A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ nét đẹp văn hóa trong không gian lễ hội

Trở lại sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19, mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023 diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương trong cả nước.

Cùng với việc gìn giữ các giá trị văn hóa, di sản truyền thống, công tác tổ chức tại nhiều lễ hội đã có sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa

 “Mùng Năm Tết trận thắng to/ Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân...”. Không khí thắng trận của mùa xuân năm Kỷ Dậu trong trận chiến ở gò Đống Đa cách đây 234 năm đã được tái hiện qua những nghi lễ truyền thống, cờ hoa rực rỡ cùng tiếng trống chiêng hào hùng. Vào mồng 5 tháng Giêng hằng năm, người dân Thủ đô và cả nước mang theo niềm tự hào về trước tượng đài Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ, tham dự Lễ hội gò Đống Đa (Hà Nội) để tưởng nhớ về chiến thắng lẫy lừng Ngọc Hồi-Đống Đa.

Hơn hai thế kỷ trôi qua, người dân đã không còn nhuộm răng đen, để tóc dài, nhưng tinh thần, ý nghĩa từ lời hịch bất hủ của Vua Quang Trung về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc vẫn còn nguyên giá trị, quyết đánh kẻ thù để giữ gìn, bảo tồn phong tục, tập quán của tổ tiên, ông cha để lại và đánh để cho lịch sử muôn đời biết nước Nam anh hùng là có chủ. Điểm nổi bật của lễ hội là phần trình diễn quá trình dựng nước, giữ nước của Vua Quang Trung do đoàn nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn.

Tiết mục nghệ thuật ca ngợi công lao của Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ tại Lễ hội gò Đống Đa Xuân Quý Mão 2023. 

Đối với không ít người, đây là lần đầu tiên họ được thưởng thức màn trình diễn mang đậm nét văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc, tôn vinh tinh thần thượng võ và tạo không khí hào hứng, phấn khởi cho một mùa xuân mới. Cô Lê Thị Dung, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cho hay: “Năm nay, đoàn chúng tôi đi từ Quảng Ninh từ 3 giờ sáng, về dự hội với tinh thần phấn khởi, tự hào và tưởng nhớ công đức của Vua Quang Trung. Đây là dịp giáo dục con cháu về lịch sử bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nhiệm vụ hàng đầu của mọi thế hệ. Đã hơn 20 năm nay, nối tiếp các thế hệ, chúng tôi về Hà Nội thực hiện nghĩa vụ công dân tạ ơn những người có công với đất nước bằng việc dâng hương”. Tự hào được học trong ngôi trường mang tên danh nhân nổi tiếng của dân tộc, em Phan Thanh Huyền, học sinh Trường THCS Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: "Được hòa mình vào lễ hội, em càng thêm tự hào và ghi nhớ lịch sử đấu tranh giữ nước hào hùng của ông cha ta".

Trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, ban tổ chức các lễ hội đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) diễn ra trong 10 ngày. Lễ hội năm nay còn gắn với sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Cổ Loa và công nhận Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là Di tích Quốc gia đặc biệt. Từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng, Lễ khai ấn đền Trần-Nam Định mở trở lại; Hội Lim Bắc Ninh-lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 2 đến 3-2-2023...

Bảo đảm an toàn, văn minh trong lễ hội

Chính thức khai hội sau hai năm gián đoạn do dịch Covid-19, Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) dự kiến mỗi ngày đón hàng vạn du khách trẩy hội, vui xuân. Với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn-văn minh-thân thiện”, năm nay, công tác tổ chức và bảo đảm an ninh-trật tự, an toàn giao thông có nhiều đổi mới, mang lại sự thuận tiện, không khí phấn khởi cho du khách. Nếu những năm trước, du khách đi thẳng xe vào bến đò suối Yến gây lộn xộn thì năm nay Ban tổ chức bố trí 4 bến lớn để du khách gửi xe từ vòng ngoài và đi bộ, hoặc sử dụng xe điện đi vào khu thắng cảnh mang lại tiện lợi, an toàn hơn.

Lặn lội từ miền Trung về dự hội chùa Hương, chị Phạm Thúy Nga nhận định: “Năm nay, ban tổ chức có thêm dịch vụ xe điện, đường sá sạch sẽ, không còn hàng quán lộn xộn. Cách bán vé truyền thống thay bằng vé có mã quét QRcode khiến mật độ người tham gia không gây nhốn nháo như những mùa lễ hội trước”.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho biết: “Cùng với việc thay đổi phương thức, sắp xếp lại điểm bán vé phù hợp, Ban tổ chức bố trí 15 chốt trạm bảo đảm an ninh-trật tự, an toàn giao thông cho du khách. Các hành vi chèo kéo, ép giá, tranh giành khách sẽ được kiểm soát, xử lý nghiêm. Trên lĩnh vực đường thủy, 4.500 xuồng đò được huy động đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Đội thanh tra thường xuyên kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa”.

Giữ nét đẹp văn hóa trong không gian lễ hội
Lễ hội chùa Hương thu hút đông đảo du khách.  

Năm nay, tại Lễ hội Gióng tại đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), phần hội cũng có nhiều nét mới. Nghi thức kéo mỏ được trình diễn và cuộc thi cầu húc lần đầu được tổ chức. Cùng với những trò chơi dân gian quen thuộc, phương thức hội thi đấu vật năm nay thay đổi. Thay vì thành lập đội và đăng ký từ đầu, du khách thập phương có thể đăng ký tại khu vực tổ chức hội thi và tham gia thi đấu. Điều này tạo nên một sân chơi mở cho tất cả người dân. 

Bên cạnh những thay đổi tích cực, mang đến diện mạo mới cho nhiều lễ hội thì vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Tại Lễ hội chùa Hương, do số lượng xe điện có hạn, khách du lịch đông nên lực lượng xe ôm xuất hiện la liệt khắp nơi. Du khách không chỉ bị làm phiền từ xe ôm mà còn bị người lái đò chèo kéo, mời gọi từ đoạn đường trước khi vào suối Yến cả chục ki-lô-mét. Ngoài tiền vé, không ít du khách còn phải trả thêm cho lái đò số tiền nhất định tùy vào đoàn đi đông hay ít người. 

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa  - Thể thao và Du lịch), với sự chủ động có phương án dãn đám đông, đồng thời áp dụng nhiều hình thức tổ chức mới, các địa phương có thể kiểm soát được trật tự lễ hội; cách thức hành hương mùa lễ hội 2023 sẽ thiết lập trật tự mới theo hướng an toàn hơn.

Trên khắp mọi miền Tổ quốc, lịch sử và văn hóa dân tộc để lại nhiều lễ hội có ý nghĩa hết sức to lớn. Đó là tài sản tinh thần cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Trách nhiệm thuộc về toàn dân, trong đó, đội ngũ cán bộ làm văn hóa và quản lý giữ vai trò nòng cốt. Tuy nhiên, vẫn còn có những địa phương vì công tác tổ chức chưa tốt, chịu áp lực, sợ trách nhiệm trong khâu quản lý nên đưa ra những phương án không phù hợp hoặc thậm chí... không dám tổ chức lễ hội, để mai một văn hóa lịch sử. Điều đó cũng cần phải được khắc phục.

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội