Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Những biểu tượng của niềm tự hào dân tộc
Tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một phần của văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta.
Gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy là những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử, chính trị, văn hóa của dân tộc.
Nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, chúng tôi đã tìm đến Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) để được “thực mục sở thị” hai Bảo vật quốc gia gồm “Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946”, “Sưu tập phác thảo các mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước” và được chạm tay vào những hiện vật vô cùng quý giá - đó là những tập bản thảo của Quốc huy, Quốc ca Việt Nam; tìm hiểu về ý nghĩa và lịch sử ra đời của Quốc kỳ Việt Nam.
Hồn cốt dân tộc
Quốc huy được phác thảo bởi họa sĩ tài danh Bùi Trang Chước. Quốc huy Việt Nam là biểu tượng được khắc họa rất cô đọng, đầy đủ và xúc tích về truyền thống lịch sử, văn hóa cũng như đất nước và con người Việt Nam. Quốc huy Việt Nam hàm chứa khát vọng tha thiết về một nền hòa bình, độc lập, tự do và về một nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, sánh vai cùng bạn bè quốc tế trên khắp châu lục.
Với nội dung, bố cục chặt chẽ, cùng tổng hợp các chi tiết nên Quốc huy đẹp về hình thức, trang trọng và ý nghĩa về giá trị và biểu tượng hàm ý đại diện pháp lý của Nhà nước Việt Nam, về chủ quyền dân tộc thiêng liêng bất khả xâm phạm.
Mỗi quốc gia đều có quốc kỳ riêng gắn với lịch sử, truyền thống của dân tộc mình. Quốc kỳ Việt Nam là lá Cờ đỏ sao vàng, là biểu tượng thiêng liêng của hồn nước, lòng dân, của tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam; thể hiện nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của nhân dân Việt Nam, khẳng định một quốc gia độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, diễn ra vào đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ, trở thành ngọn cờ Độc lập. Và cho đến bây giờ, với mỗi người dân Việt Nam, màu cờ, màu của Tổ quốc luôn in đậm trong trái tim các thế hệ. Quốc kỳ Việt Nam chứa đựng hồn thiêng sông núi của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng dân, của ý chí Việt Nam.
Về bài hát Quốc ca Việt Nam, như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã từng chia sẻ: Quốc ca đã trở thành một phần giá trị tinh thần song hành cùng lịch sử dân tộc. Quốc ca là quốc hồn, quốc túy, là tinh thần dân tộc được kết tinh qua giai điệu, lời ca. Âm nhạc ấy được bao thế hệ người dân Việt Nam hát vang đầy tự hào, đặc biệt là chiến sĩ, đồng bào đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ từng hát, nâng niu, trân trọng như một báu vật của dân tộc.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III là một trong 4 Trung tâm trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang giữ gìn các tài liệu lưu trữ từ ngày 2-9-1945 trở lại đây và một số tài liệu trong quá trình kháng chiến trước đó. Trong khối tài liệu đó thì Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca là những tài liệu vô cùng quý giá.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết: “Với một đất nước thì bài hát Quốc ca, biểu trưng và các biểu tượng vô cùng thiêng liêng để khi mỗi cá nhân nhìn thấy, nghe thấy thì sẽ được truyền cảm hứng, truyền tinh thần và lòng tự hào dân tộc, để có thêm sức mạnh tinh thần trong công cuộc xây dựng Tổ quốc.
Vì nhận thức được ý nghĩa của Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca nên những người làm công tác lưu trữ luôn trân quý và có nhiều sáng tạo trong việc đưa những nội dung liên quan đến Bảo vật quốc gia để tổ chức các triển lãm, xuất bản các cuốn sách. Hơn nữa, trong các cuộc triển lãm, chúng tôi không chỉ giới thiệu Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca đã được lựa chọn mà chúng tôi còn giới thiệu về quá trình hình thành của những biểu trưng tiêu biểu của dân tộc được ra đời như thế nào và lựa chọn ra sao để người xem có thể thấy được sự cẩn trọng, kỹ lưỡng của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trước đây trong việc xác định cho dân tộc những biểu trưng vô cùng quan trọng của đất nước.
Bằng chứng lịch sử quý giá được gìn giữ để truyền cho thế hệ mai sau
Bước vào kho lưu trữ những Bảo vật Quốc gia -nơi mà cán bộ, nhân viên ở đây luôn coi công tác bảo quản là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, chúng tôi được thấy không gian bảo quản hiện vật được sắp xếp khoa học, ngăn nắp và nhiệt độ luôn duy trì trong khoảng từ 18 đến 20 độ C, độ ẩm 50%. Ngoài ra, công tác bảo quản khử trùng tài liệu, vệ sinh kho…được duy trì thường xuyên để kéo dài tuổi thọ của tài liệu. Chứng kiến sự cẩn trọng, nâng niu và chăm chút tỉ mỉ từng hiện vật của các cán bộ, nhân viên nơi đây, chúng tôi tin rằng, những Bảo vật quốc gia, tài liệu mang hồn cốt dân tộc sẽ được gìn gìn để truyền lại cho những thế hệ kế tiếp.
Nói về công tác bảo quản ở đây, anh Võ Thiết Cương, Trưởng phòng bảo quản (Trung tâm lưu trữ Quốc gia III) cho biết: “Ngoài các thiết bị bảo quản như máy hút ẩm, điều hòa trung tâm và hệ thống thông gió thì chúng tôi cũng đã và sẽ ứng dụng công nghệ số vào bảo quản, số hóa để kéo dài tuổi thọ của tài liệu. Độc giả có thể đến đọc trực tiếp trên máy tính. Hiện nay, chúng tôi đã số hóa được khoảng 7 triệu trang ảnh”.
Vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã tổ chức triển lãm trực tuyến “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”, giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được lựa chọn từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và một số tài liệu do gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước, gia đình nhạc sĩ Văn Cao, Nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến và các cơ quan, các cá nhân cung cấp. Triển lãm gồm 3 phần với các chủ đề: Quốc kỳ - Cờ đỏ sao vàng: Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc Việt Nam; Quốc ca: Giai điệu thiêng liêng, tự hào; Quốc huy: Biểu tượng.
Chia sẻ cảm xúc khi xem triển lãm trực tuyến, bà Trịnh Thị Kim Oanh (Đại học Nội vụ Hà Nội) nhấn mạnh: Tại không gian triển lãm này, lần đầu tiên các con của tôi được hiểu biết đầy đủ và có hệ thống về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, là những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử, chính trị, văn hóa của dân tộc. Tôi tin chắc rằng, những thông tin mà các con tôi thu được tại không gian triển lãm sẽ làm cho chúng tự hào hơn, yêu đất nước Việt Nam hơn nữa”.
Khi xem triển lãm trực tuyến, em Hoàng Khánh Linh - học sinh của Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho biết: “Là học sinh chuyên Sử nên em rất thích xem những tài liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử của dân tộc. Những triển lãm trực tuyến như thế này sẽ giúp ích cho em rất nhiều trong việc học. Qua đó, em cũng hiểu hơn về sự ra đời của Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy của đất nước mình”.
Tài liệu lưu trữ quốc gia là những bằng chứng lịch sử quý giá chứa đựng những thông tin xác thực về nhiều vấn đề, sự kiện thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phản ánh thành tựu sáng tạo của nhân dân qua các thời kỳ, góp phần xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Những tài liệu này không chỉ có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử mà còn có giá trị đặc biệt trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận