Xứng danh chiến sĩ làm báo trên “đất lửa”
Thế hệ trẻ như chúng tôi may mắn được sinh ra trong thời bình, vinh dự, tự hào trở thành những phóng viên Báo Quân khu 4 - tờ báo giàu truyền thống trên quê hương Bác Hồ. Truyền thống đó được hun đúc nên qua những chặng đường vinh quang nhưng đầy gian khó, hiểm nguy, bằng tinh thần nhiệt huyết, sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Quân khu 4 những năm tháng làm báo trên “miền đất lửa”.
Lật giở từng trang cuốn sách “Làm báo trên miền đất lửa” lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi được sống trong miền ký ức qua các bài viết, phóng sự, bút ký hay, bức ảnh đẹp và sâu sắc… của các nhà báo, phóng viên Báo Quân khu 4 qua các thời kỳ. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với khẩu súng ngắn bên hông, cổ đeo chiếc máy ảnh lủng lẳng và chiếc xe đạp “cà tàng”, phóng viên Báo Quân khu 4 có mặt khắp các chiến trường ác liệt nhất. Từ các tuyến lửa Vĩnh Linh, giới tuyến Hiền Lương, Vĩnh Mốc, trọng điểm Bến Thủy, ngã 3 Đồng Lộc, Truông Bồn…, nơi đâu có hoạt động của bộ đội, nơi đó có mặt các phóng viên Báo Quân khu 4. Những trận đánh ác liệt, gương chiến đấu dũng cảm quên mình, những chiến công của quân và dân Khu 4… được ghi lại một cách chân thực, sống động qua ngòi bút và góc máy của các phóng viên, nhà báo. Ngày đó, cả tòa soạn chỉ có vài ba người nhưng “ôm” trọn gói từ viết bài, biên tập, in và phát hành khiến chúng tôi hết lòng khâm phục và ngưỡng mộ.
Năm nay đã 71 tuổi, Nhà báo Nguyễn Xuân Diệu không thể quên những năm tháng làm báo trên “tọa độ lửa” Quảng Trị năm nào. Năm 1968, Nguyễn Xuân Diệu nhập ngũ, trở thành lính Đặc công của Đại đội 3, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân khu 4. Đơn vị ông nổi tiếng với những trận đánh xuất quỷ nhập thần ở chiến trường Trị Thiên, Thượng Lào, Trung Lào… khiến kẻ thù khiếp sợ.
Vào chiến trường, Xuân Diệu bắt đầu viết nhật ký. Bằng con mắt của người lính Đặc công và tư duy của người làm báo; chứng kiến giây phút sinh tử hay khoảng lặng bình yên giữa hai trận đánh, lúc nằm giữa hai hàng rào thép gai chờ xung trận… đã tạo chất xúc tác giúp ông viết nên những dòng nhật ký, bài thơ, câu chuyện đong đầy cảm xúc; tôi rèn ông trở thành cộng tác viên đắc lực và sau này là phóng viên chiến trường của Tờ tin Quân khu 4.
“Tôi bén duyên với nghề báo từ đam mê và là cơ duyên, ngay cả bản thân mình cũng không nghĩ đến. Lúc đó tôi chỉ muốn ghi lại tâm trạng và những gì đang diễn ra với mong muốn con cháu sau này hiểu thêm về một thời hoa lửa của cha ông mình. Sau này được sự phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích từ Ban Biên tập Tờ tin Quân khu 4 mà trực tiếp là Nhà báo Đậu Kỷ Luật, tôi bắt đầu viết tin, bài. Lính Đặc công chủ yếu đánh đêm, ban ngày rảnh rỗi hay những đêm không đánh nhau tôi dùng miếng vải che bớt ánh sáng đèn pin để viết” - Nhà báo Xuân Diệu trải lòng.
Với lòng yêu nghề, tinh thần dũng cảm, Nhà báo Xuân Diệu là một trong nhiều phóng viên Báo Quân khu 4 trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc, như: Nhà báo Phan Xuyến Thanh Đồng, Đậu Kỷ Luật, Nguyễn Đức Vĩnh, Trần Hợi, Khắc Thuần… Gần 50 năm trong nghề báo, Nhà báo Xuân Diệu đã viết hàng ngàn bài báo, hàng chục cuốn sách, tác phẩm, ký báo chí về đề tài chiến tranh. Đến nay, ông có hơn 20 tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính giành giải thưởng báo chí và văn học. Những năm tháng lăn lộn trên chiến trường, ông cùng với các thế hệ làm báo lúc bấy giờ đã cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí, văn học để đời còn mãi với năm tháng, mãi mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Kế tục truyền thống của những chiến sĩ làm báo trên “đất lửa” Khu 4 những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; với phương châm, ở đâu có hoạt động của lực lượng vũ trang Quân khu, ở đó có phóng viên Báo Quân khu 4. Những năm qua, không chỉ có mặt tham gia tuyên truyền các hoạt động của LLVT Quân khu, cán bộ, phóng viên Báo Quân khu 4 luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhất, kịp thời phản ánh, thông tin đến bạn đọc những sự kiện nóng hổi, chính thống.
Là một trong những phóng viên trẻ may mắn được về “ngôi nhà chung” Báo Quân khu 4, nơi thấm đẫm tình yêu thương, chia sẻ, nghĩa tình đồng đội. Tôi được nghe kể về cơn đại hồng thủy tàn phá mảnh đất Thừa Thiên Huế năm 1999, bão lụt nhấn chìm giải đất miền Trung năm 2010, hay trận sạt lở đất tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 năm 2020… Những lúc đó, phóng viên Báo Quân khu Bốn luôn có mặt, dầm mình trong mưa lũ, viết bài, làm phóng sự truyền hình kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hay trong đại dịch Covid-19, nơi đâu dịch xuất hiện, nơi đó phóng viên Báo Quân khu 4 có mặt đưa tin, tuyên truyền công tác dập dịch. Trong khó khăn, hiểm nguy, tinh thần, ý chí của những người làm báo trên “miền đất lửa” lại càng tỏa sáng với những tác phẩm làm lay động hàng triệu trái tim độc giả.
Ngày mới về tòa soạn, Đại tá Hồ Công Lĩnh, Tổng Biên tập Báo Quân khu 4 nói với tôi: “Nghề làm báo đòi hỏi phải đi nhiều mới có hơi thở cuộc sống. Phải đi nhiều, viết nhiều, viết khỏe mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”. Chính vì vậy, hằng năm, mỗi phóng viên chúng tôi đăng ký nhiều đợt đi địa bàn công tác dài ngày. Chuyến đi cơ sở thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày, đến với bộ đội và Nhân dân nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Những lúc ấy, dù tác nghiệp độc lập, phóng viên một người đảm nhiệm nhiều khâu, nhiều việc, làm cả ngày lẫn đêm để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền. Nhưng với lòng yêu nghề, đội ngũ phóng viên Báo Quân khu 4 luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Càng trong gian khổ, hiểm nguy, càng tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Sự hy sinh của Thượng úy Nguyễn Thanh Tùng, phóng viên truyền hình Quân khu 4. Thiếu tá Nguyễn Đức Cương, Phó Tổng Biên tập Báo Quân khu 4 bị thương khi tác nghiệp về công tác cứu hộ, cứu nạn tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Đại tá Hồ Công Lĩnh, Tổng Biên tập Báo Quân khu 4 đã có mặt tại hiện trường ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở đất tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, ngay trong đêm anh đã viết xong lời, cho ra đời 2 tác phẩm truyền hình “Sáng mãi ngọn lửa hồng” và “Hoa đỏ giữa thời bình” làm rung động biết bao triệu trái tim, tác phẩm đạt nhiều giải thưởng của Trung ương, Tổng cục Chính trị và địa phương.
Sự xông pha giữa thiên tai, bão lũ, cháy rừng, tác nghiệp trên tuyến đầu chống dịch Covid - 19… là minh chứng cụ thể cho tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của phóng viên Báo Quân khu 4.
62 năm qua, bằng sự phấn đấu không ngừng, bám sát tôn chỉ, mục đích, thực tiễn cuộc sống, Báo Quân khu Bốn đã làm tròn sứ mệnh là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa góp phần tích cực, hiệu quả trong xây dựng LLVT Quân khu 4 vững mạnh về chính trị, tư tưởng, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Từ năm 2010 đến nay, Báo Quân khu 4 có hàng chục tác phẩm chất lượng cao; nhiều tác phẩm truyền hình đạt Huy chương vàng, Huy chương Bạc trong Liên hoan truyền hình toàn quân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác mà Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, báo chí Trung ương, địa phương trao tặng. Liên tục từ năm 2016 đến 2021, Chi bộ Báo Quân khu 4 trong sạch vững mạnh tiêu biểu, cơ quan đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng”.
Phát huy truyền thống vẻ vang, thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Quân khu 4 hôm nay nguyện ra sức phấn đấu rèn luyện, không ngừng học tập, làm theo tấm gương đạo đức Nhà báo Hồ Chí Minh, tâm sáng, lòng trong, bút sắc, luôn xứng đáng là những người làm báo trên “Đất lửa” Khu 4 kiên cường. Thời gian tới, yêu cầu công tác tuyên truyền ngày càng cao, sẽ còn nhiều khó khăn, hiểm nguy, nhưng phát huy truyền thống các thế hệ cha anh đi trước, cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Quân khu 4 quyết tâm giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết những người “Làm báo trên miền đất lửa” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
HOÀNG THÁI
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận