A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rừng vây quân thù

75 năm nay, rừng Liên khu 4 đều gắn bó với mảnh đất thiêng này từ Tam Điệp đến Hải Vân. Các yếu tố thiên nhiên và con người đã quyện vào nhau làm thế chiến lược của Liên khu 4, tạo nên một thế kinh tế - xã hội – quân sự thống nhất. Trong đó, tài nguyên con người là quý giá nhất. Vùng rừng núi bao la là nơi cư dân các tộc người thiểu số chiếm đông đảo nhất. Đã từng là căn cứ địa của kháng chiến và cũng là tiềm lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

          Núi rừng Liên khu 4 tiếp giáp với nước bạn Lào, nơi sinh sống của các tộc người thiểu số lâu đời: 11 dân tộc thiểu số, với nhiều nhóm, địa phương phong phú và đa dạng. Liên khu với văn hóa vùng nổi trội: Xứ Thanh, Xứ Nghệ, Xứ Huế (Bình – Trị - Thiên) tạo giao thoa, tiếp biến văn hóa của 11 tộc người thiểu số là thế mạnh của văn hóa Liên khu 4 trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

 

Người Bru - Vân Kiều trong lễ hội trỉa lúa lấp lỗ.

                  Đồng bào đã cùng với người Kinh làm nên huyền thoại của chiến thắng. Tiêu biểu là Đường Trường Sơn kỳ vĩ, anh hùng. Sức người, sức của đồng bào các tộc người nơi đây là vô giá.

          Người Bru – Vân Kiều với các nhóm địa phương Vân Kiều, Măng Coong, Trì cửa Quảng Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Nhân dân đã lấy họ Hồ làm họ của tộc người mình để ghi công ơn to lớn của Bác Hồ với dân tộc Bru – Vân Kiều.

          Người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế đóng góp nhiều cho kháng chiến từ ngày đầu mở đường ra tiền tuyến. Người Tà Ôi, Pa Cô gắn bó với chiến trường Trị - Thiên từ những ngày khói lửa ban đầu, hình ảnh đẹp đã vào trong thơ, trong nhạc có thể nói người Bru – Vân Kiều, Tà Ôi – Pa Cô và Cơ Ru là ba tộc người lập nhiều chiến công ở Trị Thiên, tạo nên thế vây quân thù quyết liệt.

Cuối năm 1959, đầu năm 1960, những cuộc đấu tranh chống “Luật 10 – 59” của địch diễn ra liên tục ở Trị - Thiên. Nhớ lại thời kỳ đầu làm nên đồng khởi ở miền núi này. Ở Quảng Trị địch càn quét vùng Tà Rụt, Ly Tông, Sa Trầm. Ở Thừa Thiên Huế, chúng càn quét vùng La Đụt, A Lưới, Pa Đu. Chúng dồn dân vào khu binh điền Tường Phước Xoa – của Thừa Thiên Huế, chúng lùa dân vào khu Nam Đông – Khe Tre. Và cũng từ đây, căn cứ địa miền núi được xây dựng, càng ngày càng lớn mạnh góp phần tích cực cho hậu phương hùng hậu của chiến tranh.        

          Chuyện kể có nhiều những huyền thoại, xin nêu một gia đình anh hùng mà có lẽ trên thế giới cũng thấy ít. Và chính cái biến này góp phần lý giải tìm ra đáp số ta thắng đối phương từ văn hóa.

          Hồ Vai (Cu Thời, sinh năm 1942) Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) (1965) khi tuyên dương anh hùng là xã đội trưởng, dân tộc Tà Ôi (Pa Cô), quê xã Hồng Bắc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham gia du kích 1961. Năm 1961 – 1969, xây dựng đội du kích xã vững mạnh, vận động Nhân dân đánh giặc giữ làng, chỉ huy du kích tự tạo chông, mìn, cạm bẫy, chủ động đánh địch, bẻ gãy nhiều cuộc càn, gây cho địch nhiều tổn thất. Năm 1961, Hồ Vai đã đánh 22 trận, diệt 33 địch, làm bị thương 59 tên khác. Tháng 11/1963 được tin địch càn vao xã A Ninh, ông một mình đi rừng, phục kích đợi địch đến gần 5m mới nổ súng diệt 3 tên địch.

Anh hùng Hồ Vai (thứ 2, trái sang) vinh dự chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ.

          Can Lịch (sinh 1943), Anh hùng LLVTND (1967), là người dân tộc Tà Ôi (Pa Cô) xã Hồng Bắc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Tham gia du kích năm 1961. Năm 1961 – 1967 xây dựng và chỉ huy du kích xã làm chông, mìn, cạm bẫy đánh giặc giữ làng, diệt nhiều địch, chiến thắng nhiều trận, diệt 49 địch (có 1 lần bắn rơi 1 máy bay vận tải, phá sập 2 nhà lính). Năm 1965, chỉ huy du kích 3 xã và một trung đội bộ đội địa phương bao vây đồn A Lưới trong 4 tháng, tiêu hao địch, làm tê liệt hoạt động của chúng; hai lần chỉ huy du kích đánh lô cốt Tà Rê diệt hơn trung đội địch, buộc chúng phải rút bỏ.

          A Nun (sinh năm 1945), Anh hùng LLVTND (1949). Dân tộc Tà Ôi (Pa Cô) xã Hồng Bắc, Phong Điền, Thừa Thiên Huế xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng. A Nun là cháu Hồ Vai, em Can Lịch. 11 tuổi đã liên lạc bảo vệ tuyến đường đi lại cho cán bộ, 14 tuổi tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực cho bộ đội ở A Lưới. Năm 1961 – 1975 vận tải bằng gùi, đạt năng suất kỷ lục về gùi ở chiến trường Khu 5, thường xuyên gùi được 90 kg trên đường rừng núi. Có nhiều sáng kiến buộc, kẹp hàng để gùi những hàng nặng và cồng kềnh. Vì vậy có chuyện A Nun mang được 4 nòng pháo ĐKZ và một quả lựu đạn cối với tổng trọng lượng 190 kg, có chuyến mang một máy nổ nặng 173kg.

Anh hùng A Nun.

 

Gùi hàng của Anh hùng Hồ A Nun hiện được lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử tại Bảo tàng Quân khu 4.

 

          Lại còn có chuyện kể về một người câm ở Hòa Mỹ, ngày đêm vót chông từng bó 100 cây một cho du kích đi gãy bẫy. Bí mật nuôi cán bộ trong hầm bí mật, đêm đêm cùng du kích đi phá Ấp chiến lược. Chỉ ở Trị - Thiên đã có bao nhiêu chuyện kỳ vĩ, không kể hết được.

          Ở Quảng Bình có dân tộc Chứt, khoảng 3.500 người (với các nhóm địa phương Sách, Mày, Rục, Mã Tiềng (Cọi), A Rem – quê hương “2 giỏi”, tuyến đầu miền Bắc XHCN đã hăng hái đi dân công vận tải phục vụ chiến đấu tại chỗ trên tuyến đường ác liệt từ Quảng Bình đến Đông – Tây Trường Sơn, nổi tiếng về sự gan dạ và quyết tâm cao.

          Vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh có 7 tộc người thiểu số: Dao, Mông, Khơ Mú, Mường, Ơ Đu, Thái, Thổ (có các nhóm Cuối, Mọn, Kẹo, Đan Lai – Ly Hà, Tày Pọong). Nhiều tộc người với số dân đông như Thái, Mông, Mường, Khơ Mũ, Thổ có nền văn hóa lâu đời, nổi bật với nghề rèn súng, dệt thổ ẩm, đan lát với văn hóa cồng chiêng đặc sắc… và dân ít nhất trong cả nước như tộc người Ơ Đu (khoàng 400 – 500 người) đều phát huy văn hóa tộc người phục vụ kháng chiến, xuất hiện nhiều anh hùng, dũng sĩ, đóng góp nhiều sức người, sức của cho kháng chiến và xây dựng bảo vệ Tổ Quốc.

          Miền Tây Thanh – Nghệ - Tĩnh tiến hành xây dựng địa phương toàn diện cả về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa, xã hội, tích trữ xây dựng lực lượng cả về nhân tài, vật lực. Vùng miền núi cực kỳ quan trọng, lập căn cứ địa cho mình và giúp bạn cùng lập căn cứ địa kháng chiến lâu dài trong xây dựng hậu phương đi đôi với bảo vệ được hậu phương vững chắc phải dựa trên cơ sở xây dựng hậu phương thắng lợi.

          Riêng Thanh – Nghệ - Tĩnh vùng núi rừng nuôi bộ đội và vây quân thù này có thể kể tinh thần tự giác, độc lập chiến đấu của tộc người thiểu số trung kiên bằng hai sự kiện độc đáo của hai dân tộc mà nếu xem xét các nơi đều tìm thấy những hình ảnh tương đồng.

          Một con người mà sử sách địa phương ít nhắc đến, hoặc có nhắc tới thì cũng sơ sài, thật là một điều thiếu sót nếu nhân viết bài này ta lại quên họ đi.

          Đó là chuyện ông tộc trưởng Sùng Vừ Mùa (hay còn gọi là Xồng Vừ), ở bản Đống của huyện Tương Dương (Cư) nay là huyện Kỳ Sơn.

          Năm 1947 – 1948, giặc Pháp chiếm Mường Xén, bản Đống coi như một ốc đảo. Dân ở Mường Xén tản cư về Khe Kiền. Ngày 8/11/1948, Pháp đưa 14 tên phỉ Lào qua bản Phù Huột, tộc trưởng Sùng Vừ tập hợp 5 thanh niên Mông, dùng súng kíp tự tạo, phục kích tiêu diệt 5 tên, bảo vệ bản, địch không dám mò tới nơi.

          Lò rèn ngày đêm rèn súng Mẹo phát cho thanh niên trong bản đánh giặc. Ông nói với dòng họ mình: “Sống là người của dòng họ, chết là ma của Lòng Chừ Xểnh (Trưởng họ) trong như gạo, xanh như rừng. Cái lý của người Mông được bà con sáng tỏ đi phục vụ kháng chiến. Sùng Vừ kể cho con trai bạn mình chuyện xưa người Hán, người Sã hòng tiêu diệt người Mông những tổ tiên người Mông dạy còn người còn chiến đấu giặc để bảo vệ nòi giống. Ngày nay, giặc Pháp cùng bè lũ tay sai phản động muốn tiêu diệt người Mông sống yên ổn trong quê hương lập nghiệp của mình.

          Ông đi liên lạc với bộ đội ta được trang bị thêm 4 khẩu súng lấy được của Pháp cấp cho du kích của bản. Năm sau 42 tên phỉ Lào do 2 quan Pháp chỉ huy lại mò về bản Đống, du kích phục kích diệt 7 tên.

          Giặc giở trò về bắt trộm vợ con ông ở rãy và hòng dụ Sùng Vừ quy hàng. Nhưng người họ Mùa cùng dân bản quyết không mắc mưu chúng, lò rèn vẫn rèn súng kíp. Tộc trưởng được giấu trong rừng sâu, kẻ địch không sao săn lùng được ông. Vì người Mông nơi đây đã cắt máu ăn thề quyết bảo vệ trưởng họ mình.

          Năm 1952, nhà nước tặng Sùng Vừ Mùa, huân chương chiến công hạng Nhất, huân chương cao nhất đầu tiên cấp cho vùng miền Tây tỉnh Nghệ An. Cũng vào dịp này, vùng Mường Típ có anh thanh niên Phà Phò Thò (tức là Ba Đi) người dân tộc Khơ Mú – nay là đại tá nghỉ hưu – tập hợp 32 thanh niên trong vùng gặp bộ đội xin tập luyện để về giữ bản.

          Đến tháng 2/1952, 32 thanh niên của Phà Phò Thò đã hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự, được trở về địa phương bảo vệ bản làng. Phà Phò Thò được tặng huân chương kháng chiến hạng Nhì.

Các tiết mục tái hiện lại văn hóa miền Tây xứ Nghệ biểu diễn trong đêm hội.

          Người dân thiểu số ở vùng cao luôn luôn một lòng, một dạ với kháng chiến. Phát huy những đức tính vĩnh cửu tương đối của đồng bào; Ngay thẳng, thật thà, trung thực, chất phác, hiếu khánh, giàu tình thương người, hào hùng, dũng cảm, bất khuất, tình mẫu tử, tỉnh yêu, tình bạn… đều có giá trị lớn lao trong công cuộc đổi mới hôm nay. Trên cơ sở nắm chắc chính sách dân tộc của Đảng đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp nhau cùng phát triển và chăm lo đời sống các dân tộc cùng phát triển.

          Tham gia giáo dục hai ý thức cốt lõi, ý thức dân tộc (của từng dân tộc) và ý thức quốc gia dân tộc Việt Nam. Tất nhiên, ý thức quốc gia – dân tộc Việt Nam phải là trên ý thức dân tộc của từng dân tộc, bổ sung cho nhau, không độc lập nhau mà chính sách của Đảng và Bác Hồ từ xưa đến nay đều nhất quán. Đặc biệt, địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số phải nắm chắc những vấn đề cốt lõi nêu trên để thực hiện trong lực lượng vũ trang Quân khu trong thời gian tới.

          Làm dân vận, làm công tác chính trị, tư tưởng là làm sao tác động đến tâm lý dân tộc trong từng con người, mà như vậy thì phải hiểu sâu sát văn hóa vùng, văn hóa tộc người trong văn hóa quốc tộc Việt Nam. Việc làm còn hời hợt là do vận dụng văn hóa vào công tác còn yếu kém của chúng ta. Văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển của nhiều mặt.

          Cái tảng băng chìm của con người các tộc người là tiềm lực của sức mạnh trong thời kỳ mới trong xu thế toàn cầu hội nhập quốc tế. Chỉ có tìm, khai thác được cái chiều sâu của tâm lý con người ở phần dân tộc, phần văn hóa vùng mà nhất là văn hóa tộc người rất đặc sắc của mảnh đất thiêng của chúng ta, có thế mới tạo nên sức mạnh cho thời kỳ mới, trong tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa xã hội đuổi kịp và có thể vượt bạn bè trong khu vực và quốc tế.

ĐẬU KỶ LUẬT

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội