A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Sáng 24/11/2021, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng; Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với hàng trăm điểm cầu tại các tỉnh, thành cùng nhiều bộ, ngành trên cả nước. Khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu tham dự hội nghị. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Hội nghị dự kiến có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, với hơn 150 tham luận. Các tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học nhằm khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa; đồng thời, các tham luận cũng “hiến kế” định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của con người Việt Nam thời đại mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị. 
Các đại biểu dự Hội nghị.

Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

“Xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”

Cách đây tròn 75 năm, vào ngày 24-11-1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh tại Hội nghị.

Trong diễn văn khai mạc, Người khẳng định nhiệm vụ “xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà phải lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Người cũng đề cao sứ mệnh của văn hóa, nghệ thuật trong xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Thấm nhuần lời dạy và kế thừa tư tưởng của Người về “công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”, văn hóa luôn là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.

Lãnh đạo Đảng Nhà nước và các đại biểu thăm quan triển lãm ảnh.

 

Nhiều chủ trương, đường lối, chính sách về văn hóa, văn nghệ đã được ban hành, trong đó dấu mốc quan trọng là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” thực sự là kim chỉ nam định hướng cho hoạt động của ngành văn hóa trong những năm qua và thời gian tới.

 Hiến kế để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là diễn đàn để các cơ quan chức năng đón nhận những ý kiến của các đơn vị, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; góp phần làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế; đánh giá khách quan, thẳng thắn những thành tựu, hạn chế trong công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua, chỉ ra những nguyên nhân căn cốt để có giải pháp khắc phục

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày báo cáo tại hội nghị. 

Thông qua Hội nghị này, các cơ quan chức năng mong muốn được các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, trao đổi, làm rõ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, những rào cản, cản trở sự phát triển của văn hóa; đóng góp ý tưởng, sáng kiến, hiến kế nhằm xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Thế hệ ngày nay mong muốn và tin tưởng rằng, các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước được tiếp thêm động lực, tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho văn hóa thực sự trở thành “sức mạnh nội sinh”, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc. Văn hóa đã tạo nên sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, đã giúp dân tộc ta trường tồn, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã trở thành chân lý, khẳng định vai trò khai sáng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển đất nước.

Theo Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội