Chuyện về anh hùng Trần Văn Lâm
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lớp lớp thanh niên đã hăng hái lên đường nhập ngũ, nguyện hiến dâng thanh xuân và cuộc đời mình cho Tổ quốc, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc. Trong số đó, có những tấm gương chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Một trong số đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lâm, ở xã Nga Tiến, Nga Sơn, Thanh Hóa.
Chúng tôi ghé thăm gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lâm ở thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong những ngày cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong căn nhà nhỏ, bên chén nước chè đậm mùi quê hương, ông bắt đầu câu chuyện về một thời máu lửa.
Ông sinh năm 1951, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có 5 anh em. Bố ông là cán bộ giao liên ở địa phương trong kháng chiến chống Pháp, anh trai cả cũng tham gia kháng chiến chống Pháp. Là con trai út của gia đình, khi vừa tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 96, Bộ Tư lệnh 500.
Từ năm 1969 đến 1973, ông được điều động về Trung đoàn 83 Công binh, thuộc Quân khu 5. Đơn vị ông làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở mặt trận Trị Thiên, Tây Nguyên và Quảng Nam, Đà Nẵng. Ông đã tham gia hàng chục trận đánh, phá hàng trăm quả bom mìn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tuyến Đường 9, đảm bảo thông suốt cho bộ đội vào Nam chiến đấu.
Từ năm 1970 đến năm 1971, khi được lệnh mở đường ở Hướng Hóa, Quảng Trị, do số lượng bom, mìn quá nhiều nên anh em trong đơn vị tranh thủ mọi thời gian để làm việc. Nhiều ngày nắng như đổ lửa hay mưa dầm nhưng ông và đồng đội vẫn cần mẫn với công việc thầm lặng của mình, không bỏ sót một quả mìn nào trên vùng đất rà phá.
Ông Trần Văn Lâm tâm sự: “Cuộc đời tôi phải nói rất may mắn, bởi lẽ, tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng hàng ngày, hàng giờ, cái chết cũng luôn rình rập, chỉ cần sơ sẩy một chút là nguy hiểm đến tính mạng không chỉ của mình mà còn cả đồng đội. Suốt thời gian làm nhiệm vụ, tôi đã dò phá hàng trăm quả mìn nhưng vẫn nguyên vẹn trở về...”.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của ông là tháng 6 năm 1972, đơn vị được giao nhiệm vụ mở đường, dò gỡ bom mìn để lực lượng bộ binh tiến sâu vào trận địa chuẩn bị cho trận đánh chiếm quận lỵ Quế Sơn, nằm phía Tây thành phố Đà Nẵng. Để ngăn chặn lực lượng của ta, địch bố trí các trận địa mìn vướng nổ, mìn chống tăng M15 và chống bộ binh M14 đan xen dày đặc.
Ông kể, thời điểm đó, địch rải bom, mìn ở đâu, những người lính công binh có mặt ngay ở đó để tháo, phá những quả bom, mìn chưa nổ, đảm bảo thông đường cho bộ đội ta tiến công được an toàn. Công việc phá bom, mìn có những nguyên tắc khắt khe, đòi hỏi người lính phải có sự gan dạ, nhanh trí. Với tinh thần “thời gian là mệnh lệnh”, tôi cùng đồng đội làm việc không kể giờ giấc để thông tuyến Đường 16, kịp ngày mở màn trận đánh. Hầu hết anh em trong đơn vị đều mới vào chiến trường chưa thông thạo địa hình nơi đây. Bom mìn cứ lạnh lùng cướp đi sinh mạng nhiều đồng đội...
Công việc rà, phá bom, mìn ban ngày đã khó khăn, nguy hiểm, ban đêm còn khó khăn hơn, có khi bị vướng mìn nổ bay cả thiết bị rà phá. Thiết bị rà phá lại thiếu, ông đã nhanh trí, linh hoạt nghĩ ra phương pháp dùng dụng cụ thông nòng súng AK47, mài nhọn một đầu, rồi cắm sâu xuống mặt đất tầm 10cm, tiến hành dò mìn, nếu gặp vật cứng thì dừng lại kiểm tra. Sau khi chắc chắn vị trí của mìn, lật lớp có ngụy trang bởi đất cho lộ rõ mặt mìn, dùng mũi thông nòng súng kiểm tra xung quanh thành mìn; đào hố vát kiểm tra đáy mìn. Khi đảm bảo không có bẫy, hoặc lựu đạn thì tiến hành nhấc mìn lên khỏi hố; tháo ngòi nổ ra khỏi mìn, rồi tiến hành tháo gỡ mìn an toàn. Các thao tác phải thực hiện hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, bởi vì chỉ cần sai sót thao tác nào phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Những sáng tạo của ông trong việc phá, dỡ bom mìn đã được đồng đội vận dụng, đảm bảo tuyến đường giao thông huyết mạch để từng đoàn xe an toàn chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ghi nhận những thành tích trong tham gia phục vụ chiến đấu, ông đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 7 lần là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng. Ngày 6 tháng 11 năm 1978, ông Trần Văn Lâm vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận