A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hai lần bị thương vẫn quyết tâm ở lại chiến trường

Chúng tôi tìm đến nhà Trung tá Trần Văn Chương, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (trú tại khối Tân Tiến, phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) khi ông vừa dự gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) ở Thủ đô Hà Nội về.

Trong căn nhà ấm cúng, bên chén trà thơm, Trung tá Trần Văn Chương chậm rãi hồi tưởng về những ngày đầu quân ngũ. Năm 1968, chàng thanh niên Trần Văn Chương vừa tròn 19 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Đoàn 22, Quân khu 4. Ông nở nụ cười hiền hậu, ánh mắt lấp lánh khi nhớ lại: “Hồi đó, tôi còn nhỏ lắm, không đủ cân để nhập ngũ. Ngày khám tuyển, tôi đã cố gắng uống thật nhiều nước, mặc thêm chiếc áo bông dày cộm và nhét mấy cục đá vào túi áo cho đủ trọng lượng. May mắn, tôi đã vượt qua vòng khám tuyển và được nhập ngũ...”. Dù thời gian đã hằn sâu trên vóc dáng, đôi mắt người lính già vẫn ánh lên ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tự hào khi nhắc về những năm tháng tuổi trẻ đầy gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang.

Trung tá Trần Văn Chương (người ngồi giữa) cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm trong ngày miền Nam giải phóng.

 

Sau 4 tháng huấn luyện, ông được điều về Tiểu đoàn K8A, Quân khu Trị Thiên. Trong thời gian này, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh ác liệt và đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày 22/12/1968, ông cùng đơn vị vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ, tiến vào Mặt trận Tây Nguyên và được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28, Mặt trận B3. Trong những năm tháng chiến đấu đầy cam go, đơn vị ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt và giành chiến công vẻ vang ở Kom Tum, Buôn Ma Thuột, Attapeu (Lào)...

Năm 1972, trong trận đánh mở màn vào Bắc Kon Tum, đơn vị ông phải đối mặt với sự phản kháng điên cuồng của địch. Pháo cối, đạn réo liên tục trút xuống công sự, tạo nên một lưới lửa dày đặc. Trong trận chiến ấy, bất ngờ một mảnh đạn cối găm vào phía sau đầu, khiến ông ngất lịm. Trong làn khói lửa mịt mù, tiếng đạn pháo vẫn gầm rú, hòa lẫn vào tiếng hô xung phong của đồng đội... Ông được đồng đội sơ cứu và đưa về trạm xá tiền phương để các bác sĩ cứu chữa. Sau gần 2 tháng điều trị, vết thương chưa kịp lành, nhưng lòng ông đau đáu nghĩ về đồng đội đang ngày đêm chiến đấu nơi tiền tuyến. Với ý chí kiên cường của người lính, ông xin được trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Chiến trường Tây Nguyên vẫn khốc liệt. Một năm sau, trong trận truy kích địch ở Trung Nghĩa, Kon Tum, ông bất ngờ trúng đạn M79. Cú nổ dữ dội hất ông ngã xuống, những mảnh đạn găm vào trán và bụng. Cơn đau quặn thắt khiến ông chìm vào hôn mê giữa lúc tiếng súng vẫn rền vang trên chiến trường. Đồng đội đã nhanh chóng băng bó vết thương và đưa ông về tuyến sau. Hơn 10 ngày mê man, ông mới dần tỉnh lại. Lần này, ông tiếp tục nằm điều trị hơn 1 tháng mới trở lại đơn vị chiến đấu.

Trung tá Trần Văn Chương (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và các đồng đội nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 tại Kon Tum (15/10/1968 - 15/10/2018). (ảnh do nhân vật cung cấp)

 

Trở lại chiến trường, ông hăng hái xông pha vào những trận đánh mới, cùng đồng đội tiến bước trên con đường giải phóng dân tộc. Cuối năm 1974, Bộ Chính trị đã họp và hạ quyết tâm: Giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976, nếu thời cơ đến sớm, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, ta chọn Tây Nguyên làm hướng mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Nhận lệnh từ cấp trên, ông cùng đơn vị hành quân thần tốc từ Bắc Kon Tum đến Đắk Lắk, tham gia trận đánh mở màn cho Chiến dịch Nam Tây Nguyên. Sau những ngày giằng co quyết liệt với địch, với khí thế sục sôi và tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, đến ngày 24/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc với thắng lợi vang dội. Quân ta đã lần lượt giải phóng các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Bổn, Quảng Đức và một số tỉnh Trung Bộ, tạo bước ngoặt quan trọng cho những trận chiến quyết định sắp tới.

Với khí thế “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, đêm 26/4/1975, đơn vị ông bắt đầu hành quân tiến về Sài Gòn theo hướng Tây Bắc, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Giây phút non sông thống nhất đã trở thành niềm khát khao cháy bỏng trong trái tim mỗi người lính. Tất cả đều dồn hết tâm sức, chuẩn bị chu đáo cho trận chiến cuối cùng, trận chiến sẽ khép lại trang sử bi tráng của cuộc kháng chiến kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

Là lực lượng dự bị của Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Tiểu đoàn 1 của ông nhận nhiệm vụ tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đến khu vực Bãi Hiền, địch đã chống trả quyết liệt, hỏa lực bắn ra dày đặc nhằm chặn bước tiến của ta. Trong tình thế căng thẳng, đơn vị đã nhanh chóng triển khai đội hình, sử dụng hỏa lực yểm trợ, kiên quyết tiến công.

Trưa ngày 30/4/1975, đơn vị ông đã có mặt tại Dinh Độc Lập và được chứng kiến giây phút lịch sử ta cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập... Cả Sài Gòn rợp cờ, hoa, dòng người hân hoan vẫy chào quân giải phóng.

Sài Gòn được giải phóng, tàn dư của ngụy quân, ngụy quyền trà trộn vào trong nhân dân rất phức tạp. Lúc này, đơn vị ông nhận nhiệm vụ mới làm quân quản tại Lái Thiêu, Bình Dương. Đến tháng 9/1975, ông được cử ra Hà Nội học tập.

Đêm 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Một lần nữa, ông lại xung phong trên mặt trận chiến đấu với quân thù. Hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, ông lại xông pha ra chiến trường bảo vệ biên giới phía Bắc... Năm 1981, ông về công tác giảng dạy tại Trường Đảng Quân khu 2, sau đó giữ chức Phó trưởng Phòng Tổ chức Quân khu 2 (1988) trước khi nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.

Trở về với cuộc sống đời thường, Trung tá Trần Văn Chương luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Ông tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau, từ Chi hội trưởng Chi Hội Cựu chiến binh đến Bí thư Chi bộ khối Tân Tiến, phường Lê Mao (nay là phường Quang Trung); chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Lê Mao, Phó Chủ tịch Cựu Chiến binh thành phố Vinh. Năm 2017, do tuổi cao, vết thương thường xuyên tái phát, ông xin nghỉ để an dưỡng tuổi già. Dù mang trên mình nhiều thương tích nhưng ở cương vị nào ông luôn nhiệt tình, trách nhiệm và có nhiều đóng góp tích cực góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần cống hiến.

Ghi nhận những cống hiến to lớn trong chiến đấu, Trung tá Trần Văn Chương đã vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu là Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là minh chứng cho một thời kỳ chiến đấu oanh liệt và đầy tự hào của người lính kiên cường.

Bài và ảnh: TRÀ MY


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội