A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con ưu tú của đất nước nói chung và quê hương Quảng Bình nói riêng, đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và trên thế giới sẽ mãi được lưu danh trong trang sử vẻ vang của dân tộc ta và lịch sử phong trào cách mạng thế giới.

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Ngay từ nhỏ, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị đàn áp, bóc lột bởi thực dân và tay sai, Võ Nguyên Giáp đã sớm nung nấu tinh thần cách mạng và ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 14 tuổi Võ Nguyên Giáp đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.

 

 

Ngay từ khi còn là học sinh, được tiếp thu tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào bãi khóa tại Trường Quốc học Huế. Năm 1927, Đồng chí gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1936, Đồng chí tham gia phong trào dân chủ của Đảng ở Hà Nội và là biên tập viên các báo của Đảng như: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”...; tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Đầu những năm bốn mươi của thế kỷ XX, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh dìu dắt, giao nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tích cực hoạt động cách mạng, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự tại căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Tháng 12/1944, Đồng chí được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944.

 

Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp quan trọng trong các quyết sách chiến lược của Đảng, chỉ đạo các lực lượng vũ trang, cùng toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đồng chí đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng. Đặc biệt năm 1954, Đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy các đại đoàn của Quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi thành lập Đoàn 308 tại thị trấn Đồn Đu (Phú Lương, Thái Nguyên) ngày 28/8/1949.

 

Sau khi miền Bắc được giải phóng, Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân ở miền Nam; lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1977), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đến năm 1980), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (từ tháng 01/1980 đến tháng 4/1981), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 5/1981 đến tháng 12/1986), Đại tướng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Năm 1991, Đại tướng nghỉ hưu ở tuổi 80.

Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự

Đồng chí Võ Nguyên Giáp là Đại tướng, Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi mới 37 tuổi; song bằng ý chí và nghị lực phi thường, sự phấn đấu không ngừng nghỉ, Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và của Nhân dân Việt Nam Anh hùng. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Đồng chí là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người Anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới, năm 1950.

 

Trong những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại, hòa vào dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc; trở thành một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự... và được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo nhân dân thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ và vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ, từng bước phát triển thành những trung đoàn, đại đoàn, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ kính yêu và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ, lạc hậu đã đánh bại quân đội nhà nghề của một đế quốc thực dân hùng mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa, Thái Nguyên).

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị là Tổng Tư lệnh, Đồng chí là người có nhiều công lao trong việc xây dựng Quân đội Nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đồng chí đã đề xuất khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để tạo sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng các quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đề xuất trên của Đồng chí là sáng tạo, kịp thời và chính xác, phù hợp với tình hình và điều kiện lịch sử lúc bấy giờ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về chiến lược, nghệ thuật quân sự, nhất là đường lối chiến tranh nhân dân. Trong các chiến dịch lớn có tính chất quan trọng quyết định, Đồng chí luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén và có tư duy quân sự đặc biệt. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến tranh Nhân dân thần kỳ của dân tộc Việt Nam đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản hoàn toàn đường lối chiến tranh tổng lực, tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược khác của những đế quốc hùng mạnh nhất ở thế kỷ XX. Những kiến thức và tài năng quân sự của Đồng chí đều do tự nghiên cứu từ lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới; tự rèn luyện, tự đúc kết kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu của Quân đội ta, được thế giới khâm phục, suy tôn là một trong những danh tướng trong lịch sử nhân loại.

Đại tướng chủ trì Hội nghị Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch ở Nam Tây Nguyên và mục tiêu chủ yếu là giành lấy Buôn Ma Thuột, tháng 1/1975.

 

Đồng chí Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài ba, người cầm quân rất cẩn trọng, luôn so sánh tương quan lực lượng đôi bên, chủ động buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của ta, dẫn đến đối phương thất bại hoàn toàn. Điển hình là quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng nhưng hoàn toàn đúng đắn, góp phần giảm thiểu hy sinh xương máu của bộ đội ta, của Nhân dân ta. Đại tướng cũng chính là người đã phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, đưa toàn quân xốc tới, mãnh liệt tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đó là đường lối chiến tranh Nhân dân, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn, kế thừa và phát huy những bài học giá trị lịch sử của ông cha chống giặc ngoại xâm trong thời đại mới. Đồng chí hết sức coi trọng việc xây dựng tổ chức Đảng “trong sạch, vững mạnh” trong lực lượng vũ trang; quan tâm, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu, chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến; giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, tháng 4/1975.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Được sống và làm việc bên cạnh, được Người giáo dục và rèn luyện, Đồng chí đã nỗ lực phấn đấu học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, luôn tu dưỡng rèn luyện, nói và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đồng chí là một trong những người sớm nghiên cứu và viết về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử…, Đồng chí đều có những đóng góp quan trọng, thực sự là con người tài - đức vẹn tròn, văn - võ song toàn.

Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách cao quý, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào; về tinh thần trách nhiệm cao, phong cách làm việc khoa học, nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt, luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức; luôn coi trọng thực tiễn, tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng, liên hệ và gắn bó mật thiết với Nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc của Đảng, Nhân dân và Quân đội giao phó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng vũ trang Quân khu 4

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn giành cho lực lượng vũ trang Quân khu 4 những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Năm 1946, khi đất nước mới giành được chính quyền, đang phải đối mặt với tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài, Đại tướng đã có mặt ở Liên khu 4.

Trong lúc các lực lượng vũ trang Liên khu 4 đang triển khai những chủ trương của Đại hội lần thứ III, tháng 6/1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội và Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng vào kiểm tra tình hình và giao nhiệm vụ cho Liên khu 4. Đại tướng chỉ rõ: “Trước mắt, thực dân Pháp chưa thể đánh chiếm Thanh - Nghệ - Tĩnh, nhưng chúng sẽ dùng không quân đánh phá rất ác liệt... Chúng sẽ tung lực lượng phỉ đánh phá miền Tây, tăng cường tập kích, biệt kích ven biển... Bộ đã nghiên cứu kỹ về so sánh lực lượng giữa ta và địch... Nếu giải phóng được miền Tây Bắc và phối hợp với lực lượng Bạn giải phóng một số tỉnh của Thượng Lào, ta sẽ tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng Nhân dân các dân tộc, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tạo nên một căn cức chiến lược liên hoàn với chiến khu Việt Bắc - Tây Bắc - Thượng Lào - Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, làm việc tại Quân khu 4 năm 1973.
​​

Để thực hiện chủ trương chiến lược trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo cụ thể cho từng địa bàn Liên khu: Một mặt, vẫn tiếp tục đẩy mạnh tác chiến ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, tránh chủ quan khinh địch, chống tư tưởng “ăn to, đánh lớn”... Mặt khác, Liên khu phải tập trung sự nỗ lực cao nhất xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh, vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường chính Bắc Bộ, cho các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Tây Bắc và Thượng Lào...

Ngày 01/11/1953, Thường vụ Liên khu 4 tổ chức Hội nghị cán bộ địch hậu Bình - Trị - Thiên. Hội nghị kiểm điểm tình hình thực hiện nghị quyết của Trung ương, xác định nhiệm vụ giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh, tích cực chống càn quét, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố và giữ vững vùng căn cứ du kích. Hội nghị xác định nhiệm vụ trước mắt, đồng thời nêu rõ phương châm: Lấy đấu tranh vũ trang làm chủ yếu, kết hợp mọi mặt đấu tranh về chính trị, kinh tế nhằm phát triển chiến tranh du kích, tích cực chống càn quét. Kết hợp chặt chẽ giữa vừng du kích, vùng căn cứ du kích và vùng tạm bị chiếm.

Hội nghị đã được Bác Hồ gửi thư, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện dặn dò, biểu dương nhắc nhở. Cán bộ không được chủ quan khinh địch, lúc khó khăn chớ ngã lòng, nắm vững chính sách quân sự, chính trị của Đảng, củng cố và phát triển công tác vùng bị tạm chiếm chính là củng cố cơ sở chính trị, cơ sở du kích bí mật lãnh đạo Nhân dân đấu tranh về kinh tế và chính trị, nhằm phát triển chiến tranh du kích, chống càn quét. Sau Hội nghị, Đảng ủy đã mặt trận Bình - trị - Thiên đã chỉ thị cho các Tỉnh ủy, trung đoàn và tỉnh đội về việc tổ chức học tập nghị quyết công tác vùng địch hậu và thư Hồ Chủ Tịch, điện của Đại tướng, tập trung vào ba vấn đề: Nhận thức; kết hợp công tác chính trị với các mặt công tác thường xuyên; thống nhất phương pháp đánh địch (nhất là chống càn)...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thuyền trên dòng Kiến Giang khi về thăm quê Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

 

Nhân dịp đầu xuân 1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm và chúc Tết một số đơn vị, địa phương Khu 4. Đến thăm bộ đội cao xạ Hàm Rồng, Tiểu khu Nam Ngạn, Đại đội Nguyễn Viết Xuân, xã Diễn Thành (Diễn Châu), Thủ tướng và Đại tướng đã cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu phục vụ chiến đấu của quân và dân Khu 4. Các đơn vị đã vui mừng đón tết và hứa quyết tâm lên Trung ương Đảng và Bác Hồ, Quân ủy Trung ương đoàn kết chặt chẽ, tranh thủ mọi thời gian, thực hiện vượt mức kết hoạch trong “chiến dịch Quang Trung” và luôn chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, xứng đáng với lòng tin yêu của cả nước...

Ngày 6/7/1969, Thường vụ Quân ủy Trung ương họp phân tích đánh giá những thắng lợi của ta, đánh giá tình hình hoạt động mới nhất của địch. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi thư cho Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên, chỉ đạo một số vấn đề về nhiệm vụ và phương hướng hoạt động của Trị - Thiên cho đến năm 1970: “Trị - Thiên giữ vị trí quan trọng nên phải cố gắng giành thắng lợi, gây chuyển biến lớn về mùa khô sắp tới. Rút kinh nghiệm từ trước và thời gian gần đây để xác định rõ hơn vị trí cửa đồng bằng, vùng giáp ranh và vùng núi. Xác định rõ hơn sự cần thiết phải xây dựng và tổ chức thế liên hoàn giữa 3 vùng”.

Miền núi Trị - Thiên là nơi đi qua của các con đường chiến lược của ta tiến về phía Nam và những con đường chủ lực ta xuống đồng bằng. Do vậy, địch ra sức tăng cường các cuộc hành quân lên miền Tây Huế, trên Đường 12, phía Tây Đường 9, vùng Khe Sanh, Hướng Hóa... Vận dụng chiến lược tiến công trên chiến trường Trị - Thiên có nghĩa là phát triển tiến công mọi mặt ở đồng bằng, ở thành thị, ở miền núi. Nhưng có xây dựng được thế liên hoàn giữa 3 vùng thì mới phát huy được hiệu lực chiến đấu và sức mạnh tiến công của bộ đội trên toàn chiến trường. Thế liên hoàn đó cũng là thế tiến công chiến lược mạnh nhất của ta trên chiến trường Trị - Thiên. Đại tướng còn yêu cầu: Chiến trường Trị - Thiên phải gây chuyển biến, tạo điều kiện uy hiếp địch ở Đà Nẵng và phát triển hướng tiến công của ta về Đà Nẵng. Đồng thời phải biến vùng A Sầu thành căn cứ lớn ở khu vực cơ động từ phía Tây xuống Huế, đi Đà Nẵng, nối liền với Bắc Tây Nguyên và vùng giải phóng Hạ Lào...

Ngày 19/5/1990, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ Tĩnh và 100 đại biểu là đảng viên tiên phong gương mẫu và đoàn viên xuất sắc của lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã trọng thể làm lễ tưởng niệm, báo công, dâng hương tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu di tích Kim Liên, Nam Đàn; tổ chức mít tinh kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ, ngày 22/5/1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm lực lượng vũ trang Quân khu 4. Đại tướng đã ghi vào sổ vàng truyền thống của Quân khu: “...Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, công nhân viên quốc phòng hãy ra sức phấn đấu dưới ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, hoàn thành mọi nhiệm vụ do Trung ương Đảng, Đảng ủy Quân sự Trung ương và đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao phó”.

Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sáng ngời phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng, một dạ phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cộng sản. Dù trong lúc cách mạng gặp thuận lợi hay khó khăn, Đồng chí vẫn tin tưởng, thủy chung, son sắt với Đảng, với Nhân dân, đúng như lúc sinh thời Đồng chí đã từng nói “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Đồng chí luôn ghi nhớ, noi gương và mẫu mực thực hành lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết - coi đó làm phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời. Đây cũng là những bài học rất sâu sắc cho mỗi chúng ta.

Ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc của đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tự hào về Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã giáo dục, rèn luyện nên người chiến sĩ cách mạng kiên trung, vị Đại tướng tài năng và đức độ, người con ưu tú của đất nước và quê hương Quảng Bình, đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Đại tướng với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và trên thế giới sẽ mãi được lưu danh trong trang sử vẻ vang của dân tộc ta và lịch sử phong trào cách mạng thế giới.

PHÓNG VIÊN (Tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội