Dân bản Cu Pua "ưng cái bụng" (Bài 1)
Tấm lòng với những việc làm mà anh Hồ Ê Nót, Đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) xã ĐaKrông (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) nhiệm kỳ 2021-2026 đã và đang làm vì quyền lợi của Nhân dân thật “hiếm có”, “khó tìm”, chẳng khác nào câu chuyện “cổ tích” giữa đại ngàn Trường Sơn, làm lan tỏa hình ảnh người đại biểu HĐND trong lòng Nhân dân.
Bài 1: Cán bộ "5 trong 1"
Từ quá khứ không mấy tốt đẹp, Hồ Ê Nót dần tu tâm dưỡng tính, được dân bản tín nhiệm bầu làm cán bộ thôn, cán bộ HĐND xã, để rồi anh làm không biết bao nhiêu là việc tốt cho dân bản Cu Pua trước đây, Vùng Kho ngày nay. Nót đặc biệt lắm, là cán bộ “5 trong 1”, là đàn ông nhưng lại làm Chi hội trưởng phụ nữ. Chính sự đặc biệt đó và tấm lòng vì dân đã làm nên những “kỳ tích”, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào Vân Kiều nơi đây…”.
Thay đổi bản thân
Từ lời giới thiệu và gợi mở đầy hấp dẫn trên của Trung tá Nguyễn Văn Chánh, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Đakrông (Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị), tôi liền tạm gác lại công việc, vượt quãng đường hơn 300km từ thành phố Vinh (Nghệ An) lên với đại ngàn Trường Sơn, đến thôn Vùng Kho, xã Đakrông tìm gặp anh Hồ Ê Nót.
Bộ mặt nông thôn mới vùng cao Quảng Trị nay đã khoác áo mới. Những ngôi nhà sàn quần tụ bên nhau, nép mình bình yên bên Quốc lộ 9 huyền thoại. Gặp các chị, các mệ đang gùi củi, ngô dọc đường, chúng tôi dừng xe hỏi thăm nhà Hồ Ê Nót thì ai cũng tủm tỉm cười nói: “Nót từng làm Trưởng thôn Cu Pua, Chi hội trưởng “phụ trách” chị em chúng tôi, giờ là “ông hội đồng” hả chú? “Cái bụng” của nó tốt lắm, làm không biết bao nhiêu là việc tốt cho dân. Đấy, nhà nó ở ngay khúc cua kia kìa nhưng hôm nay nó đang đi họp Hội đồng, không ở nhà mô”.
Thôn Vùng Kho (xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) được thành lập năm 2019, trên cơ sở sáp nhập 2 thôn Cu Pua (75 hộ) và thôn Vùng Kho (170 hộ) theo Quyết định số 2589/QĐ-UBND ngày 26/9/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.
Ngôi nhà sàn anh Nót nằm vững chãi trên một bãi đất bằng phẳng, phía trước là quốc lộ 9, phía sau là dòng Đakrông chảy hiền hòa. Khi chúng tôi đến, anh vừa họp HĐND xã về. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi về “ông hội đồng” sinh năm 1974 là anh có dáng người nhỏ thó nhưng ánh mắt cương nghị, tác phong nhanh nhẹn.
- "HĐND xã vừa họp bàn về dự án khai thác mỏ đá. Phấn khởi lắm! Dự án không chỉ đóng góp vào ngân sách địa phương mà điều quan trọng là sẽ tạo kế sinh nhai, công ăn việc làm cho người dân. Mời các anh lên nhà uống nước" - Anh Nót xởi lởi khi gặp chúng tôi.
Cái rét nàng Bân ùa về làm trời mưa lách nhách. Bên ấm trà nóng nơi hiên nhà sàn, cuộc đời thăng trầm với quá khứ bất hảo của Hồ Ê Nót được tái hiện như một thước phim quay chậm qua lời kể của cha anh - ông Hồ Văn Chốp và vợ anh - chị Hồ Thị Vân và của chính anh Nót.
Vợ chồng ông Chốp sinh được 6 người con, Hồ Ê Nót là con cả. Thay vì là niềm tự hào của gia đình thì từ những năm 1990, tức mới chỉ 16 tuổi, thanh niên Nót đã là nỗi ám ảnh của cả thôn. Mặc dù thời bấy giờ, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, chuyện học hành gần như trở thành thứ xa xỉ nhưng ông Chốp và vợ đã có suy nghĩ: “Chỉ có cái chữ mới đuổi được cái đói, cái nghèo”.
Nhờ thế Nót được đến trường trong ánh mắt thèm muốn của biết bao đứa trẻ cùng thôn. Nhưng do bản tính phá phách, thích chơi bời, lêu lổng, đến lớp 6 thì Nót trốn học, bỏ nhà “đi bụi”. Ba năm lang thang, những tệ nạn xã hội bước đầu len lỏi, thẩm thấu lên vùng cao đã cám dỗ, biến Nót dần trở thành một kẻ lì lợm, nghiện bia rượu, thuốc lá, cờ bạc, trộm cắp, đâm thuê chém mướn...
Chăm chú nghe cha “kể tội” mình, anh Nót hướng mắt ra xa trầm ngâm: “Lúc đó phần “con” trong tôi lấn át hết phần “người”. Một tuần kiểu gì cũng phải lên công an “uống trà” vài lần, rồi đi cải tạo, lao động công ích nhưng vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục chìm đắm trong “ma men”.
Bệnh tuổi già cộng thêm những lần bà con, chính quyền đến “kêu nhà” vì thằng con “trời đánh”, khiến vợ chồng ông Chốp khổ tâm rồi đổ bệnh. Biết tin cha mẹ vì mình đau buồn mà phát bệnh, Nót về thăm nhà, hứa sẽ thay đổi làm người tốt để cha mẹ khỏi phiền lòng.
Bỗng một ngày cả thôn Cu Pua xôn xao thông tin “Hồ Ê Nót cưới vợ” mà cô dâu là Hồ Thị Vân hiền dịu nhất thôn. Ai cũng mừng cho Nót. Nhìn sang vợ, anh Nót ngượng ngùng chia sẻ: “Mặc dù biết miềng trước đây không tốt như vậy nhưng cô ấy vẫn thương, đồng ý về làm vợ, rồi sinh cho miềng mấy đứa con. Cũng có lúc say rượu lỡ đánh mắng vợ con, tỉnh dậy sau cơn say, nghe cha mẹ khuyên nhủ, nhìn vợ bầm dập, con cái khiếp đảm, miềng tự nhủ phải thay đổi”.
Vốn được ăn học từ nhỏ nên nhận thức của Nót khá hơn bạn bè đồng trang lứa. Chứng kiến cảnh cha mẹ quanh năm ốm đau, rồi khi lấy vợ, thấy vợ mình và chị em phụ nữ trong thôn quanh năm quanh quẩn nơi góc rừng, xó núi, ốm đau, bệnh tật nhưng áp dụng cách chữa bệnh cổ hủ, lạc hậu do thiếu thuốc men, thiếu kiến thức y tế, nhất là kiến thức về sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và nòi giống... Nên Nót “bấm chí” xin đi học y tế rồi trở thành hội viên Hội Y tế thôn bản huyện Đakrông năm 2010.
Từ đây anh tích cực tham gia tuyên truyền bà con xóa bỏ cách chữa bệnh lạc hậu, có bệnh phải đi trạm xá, cập nhật các kiến thức chăm sóc sức khỏe. Anh còn lập một tủ thuốc miễn phí ngay tại nhà mình để chữa bệnh cho bà con dân bản. Từ việc làm ý nghĩa đó, anh Nót được bà con tin tưởng bầu giữ một lúc 5 chức vụ quan trọng của thôn.
Cán bộ “5 trong 1”
Bước vào gian chính nhà sàn, ngay cạnh cửa chính, đập vào mắt tôi là một tủ thuốc tây gắn chữ miễn phí, bên trong đủ hộp lớn, hộp bé, từ thuốc cảm, kháng sinh, đến bông, băng, gạc, thậm chí có cả… thuốc tránh thai và bao cao su.
Có lẽ nhận ra sự tò mò của tôi nên anh Nót nói ngay: “Tủ thuốc này có từ năm 1997, thời miềng làm cán bộ y tế thôn bản, kiêm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Cu Pua. Đến năm 2002, chắc có lẽ nhờ “quản lý” tốt chị em nên tôi được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ vốn vay. Kỳ bầu cử năm 2011 được Nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) xã ĐaKrông nhiệm kỳ 2011-2016".
Nhấp ngụm trà, anh nói tiếp: "Năm 2019, thôn Cu Pua sáp nhập vào thôn Vùng Kho, tôi không còn kiêm nhiệm mấy chức đó nữa nhưng vẫn tiếp tục được bầu làm đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021-2026. Tuy nhiên, không biết là vì tiện lợi hay do tôi trước đây “mát tay” trong việc giảm “tốc độ” đẻ của chị em mà bà con vẫn tín nhiệm để tủ thuốc ở nhà tôi. Để cạnh cửa thế này, bà con lấy thuốc chữa bệnh và dụng cụ tránh thai xong là đi ngay, đỡ xấu hổ, chứ nhiều chị em ngại ra hiệu thuốc. Trước đây cực lắm, nhà nào cũng “xòn xòn”, ít thì 4-5 đứa, nhiều thì 8-9 đứa, giờ thì khác rồi”.
Bài 2: Đàn ông làm Chi hội trưởng phụ nữ
Bài, ảnh: MẠNH HÙNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận