A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020)

Hồn thơ Tố Hữu như đôi cánh đại bàng bay trên non sông gấm vóc Việt Nam

Tố Hữu - Người đã dành cả cuộc đời đồng hành cùng Nhân dân, đất nước mà chúng ta tưởng nhớ hôm nay, trong trang viết này, đã ra đời cách đây tròn một thế kỷ, đã sống cuộc đời thượng thọ 82 năm, với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp thơ phong phú, đồ sộ. Ngay từ khi mới làm thơ, Tố Hữu đã tự nguyện đến với cuộc đời như “người bạn trong trắng” (nghĩa của bút danh Tố Hữu).

Và trong suốt hơn 6 thập niên sau đó, cho tới năm 2002 khi ông đi xa mãi mãi, trong hoàn cảnh nào, ông cũng nỗ lực và thực sự đến với đồng chí, đồng bào, với công chúng bạn đọc gần xa bằng tiếng lòng mình, bằng tiếng nói “đồng chí, đồng ý, đồng tình” chân thành, tha thiết. Ông thực sự gắn bó ruột rà máu thịt với mọi tầng lớp nhân dân, “là con của vạn nhà, là em của vạn kiếp phôi pha, là anh của vạn đầu em nhỏ”. Ông luôn đồng cam cộng khổ cùng đồng bào, chiến sĩ trong trường kỳ hai cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do của dân tộc, trong những ngày tháng gian nan tìm đường, đổi mới dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Ông cùng nhân dân khắp các vùng miền sẻ chia những gian khổ, hy sinh, vất vả, những chiến công, chiến thắng, những vui sướng, tự hào, trở trăn, niềm nỗi... Thơ ông là tiếng lòng của ông, cùng thấu quyện cộng hưởng âm vang tiếng lòng của bao thế hệ người Việt Nam, động viên, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ làm nên những kỳ tích của đất nước thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà cách mạng, nhà thơ Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4-10-1920 trong một gia đình có truyền thống nho học, giàu lòng yêu nước. Trong hoàn cảnh dân tộc còn nô lệ, Tố Hữu sớm cảm hiểu nỗi đau khổ của những người dân nghèo khổ trong xã hội đầy rẫy áp bức bất công, sẻ chia với họ thông qua những vần thơ đầu tay từ năm 17 tuổi. Ông cũng sớm giác ngộ và tham gia các hoạt động cách mạng, trở thành đảng viên từ năm 18 tuổi. Và từ đấy cho tới cuối cuộc đời, 6 thập kỷ hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt thành của Tố Hữu song hành cùng 6 thập kỷ “người bạn trong trắng” ấy nhiệt thành gắn bó cảm xúc, biểu hiện tấm lòng mình với đồng bào, chiến sĩ, với Tổ quốc, nhân dân, kịp thời và liên tục cất tiếng thơ hào hùng, đằm thắm theo sát các sự kiện, các bước đi, các chiến công, các bước đường cách mạng của dân tộc, các cung bậc tình cảm của con người trong sự nghiệp chống và thắng ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước, mưu cầu hạnh phúc, ấm no.

Năm ông được kết nạp Đảng cũng là năm ra đời bài thơ “Từ ấy”. Tháng 4-1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi mấy nhà tù khắp vùng miền Trung Tây Nguyên. Thời gian này, ông có cả chục bài thơ chủ đề “xiềng xích”, “tranh đấu”. Trong những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử năm 1945, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế. Những bài thơ Tố Hữu viết trong thời kỳ này sôi nổi, hào sảng khí thế và niềm vui Tổng khởi nghĩa, những mốc dấu khởi đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (“Xuân đến”, “Xuân nhân loại”, “Huế Tháng Tám”, “Vui bất tuyệt”, “Hồ Chí Minh”...).

Cuối năm 1947, ông lên Chiến khu Việt Bắc, từ đó, được giao nhiều chức vụ quan trọng trong công tác văn hóa văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đây cũng là thời kỳ Tố Hữu sáng tác những bài thơ trong tập “Việt Bắc”, bắt nhịp cùng những bước đi của cuộc kháng chiến chống thực dân, ghi lại biết bao tâm tình, hình ảnh nhân dân, bộ đội. Ví như, về phong trào tăng gia sản xuất-“Tình khoai sắn” (năm 1946); phong trào Bình dân học vụ, xóa mù chữ-“Trường tôi” (năm 1946); tình quân dân-“Cá nước” (năm 1947); hình ảnh tiêu thổ kháng chiến-“Phá đường” (năm 1948); niềm vui ào ạt ngập tràn hồn dân tộc ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ-“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” (tháng 5-1954); khí thế hân hoan của quân dân cả nước-“Ta đi tới” (tháng 8-1954); những ngày bộ đội, cán bộ chia tay đồng bào Chiến khu Việt Bắc, về tiếp quản Thủ Đô-“Việt Bắc” (tháng 10-1954)...

Nhà thơ Tố Hữu (hàng đầu, thứ 6, từ trái sang) cùng các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp.

Chúng ta có thể thấy cả quá trình song hợp song trùng những cương vị, công việc Đảng, cách mạng giao phó cho Tố Hữu với những sáng tác thơ ca của ông. Những năm 1955-1961, miền Bắc xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, cùng đồng bào miền Nam đấu tranh thống nhất, Tố Hữu có 24 bài thơ “Gió lộng”. Những năm 1962-1971, miền Bắc vẫn tiếp tục dựng xây, nhưng cả đất nước thực sự là chiến trường chống ngoại xâm, Tố Hữu có 35 bài thơ “Ra trận”. Công việc ông được giao phó khi ấy ngày càng nhiều hơn: Bí thư Trung ương Đảng (từ năm 1960). Những năm 1972-1977, quân dân ta càng đánh càng thắng, tiến tới Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, non sông liền một dải, Tố Hữu có tập “Máu và hoa” 13 bài. Năm 1976, Tố Hữu được bầu là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó ban Nông nghiệp Trung ương. Những năm 1979-1992, cả dân tộc lại căng mình chống lại các thế lực xâm phạm biên cương, giúp bạn Campuchia thoát họa diệt chủng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời trăn trở tìm đường đổi mới, từng bước hiện thực hóa ước mơ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thơ Tố Hữu có 73 khúc “Một tiếng đờn”. Trách nhiệm xã hội của Tố Hữu ngày càng được tin cậy, giao phó. Từ năm 1980, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, sau đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Với Nguyễn Kim Thành-Tố Hữu, sự nghiệp hoạt động cách mạng, cống hiến cho Đảng, cho dân luôn song hành hòa quyện với tâm hồn thơ thiết tha, đằm thắm cùng cuộc sống con người, cuộc sống nhân dân. Bạn đọc ấn tượng và nhớ mãi những lời thơ Tố Hữu viết: Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng... Mà nói vậy: “Trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ, và phần để em yêu... (Bài ca mùa xuân 1961). Bảy năm sau, đầu 1967, ông tâm sự: Làm bí thư hoài có bí... thơ?, với câu trả lời thật chân thành, giúp ta hiểu hơn sự nghiệp chính trị và sự nghiệp văn nghệ của ông: “Nghề” bí thư đâu chuyện giấy tờ!/ Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ/ Phải đâu tim cứng thành khuôn dấu?/ Càng thấu nhân tình nên vẫn thơ! (Chuyện thơ).

Nhân dân, cách mạng đã nuôi nấng, chở che, nâng bước cho cuộc đời và khơi nguồn cảm hứng dạt dào cho hồn thơ Tố Hữu. Ơn nghĩa cao rộng biết chừng nào ấy luôn đau đáu trong tình cảm, hành động của người cán bộ Nguyễn Kim Thành, của nhà thơ Tố Hữu. Hồn thơ ông như đôi cánh đại bàng hơn 60 năm sải cùng đồng bào, chiến sĩ trên hầu khắp các miền quê, các mặt trận, các hoạt động cách mạng, các phương diện cuộc sống. Hồn thơ của “người bạn trong trắng” ấy luôn chân thành, tha thiết, hòa đồng, cùng nhịp với biết bao cung bậc lòng người; kịp nói đương thời, cộng hưởng, âm vang đúng khi sự việc, sự kiện, tâm trạng đang còn nóng hổi, khơi gợi niềm tin, tự hào mãnh liệt, chia sẻ những suy nghĩ sâu xa trước cuộc đời, những dự cảm sâu sắc về tương lai. Suốt chặng đường dài, thơ Tố Hữu là “sự diễn đạt về số phận dân tộc” (nhận xét của nhà văn Pháp Pierre Emmanuel), luôn được đông đảo đồng chí, đồng bào, người đọc chờ đợi, đồng tình, truyền nhau cùng đọc, cùng ngâm, cùng thuộc. Thơ Tố Hữu như những lời tâm tình nói cùng, nói hộ những cảm nhận, suy tư của mỗi con người; luôn kịp thời phát hiện, nâng niu, ca ngợi vẻ đẹp rạng ngời của các thế hệ người Việt Nam. Thơ Tố Hữu luôn là “bó hoa lửa lộng lẫy” (chữ của Đặng Thai Mai) cộng hưởng và cổ vũ mọi vẻ đẹp của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên, thúc giục đồng bào, chiến sĩ cả nước vượt mọi gian khổ, hy sinh tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Rồi thời gian trôi qua, cuộc sống chuyển sang hoàn cảnh khác, những bài thơ, tập thơ Tố Hữu cống hiến cho đời vẫn luôn kịp thời và nguyên giá trị. Ngân nga, vang vọng trong những lời thơ Tố Hữu biết bao ký ức và kinh nghiệm lịch sử phong phú, hào hùng; nỗi đau thương; sự nỗ lực gắng gỏi; niềm tự hào chiến thắng... của trường kỳ cách mạng quá nửa thế kỷ 20 của dân tộc, gia tài tinh thần cao đẹp của dân tộc thế hệ Hồ Chí Minh, sự tiếp nối, kết tinh, phát huy truyền thống quý báu của cha ông ngàn đời, chiến thắng những thế lực ngoại xâm bạo tàn, những thế lực phản động tàn ác, xấu xa... Những lời thơ Tố Hữu như đã từng, vẫn hằng ngày hằng giờ thúc giục mỗi cá nhân và cả dân tộc Việt Nam ta không ngừng vươn tới những đỉnh cao Chân-Thiện-Mỹ, “kiêu hãnh làm Người”.

Thật khiêm nhường mà ấm áp, nặng tình những lời Tố Hữu trao gửi lại trong bài thơ cuối cùng: Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/ Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/ Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất/ Sống là cho. Chết cũng là cho. Ông đã, đang, và tôi tin sẽ luôn là “người bạn trong trắng”, người bạn đường vô tư tận hiến, thân tình thân thiết của các thế hệ người Việt, của những ai dấn bước phấn đấu cho những giá trị cao đẹp nhất của dân tộc, của Tổ quốc, của Con Người!

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội