Hà Tĩnh, hưởng thọ 71 tuổi. Mộ ông được an táng tại khe nước cạn dưới chân núi Minh Tự, nay thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. Lê Hữu Trác là Đại danh y có đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc, kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Danh y Tuệ Tĩnh thiền sư.
Trải qua các triều đại phong kiến cho đến ngày nay, đã có nhiều công trình và việc làm để ghi nhớ công đức của ông như: đúc tượng, khắc bia, xây dựng đền thờ, tôn tạo phần mộ, đặt tên đường phố ở nhiều đô thị trong cả nước… Hằng năm, đến ngày mất của ông, hậu duệ họ Lê Hữu - Hương Sơn, nhân dân địa phương, lãnh đạo chính quyền và ngành y tế đều tổ chức thắp hương tưởng niệm. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông ngày Rằm tháng Giêng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Lễ hội cấp quốc gia năm 2015.
Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn trải dài trên một cung đường gần 8 km, bao gồm: Nhà thờ Lê Hữu Trác (xã Quang Diệm); chùa Tượng Sơn (xã Sơn Giang); mộ, tượng đài (xã Sơn Trung), đều thuộc huyện Hương Sơn. Đây là những địa chỉ văn hoá hằng năm thu hút hàng vạn du khách và nhân dân địa phương đến viếng thăm và tham gia các hoạt động lễ hội diễn ra vào đầu năm mới.
Từ thị trấn Phố Châu, Hương Sơn theo quốc lộ 8A hướng Tây 6 km rồi qua sông Ngàn Phố, ta sẽ đến khu vườn đào - nơi sống và làm việc của Lê Hữu Trác, nay là Khu lưu niệm Lê Hữu Trác (bao gồm khu vườn và nhà thờ rộng khoảng 1 ha). Trong vườn có một số cây thuốc, cây cảnh, đặc biệt là có hòn non bộ và hồ bán nguyệt. Đây là nơi ngày xưa ông thường dựng cờ xem gió (theo hình vẽ ở sách Vận khí bí điển) vui với đàn cá lội và tiếng sáo diều vi vu trên bầu trời nơi núi rừng thanh vắng.
Trong vườn đào có nhà thờ, nguyên là nhà thờ họ Lê Hữu, chi xã Sơn Hoà - Hương Sơn dựng vào năm Thành Thái nguyên niên (1889), dời về đây năm 1972. Nhà quay hướng Nam gồm 3 gian bằng gỗ mít theo kiểu "tam oai tứ trụ", cửa vào ra theo kiểu panô trụ xoay có chạm hình hoa lá, dây leo. Bàn thờ đặt gian giữa, có tượng bán thân Lê Hữu Trác, hai gian hai bên treo niên biểu ghi lại những năm tháng cuộc đời Lê Hữu Trác cũng như quan hệ gia đình, xã hội của ông.
Cách khu vườn đào 7 km về phía Đông, khu mộ Đại danh y Lê Hữu Trác được an táng dưới chân núi Minh Tự bên bờ sông Ngàn Phố. Trước đây, mộ được ghép đá, có hai bậc, bậc trên là phần mộ, bậc dưới là nơi chiêm ngưỡng. Trước mộ có hình cuốn thư, gắn bia đá Thanh do họ Lê Hữu làm từ năm 1934. Dòng chữ Hán khắc trên mộ chí: “Hương Sơn huyện, Tình Diệm xã, Yên Trung thôn, Lê Thị đệ thập thế tử Huy Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông chi mộ”. Từ năm 2004 - 2013, nhà thờ và khu mộ Lê Hữu Trác đã được Bộ Y tế đầu tư tu bổ tôn tạo, trong đó xây dựng mới khuôn viên, nhà bia, dựng tượng đài toàn thân bằng đá cao trên 20m trên đỉnh núi phía sau khu mộ của ông.
Chùa Tượng Sơn còn có tên chùa Ầm Ầm, trước thuộc làng Yên Hạ, xã Tình Diệm, tổng Hữu Bằng, nay là xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn. Chùa khởi dựng vào đầu thế kỷ XVII do bà Bùi Thị Thưởng - thân mẫu của Đại danh y Lê Hữu Trác sáng lập và hai anh em Lê Hữu Trác trực tiếp xây dựng ban đầu. Từ ngày xây dựng đến năm Mậu Thìn (1928) đã có 6 nhà sư trụ trì, mỗi nhà sư đều có công tu bổ tôn tạo chùa ngày càng khang trang, trong đó 2 nhà sư có nhiều công lao hơn cả, đó là Thích Phổ Quang và Thích Quảng Vận. Nhà sư Thích Phổ Quang thế danh Lê Hữu Ân, cháu gọi Lê Hữu Trác bằng ông chú. Tháng 7 năm 1835 (Minh Mạng thứ 16), nhà vua mở khoa thi Tam giáo cho các nhà sư trong cả nước. Trong tổng số 174 vị dự thi, kết quả đậu 44 vị, có 4 vị đậu hạng giỏi, 40 vị đậu hạng thường, nhà sư Thích Phổ Quang đậu thứ 7, được nhà vua chiêu đãi thụ yến tại chùa Linh Mụ. Khi ra về nhà vua ban cho ngọn long đao, một đạo long điệp, 8 lạng bạc và lương tiền lộ phí. Đặc biệt, nhà vua ban cho một quả ấn có khắc 5 chữ “Lê Từ Quảng chi ấn”. Khi về trụ trì chùa, nhà sư đã cho kiến thiết lại chùa, làm lại chùa Thượng, dựng lầu gác chuông 8 mái, đúc quả đại hồng chung có khắc bài ký và 4 chữ nổi “Tượng Sơn tự chung”.
Còn nhà sư Thích Quảng Vận thế danh Lê Khả Cơ, năm 1870 lại cho trùng tu lại chùa Thượng, kiến thiết nhà Tổ, xây nhà khách, nhà thập bát, bể cạn và trồng hoa cây cảnh. Đặc biệt đã quy hoạch được hơn 1 mẫu vườn cây ăn quả trồng đủ loại. Khu vườn không những làm cho kinh tế nhà chùa phồn thịnh mà còn tô điểm cho cảnh chùa thêm tươi đẹp. Các nhà sư không những có công trùng tu phát triển chùa mà còn làm cho Đạo tràng được mở rộng, Phật sự được tăng quang, Thiện tín càng tôn sùng Tam bảo, Phật pháp càng phát triển thịnh hành.
Trải qua thời gian, chùa Tượng Sơn đã trở thành ngôi chùa cổ, một di tích lịch sử gắn liền với gia đình Đại danh y Lê Hữu Trác, một di sản văn hoá nghệ thuật độc đáo. Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng đây cũng là đại danh lam, xưa nay được khách thập phương tham quan chiêm ngưỡng. Chùa tọa lạc giữa khu đất bằng phẳng, bốn phía có núi sông, khe suối, làng mạc, ruộng đồng bao bọc. Trước mặt chùa là dòng sông Ngàn Phố, sau lưng là ngọn núi Voi đứng sừng sững, có khe suối chảy ầm ầm quanh năm tạo âm thanh rộn rã nơi tĩnh mịch. Chùa Tượng Sơn có 3 công trình gồm chùa Thượng chính điện thờ Phật Thích Ca, bên tả thờ ông bà Tham đốc quận công (tức ông bà ngoại Lê Hữu Trác) và bà Bùi Thị Thưởng (thân mẫu Lê Hữu Trác), bên hữu thờ tổ tiên họ Lê Hữu, hai bên phía ngoài thờ các tiên vong quy y ký tiến.
Chùa Hạlà một lầu chuông 8 mái được chạm trổ tinh xảo với hoa văn kiểu tứ linh, tầng trên để gác chuông, tầng dưới làm nơi lễ bái. Bên cạnh chùa Thượng là nhà Tổ, thờ tượng Tổ Đạt Ma, lịch đại Tổ sư. Trong chùa có nhiều pho tượng Phật được tạo dáng nghệ thuật đẹp với nhiều vẻ độc đáo, nhất là pho tượng lớn Bồ Tát Chuẩn đề 18 tay. Trước sân nhà thờ Tổ là cổng tò vò xây theo kiểu chồng diêm, phía sau là tăng xá phương trượng. Về phía góc trái vườn chùa có 7 am mộ các nhà sư trụ trì viên tịch tại đây. Chùa Tượng Sơn cũng đã được Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, thuộc Bộ Y tế trùng tu, tôn tạo quy mô cùng đợt với mộ và khu lưu niệm Đại danh y.
Là lễ hội văn hóa truyền thống, Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức từ ngày mồng 8 đến ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm (trong đó chính hội diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng) thu hút hàng ngàn du khách và nhân dân địa phương với các nội dung chính như: lễ hội đua thuyền, hội thi sáo diều, lễ dâng hương tại khu mộ, lễ rước từ khu mộ về nhà thờ và dâng hương, lễ tế Đại danh y Lê Hữu Trác tại nhà thờ và lễ cầu an sức khỏe tại chùa Tượng Sơn.
Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức nhiều cuộc thi, trò chơi dân gian khác... Đây là lễ hội để tưởng nhớ, tri ân danh nhân văn hoá thế giới, một Đại danh y mà quan điểm sống của ông rất đáng trân trọng “Nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân”, “Tôi đã hiến thân cho nghề thuốc, nên lúc nào cũng muốn làm hết sức mình”. Trong các nội dung chính của lễ hội, lễ cầu an sức khỏe là một trong những nội dung thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự. Lễ cầu an diễn ra 2 phần chính là lễ cúng Phật và giác linh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; cầu an sức khỏe cho Nhân dân.
Trong các hoạt động lễ hội, hội thi trưng bày diều sáo Hải Thượng được tổ chức mang lại sự phấn khích cho nhân dân địa phương. Cánh sáo diều Hải Thượng là biểu tượng của thú chơi tao nhã của Đại danh y, nhưng đó cũng là thể hiện cuộc sống quê hương thanh bình, thịnh vượng ở một miền quê sơn thuỷ hữu tình.
Baohatinh.vn
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận