A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ăn Tết - chơi Tết!

Người Việt mình, nhất là các thế hệ trải nghiệm cuộc sống khó khăn thời phong kiến, bao cấp, đều quen với hình ảnh “Ngày Ba mươi Tết thịt treo trong nhà”!

Đó là một góc nhìn cận cảnh về phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt có nền văn hóa lúa nước, nền văn minh nông nghiệp lâu đời. Nó thể hiện sinh động ước mơ, khát vọng của ông bà mình về một cuộc sống đủ đầy, sung túc. Hình ảnh ấy cũng toát lên đặc trưng phong tục Tết Việt ngày xưa, đặt lên hàng đầu việc thỏa mãn nhu cầu được ăn ngon. Quanh năm làm lụng vất vả, ngày Tết là dịp để gia đình sum vầy, hưởng thụ cuộc sống...

Ăn Tết - chơi Tết!
Sắc hoa ngày Tết.

Ngày nay, đời sống kinh tế phát triển, cái ăn không còn là mối quan tâm hàng đầu của đại đa số người dân. Những ước muốn, khát vọng của ông bà mình gửi gắm trong ca dao, cổ tích, nay nhiều thông điệp đã thành hiện thực. Muốn ăn gì, thay vì gõ gõ vào cái mâm thần như chàng đốn củi, chỉ cần bấm điện thoại là có hàng đến tận nơi. Hình ảnh “Ngày Ba mươi Tết thịt treo trong nhà” không còn phổ biến. Người dân quan tâm nhiều hơn đến chơi Tết, đặt cái “chơi” lên trước cái “ăn”. Các phong tục, tín ngưỡng ngày Tết vừa là môi trường thỏa mãn đời sống tinh thần, vừa là không gian, phương tiện để đáp ứng nhu cầu vui chơi. Cái “ăn” không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, mà được nâng tầm văn hóa ẩm thực. Không chỉ là ăn cái gì, ăn bao nhiêu, mà quan trọng hơn là ăn ở đâu, ăn như thế nào...

Từ ăn Tết đến chơi Tết là bước phát triển vượt bậc của đời sống kinh tế, là cuộc hành trình bền bỉ của văn hóa.

Đặt Tết trong quá trình vận động, phát triển của đất nước, ai cũng thấy rõ, mức sống, chất lượng cuộc sống của nhân dân và diện mạo đất nước thời nay đã tiến bộ rất xa so với trước đây. Và tốc độ phát triển ấy đang tiếp tục diễn ra nhanh, mạnh, toàn diện, hướng đích đất nước phồn vinh, hùng cường.

Phát triển thành tựu kinh tế gắn liền với chấn hưng văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội là yêu cầu tất yếu. Đảng ta khẳng định: Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đó là sự đánh giá khách quan, đặt trong mối quan hệ so sánh cả thời gian và không gian.

Từ chuyện ăn Tết-chơi Tết, suy rộng ra, nhìn sâu hơn vào hiện thực đời sống xã hội và môi trường quốc tế, chúng ta thêm trân quý những thành tựu của đất nước, chất lượng cuộc sống của người dân.

Cần thấy rõ bức tranh hiện thực để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, kích thích các nguồn lực nội sinh trong mỗi người dân và kiều bào yêu nước, hòa chung với khát vọng của toàn dân tộc. Chớ nghe theo, hùa theo các quan điểm sai trái, thù địch, chỉ nhìn vào giá trị bề nổi từ các nước phát triển để gieo rắc tâm lý tự ti, thái độ hoài nghi, dao động... rồi nảy sinh tư tưởng tiêu cực.

Ăn Tết-chơi Tết đòi hỏi cao ở hành vi văn hóa, thái độ văn minh. Chơi ở đâu, chơi với ai, chơi thế nào... phải đặt cái tôi trong cái chung của vị thế đất nước, của lợi ích quốc gia!

Nói thế bởi Tết này, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, đất nước đang mở rộng cửa chào đón hàng vạn, hàng triệu kiều bào về quê hương sum họp ăn Tết-chơi Tết, cùng với đó là hàng vạn du khách quốc tế đến trải nghiệm Tết Việt.

Chuyện “ăn”, chuyện “chơi” ngày Tết cũng là chuyện của hòa hợp dân tộc, của quảng giao văn hóa, thể hiện diện mạo, vị thế quốc gia...

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội