Giữ "hồn" cho nón lá Huế
Cần có chế độ chính sách trợ cấp và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ tay nghề cao và các cơ sở sản xuất duy trì sản xuất các sản phẩm độc đáo, trước hết nhằm phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng và hướng tới sản xuất một số loại sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao đáp ứng thị hiếu của du khách nội địa và quốc tế...
“Hồn” Huế trong chiếc nón lá
Từ xưa đến nay, hình ảnh người phụ nữ mang chiếc áo dài, đội nón lá đã trở thành biểu tượng, nét văn hóa của người Việt Nam. Ở Huế, chiếc nón lá đã trở thành biểu trưng cho sự dịu dàng, thanh mảnh, duyên dáng của người phụ nữ Huế.
Nón lá Huế có lịch sử từ rất lâu đời. Nó ra đời nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân, đó là che nắng, che mưa. Ngày nay, chiếc nón Huế đã trở thành món quà kỷ niệm, trang trí, chụp ảnh… của những du khách gần xa khi đến thành phố thơ mộng.
Ai đã từng một lần đến Huế sẽ cảm nhận được “hồn” Huế trong những chiếc nón bài thơ. Hiện nay, theo nhu cầu cấp thiết của thị trường, các nghệ nhân ở Huế đã sáng tạo ra thêm nhiều loại nón nghệ thuật như nón lá sen, xương lá bàng rừng, nón trúc chỉ, cỏ bàng, thêu, vẽ… Nón lá Huế có hình chóp nhọn, mỏng, nhẹ, thanh cảnh trông mềm mại, đẹp nhưng chắc bền. Kích thước của một chiếc nón lá Huế truyền thống thường là 16 vành, ngoài ra còn có kích thước 18, 16, 13 vành tùy vào nhu cầu của người sử dụng.
Chất lượng và danh tiếng nón lá Huế có được là nhờ được làm từ nguyên vật liệu đặc trưng ở địa phương, bằng kỹ thuật chằm nón truyền thống vùng Huế mà đặc biệt là sự khéo léo và kinh nghiệm của những người phụ nữ đất Cố đô để xử lý qua nhiều khâu kỹ thuật (hấp, sấy, ủi phẳng lá), chọn khung, bắt vành, lợp lá, chằm nón… mới ra được một chiếc nón đạt tiêu chuẩn.
Gìn giữ và phát huy giá trị nón lá Huế
Ở Thừa Thiên Huế có rất nhiều làng nghề làm nón lá, có làng chuyên làm nón 3 lớp, nón 2 lớp, có làng chuyên về nón bài thơ. Trong đó có thể kể đến các làng nón nổi tiếng như: Đồng Di, La Ỷ, Nam Phổ, Phủ Cam, Tây Hồ, Đốc Sơ, Mỹ Lam.
Để giữ gìn, phát huy và tôn vinh vẻ đẹp của nón lá Huế góp phần quảng bá cho giá trị văn hóa tiêu biểu của Huế, văn hóa Việt Nam, năm 2009 Hội Nón lá Huế đã được Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép thành lập. Với tính chất đặc thù, ngày 19/7/2010, nón lá Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Huế”. Đồng thời Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm nón lá ở tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 41/2010/QĐ-UBND ngày 12/10/2010.
Bà Trần Thị Thùy Yên - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế khẳng định, việc tiến hành hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm nón lá tỉnh Thừa Thiên Huế là một việc làm cần thiết, phù hợp. Kết quả đạt được không chỉ là một sự chứng thực về một sản phẩm có chất lượng mà còn mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội cho một ngành nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả sẽ là tiền đề ứng dụng mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp cùng loại và tương tự, việc quản lý và vận hành thành công chỉ dẫn địa lý “Huế” sẽ là sự khẳng định thành công của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.
“Nhằm bảo tồn và phát triển nón lá Huế cần có các hoạt động để phát triển tài sản trí tuệ gắn với thị trường công nghệ đó là hỗ trợ cải tiến công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế đối với các hộ chăm nón; Tiếp tục thực hiện Khung giải pháp hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Tập trung hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ xây dựng, tạo lập và phát triển các nhãn hiệu (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý) của các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ các hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, chuyển giao công nghệ.” - Phó Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Công thương Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ phát triển sản phẩm Nón lá từ nguồn vốn khuyến công như: hỗ trợ 03 Đề án: Đào tạo nghề và truyền nghề làm nón lá cho lao động nông thôn tại xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ cho Cơ sở Nguyễn Thị Mùi; Đào tạo nghề chằm nón lá Phong Sơn cho Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Tây Sơn; Đào tạo nghề sản xuất nón lá Mỹ Lam chất lượng cao phục vụ du lịch cho HTX Nông nghiệp Phú Mỹ II với tổng kinh phí hỗ trợ trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ tổ chức Hội thảo tập huấn quy chế sử dụng chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm nón lá ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công thương, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại đối với việc phát triển làng nghề, đó là: Sản phẩm có thương hiệu còn ít, thị trường còn hạn hẹp; quy mô các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa số còn nhỏ, công nghệ và thiết bị chậm đổi mới; tính liên doanh, liên kết trong ngành nghề, làng nghề còn hạn chế; số doanh nghiệp, đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề chưa nhiều. Nguồn vốn khuyến công được phân bổ hàng năm còn chưa đảm bảo so với nhu cầu của doanh nghiệp/cơ sở.
Hướng đi cho nón lá Huế
Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Quốc gia viện FNF Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, từ năm 2012, theo đánh giá của các chuyên gia và cộng đồng, trong các sản phẩm nghề truyền thống ở Huế, Nón lá dưới con mắt bạn bè quốc tế là một Nghệ thuật chế tác tiêu biểu của người thợ thủ công Việt Nam; đồng thời cũng là sản phẩm thích ứng với dòng chảy văn minh nhân loại nên được sử dụng trong hầu hết các sự kiện Văn hóa lớn ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nghề làm nón lá đang bị mai một dần, hình ảnh chiếc nón lá Huế đang dần bị mất đi trong Bức tranh du lịch Huế. Do đó, cần thiết có một hướng đi tốt trong việc khôi phục và phát huy nghề chằm nón.
"Chúng ta thường nói trên các diễn đàn rằng, văn hóa và các sản phẩm văn hóa là lực đẩy Kinh tế. Vậy để nâng cao thu nhập cho những người làm nghề thủ công, phải biến những giá trị Văn hóa thành Giá trị kinh tế, tức là tìm cách chuyển một bộ phận Nón lá Huế từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Các câu chuyện xoay quanh Quy trình sản xuất Nón lá hóa cũng có thể trở thành sản phẩm Du lịch. Cần có chế độ chính sách trợ cấp và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ tay nghề cao và các cơ sở sản xuất duy trì sản xuất các sản phẩm độc đáo, trước hết nhằm phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng và hướng tới sản xuất một số loại sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao đáp ứng thị hiếu của du khách nội địa và quốc tế. Bởi đây cũng là công tác văn hóa, bảo tồn sản phẩm truyền thống của người Xứ huế. Họ chính là người hiểu nhất về giá trị văn hóa và tạo nền tảng để "Văn hóa Nón lá" hội nhập tốt hơn với các loại hình văn hóa khác.” - Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến chia sẻ.
Tâm huyết với sự phát triển nón Huế, Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến cho rằng: Doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp và Hội Nón lá phải là điều kiện quan trọng để phát triển. Hội là kênh kết nối, thông tin, đầu mối quan trọng giữa Hội viên, những hội viên tiềm năng với các Sở ban ngành và Huyện để gắn các hoạt động hỗ trợ của chính quyền trong lĩnh vực Du lịch văn hóa theo nhu cầu của người làm nghề truyền thống, phục vụ lợi ích của người lao động các HTX và doanh nghiệp. ví dụ: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng của người làm Nón trong lĩnh vực Du lịch.
Phó Giám đốc Quốc gia viện FNF Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam mong muốn, Hội Nón lá kết hợp với cơ sở kinh doanh đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động liên kết với các Trường Đại học - Cao đẳng, các Viện và cộng đồng để duy trì các sự kiện làm giàu giá trị và giá trị sử dụng Nón lá, ví dụ như: Tổ chức đào tạo, truyền nghề, Cuộc thi sáng kiến thiết kế mẫu mã, cải tiến nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận