Sức bật Sơn Lâm
Sơn Lâm là xã miền núi, vùng sâu của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có hơn 80% diện tích là đồi, núi, dân cư thưa thớt, trình độ văn hóa của nhân dân không đồng đều, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn… Xuất phát điểm thấp, nhưng khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Sơn Lâm đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động sức dân để tạo sức bật mới làm đổi thay ở vùng sơn cước này.
Ông Lê Trọng Lài, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lâm phấn khởi cho biết: “Cuộc sống của người dân Sơn Lâm giờ đây đã đổi khác sau nhiều năm, một diện mạo mới khang trang, sạch đẹp, sung túc đang dần thay thế cho những căn nhà xập xệ, tạm bợ, những con đường bê tông nâng bước người dân đến tận ngõ…”.
Cùng ông Lê Trọng Lài, chúng tôi tham quan một số mô hình kinh tế của địa phương. Chỉ tay về phía những đồi cây ăn quả, cây lâu năm, ông Lê Trọng Lài giới thiệu, trước đây những ngọn đồi đó chủ yếu là cây dại nay được thay thế bằng những cây có giá trị kinh tế hay những trang trại chăn nuôi tổng hợp… góp phần đem lại cuộc sống sung túc, đủ đầy cho người dân Sơn Lâm. Sau khi họp dân, quán triệt, UBND xã liên hệ Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện giúp dân vay vốn. Từ một vài gia đình mạnh dạn vay, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng và chăn nuôi mang lại hiệu quả đến nay trở thành một phong trào thi đua rầm rộ, nhiều hộ từ chỗ hộ nghèo đã vươn lên làm giàu nhanh chóng. Cách làm của Sơn Lâm đã xóa bỏ được tập tục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vốn ăn sâu vào tiềm thức của người dân.
Mô hình nuôi hươu hiệu quả cao của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, xóm 6, xã Sơn Lâm
Đến tham quan một số hộ dân chăn nuôi hươu trên địa bàn, nhà nào cũng khang trang, tiện nghi đầy đủ. Theo những người dân nơi đây thì Sơn Lâm là một trong những “vựa hươu” của huyện. Đến nay toàn xã có tới 55 mô hình chăn nuôi hươu với quy mô từ 10 đến 50 con. Ngoài ra còn có mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, thỏ… hay diện tích cây keo lai cũng đem lại thu nhập khá cho người dân. Sơn Lâm hiện có 46 mô hình thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có 3 mô hình trên 500 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với việc thành lập mới 3 doanh nghiệp, 3 HTX trên địa bàn đã góp phần tiêu thụ sản phẩm do người dân làm ra, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương. Một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Sơn Lâm đó là trồng chè công nghiệp, đến nay xã đã trồng mới được hơn 10 héc ta chè, sắp tới xã sẽ tiếp tục mở rộng thêm. Đồng thời, Sơn Lâm có lợi thế nuôi ong, vào năm 2018 xã sẽ chú trọng phát triển mạnh việc nuôi ong tạo thành chuỗi liên kết mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Song hành với sự phát triển của kinh tế là sự đi lên của đời sống văn hóa, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã khơi dậy phong trào thi đua sôi nổi trong toàn dân, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong mọi sinh hoạt văn hóa. Bởi vậy, tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm từ 65-70%, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang được bãi bỏ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được người dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia các giải do huyện tổ chức đạt giải cao.
“Nếu như trước đây vùng núi là nơi khó khăn để phát triển kinh tế thì nay, với việc vận dụng linh hoạt các chính sách ưu việt trong chương trình xây dựng nông thôn mới, miền núi lại là lợi thế. Giá trị nông nghiệp tính đến 6 tháng đầu năm 2017 so với năm 2011 tăng 270,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/người/năm - tăng 267,6%, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 22%…”, ông Lê Trọng Lài khẳng định.
Bài, ảnh: Nghi Lâm
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận