A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự tích miếu Ông

Rú Dinh bản Ba Buôi thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị có ngôi miếu Ông mới xây cách đây khoảng 10 năm, bốn mùa ẩn mình dưới bóng râm mát của tán cây trai cổ thụ, rộn rã tiếng chim kêu, vượn hót. Nơi đây cách thị trấn Hồ Xá khoảng 20km về phía Tây cách trụ sở Lâm trường bộ Bãi Hà khoảng 1 km. Chẳng biết giữa ngôi miếu và lâm trường có mối liên hệ gì không nên gần đây tôi hỏi ông Nguyễn Đình Thể, nguyên Giám đốc lâm trường thì được biết miếu Ông thờ 2 vị tiền nhân, một là huyền thoại người Vân Kiều, một là công nhân lâm trường.

        

Ngũ Hổ trong tranh dân gian.

                           

Ông Thể kể, lúc mới thành lập (1960) rừng rú còn mịt mù, hoang vu lắm. Lợn rừng, hổ báo thường mò về bắt heo, gà, ủi phá sắn, ngô của bà con dân tộc rất dữ.  Giáp tết Ất Tỵ 1965 nhà bếp vừa chở về một chú heo 70 ký, chưa kịp mổ, đêm đến không biết cọp mò về lúc nào tha đi mất tiêu. Nhận được tin dữ, Giám đốc lâm trường lúc đó là ông Đoàn Phú, dậm chân dậm cẳng đến nỗi lún cả đất, lo héo gan, thắt ruột, biết lấy gì cho công nhân ăn tết bây giờ. Chưa hết, họa vô đơn chí, tết năm đó lâm trường còn lãnh thêm một cú đậm nữa. Có lẽ ăn quen bén mùi nên Nguyên Tiêu mới qua được mấy ngày, khoảng nửa đêm chú bò tơ mới gây giống lại bị cọp cõng gọn. Sáng ra mọi người đồn đoán, con bò tơ nầm nẫm là thế, nó ăn làm sao hết, chịu khó vào rừng tìm kiếm, may ra còn ít nhiều, vạn bất đắc dĩ vẫn thu được bộ xương da, cũng quý. Thế là người tổ trưởng săn bắn của lâm trường được cử đi thực thi nhiệm vụ. Đó là ông Còi (Nguyễn Văn Còi), quê huyện Cam Lộ, nguyên là du kích trong kháng chiến chống Pháp tập kết ra Bắc chuyển ngành về lâm trường; hăm hở xách súng vào rừng. Trợ lực cho ông Còi lúc đó có ông T, hai người luồn rừng đến khe Na bỗng quá đỗi ngạc nhiên, chợt thấy thủ phạm đang vô tư nằm ngủ say sưa trên phiến đá giữa lòng suối cạn; cạnh đó là xác chú bò bị chén quá nửa. Tiến thêm một bước ông Còi bình tĩnh giương súng. Lùi hai bước, ông T. lập cập trèo vội lên cây. Đoàng ! Cọp trúng đạn, nhảy dựng lên nhưng không chết, sầm sập lao vào rừng. Từ chót vót trên ngọn cây, ông T. hoảng hốt gọi thốc xuống: “Về thôi ! Cọp bị thương, hung dữ lắm”! Ngửa cổ lên trời ông Còi hét toáng lên: “Về răng được, phải tìm ra hắn chớ”! Liền đó, cầm chắc súng, lần theo dấu máu dò tìm. Đang thận trọng dò từng bước, bỗng nhiên nghe “roạt” một tiếng, liền đó cả cánh tay phải tê dại hẳn đi, may nhờ lúc đó ông đang cầm chắc khẩu súng, đủ lực cản được hàm răng sắc lẻm của cọp, chứ không thì cánh tay đã nằm gọn trong miệng nó rồi.

Hổ trong tranh dân gian Đông Hồ.

 

Nói về chuyện cọp chẳng ai xa lạ gì, dân 3 xã miền núi Vĩnh Linh và công nhân viên lâm trường hầu như ai cũng biết câu chuyện huyền thoại ông già trưởng bản đánh nhau với hổ bảo vệ dân. Tương truyền ông làm moọc vieng (trưởng bản) Ba Buôi đã sống đến cả trăm mùa rẫy, người rắn đanh như phiến gỗ lim, râu tóc bạc như cước, sức lực không thua gì hổ báo, ăn một bữa hết cả ruột xôi hơn chục loong nếp. Thủa xưa rừng đại ngàn có nhiều hổ dữ; đêm đêm tiếng gầm rú của nó rung chuyển cả mái nhà. Vào một ngày hè, nắng chói chang, ông trưởng bản đánh nhau với hổ từ lúc chưa rõ mặt người cho đến khi mặt trời gác núi vẫn không phân thắng bại. Hổ và người đều mệt lử. Moọc vieng chỉ còn đủ sức nắm chặt cây gậy gỗ trai gạt đỡ những cú vồ, tát của hổ; ngược lại hổ cũng không dám mạo hiểm xáp vô người tấn công, chỉ gầm gừ, lượn lờ chung quanh. Đặc biệt cả hai đều khát nước khủng khiếp. Chập tối tạm ngừng cuộc chiến, không cần đợi ai giục, người và hổ nhào xuống suối tìm nước. Nghe nói ông trưởng bản và kẻ thù uống nhiều, nhiều lắm, cạn một quãng suối. Trước đó cả khu rừng lúc nào cũng ầm ào tiếng va đập của trận hỗn chiến; giờ này bỗng nhiên im phắc, lát sau chìm lỉm vào màn đêm thăm thẳm. Sáng hôm sau một số người vào loại can trường nhất lò dò kéo nhau vào “chiến trường” xem thử, bỗng tá hỏa, cả người và cọp đều lăn ra chết không biết từ lúc nào, xác đã lạnh ngắt. Dân bản vô cùng đau xót đưa moọc vieng về chôn cất ở rú Dinh. Họ cắm cây gậy gỗ trai vật bất ly thân của ông xuống đất đánh dấu nơi đầu mộ. Năm tháng qua đi, nơi đó sau này mọc lên một cây trai bời bời xanh tốt.

Lại kể tiếp chuyện đánh cọp của ông Còi. Lúc tiếng “roạt” khô khốc đột nhiên vang lên dưới lòng suối là lúc cẳng tay phải của ông bị ngoạm một miếng khá sâu, bay một mảng thịt, máu chảy đầm đìa; giờ đây, trước sự sống còn được tính bằng giây, ông không thể dừng lại băng bó được nữa, buộc phải vừa nén đau vừa khôn khéo tránh tất cả những miếng vồ, vả; lựa thời cơ, nhằm cào cái đầu cọp bóp cò song sức tàn lực kiệt nên độ chính xác không còn nữa. Trong lúc đó cọp bị thương ngày càng hung dữ lồng lộn; dựng ngược râu, nhe nanh, phóng vuốt, chực nuốt sống đối thủ. Con cọp này quá khỏe. Dưới lòng suối cạn, nó lãnh thêm mấy viên đạn súng săn hai nòng của ông Còi, thế mà vẫn chưa chịu gục. Cho đến khi tập trung mọi tinh lực ông nhằm trúng phắp vào cái miệng cọp đang nhe ra dữ dằn bóp cò thì nó mới quỵ hẳn. Rồi ông cũng kiệt sức gục xuống, tay vẫn nắm chặt súng. Khi tốp công nhân lâm trường đến kịp thì thấy cọp và người đều tắt thở, nằm đối đầu cách nhau 2 mét. Họ đưa thi hài người hùng của mình về gốc trai ở rú Dinh “làm bạn” với ông già huyền thoại.

Tưởng nhớ công ơn người xưa, ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị nguyên là công nhân rồi sau này là Giám đốc lâm trường, gắn bó máu thịt với lâm trường suốt mấy chục năm qua; sau nhiều trăn trở, năm 1992 đi đến quyết định dùng tiền tiết kiệm khoảng 100 triệu (tính theo thời giá hiện nay) xây dựng tại rú Dinh một ngôi miếu thờ khá tươm tất. Từ đó Nhân dân trong vùng, cán bộ, công nhân viên lâm trường, đương chức hoặc nghỉ hưu có nơi chốn đoàng hoàng, tôn nghiêm thắp nén hương tưởng niệm. Được biết cố nhà văn Xuân Đức trước lúc khởi bút viết cuốn tiểu thuyết “Cõi rừng” lấy bối cảnh là lâm trường Bãi Hà đã lên miếu thắp hương tưởng niệm, cầu lộc. Trước đó nhà văn Hà Khánh Linh sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Rừng và cái chết của con thiên nga” viết về lâm trường Bến Hải (gồm Lâm trường Bãi Hà và Lâm trường Vĩnh Linh sáp nhập) cũng tới đây thắp hương tạ ơn. Cựu giám đốc Đoàn Phú 92 tuổi nghỉ hưu ở quê tỉnh Mỹ Tho cũng nhảy xe đò lặn lội ra tận nơi dự lễ khánh thành miếu. Và còn nhiều, nhiều người nữa.

Miếu thiêng luôn mở rộng cửa.

                                                                                        TRẦN BIÊN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội