A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Nước rút” trước giờ bão đổ bộ

Để ứng phó kịp thời với bão số 4 đang diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ vào địa bàn các địa phương từ Hải Phòng đến Nghệ An, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung tăng cường hệ thống trực ở các cấp, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, sẵn sàng cơ động lực lượng khi có tình huống.

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn (PCTT-TKCN) của Quân khu đã tổ chức 2 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 4 tại các đơn vị, địa bàn trọng điểm thuộc 2 tỉnh: Thanh Hóa và Nghệ An. Theo nắm bắt, Bộ CHQS hai tỉnh đã phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền để nhân dân biết, làm tốt công tác chuẩn bị phòng, chống bão.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp chuẩn bị phòng, chống bão số 4. Trong đó thành lập 4 đoàn công tác cùng đoàn công tác của Quân khu trực tiếp xuống kiểm tra các địa phương ven biển; kiểm tra, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; hồ, đập có nguy cơ xảy ra sự cố; khu vực có nguy cơ bị chia cắt, cô lập... để nhanh chóng sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Đồng thời, tham mưu giúp Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các đoàn công tác xuống các địa bàn để trực tiếp chỉ đạo việc triển khai các biện pháp ứng phó ban đầu với bão số 4, nhất là việc neo đậu tàu, thuyền; xác định khu vực, số hộ dân dự kiến di dời khi cần thiết.

Các thuyền viên tranh thủ kiểm tra lại ngư cụ sau khi vào neo đậu an toàn tại cảng cá Lạch Bạng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia

 

Đến huyện Tĩnh Gia, dù bão còn cách xa bờ nhưng các tàu công suất lớn đã được neo đậu chắc chắn. Theo đó, huyện Tĩnh Gia đã kêu gọi 2.468/2.468 tàu, thuyền  với hơn 9.600 lao động vào bờ, neo đậu an toàn tại các cảng cá Lạch Bạng (xã Hải Bình), Lạch Ghép (xã Hải Châu), Hải Thanh (xã Hải Thanh) trên địa bàn huyện; đối với các tàu thuyền không kịp về huyện, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã kịp thời thông báo để các tàu thuyền vào neo đậu an toàn ở các địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An… Đồng thời, Ban CHQS huyện Tĩnh Gia cũng huy động lực lượng dân quân đến các cảng cá để giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền. Anh Lê Văn Vinh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hải Bình cho biết: “Chúng tôi phối hợp với Đồn Biên phòng Nghi Sơn thông báo và hướng dẫn bà con ngư dân vào neo đậu kịp thời. Đối với những tàu không có số liên lạc, các đồng chí trong Ban CHQS xã trực tiếp đến từng hộ gia đình để nắm thông tin. Đến nay, 100% tàu thuyền trên địa bàn xã đã vào nơi tránh trú bão”. Còn ngư dân Trương Công Kiện, chủ tàu TH91012TS có công suất 410CV thì xúc động nói: “Mừng lắm anh ạ! Các chiến sĩ dân quân giúp bà con ngư dân chúng tôi chằng buộc, liên kết các tàu thành khối chắc chắn, hạn chế va đập do gió bão”. Cùng với đó, Ban CHQS huyện Tĩnh Gia cũng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án di dời dân đối với các vùng nguy hiểm, bãi ngang ven biển, nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão và triều cường.

Có mặt tại các địa bàn ven biển: xã Quảng Nham, Quảng Thái (huyện Quảng Xương); phường Quảng Cư, Trường Sơn, Quảng Tiến (thành phố Sầm Sơn) cuối  buổi chiều ngày 16/8, chúng tôi đã cảm nhận thấy sức gió đang mạnh dần lên, bắt đầu xuất hiện những đợt sóng cao gần 1 mét. Mưa lớn kết hợp gió to quất ràn rạt khiến một số cây cối dọc tuyến đường ven biển Hồ Xuân Hương từ chân đền Độc Cước đến phường Quảng Cư bị nghiêng ngả.

Tàu cá của ngư dân vào neo đậu tại âu tàu số 3 phường Quảng Cư
Dân quân phường Quảng Cư giúp ngư dân Vi Đình Sỹ (thứ hai từ trái sang) neo đậu tàu

 

Cùng các đồng chí trong Ban CHQS thành phố Sầm Sơn trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số địa bàn dọc đường Hồ Xuân Hương như phường Bắc Sơn, Quảng Cư… chúng tôi được Thượng tá Trần Thanh Bình, Chỉ huy trưởng cho biết: “Công tác ứng phó với bão số 4 đang được LLVT thành phố triển khai hết sức khẩn trương. Ban CHQS thành phố đã chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Sầm Sơn, Hải đội 433/Hải quân, Hải đội 2/Biên phòng, Trung đoàn 762 tuyên truyền cho các chủ phương tiện về mức độ nguy hiểm, khó lường của cơn bão số 4. Đồng thời, yêu cầu Ban CHQS các phường đưa tàu, thuyền công suất lớn, các loại thuyền mủng vào nơi tránh trú, neo đậu an toàn và rà soát các tuyến đê xung yếu, các nhà dân dễ bị tốc mái, khu vực có nguy cơ ngập lụt… Hiện nay, tổng số gần 1.900 tàu thuyền cùng hơn 6.500 lao động đã vào bờ an toàn. Trong đó, neo đậu tại địa phương là 1.836 phương tiện với 5.924 lao động, còn lại tránh trú tại các địa phương khác”.

Cán bộ Ban CHQS phường Quảng Cư triển khai vật chất phòng chống lụt bão

 

Trên đường đến công sở phường Quảng Cư, chúng tôi nghe rộn rã tiếng loa phát thanh của phường, các khu phố và các tổ tuyên truyền lưu động cảnh báo về hướng di chuyển, sự nguy hiểm của bão số 4 đến toàn thể nhân dân trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Cư vừa trở về sau khi trực tiếp xuống các khu phố triển khai các phương án phòng, chống bão số 4 cho biết: “Theo dự báo, khi bão đổ bộ, phường chúng tôi là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Ban CHQS thành phố đã cử cán bộ, nhân viên cơ quan quân sự xuống tận xã, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo lực lượng dân quân giúp dân phòng, chống bão”.

Vừa về cập bến tại âu tàu số 3 lúc 8 giờ sáng ngày 16/8, ngư dân Vi Đình Sỹ ở khu phố Thành Thắng, là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội Dân quân biển phường Quảng Cư, chủ tàu TH92929 có công suất hơn 800CV đang cùng với thuyền viên và các dân quân chằng chống, bảo vệ phương tiện. Anh Sỹ cho biết: “Khi nhận được thông tin về cơn bão số 4, chúng tôi đang khai thác ngời khơi lập tức thu gom lưới cụ để nhanh chóng về đây neo đậu”.

Tại kho vật chất phòng chống lụt bão của phường Quảng Cư, chúng tôi thấy Ban CHQS phường và anh em dân quân đang tất bật chuẩn bị xuồng cứu hộ, cọc tre, áo phao, phao cứu sinh, bao tải… Thượng tá Hà Thọ Thắng, Chính trị viên Ban CHQS thành phố chia sẻ: “Các đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh trong ngày 16/8 cũng đã có mặt tại các địa bàn trọng điểm, phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng huy động 12 xe ca từ 24 đến 50 chỗ, 10 xe tải loại từ 2,5 đến 9 tấn, 2 xe cứu thương, 2 máy múc, 2 bơm cao áp, 7 nhà bạt, hàng nghìn phao cứu sinh, áo phao, cọc tre, bao tải cùng dụng cụ y tế của Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn, Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương (Bộ Y tế) và lương thực, thực phẩm để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân các địa phương khi bão đổ bộ vào đất liền”.

Đại tá Vũ Xuân Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, công tác phòng, chống bão số 4 cơ bản đã hoàn tất. Bộ CHQS tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị duy trì 100% quân số, phương tiện (tàu, xuồng, ca nô, ô tô...) sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra. Duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chiến; sẵn sàng tổ chức Sở chỉ huy phía trước khi bão đổ bộ vào địa bàn để chỉ huy, điều động lực lượng, phương tiện khi có tình huống, có các phương án cụ thể để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân”.

Ghi nhanh của MẠNH HÙNG

 


Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội