Giới thiệu sách: Năm con đường Hồ Chí Minh
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (theo cách gọi của Việt Nam), hay chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của người Mỹ và đồng minh) là một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, để lại những dấu ấn sâu sắc nhất trong dư luận và tâm linh của nhân loại. Khi nói về chiến tranh Việt Nam chúng ta đã từng nghe đến đường Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Nhưng rất ít người được biết trong hành trình chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và giữ liên lạc giữa hai miền Nam Bắc chúng ta đã có nhiều hơn 2 con đường đó. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những con đường này, Thư viện Quân khu 4 xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “5 đường mòn Hồ Chí Minh” của tác giả Đặng Phong, do Nxb. Tri thức ấn hành năm 2008.
Cuốn sách “5 đường mòn Hồ Chí Minh” dày hơn 350 trang viết được chia làm 5 phần tương đương ở trong đó với 5 tuyến đường mòn HCM. Đây là một công trình rất quý giá, lần đầu tiên được tập hợp bằng nhiều tư liệu trong nước và nước ngoài để tạo thành một bức tranh toàn cảnh mà chưa một cuốn sách hay bài báo nào làm được. Tác phẩm giúp người đọc hiểu rõ hơn về “5 Đường mòn Hồ Chí Minh” nói chung và “Đường Hồ Chí Minh trên biển” nói riêng, trong việc chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, một cách khoa học nhất, cụ thể nhất.
Con đường đầu tiên được tác giả đề cập đến là đường Hồ Chí Minh trên bộ (hay còn gọi là đường Trường Sơn). Qua những trang viết của tác giả cho thấy đây là tuyến đường được biết đến nhiều nhất, là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ miền Bắc vào tới miền Trung Nam Bộ và đi sâu vào miền Nam Việt Nam, đi qua hạ Lào, và Campuchia. Hệ thống này cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong 16 năm. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) Quân đội nhân dân Việt Nam đã triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống đường này. Đường Trường Sơn khu vực miền Trung và Tây nguyên còn được những người lính và thanh niên xung phong trong cuộc chiến tranh gọi là tuyến lửa.
Con đường thứ hai là con đường xăng dầu, với tổng chiều dài tới 5.000 km, để vận chuyển nhiên liệu suốt từ biên giới Việt - Trung và các cảng biển miền Bắc vào đến tận Nam Bộ, có chỗ vượt qua cả những độ cao tới gần ngàn mét là điều có vẻ là bất khả thi đối với kỹ thuật đường ống. Con đường này người Mỹ dường như cũng biết rằng có và cũng đã đánh phá được một số điểm. Nhưng nó có bằng cách nào và nó đã đóng vai trò ra sao trong việc cung cấp nhiên liệu cho các đoàn xe vận tải vũ khí, cung cấp nhiên liệu cho xe tăng trong các trận đánh lớn ở miền Nam.
Con đường thứ ba là con đường hàng không, bí mật trong công khai, đi từ Phnom Penh, bay qua lãnh thổ miền Nam Việt Nam, thậm chí bay qua chính Sài Gòn, tới Hồng Kông hoặc Quảng Châu, rồi về Hà Nội. Con đường này đã từng vận chuyển hàng ngàn lượt tướng tá của miền Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, vận chuyển hàng triệu đô la cho cơ quan Kinh - Tài của miền Nam, vận chuyển rất nhiều thứ máy móc, thuốc men và hóa chất quan trọng, vận chuyển thương binh, vận chuyển vợ con những chiến sĩ và cán bộ của miền Nam ra Bắc để học tập và điều dưỡng.
Con đường thứ tư là con đường chuyển ngân còn bí hiểm hơn. Đó là con đường vô hình, không có dấu chân người. Nó đi theo hệ thống ngân hàng của chính các nước phương Tây và hệ thống ngân hàng ở ngay Sài Gòn để chuyển tiền một cách hợp pháp từ Bắc vào Nam, từ các nguồn tài trợ của các nước vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn rút ra tiền bản địa để chi tiêu cho những lực lượng Giải phóng. Không cần ô tô, không cần máy bay, không cần tàu thủy, chỉ những mật mã, những cú điện... là tiền từ Paris, London, Hong Kong, Bangkok, Moskva, Bắc Kinh... được chuyển qua Sài Gòn rồi lên các căn cứ địa ở khắp miền Nam, được thanh toán cho những địa chỉ cần thiết ở bất kỳ nơi nào trên thế giới... Con đường đó suốt hai mươi năm chiến tranh chỉ “ai làm thì biết”, Mỹ không biết, chính quyền Sài Gòn không biết, nên không một ai bị bắt, không một vụ chuyển ngân nào bị phát hiện…
Con đường cuối cùng mà chúng tôi muốn được giới thiệu rõ hơn đó chính là đường Hồ Chí Minh trên biển: Cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày 23/10/1961, “Đoàn tàu không số” mang biệt danh 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã trở thành con đường huyền thoại, nơi hội tụ sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu trí, đấu lực với các âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù; là nơi tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng; lòng quả cảm, trí thông minh và quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Trong cuốn sách, bằng thể loại trung thực nhất là Ký báo chí, Ký sự xen lẫn Hồi ký và Nhật ký của cả ta và địch, tác giả dày công nghiên cứu các nguồn tư liệu để thực về Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày đó, nhận rõ yêu cầu cấp bách phải kịp thời chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam trực tiếp chống Mỹ - ngụy, “tháng 7/1959, một đơn vị đặc nhiệm thuộc Tổng cục Hậu cần là Đoàn 759 cũng được ra đời” mang phiên hiệu Tiểu đoàn 603. Tiểu đoàn đóng quân ở cửa Sông Gianh và để giữ bí mật, được mang tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” (Trang 151). Toàn bộ 10 tàu thuyền của “Tập đoàn đánh cá” này phải bí mật ra tận làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An đặt đóng làm hai đáy, hình dáng khác hẳn tàu thuyền miền Bắc. Chuyến vận tải mở đầu cho cuộc thử thách cam go của “Đoàn tàu không số” chở 5 tấn súng đạn, 500kg vải, 400kg nilon che mưa, một số lớn thuốc men dự tính sẽ vào bến Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân, nhưng bị địch bắt khi chưa đến được bến. Rút kinh nghiệm xương máu của con tàu đầu tiên, đầu năm 1961, Trung ương quyết định phải dùng những cán bộ, chiến sĩ vốn là dân sở tại, mới thông thạo đường đi và tránh được hệ thống tuần tra của đối phương. Bác Hồ đã dành thời gian tiếp đoàn thủy thủy. Người căn dặn: “Mỹ có thể đưa quân vào, phải chuẩn bị lâu dài để đánh thắng quân đội có trang bị hiện đại của Mỹ nữa!”
Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ thành lập Đoàn 759, do Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký. Trung tá Đoàn Hồng Phước được giao làm Đoàn trưởng, Võ Huy Phúc làm Chính ủy. (Trang 152). Trung ương quyết định chọn các điểm ven biển Cà Mau làm bến tiếp nhận hàng từ Bắc vào. Tàu thì do xưởng đóng tàu Hải Phòng đặc chế phục vụ nhiệm vụ này. Chiếc tàu đầu tiên mang tên “Phương Đông 1”, do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa cùng 10 thủy thủ lên đường chở vũ khí vào Nam. Tác giả đã viết rất xúc động về Tướng Đồng Văn Cống, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, lúc đó được giao trực tiếp theo dõi diễn biến chuyến đi của tàu “Phương Đông 1” - con tàu không số đầu tiên này, ông kể lại: Người đi rất lo lắng. Người ở lại còn lo lắng hơn. Theo dự kiến, tàu đi 5 ngày thì đến. Nhưng sáng nào đến giờ giao ban Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hỏi thế nào rồi? (…) Điện đánh đi không có trả lời. Không biết họ sống hay chết. Mãi đến 9 ngày sau mới có tin tức. Sáng hôm đó, Quân ủy Trung ương họp giao ban ở nhà 28, Cửa Đông. Tôi bước vào. Đại tướng ngẩng đầu nhìn tôi đăm đăm. Lần này thì tôi gật đầu, mặt tươi tỉnh. Đại tướng đứng dậy ôm chầm lấy tôi. Ông khóc. (Trang 162)
Sau chuyến đi của “Phương Đông1” vào Cà Mau ngày 19/10/1962 thành công, Bác Hồ đã gửi điện động viên, biểu dương cán bộ, chiến sĩ và căn dặn cần rút kinh nghiệm chuyến đi, tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam - Bắc sớm sum họp một nhà. Khắc ghi lời căn dặn của Bác, liên tục từ ngày 2/3 đến 3/10/1963, các chuyến tàu mang tên “Phương Đông 2”, “Phương Đông 3”, “ Phương Đông 4” đều lần lượt bí mật lên đường vào Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu để cập bến an toàn.
Trước yêu cầu đáp ứng ngày càng cao và cấp bách của chiến trường miền Nam. Ngày 24/1/12964, đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức phát triển thành Lữ đoàn 125 Hải quân. Để ngăn chặn “Đoàn tàu không số” hoạt động, đế quốc Mỹ đã dùng tới 40% lực lượng và trang bị vũ khí hiện đại trên Hạm đôi 7 để đánh phá, chống ta. Chúng lập ra một hàng rào ngăn chặn ven biển rộng tới 40 hải lý, giống như hàng rào điện tử Mc Na-ma-ra trên bộ. Vì vậy, Đoàn 759 đã phải trực tiếp đối mặt suốt ngày đêm với hàng trăm tàu chiến, máy bay hiện đại đủ loại của Mỹ - ngụy rào kín bầu trời, mặt biển trong lúc làm nhiệm vụ (Trang 196).
Từ trang 167 đến trang 246 của cuốn sách, tác giả miêu tả hết sức cụ thể về "Đoàn tàu không số”. Với phương châm hoạt động của tàu là hợp pháp và bất hợp pháp, lấy hợp pháp là chính. Bí mật, bất ngờ, sử dụng các loại tàu nhỏ, ngụy trang giống các tàu đánh cá, vào bến không mang số, ra biển mới mang số. Gặp đối phương không tránh được thì chiến đấu. Chính vì vậy, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã mở ra một hướng chi viện mới, hết sức quan trọng, đưa hàng chi viện của hậu phương lớn miền Bắc tới các chiến trường xa mà “Đường Hồ Chí Minh trên bộ” chưa có điều kiện vươn tới được.
Lợi dụng yếu tố bất ngờ, mất cảnh giác của đối phương, hầu hết các chuyến tàu đi đều trót lọt. Cho đến ngày 16/02/1965 tàu 143 do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm, Chính ủy Phan Văn Bảng và 18 thủy thủ, chở 63.114 tấn vũ khí vào Vũng Rô dưới chân Đèo Cả (Phú Yên) bị lộ. Sau “sự kiện Vũng Rô ”, đối phương tăng cường kiểm soát vô vùng gắt gao, Đoàn 125 chấp hành lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh tạm ngừng hoạt động trên biển để nghiên cứu lại, tìm giải pháp mới. Từ đó, những con tàu không số phải đi rất xa bờ, xác định vị trí tàu bằng phương pháp hàng hải thiên văn (Trang 208). Với phương pháp này, có tàu phải đi sang tận đảo Hải Nam, Trung Quốc để đánh lạc hướng đối phương. Nhiều khi phải vòng ra ngoài hải phận quốc tế ra phía Ma Cao, sang sát Philippin, xuống Inđônêxia, có khi còn sang tới đảo Palagoan, qua Sinhgapo, Malaca sang vịnh Thái Lan…
Cùng với thay đổi phương thức đi, chóng ta phải thường xuyên thay đổi lại hình thức và dáng con tàu. Loại tàu nhỏ trọng tải khoảng 15 tấn, tối đa là 30 tấn, có tốc độ cao đi theo đường hàng hải quốc tế và bí mật bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận. Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời gian không quân Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển được một khối lượng hàng lớn tới các địa điểm vùng giới tuyến để cho Đoàn 559 vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam.
Để việc vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế. Từ tháng 7/1966 đến năm 1975, Trung ương Cục quyết định thành lập Đoàn Hậu cần 17 và bằng con đường này, Đoàn tàu không số đã vận chuyển được 90.000 tấn hàng hóa, trong đó có hơn 20.000 tấn vũ khí, đạn dược để ch viện cho chiến trường miền Nam, đóng góp một phần to lớn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên đại thắng mùa Xuân - 1975, thống nhất nước nhà.
Đọc tác phẩm “5 Đường mòn Hồ Chí Minh” ta càng thấy sâu sắc hơn, bên những con đường vận tải khác, “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đường Hồ Chí Minh trên biển” còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng, đó là vận chuyển những “hàng đặc biệt” có tầm quan trọng sống còn đối với công cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Đó là những loại hóa chất đặc biệt để chế tạo vũ khí, thuốc nổ, ngòi nổ, ngòi cháy, sản xuất các loại đạn, những cán bộ trọng yếu, các chuyên gia đặc biệt phụ trách những lĩnh vực quan trọng ở miền Nam như: bà Nguyễn Thụy Nga vợ Tổng Bí thư Lê Duẩn; đồng chí Võ Văn Kiệt; Đại tướng Lê Đức Anh… và nhiều chuyên gia kinh tế, chất nổ khác…
Vâng! Nhắc lại những chiến công đã trở thành huyền thoại của hệ thống 5 đường mòn Hồ Chí Minh - những biểu tượng của ý chí, khát vọng độc lập - tự do, thống nhất Tổ quốc của thế hệ cha anh, của cả dân tộc Việt Nam. Chúng ta càng thêm tự hào được là những cán bộ, chiến sĩ đang sống, học tập và chiến đấu trong lực lượng vũ trang Quân khu Bốn, nơi khai sinh ra “những con đường huyền thoại” anh hùng.
Và chúng ta càng nhận thức sâu sắc về tầm chiến lược quan trọng của Biển - Đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Quân khu Bốn là nơi có đường biển kéo dài suốt 6 tỉnh tới hàng trăm kilomet, có nhiều bến cảng, nhiều đảo lớn nhỏ, giữ một vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Sứ mệnh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Biển - Đảo của Tổ quốc được trao cho người lính chúng ta - những đồng đội của các thủy thủ “Đoàn tàu không số” anh hùng năm xưa trấn giữ. Mỗi người lính Quân khu Bốn nguyện càng chắc tay súng cùng toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xứng đáng với cha anh đã lập nên bao chiến công oanh liệt trên con đường huyền thoại anh hùng.
THƯ VIỆN QUÂN KHU 4
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận