Nhân lên nét đẹp văn hóa của lễ hội ở Hà Tĩnh
Nước ta có một kho tàng lễ hội khá lớn lưu giữ hàng ngàn năm nay với nhiều nét đặc sắc, độc đáo và hầu hết đều gắn với mùa Xuân - mùa đẹp nhất trong năm. Lễ hội đã phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân Việt Nam nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng.
Tính chất “cộng cảm” của lễ hội
Cả nước hiện có gần 8.000 lễ hội, trong đó, lễ hội dân gian chiếm hơn 80%, lễ hội lịch sử chiếm hơn 4%, lễ hội tôn giáo hơn 6%... Hà Tĩnh có khá nhiều lễ hội văn hóa, tính chất vùng miền, nghề nghiệp và tâm linh rất rõ rệt. Theo thời gian, các lễ hội truyền thống đã bị mai một. Hà Tĩnh chỉ còn hơn 70 lễ hội, trong đó, 12 lễ hội lớn được tổ chức hằng năm, 8 lễ hội dân gian truyền thống, 2 lễ hội tôn giáo, 2 lễ hội mới hình thành là khai trương mùa du lịch biển hằng năm và Chiến thắng Đồng Lộc. Trong số 70 lễ hội nói trên, có 47 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân.
Giá trị lớn nhất của lễ hội là hướng con người về cội nguồn tổ tiên (như lễ Giỗ Tổ Hùng Vương); tri ân thần, Phật, Thiên chúa (lễ hội các chùa, đền, lễ Noel…); tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn dựng nước và giữ nước, đem lại hạnh phúc, ấm no cho Nhân dân (như lễ giỗ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, lễ hội báo ân Đô Đài ngự sử Bùi Cầm Hổ, lễ tế Tổ sư thợ rèn Trung Lương…). Thông qua việc chiêm bái tại các di tích lịch sử, văn hóa, mỗi người đều hướng thiện, sống có trách nhiệm hơn, biết gìn giữ những nét đẹp truyền thống cho đời sau, góp phần tôn tạo, trùng tu các di tích.
Giá trị thứ 2 toát lên qua các lễ hội mùa xuân là thể hiện khát vọng của người dân về một năm mới tốt lành, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng cho bản thân và gia đình. Đây là những ước nguyện rất bình thường của mỗi con người trong cuộc sống được thể hiện vào thời điểm khởi đầu của một năm. Chính vì vậy, rất dễ hiểu những năm gần đây, vào thời điểm tinh khôi của năm mới, sau giao thừa và ngày mùng một tết Nguyên đán, nhiều người đã đến các ngôi đền, chùa gần nhà để dâng hương cầu phúc, cầu an...
Hòa mình vào thiên nhiên, thưởng ngoạn phong cảnh là một nhu cầu rất lớn của mọi giới, nhất là những người trẻ tuổi. Mang con người đến gần hơn với thiên nhiên chính là giá trị thứ 3 của lễ hội. Tiết trời mùa xuân ấm áp, cỏ cây, hoa lá đâm chồi nảy lộc, vạn vật khoe sắc, thiên nhiên tươi đẹp, con người hòa mình vào thiên nhiên sẽ nhận lại được những giờ phút thư thái, an yên, vui vẻ. Chính vì vậy, chùa Hương Tích (Can Lộc), chùa Hang (thj xã (TX) Hồng Lĩnh), di tích Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn), đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (đền Bà Hải - TX Kỳ Anh)… - những nơi có phong cảnh đẹp, núi sông hữu tình thường đón rất đông du khách. Gần đây, Ban Quản lý Di tích đền Bà Hải đã xây dựng thêm cầu và bến thả hoa đăng, thu hút đông du khách tới thưởng ngoạn, chụp ảnh.
Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh lúc sinh thời thường nói đến tính chất “cộng cảm” của lễ hội. Nghĩa là lễ hội sản sinh khi con người có nhu cầu giao hòa với thiên nhiên, đất trời, được hưởng thụ khí trời ấm áp, được bày tỏ tình cảm với nhau, được thỏa mãn những thú vui làm cho họ sảng khoái và lạc quan, được nguyện cầu những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình.
Lễ hội, vì vậy thường gắn với các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa và phong tục của từng vùng quê cùng các hoạt động tập thể lớn thu hút đông đảo người dân tham gia. Yếu tố “lễ” luôn song hành với yếu tố “hội’, tức vui chơi, thưởng ngoạn thiên nhiên, nhất là với giới trẻ. Tính chất “cộng cảm” làm cho lễ hội nói chung, lễ hội ở Hà Tĩnh nói riêng trở nên phong phú, đa dạng, có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Để lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
So với nhiều địa phương trong cả nước, lễ hội ở Hà Tĩnh diễn ra khá lành mạnh, văn minh, ít xô bồ, không có cảnh chen chúc giành giật các vật cúng tế làm bùa may. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong quá trình tham gia lễ hội. Nhiều địa phương quan tâm phục hồi các lễ hội truyền thống như lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông...
Công tác quản lý được thắt chặt hơn trước giúp cho việc hành lễ và đi lại, thưởng ngoạn thuận lợi hơn. Mùa lễ hội đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho các địa phương, doanh nghiệp từ nguồn bán vé cáp treo, tiền công đức, tiền dịch vụ v.v… Các nghi lễ được thực hành, các trò chơi vui nhộn làm cho người dân phấn khởi, háo hức, trở thành sinh hoạt văn hóa độc đáo.
Tuy vậy, ở một số địa chỉ văn hóa tâm linh vẫn còn diễn ra cảnh đốt vàng mã quá nhiều gây ô nhiễm môi trường và đi lại lộn xộn. Nhiều du khách không tuân thủ quy định của các ban quản lý, thắp hương quá nhiều và không đúng nơi quy định. Việc làm lễ cầu an, chiêm bái có nơi lấn cả hoạt động thưởng ngoạn do không gian hẹp, thiếu chỗ vui chơi, tham quan, chụp ảnh cho du khách. Một số di tích đền, chùa thiếu các bài giới thiệu về lịch sử, kiến trúc.
Người ta chỉ đồn nhau đền nọ đền kia thiêng và đổ xô đi làm lễ cầu an, cầu may mà không quan tâm đến lịch tích của ngôi đền ra sao, thờ phụng ai. Cá biệt, có tình trạng “hối lộ thánh thần” khi bỏ tiền mặt không đúng chỗ. Công tác vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ ở một số di tích chưa được quan tâm…
Để đáp ứng nhu cầu “cộng cảm” của người dân khi tham gia lễ hội, rất cần sự quan tâm đầu tư, tăng cường công tác quản lý của các địa phương, doanh nghiệp. Phải đánh thức những giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội, thỏa mãn nhu cầu của người dân, đồng thời cũng tránh tình trạng mê tín dị đoan, hành xử thiếu văn minh trong lễ hội.
Cần tăng cường công tác nghiên cứu, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và lễ hội, qua đó giáo dục cộng đồng quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản vật thể và phi vật thể, góp phần xây dựng nền văn hóa Hà Tĩnh tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận