“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Ngày 24-11-1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Một số sự kiện trong nước ngày 24-11
Ngày 24-11-1946: Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc trọng thể tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Người chỉ rõ: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.
Cách đây 75 năm, kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Đó là sức mạnh hiện thực của văn hóa Việt Nam.
Cùng với chính trị và kinh tế, văn hóa Việt Nam giữ một vai trò và vị trí trọng yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, hiện nay sau hơn ba thập kỷ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Yêu cầu to lớn và nhiệm vụ nặng nề đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hoạch định phương hướng vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa có ý nghĩa cấp bách nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngang tầm công cuộc phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong tầm nhìn tới năm 2045.
Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, là văn hóa, trên nền tảng chính trị Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghĩa là văn hóa, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, hiển nhiên là chúng ta cần xây dựng và phát triển một chiến lược về văn hóa của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước mắt với tầm nhìn tới năm 2030 và 2045. Nói một cách khái quát, đó là văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, với khát vọng Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập và hùng cường.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội Việt Nam, là mục tiêu, là động lực phát triển của lịch sử Việt Nam. Cụ thể là, cái nền tảng, cái mục tiêu, cái động lực đối với Việt Nam suốt từ thời cổ đại, đó chính là: Nghĩa đồng bào, vì nước quên mình, trừ bạo an dân, tinh thần đoàn kết rộng rãi…
Vũ khí tinh thần ấy, vũ khí văn hóa cơ bản nhất ấy được hun đúc và tiếp tục được lưu truyền và ngày càng trở thành hùng khí quật khởi đặc biệt ở vào những bước ngoặt lịch sử dân tộc, để Việt Nam ta ngày càng có vị trí quan trọng trên trường quốc tế.
Đồng hành với lịch sử dân tộc, sự vận động của văn hóa Việt Nam ngày càng sinh động với sự lan tỏa, thăng hoa rộng lớn, với chiều sâu thẳm tạo dựng nên gương mặt Việt Nam, với trí tuệ, khí phách, cốt cách, phong thái và bản lĩnh Việt Nam không thể trộn lẫn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập toàn cầu.
Rõ ràng, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, một mục tiêu phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, mang bản sắc dân tộc được Đảng và Nhân dân ta xác định là một trong các đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó chính là quá trình xử lý một cách khoa học với các mối quan hệ giữa truyền thống văn hóa và tính hiện đại của văn hóa, giữa văn hóa dân tộc và văn hóa thời đại nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam vừa mang bản sắc dân tộc vừa ngang tầm với thời đại, là một nhân tố bảo đảm cho cuộc hội nhập thế giới của đất nước một cách toàn diện, hiệu quả.
Theo dấu chân Người
Ngày 24-11-1940: Trên tờ “Cứu Vong Nhật Báo”, Nguyễn Ái Quốc viết bài báo “Chú ếch và con bò” mượn câu chuyện ngụ ngôn của La Phôngten (La Fontaine) để bình luận về tình hình thế giới.
Ngày 24-11-1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện cho Việt Minh cùng với các vị Nguyễn Hải Thần đại diện Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội (Việt Cách) và Vũ Hồng Khanh, đại diện cho Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) ký văn bản cam kết nguyên tắc chung tối cao với những điều khoản: “1. Thành lập một chính phủ nhất trí... 2. Định rõ chính cương, chính sách, phát biểu tuyên ngôn liên hợp... 3. Hết thảy quân đội phải thuộc về quốc gia... 4. Chỉ nói đến sinh tồn của quốc gia chứ không được nói đến những sự tranh giành của đảng phái... 5. Triển khai hội nghị quân sự... 6. Quyết không đổ máu giữa người Việt Nam với người Việt Nam. 7. Kiên quyết hủy diệt các xí đồ (âm mưu) thực dân của đế quốc Pháp để tranh lấy sự độc lập hoàn toàn của Việt Nam”.
Ngày 24-11-1954: Trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Việc nhỏ ý nghĩa lớn” hoan nghênh việc các báo ở Thủ đô mới giải phóng đã đăng tin nêu gương người tốt việc tốt và đưa ra yêu cầu “cần khen thưởng đúng mức để động viên mọi người hăng hái làm việc ích nước lợi nhà”.
Ngày 24-11-1965: Bác gửi thư mừng Tạp chí “Học Tập” cơ quan lý luận của Đảng, nhân kỷ niệm 10 năm ra mắt. Thư có đoạn: “Làm cách mạng mà không có lý luận cách mạng thì chẳng khác gì người đi đêm. Cán bộ của Đảng ở các ngành, các cấp đều phải học tập lý luận và tham gia công tác lý luận” và căn dặn bài viết phải giản dị, dễ hiểu, văn phải viết theo “lối Việt Nam”, không dùng quá nhiều từ nước ngoài...
Ngày 24-11-1966: Bác viết “Thư chúc mừng Đại hội GANEFO châu Á lần thứ nhất” tổ chức tại Phnôm Pênh (Campuchia) khẳng định: “Đây là cuộc gặp gỡ lớn để các lực lượng mới trỗi dậy ở châu Á tỏ rõ cho toàn thế giới thấy khả năng phong phú của mình trong lĩnh vực thể thao.
Đây cũng là một dịp để Nhân dân châu Á tỏ rõ quyết tâm đoàn kết chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân đứng đầu là đế quốc Mỹ và đấu tranh cho hòa bình và độc lập dân tộc”.
PHÓNG VIÊN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận