A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiếu tướng Hoàng Đan: Từ chiến trường đến đời thường

Được biết đến là vị tướng trận mạc, cả cuộc đời gắn bó với chiến trường, Thiếu tướng Hoàng Đan không chỉ là người chỉ huy tài ba, mẫn cán, với vốn kiến thức uyên thâm, sâu rộng, ông còn là một người cha mẫu mực với những lời chỉ dạy sâu sắc dành cho những người con trong gia đình cùng tình yêu thương đồng chí, đồng đội.

Vị tướng trí dũng song toàn

Trong cuốn sách Tướng lĩnh và anh hùng quê hương Nghi Lộc, Nghệ An, tác giả Thiên Việt đã khẳng định, danh xưng “hổ tướng” dành cho Thiếu tướng anh hùng Hoàng Đan quả không sai chút nào vì ông đã lừng danh từ những năm còn trẻ trong kháng chiến chống Pháp ở Khu 4 với danh hiệu “Kapi-tan” Đan làm khiếp vía kẻ thù.

Theo tiểu sử, Thiếu tướng Hoàng Đan sinh ra ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống lâu đời, nhiều thế hệ đỗ đạt ra làm quan, làm thầy thuốc. Gia đình ông cả bên nội lẫn bên ngoại đều có nhiều người tham gia cách mạng. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, qua sự giới thiệu của người thân, ông tham gia vào Mặt trận Việt Minh, theo truyền thống của gia đình.

Đầu năm 1946 ông được cử đi học Trường Quân sự quân khu mới mở ở Nhượng Bạn, Hà Tĩnh và sau khi ra trường, ông về hoạt động ở Tiểu đoàn Đông Hà (Quảng Trị) thuộc Trung đoàn Tiếp phòng quân đóng ở Bình-Trị-Thiên lúc bấy giờ.

Từ những trận đánh đầu tiên ở Cam Lộ tiến về Đông Hà, ngăn chặn địch tại Gio Linh, phục kích đánh tàu địch trên sông Đông Hà, phục kích và chống càn ở nam Vĩnh Linh, đánh quận lỵ Gio Linh... cho đến những trận chiến đấu ở Binh đoàn chủ lực, chiến dịch Hòa Bình, Thu Đông năm 1952, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi tới kháng chiến chống Mỹ, nhiều chiến trường quan trọng đã đều ghi dấu ấn của Thiếu tướng Hoàng Đan.

Thiếu tướng Hoàng Đan: Từ chiến trường đến đời thường
Thiếu tướng Hoàng Đan. Ảnh chụp tại chiến trường Khe Sanh năm 1968. (Ảnh do gia đình cung cấp)

 

Chính vì thế, trong lời giới thiệu đề dẫn mà nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu viết riêng cho Thiếu tướng Hoàng Đan trong cuốn sách “Từ sông Bến Hải đến dinh Độc lập” đã khẳng định: Nói đến đồng chí Hoàng Đan - tướng Hoàng Đan toàn quân ai cũng biết rõ và ngưỡng mộ ông. Một con người hầu như cả cuộc đời, cả sự nghiệp của ông đều gắn bó trong lĩnh vực quân sự, ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên các chiến trường từ những năm kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ với nhiều cương vị khác nhau: Chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn... tham gia nhiều chiến dịch lớn, am hiểu và tinh thông, sáng tạo vận dụng các hình thức, nghệ thuật tác chiến từ phân đội nhỏ đến các chiến dịch binh chủng hợp thành quy mô lớn trong tấn công, phòng ngự, trong đánh địch có công sự kiên cố cũng như địch đang vận động... Phần lớn các trận đánh đều đạt hiệu quả cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cùng chung cảm nhận, đánh giá về Thiếu tướng Hoàng Đan, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo từng dành những lời trân trọng khi nói về người đồng đội: Tướng Hoàng Đan là một tướng chiến trận, nơi nào cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan. Ông chiến đấu dũng cảm và chỉ huy có mưu trí. Ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh nổi tiếng.

Thiếu tướng Hoàng Đan: Từ chiến trường đến đời thường
Thiếu tướng Hoàng Đan chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thượng tướng Chu Huy Mân tại Quân đoàn 14, năm 1979. (Ảnh do gia đình cung cấp)

 

Trong bài viết “Hoàng Đan-Trí dũng song toàn”, Trung tướng Nguyễn Ân khẳng định: Hoàng Đan là người chỉ huy có trình độ lý luận và thực tiễn, con người mưu trí và năng động, không chịu bó tay trước khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám đề đạt ý kiến của mình với cấp trên và có trách nhiệm với việc mình làm. Anh là người luôn coi trọng kết hợp giữa huấn luyện với chiến đấu, giữa xây dựng chính trị tư tưởng và chiến đấu.

Với những công lao to lớn, xuất sắc trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, năm 2015, Thiếu tướng Hoàng Đan đã được truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ những thành tích đặc biệt đạt được trong hai cuộc kháng chiến đến những cảm nhận, đánh giá khách quan của những người cùng thời đã toát lên hình ảnh một tướng lĩnh Hoàng Đan - trí dũng song toàn.

Người cha nghiêm khắc nhưng giàu lòng yêu thương

Trong bài viết “Chú Hoàng Đan của tôi” do Đại tá Hoàng Việt chắp bút, Thiếu tướng Hoàng Đan hiện lên là “một người tầm thước, nét mặt khôi ngô, da bánh mật, mắt sáng, nụ cười rất duyên, dáng hoạt bát, nghĩ và kể các loại chuyện tiếu lâm rất tự nhiên, kể cả trong hội họp nghiêm túc và trên bục giảng. Ông thông minh, nhạy cảm, ngay khi đã cao tuổi, thường có những nhận xét, cách xử sự tinh tế khác người trước các hiện tượng, sự vật”.

Gặp anh Hoàng Nam Tiến, người con của Thiếu tướng Hoàng Đan tại Hà Nội, nhìn phong thái của anh, tôi phần nào hiểu được những gì anh đã được tiếp nhận, truyền dạy từ người cha kính yêu của mình - Thiếu tướng Hoàng Đan.

Hơn 2 giờ đồng hồ kể về người cha cũng là người thầy đầu tiên của mình với sự tôn kính tuyệt đối dường như vẫn chưa là đủ với anh Hoàng Nam Tiến, bởi vì với anh, mặc dù thời gian ở bên cạnh bố không nhiều, nhưng tầm ảnh hưởng của ông lên anh cũng như các anh, chị em khác trong gia đình là vô cùng nhiều.

Thiếu tướng Hoàng Đan: Từ chiến trường đến đời thường
Cùng các đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1; Lê Quang Hòa, Chính ủy Quân đoàn (người đứng thứ ba và thứ tư từ phải sang)
chụp ảnh lưu niệm (người đứng thứ nhất, từ trái sang là Phó tư lệnh Quân đoàn 1 Thiếu tướng Hoàng Đan). (Ảnh do gia đình cung cấp) 


Nhớ lại chuyện tình cảm xưa kia của bố mẹ, anh Hoàng Nam Tiến cho biết, câu chuyện cưới vợ của Thiếu tướng Hoàng Đan cũng vô cùng đặc biệt, khi theo lời người vợ tào khang của ông, “Anh cưới vợ không một bát nước lã”. Trong cuốn sách “Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh”, Thiếu tướng Hoàng Đan đích thân kể lại chuyện cưới vợ trong những trang riêng: Khi đặt vấn đề tổ chức cưới, các anh chị ở cơ quan nhiệt tình ủng hộ. Thời đó bộ đội chưa có lương, cán bộ cơ quan cũng chỉ có tiền ăn và một ít tiền tiêu vặt. Như vậy, tôi không có tiền, cô Vinh không có tiền, tổ chức đám cưới thế nào. Chị Cúc, Bí thư chi bộ cơ quan đưa ra ý kiến: Bữa ăn sẽ lấy tiêu chuẩn các anh chị em Ngày Quốc khánh 2-9 gấp đôi ngày thường. Áo quần quỹ phụ nữ cho đủ mua hai thước vải. Quần là quần đen, ban đêm quần mới cũng như quần cũ nên không cần may. Giường ghép hai giường cá nhân lại là xong. Chăn chiếu, mùng màn, xin cô cậu dùng chung cái sẵn có của cô dâu. Thế là cũng xong một đám cưới. Vẫn trang trọng!Theo lời kể của anh Hoàng Nam Tiến, Thiếu tướng Hoàng Đan không có nhiều thời gian dành cho gia đình. “Ba tôi đã dành cả cuộc đời cho quân ngũ, gắn với chiến trường, nhà trường”, anh nói. Quả thực điều này đã được kiểm chứng qua từng trang lịch sử khi hầu như chiến trận nào cũng thấy có mặt ông. Vậy thì lấy đâu ra nhiều thời gian để lo chuyện riêng tư!

Năm 11 tuổi, anh Hoàng Nam Tiến có cơ hội được cùng gia đình lên ăn Tết cùng ba mình tại Lạng Sơn, nơi ông đang đóng quân. Những ký ức của một đứa trẻ 11 tuổi đến giờ vẫn còn in hằn trong tâm trí người đàn ông đã bước vào tuổi tứ tuần. Anh cũng từng có cơ hội được ba đưa đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, trên hành trình ấy, qua mỗi địa điểm, anh lại được nghe ông kể về những chiến tích. “Cha tôi từng nói đã là người chỉ huy thì phải am tường về triết học, quân sự, kể cả là quản trị con người, công nghệ kỹ thuật. Nhiều câu chuyện của ba tôi kể vẫn mang tính thời sự mà đến ngày hôm nay tôi vẫn có thể học hỏi được”, anh Hoàng Nam Tiến hồi tưởng.

Theo anh Hoàng Nam Tiến, Thiếu tướng Hoàng Đan là người nóng nảy và cứng rắn. “Ông yêu tôi nhưng cả đời mình, tôi chưa từng được ông ôm. Ngày ông nội tôi mất, ba tôi không khóc. Vậy mà có một lần, khi đứng ở Nghĩa trang Trường Sơn, trước mộ của một người lính của ông đã hy sinh ở Quảng Trị, tôi thấy ba mình đã khóc - lần đầu tiên và duy nhất trong đời”…

Với vốn kiến thức uyên bác, khi về hưu, theo anh Hoàng Nam Tiến, cha anh vẫn cần mẫn với việc viết hồi ký, những tác phẩm về nghệ thuật quân sự Việt Nam, về những năm tháng chiến tranh ông đã kinh qua cũng như những chuyện đời, chuyện người... Tiếc rằng, khi những trang viết này còn dang dở, ông đã qua đời đột ngột vào mùa Đông năm 2003, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho vợ con, cũng như những người đồng chí, đồng đội từng có thời gian vào sinh ra tử cùng ông.

Nguồn: BÁO QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội