A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lương y phải như từ mẫu"

Ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ Y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những lời dạy giản dị, sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta. Đến ngày 6/2/1985 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hằng năm làm ngày Thầy thuốc Việt Nam để tiếp tục làm theo lời dạy của Bác.

“Lương y phải như từ mẫu”

Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ đã nhiều lần làm việc với cán bộ lãnh đạo ngành Y tế, quan tâm, động viên, thăm hỏi đội ngũ thầy thuốc, khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đặc biêt, ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ Y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những lời dạy giản dị, sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta:

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Viện Mắt Trung ương. 
Ảnh: Tư liệu TTXVN

 

Thư gửi Hội nghị Cán bộ Y tế

Bác thân ái chúc các cô, các chú mạnh khỏe, vui vẻ hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch thật thiết thực và làm việc cho tiến bộ.

Bác góp vài ý kiến sau đây để các cô, các chú thảo luận:

- Trước hết phải thật thà, đoàn kết: Đoàn kết chính là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết sẽ vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

Đoàn kết cả cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết tất cả những người trong ngành Y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ cho nhân dân.

- Thương yêu người bệnh: Người bệnh đã phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ đã phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang.

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như chính mình đau đớn.

“Lương y phải như từ mẫu”, câu nói rất đúng.

- Xây dựng nền Y học của ta: Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã được độc lập, tự do, cán bộ cần ra sức giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng nền Y tế phù hợp với nhu cầu của Nhân dân ta. Y học phải dựa vào nguyên tắc: Khoa học, dân tộc và đại chúng.

Ông cha ta ngày trước có rất nhiều kinh nghiệm quý báu về cách cứu chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cần chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Mong các cô, các chú cố gắng thi đua để làm tròn nhiệm vụ.

Chào thân ái và thành công!

Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6/1953, Người cũng chỉ rõ: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lương y phải như từ mẫu”. Thực hiện theo lời dạy của Người, các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có thể nói, lương tâm với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc.

Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3/1948). Bởi để chữa trị bệnh tật tận gốc thì không chỉ nhìn vào những vết thương bề ngoài. Những vấn đề về tinh thần, tình cảm càng cần phải được quan tâm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như y đức của người thầy thuốc. Khi gặp “một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ.

Ngày 31/7/1967, trong bức thư khen cán bộ, nhân viên Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Đây cũng là bức thư cuối cùng Người viết gửi ngành Y tế nước ta.

Bác Hồ với các bác sĩ ngành Quân y, năm 1954.
Ảnh: Tư liệu/TTXVN

 

Theo Bác, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề... thi đua học tập, thi đua công tác”. Hơn nữa, người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Cụ thể, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất.

Khắc ghi lời Bác

Trải qua thời gian, ngành Y đã lấy nội dung những lời dạy của Người nêu lên làm cốt lõi tư tưởng trong mọi hoạt động. Thực hiện theo những lời dạy đó, mỗi người thầy thuốc cách mạng Việt Nam cần tích cực học tập, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, luôn biết tự làm giàu trí tuệ, nâng cao y đức cũng như trách nhiệm với bệnh nhân. Bao tấm gương đẹp, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh nở rộ trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân: B.S Phạm Ngọc Thạch, G.S Tôn Thất Tùng, G.S Đặng Văn Ngữ... đều đã thấm nhuần và làm theo lời dạy của Người về y đức.

Năm 1979, Bộ Y tế ra 5 tiêu chuẩn của người cán bộ y tế Nhân dân. Năm 1982, Bộ Y tế nêu những yêu cầu cụ thể về “Thương yêu người bệnh” cho cán bộ, nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đối với việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 1996, Bộ trưởng Bộ y tế Đỗ Nguyên Phương nêu lên 12 điều quy định về y đức. Ngày 10/8/1999, lại ban hành Quy định về đạo đức hành nghề dược. Ngày 03/01/2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi thư cho ngành Y tế qua báo Sức khỏe và Đời sống đã phát triển, làm rõ hơn, cụ thể hơn lời dạy của Bác Hồ về y đức trong hoàn cảnh mới của đất nước. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức từng giai đoạn, từng thời kỳ đã được cụ thể hóa thành những việc rõ ràng trong công tác phục vụ người bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới, đạo đức cách mạng mới trong lịch sử dân tộc.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 268, Quân khu 4 chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

 

Hiện nay, cán bộ, nhân viên y tế cùng với các cơ quan, đoàn thể, ban ngành đã và đang nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tích cực quan tâm xây dựng đời sống mới cho nhân dân, nâng cao thể lực cho nhân dân và đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe. Gắn riêng trong Quân đội, hiện nay, việc giáo dục nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc trong Quân đội có ý nghĩa to lớn, góp phần xây dựng nguồn lực con người, nhân tố góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, căng thẳng, áp lực và nguy cơ lây nhiễm COVID-19 luôn thường trực, nhưng những “chiến sĩ áo trắng” vẫn thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả - chữa bệnh cứu người. Hơn cả sự hy sinh, đó là niềm tự hào khi những nhân viên y tế được cống hiến hết sức mình, bằng trái tim, tâm huyết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, góp phần đưa cuộc sống của cả nước trở lại bình thường, ổn định.

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả để “không ai bị để lại phía sau” thì những tấm gương hy sinh thầm lặng của các thầy thuốc Việt Nam đã làm sáng mãi phẩm chất cao quý “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” theo lời dạy của Bác Hồ và xứng đáng với tình cảm tốt đẹp của Người dành cho ngành Y tế.

Kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023) là dịp để mỗi chúng ta nhận thức sâu sắc hơn lời dạy thiết thực, những tình cảm quý báu của Bác đối với ngành Y tế Việt Nam. Mỗi lời Bác dạy sẽ soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đây cũng là dịp để mọi người dân Việt Nam được thể hiện lòng kính trọng và sự biết ơn của mình đến các y, bác sĩ, những người một lòng tận tâm cống hiến không quản hi sinh vì sức khỏe của những bệnh nhân.

HUY CƯỜNG


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội