A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình đến Dinh Độc Lập

Lữ đoàn Xe tăng 203 (Quân đoàn 2), tiền thân là Trung đoàn Xe tăng 203, thành lập ngày 22/6/1965, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn luôn nỗ lực huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Có mặt ở thời khắc lịch sử

Tham quan nhà truyền thống của lữ đoàn, Thượng tá Nguyễn Đăng Nho, Phó chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 giới thiệu: Trung đoàn Xe tăng 203 (nay là Lữ đoàn Xe tăng 203) thành lập ngày 22/6/965, tại xã Lưu Quang, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1973, trung đoàn được điều động từ Binh chủng Tăng thiết giáp, tham gia chiến đấu trong đội hình Quân khu Trị-Thiên. Từ năm 1974 đến nay, trung đoàn phát triển thành lữ đoàn và biên chế trực thuộc Quân đoàn 2.

Ra đời vào thời điểm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lữ đoàn đã nỗ lực, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa xây dựng, củng cố lực lượng, vừa tham gia chiến đấu và là lực lượng cơ động đột kích, thọc sâu trong các chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược như: Đường 9-Khe Sanh (1968), Đường 9-Nam Lào (1971) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau năm 1975, lữ đoàn cơ động tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và hành quân thần tốc bảo vệ biên giới phía Bắc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn Xe tăng 203 và 6 tập thể, 3 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Xe tăng 390 của Lữ đoàn Xe tăng 203 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu 

 

Nhìn những hiện vật gắn với các chiến công của lữ đoàn khiến tôi hình dung về những ngày lữ đoàn hành quân thần tốc tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đội hình xe tăng của lữ đoàn tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, cắm lá cờ chiến thắng lên nóc dinh-sào huyệt cuối cùng của địch vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Để có những chiến công đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã hy sinh anh dũng, tiêu biểu là Đại úy Ngô Văn Nhỡ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 hy sinh ngay tại cửa ngõ Sài Gòn khi chỉ huy đội hình thọc sâu, vượt qua cầu Sài Gòn vào giải phóng thành phố.

Tôi nhớ lần gặp mặt truyền thống cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn Xe tăng 203 năm 2010, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập lữ đoàn. Đại tá Bùi Quang Thận (1948-2012), nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Xe tăng 203, người trực tiếp cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 kể: “Tháng 4/2010, tôi cùng các đồng chí thuộc kíp xe tăng 843 và 390 được trở lại thăm Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất). Thật xúc động trong lần trở lại này với tôi vì còn có nhiều anh em khác đã hàng chục năm rồi chưa trở lại thăm nơi đây, nơi chúng tôi chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn...”.

Trong số các thành viên kíp xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập có CCB Lê Văn Phượng, nguyên Phó đại đội trưởng về kỹ thuật Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203 kiêm pháo thủ số 2. “Sở dĩ tôi kiêm pháo thủ số 2 kíp xe 390 vì trong trận đánh ở căn cứ Nước Trong (Đồng Nai) ngày 29/4/1975, pháo thủ số 2 bị thương. Để thay thế nhau được là do đơn vị thường tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, với phương châm “thành thạo vị trí của mình, biết thêm nhiều vị trí khác”, CCB Lê Văn Phượng cho biết.

CCB Nguyễn Đình Đài, nguyên lái xe tăng 910 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, hiện ở xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), bồi hồi nhớ lại: “Tôi nhập ngũ tháng 1/1972. Sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, tháng 4/1972, tôi được trên cử đi học lái xe tăng. Khi ấy, tôi khá lo lắng vì ở nhà tôi còn chưa biết đi... xe đạp. Nhưng rồi bằng nỗ lực của bản thân, sự hướng dẫn của giáo viên, đồng đội giúp đỡ, tôi đã hoàn thành chương trình lái xe và nắm vững tính năng kỹ thuật, chiến thuật của xe tăng. Sau đó, tôi được biên chế về Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, tham gia chiến đấu ở các chiến trường, từ Quảng Trị-Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng đến hành quân thần tốc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi lái xe tăng 910, cùng đơn vị đánh địch ở căn cứ Nước Trong rồi thọc sâu vào Sài Gòn. Trưa 30/4/1975, xe tăng 910 là chiếc xe thứ ba tiến vào Dinh Độc Lập, sau xe 843 và 390... Được chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại ấy, tôi và đồng đội vô cùng xúc động, tự hào. Sau này khi rời quân ngũ, tôi vào học ngành sư phạm, trở thành giáo viên giảng dạy môn Toán ở Trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội). Những dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng, Ngày thành lập Quân đội nhân dân, tôi lại đến các trường, khu dân cư tham gia nói chuyện truyền thống, kể chuyện chiến đấu”...

Còn rất nhiều CCB Lữ đoàn Xe tăng 203 có mặt trong giờ phút lịch sử tiến vào Dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam. Đó là khoảnh khắc vô cùng tự hào khiến họ ghi nhớ mãi.

Luôn huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Mạnh Phi, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Xe tăng 203 cho biết, truyền thống và kinh nghiệm chiến đấu đã được lữ đoàn phát huy, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Cụ thể là, lữ đoàn chú trọng giáo dục bộ đội nhận thức tốt nhiệm vụ; làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện, tập huấn cán bộ và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, giữ nghiêm kỷ luật huấn luyện, quản lý tốt mọi mặt. Quá trình huấn luyện, lữ đoàn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu cho từng loại xe tăng, bảo đảm sát thực tế chiến đấu, đặc điểm địa bàn và đối tượng tác chiến; vận dụng tốt các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện; tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện phối hợp chiến đấu với bộ binh và các binh chủng trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao và huấn luyện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cơ động dài ngày... Lữ đoàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện như: Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị giáo án huấn luyện trên máy tính, giảng dạy một số nội dung bằng trình chiếu PowerPoint... Cùng với đó, lữ đoàn đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện, thực hiện kiểm tra cán bộ trước khi kiểm tra đơn vị, cơ quan. Qua kiểm tra phát hiện những điểm yếu để kịp thời khắc phục. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện của lữ đoàn ngày càng được nâng lên, kiểm tra hằng năm các đối tượng đều 100% đạt yêu cầu, trong đó có 86% khá, giỏi; hoàn thành tốt diễn tập và huấn luyện dã ngoại kết hợp công tác dân vận; tham gia hội thi cấp toàn quân và quân đoàn, lữ đoàn đều giành giải cao.

  Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Xe tăng 203 triển khai ngày kỹ thuật hằng tuần. Ảnh: ĐỨC GIANG 

 

 “Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, lữ đoàn thường xuyên duy trì Phong trào Thi đua Quyết thắng, sáng tạo các hình thức, mô hình thi đua; xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Nhiều mô hình thi đua hiệu quả của lữ đoàn như: “Chi đoàn huấn luyện giỏi”, “Trung đội điểm giỏi”, “Khẩu đội 3 nhất”, “Kíp xe quyết thắng”... Trong những ngày tháng Tư lịch sử, lữ đoàn tổ chức thi đua “Hành trình về Dinh Độc Lập”, các cơ quan, đơn vị tổ chức chấm điểm, chọn những tập thể, cá nhân xuất sắc nhất để biểu dương, khen thưởng”, Đại tá Nguyễn Xuân Quý, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 tiếp lời.

Theo Báo QĐND      

 


Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội