Thứ sáu, 29/03/2024 - 13:47
Quân khu 4: Tổng kết công tác doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản; trường bắn, thao trường huấn luyện năm 2023 Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Gặp mặt cán bộ, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng 2 Giúp chiến sỹ mới tự tin trong “Ngôi nhà mới”. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu chăm lo chu đáo cho chiến sĩ mới Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên Chiến sĩ mới. Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu chúc mừng Bệnh viện Quân y 4 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021))

Vùng đất của những huyền thoại

Đó chính là Vĩnh Linh (Quảng Trị). Một cái tên không chỉ lưu danh sử sách, mà rất tự nhiên, nó ngấm sâu trong trái tim ta mới mẻ, sinh động, còn nóng hổi sức sống. Đó mới thật là kỳ diệu, một ký ức còn tươi rói chứ không phải là một vùng đất lãng quên...

Phải có một cái gì đó riêng biệt của Vĩnh Linh mới có thể níu giữ tâm hồn mỗi chúng ta sâu sắc đến thế. Vâng! Vĩnh Linh là đặc khu tiền tiêu của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và là hậu phương số một của chiến trường miền Nam những năm đánh Mỹ. Vĩnh Linh có cầu Hiền Lương, nơi giới tuyến phân đôi hai miền Nam-Bắc trong suốt hơn hai mươi năm dằng dặc nỗi đau chia cắt. Vĩnh Linh nổi danh không chỉ ở đất nước mình mà còn là nơi cả thế giới biết đến, ngưỡng mộ và tôn vinh. Nơi đối đầu khốc liệt về quân sự, chính trị, trí tuệ giữa hai bên... Và đương nhiên, chỉ với điều đó, Vĩnh Linh đã trở thành huyền thoại của lịch sử thăng trầm mà dân tộc ta đã đi qua... Nhưng hình như vẫn còn một cái gì đó vô cùng vĩ đại ẩn sau tất cả những sự kiện, ẩn sau những độc đáo, kỳ vĩ của đất đai, địa lý. Đó chính là lòng người Vĩnh Linh, là hồn vía con người ở vùng đất này...

Lòng người! Chỉ có cách nhìn này mới cho ta những cảm nhận trung thực nhất về vùng đất Vĩnh Linh. Chả thế mà vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, ngay sau ngày đất nước độc lập-tức thời kỳ mà mục tiêu số một của cách mạng lúc đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội, vấn đề đặt cho Vĩnh Linh không phải là chiến tranh, mà là làm thế nào để Vĩnh Linh có được sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và tiến bộ. Đối với Vĩnh Linh khi đó, sự nghiệp xây dựng và giáo dục con người được đặt lên vị trí hàng đầu. Và người Vĩnh Linh đã đạt được những điều mà không phải địa phương nào cũng làm được trong một hoàn cảnh còn cực kỳ khó khăn thiếu thốn: Hợp tác xã kiểu mới được thành lập. Bệnh viện, trường học mọc lên rộng khắp từ vùng biển đến tận các vùng núi xa xôi hẻo lánh. Người Vĩnh Linh nhận thức rằng, chỉ có học tập, chỉ có tri thức mới có thể diệt giặc đói giặc dốt, mới làm thay da đổi thịt cuộc sống xưa cũ đã ăn sâu vào tận xương tủy con người từ nhiều đời truyền lại. Vì lẽ đó, người Vĩnh Linh khao khát xây dựng một xã hội văn minh và giàu có. Vào những năm tháng ấy, Vĩnh Linh đã đạt được thành tựu đáng khâm phục về sự phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Trong khoảng thời gian ngắn, Vĩnh Linh đã giải quyết xong nạn mù chữ. Các trường học cấp 1, 2, 3 mọc lên ở tất cả xã, huyện. Đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cải thiện, bộ mặt về một xã hội mới đã hình thành. Và đó chính là khát vọng lớn nhất của người dân Vĩnh Linh về xây dựng con người mới, xã hội mới...

Mô phỏng cảnh sinh hoạt bên trong địa đạo Vịnh Mốc. 

Nhưng sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, người dân Vĩnh Linh lại phải đối đầu với cuộc chiến tranh tàn khốc chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Chỉ trong một ngày (8-2-1965), địch đã huy động 82 lượt máy bay ồ ạt tấn công vào thị trấn Hồ Xá, bắt đầu bước leo thang quân sự vào Vĩnh Linh. Cũng từ đây, vùng đất Vĩnh Linh ngày đêm chìm trong bom đạn  tàn khốc của kẻ thù. Cuộc chiến tranh một mất một còn giữa quân và dân ta với quân Mỹ-ngụy. Người Mỹ đã dùng đủ mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, từ máy bay, tàu chiến đến cả pháo đài bay B52 trút hàng vạn tấn bom đạn xuống các làng mạc, bệnh viện, trường học. Có thể nói, suốt ngày đêm trên bầu trời Vĩnh Linh không lúc nào vắng tiếng đạn bom, không một đêm nào vắng bóng các tàu chiến, biệt kích của Mỹ-ngụy ở Cửa Tùng, Cồn Cỏ. Bom đạn dày đặc mù mịt bầu trời, làng mạc bị các loại bom rải thảm suốt đêm, ngày. Chỉ tính từ năm 1965 đến 1972, vùng đất Vĩnh Linh đã xuất hiện gần 4.000 lượt B52, rải xuống 560.000 tấn bom, 727.000 loạt đạn đại bác, bình quân mỗi người dân ở Vĩnh Linh phải hứng chịu 7 tấn bom, 80 quả đại bác các loại. Song người Vĩnh Linh đã sẵn sàng. Với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời” và lời thề sắt son bảo vệ vững chắc thành quả chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, không một loại đạn bom nào có thể khuất phục, có thể lay động ý chí của người dân Vĩnh Linh. Quân thù càng điên cuồng tàn phá thì người Vĩnh Linh càng nung nấu lòng căm thù giặc, càng kiên cường bám đất, giữ làng, giữ vững trận địa, bằng mọi giá chiến đấu và chiến thắng quân thù. Với ý chí bất khuất, anh dũng chiến đấu, quân và dân Vĩnh Linh đã lập nên những chiến công hiển hách: Bắn rơi 293 máy bay các loại, trong đó có 7 “pháo đài bay B52”, nhấn chìm 69 tàu chiến, trong đó có chiến hạm New Jersey trọng tải 100.000 tấn. Có trận chỉ trong một ngày, Vĩnh Linh bắn rơi 6 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, trở thành “ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”...

Vào những năm tháng ấy, để có thể bám trụ chiến đấu bền bỉ lâu dài, người Vĩnh Linh đã triển khai hệ thống hầm hào rộng khắp với quy mô lớn chưa từng có gồm hàng vạn căn hầm chữ A, hầm vuông, hầm ngầm, hầm gia đình, hầm gia súc, hầm cá nhân và hệ thống hầm địa đạo nằm sâu trong lòng đất từ 10 đến 20m. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ chồng chất, chiến tranh, bom đạn đánh phá ác liệt, nhưng chỉ bằng phương tiện thô sơ và nghị lực phi thường, quân và dân Vĩnh Linh tạo ra 114 địa đạo lớn nhỏ, với tổng chiều dài đường hầm hơn 40km. Trong ba năm (1966-1968) đã làm nên một công trình đồ sộ, một thành quả lao động vĩ đại: Huy động được 7.518.540 ngày công để đào hơn 3.759.270m3 đất đá, tạo nên một hệ thống làng hầm, địa đạo huyền thoại trong lòng đất. Tiêu biểu có nhiều làng hầm quy mô lớn như Làng hầm địa đạo Vịnh Mốc. Ngoài ra còn có một hệ thống giao thông hào dài hơn 2.000km nối thông các làng hầm, địa đạo với nhau... Chính nhờ hệ thống địa đạo, hầm hào này mà người Vĩnh Linh trụ bám kiên cường trong suốt những năm đánh Mỹ. Ở Vĩnh Linh, mỗi người dân là một người lính, nếp sống quân sự hòa trong nếp sống dân sự, chính ở đây cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện được thể hiện ở phạm vi cao nhất. Người người ra trận, nhà nhà ra trận. Chính vì vậy, cho dù Mỹ-ngụy huy động một lực lượng chiến tranh khổng lồ vẫn không làm nao núng lòng người Vĩnh Linh. Hàng vạn tấn đạn bom có thể hủy diệt những trường học, bệnh viện, xóm làng chứ không thể hủy diệt được lòng người. Chính lòng người Vĩnh Linh mới là bài ca bất tử, sống mãi trong tâm khảm nhân dân cả nước.

Du khách đến thăm địa đạo hôm nay. 

Trở lại Vĩnh Linh lần này, chúng tôi thực sự xúc động trước sự hy sinh gian khổ, sức chịu đựng phi thường, bền bỉ mà người dân nơi đây đã phải trải qua. Chúng ta không thể quên hình ảnh những chiến sĩ cảm tử Đại đội 22 anh hùng dám hy sinh tính mạng, ra đi không hẹn ngày về, ròng rã làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trước sự đánh phá tàn khốc của quân thù. Không thể quên những đoàn xe bất chấp hiểm nguy, băng qua lửa đạn đưa hàng vạn người già, em nhỏ của Vĩnh Linh sơ tán ra miền Bắc. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, khó khăn chồng chất, nhưng người Vĩnh Linh vẫn dang rộng vòng tay che chở, lá lành đùm lá rách, đón hàng vạn đồng bào từ các huyện: Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong... sơ tán, cùng nhau nhường cơm sẻ áo cho đồng bào miền Nam ruột thịt... Trên mỗi bước chân, mỗi gốc cây ngọn cỏ, mỗi tên đất tên làng, dòng sông con suối ở Vĩnh Linh đều thấm máu bao người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tên tuổi của họ mãi mãi tạc vào lịch sử với những chiến công chói sáng cho hôm nay và mai sau...

Ngày nay, Vĩnh Linh đang nỗ lực vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động nhất của tỉnh Quảng Trị. Sau những năm được phong tặng danh hiệu Khu vực Vĩnh Linh anh hùng thời chống Mỹ, ngày 23-11-2011, Vĩnh Linh lại vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...

Mùa xuân mới đã về, người Vĩnh Linh đang hối hả chuẩn bị cho một năm đầy hứa hẹn với tốc độ phát triển nhanh của kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội. Chúng ta tin, cho dù nền kinh tế chung của đất nước còn gặp những khó khăn, Vĩnh Linh lại vừa trải qua trận lũ lụt lịch sử gây thiệt hại to lớn về người và của, nhưng người Vĩnh Linh, với bản chất anh hùng và truyền thống cách mạng, sẽ vượt qua sóng gió, như họ từng chiến thắng vẻ vang trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...

Nguồn: SKNC


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội