A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Đoàn Khuê - một nhân cách lớn

Năm 1980, tôi được điều động về Bộ Tham mưu Quân khu 5 làm Trợ lý Tác chiến. Thời kỳ này, Quân khu chuẩn bị diễn tập, do đó, Phòng Tác chiến được vài lần làm việc với Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn Khuê. Đến tháng 4 năm 1983, tôi vinh dự được điều động lên giúp việc cho Tư lệnh vào đúng thời điểm Đại tướng Đoàn Khuê được cử sang Campuchia làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719.

Tôi vẫn nhớ rõ, lần gặp chuẩn bị đi chiến trường K, Đại tướng hỏi: Anh có nguyện vọng gì không? Tôi trả lời: Là một quân nhân, tôi tuyệt đối chấp hành mọi nhiệm vụ tổ chức giao. Đại tướng nghiêm nghị nhìn tôi với ánh mắt tin tưởng. Hình ảnh đó vẫn mãi in đậm trong ký ức của tôi cho đến hôm nay. Tôi cảm nhận Đại tướng là người chỉ huy có sức lan tỏa các phẩm chất của ý chí kiên định, lòng nhiệt huyết mạnh mẽ và tinh thần làm việc sâu sát, hiệu quả. Cho đến hôm nay, tôi vẫn xem Ông như người Thầy, người Cha mà tôi rất mực kính trọng, một nhân cách lớn mà tôi học tập được nhiều.

Đại tướng Đoàn Khuê là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VI, VII, VIII; là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa VII đến khóa X. Gần 17 năm được công tác bên cạnh Đại tướng, với vẻ ngoài nghiêm nghị, hơi khó gần, nhưng từ góc độ thân thế gia đình đến thực tiễn quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng là người có nội tâm rất lớn, luôn dĩ công vi thượng - suốt đời cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Thời kỳ ở chiến trường K, Đại tướng Đoàn Khuê đảm trách chức vụ Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia (B68); sau đó, làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 719 kiêm Trưởng ban Lãnh đạo B68. Đại tướng Đoàn Khuê đã để lại dấu ấn sâu đậm, cùng tập thể Ban Lãnh đạo B68, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 719 lãnh đạo tổ chức, xây dựng lực lượng và kiến lập hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương, tạo nền tảng thế trận vững chắc cho cách mạng, chủ động ngăn chặn và đập tan mọi hoạt động chống phá của quân Pôn Pốt cùng lực lượng phản động quốc tế. Từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 11 năm 1986, Đại tướng cùng cơ quan tham mưu xây dựng vành đai phòng thủ biên giới (K5); chỉ huy tiêu diệt 16 căn cứ trọng yếu của lực lượng ba phái (Pôn Pốt, Son San và Xihanúc). Điểm đặc biệt trong phong cách lãnh đạo, chỉ huy là: Từ khi có ý định đến lúc triển khai bất cứ một chiến dịch nào (có một số chiến dịch Đại tướng trực tiếp theo), khi kết thúc chiến dịch, bao giờ Đại tướng cũng đến tận chiến trường xem xét, nghiên cứu cẩn thận nhằm rút kinh nghiệm bảo đảm hiệu suất chiến đấu cao hơn cho bộ đội. Ở chiến trường Campuchia, 16 căn cứ trọng yếu trên biên giới nước bạn, Đại tướng Đoàn Khuê đều trực tiếp đến kiểm tra. Ở tuổi 60, nhưng với ý chí, tinh thần và bản lĩnh của vị tướng dạn dày kinh nghiệm trận mạc, Đại tướng không nề hà vất vả, khó nhọc, vẫn cùng bộ đội tiến lên. Hình ảnh đó có sức lan tỏa mạnh, cổ vũ tinh thần, ý chí và quyết tâm chiến đấu đối với cán bộ, chiến sĩ ta và bạn; mọi người nể phục, yêu mến và tin tưởng ở Quân tình nguyện Việt Nam.

Đồng chí Đại tá Nguyễn Trọng Nhu, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ tổng Tham mưu, nguyên Thư ký Đại tướng Đoàn Khuê phát biểu tham luận tôn vinh nhân cách lớn Đại tướng Đoàn Khuê tại Hội thảo khoa học về Đại tướng Đoàn Khuê tổ chức tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, tháng 10/2023..

 

Trên cương vị là Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn chuyên gia, Đại tướng Đoàn Khuê quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, không bao biện làm thay, bằng mọi cách phải từng bước nâng cao khả năng mọi mặt của bạn, để bạn ngày càng trưởng thành, tiến tới làm chủ công việc của nước mình. Từ năm 1986, nắm bắt được yêu cầu mới của tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, trước lúc Đại tướng Lê Đức Anh về nước nhận nhiệm vụ làm Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng Đoàn Khuê đã trao đổi và bàn về vấn đề rút Quân tình nguyện khỏi Campuchia; để bạn tự đảm nhiệm công việc và có điều kiện tiếp cận ba phái, từng bước phân hóa kẻ thù. Thực tiễn này phản ánh rõ tư duy chiến lược nhạy bén, mạch lạc của Đại tướng Đoàn Khuê. Kinh nghiệm trong ba năm lãnh đạo, chỉ đạo bộ đội chiến đấu và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia chính là một trong những nền tảng quan trọng trước khi Đại tướng ra Bộ Quốc phòng đảm trách cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng là sự kiện trọng đại, mở đầu quá trình đổi mới toàn diện đất nước. Là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đoàn Khuê cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội quán triệt và tổ chức thực hiện chặt chẽ quá trình chuyển đổi tư duy kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ thực tiễn đất nước ta và xu thế thời đại lúc bấy giờ, Đại tướng cho rằng mở cửa cần được tiến hành từng bước, phải quản lý chặt chẽ, không thể nóng vội mà mất kiểm soát. Soi chiếu lại, đến nay, quan điểm đó vẫn còn tính thời sự sâu sắc.

Trong 5 năm làm Tổng Tham mưu trưởng (1987 - 1991) - giai đoạn có rất nhiều vấn đề trọng đại mang tính bước ngoặt đối với sự phát triển của đất nước và Quân đội. Đại tướng Đoàn Khuê để lại dấu ấn sâu đậm trong đổi mới tư duy về quốc phòng, quân sự, cả lý luận và thực tiễn xây dựng, huấn luyện Quân đội, tiêu biểu là: Trực tiếp tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện thành công kế hoạch điều chỉnh chiến lược về thế trận quốc phòng, tập trung xây dựng thế trận phòng thủ chiến lược trên các hướng chiến lược, các khu vực trọng điểm; đã chấn chỉnh một bước cơ bản tổ chức biên chế lực lượng, giảm được hơn 60 vạn quân thường trực (trong đó có khoảng 27 vạn người hưởng lương); xây dựng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng và sức mạnh tác chiến của các quân, binh chủng. Quá trình xây dựng Quân đội, từ chế độ sinh hoạt, nội dung và phương châm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu… đến xây dựng đơn vị điểm, bước đầu được bảo đảm theo hướng chính quy, từng bước hiện đại và đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đại tướng dành nhiều thời gian để thị sát chiến trường, đặc biệt là trên biên giới phía Bắc, đến thăm các chốt biên giới để nắm bắt tình hình.

Khi Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng các trung đoàn điểm, mặc dù bận nhiều việc, nhưng khi có thời gian, Đại tướng trực tiếp ra thao trường theo dõi hành động của từng người, từng tổ, tiểu tổ, trung đội, đại đội huấn luyện ra sao; việc nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị của Bộ đã được quán triệt đến người chiến sĩ chưa… Lấy thực tiễn năng lực, trình độ huấn luyện chiến đấu của bộ đội làm căn cứ đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Bộ, quân khu, quân đoàn, sư đoàn. Luôn bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo chất lượng lãnh đạo, chỉ huy, Đại tướng Đoàn Khuê thường căn dặn: Cơ quan chiến lược xuống kiểm tra đơn vị phải phát hiện được vấn đề tồn tại của từng cấp; nghị quyết, chỉ thị đã có rồi, việc nào đó chưa sát thuộc trách nhiệm của trên thì chúng ta phải điều chỉnh, nội dung nào đó mà dưới thực hiện chưa đúng thì phải hướng dẫn cụ thể để anh em sửa chữa kịp thời.

Về xây dựng cơ quan chiến lược, Đại tướng dành nhiều tâm sức trăn trở, suy nghĩ. Phương châm là phải tin cơ quan, nêu cho cơ quan chức năng nhiều ý tưởng; tổ chức kiểm tra chặt chẽ… nhằm phát huy những mặt mạnh và khắc phục triệt để vấn đề tồn tại, xây dựng cơ quan chiến lược vững mạnh toàn diện. Ngoài ra, Đại tướng Đoàn Khuê còn để lại dấu ấn sâu sắc gắn với sự ra đời của Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị; đồng thời, là người trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc diễn tập; góp phần quan trọng củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và lực lượng vũ trang nhân dân.

Đối với đội ngũ cán bộ văn phòng và thư ký, Đại tướng là người sống giản dị, gần gũi, ít khi nặng lời với anh em. Trước khi quyết định một vấn đề mà Đại tướng còn chưa hoàn toàn yên tâm, việc đầu tiên là gọi Thư ký nêu vấn đề và chỉ đạo nghiên cứu, trao đổi với cán bộ trong cơ quan, rồi thảo luận thẳng thắn cùng Đại tướng; sau cùng, Đại tướng mới quyết định. Ông luôn xem những cộng sự giúp việc như chúng tôi là một thực thể độc lập, tạo cho anh em có chứng kiến rõ ràng, khuyến khích chúng tôi làm tròn phận sự của mình. Thực tiễn cho thấy, đây là thời kỳ khối lượng công việc của Bộ Tổng Tham mưu cực kỳ lớn lao, điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng hiệu quả và chất lượng công việc rất tốt.

Sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (24 - 27/6/1991), ở tuổi 68, Đại tướng Đoàn Khuê được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong nhiệm kỳ của mình, Đại tướng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương lãnh đạo xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh nhuệ, với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tạo nền tảng quan trọng giữ vững sự ổn định để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mặc dù là người có tính nguyên tắc cao, nhưng trong công việc, Đại tướng xử lý linh hoạt, chặt chẽ. Làm việc gì cũng trăn trở, suy nghĩ thấu đáo, đặt lợi ích cách mạng và dân tộc lên trước hết. Thời kỳ làm Bộ trưởng, Đại tướng Đoàn Khuê cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong quán triệt và thực tiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế… Đề cập đến vấn đề này, ngày 4 tháng 8 năm 2023, tôi có buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Minh Triết - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí chia sẻ: “Đại tướng Đoàn Khuê là người nghiêm túc, chặt chẽ quán triệt nghị quyết của Đảng về tập trung đổi mới, xây dựng tiềm lực kinh tế. Khi đó, tôi là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé, gặp Bộ trưởng Quốc phòng để báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép chuyển 300ha đất Sóng Thần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, Khu Công nghiệp Sóng Thần 1 và Khu Công nghiệp Sóng Thần 2 là nền tảng để Sông Bé và sau này là Bình Dương phát triển như hôm nay”.

Với thời gian được cộng sự bên Đại tướng, cá nhân tôi bao giờ cũng kính trọng, coi Ông như người Cha, người Thầy trong trường đời của mình. Lúc đi cùng Ông, tôi còn khá trẻ, mới ngoài 30 tuổi; trưởng thành từ đơn vị, Ông dạy tôi những điều cụ thể, từ nội dung công việc đến cách ứng xử với cấp trên, cấp dưới và cả trong sinh hoạt đời thường. Đại tướng sống giản dị, thanh bạch, gần gũi và ít khi nặng lời với anh em cùng làm việc.

Gia đình Đại tướng có nền gia phong mang đặc trưng văn hóa của người miền Trung, việc của người nào cũng phải phấn đấu theo cách riêng của mình, không được trông chờ, dựa dẫm. Bữa cơm gia đình, nếu không có gì đột xuất thì đông đủ và đó là lúc mọi người thể hiện sự quan tâm đến nhau. Đối với Đại tướng, việc gia đình và việc nước luôn rõ ràng, tuyệt đối không để xen vào công việc mình phụ trách.

Thời gian đã lùi xa, nhưng trong ký ức và tâm thức của tôi vẫn khắc sâu hình ảnh Đại tướng Đoàn Khuê - Một người cộng sản kiên trung, nhà chính trị, quân sự xuất sắc, một nhân cách lớn. Có thể khẳng định rằng, giá trị tinh thần được viết nên từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đại tướng Đoàn Khuê là tinh thần yêu nước, sự kiên trung và nhiệt huyết cống hiến, hy sinh đối với cách mạng; luôn lấy thực tiễn làm chân lý cho hành động, luôn dĩ công vi thượng, lấy tư tưởng, phong cách và đạo đức Bác Hồ để tự rèn luyện bản thân. Đó cũng là tấm gương chuẩn mực về đạo đức, trách nhiệm đối với đất nước, quê hương và gia đình. Trên đây là vài dòng tâm huyết, những mong có thể truyền một chút cảm hứng đến các thế hệ hôm nay và mai sau. Đến đây, bản thân có phần tiếc nuối, vì Đại tướng Đoàn Khuê không viết hồi ký. Đại tướng nói: Mình làm được việc gì, thì những nơi mình ở, những người mình cùng công tác ghi nhận là tốt rồi!.

Đại tá Nguyễn Trọng Nhu, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn,

 Bộ tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Thư ký Đại tướng Đoàn Khuê


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội