A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng vũ trang Quảng Trị trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968

Trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị trên cả 3 mặt trận đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công, vây hãm, tiêu diệt, thu hút lực lượng của địch (chủ yếu là quân Mỹ) ra Đường 9 để giam chân lực lượng chiến lược, tạo điều kiện cho ta mở đòn tiến công chiến lược đánh vào các đô thị trên toàn miền Nam.

Mặc dù quân Mỹ và ngụy ra sức càn quét, đánh phá ác liệt, nhưng LLVT tỉnh vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu với khẩu hiệu: "Một tấc không đi, một ly không rời", giữ thế cài răng lược với địch, không ngừng phát triển các căn cứ chiến đấu, vành đai du kích. Sự đóng góp của LLVT tỉnh Quảng Trị thể hiện trên các mặt:

Một là, tham gia phối hợp với các lực lượng trên Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị vây hãm, vây lấn, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ, phá vỡ tuyến phòng ngự Đường 9.

Tháng 12 năm 1967, Hội nghị Bộ Chính trị quyết định: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định” và xác định nhiệm vụ quan trọng đặt ra lúc này là “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

Quân giải phóng đánh chiếm các mục tiêu của địch trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968
                                                           Ảnh: TƯ LIỆU

 

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) Vĩnh Linh đã chủ động lập kế hoạch phương án tác chiến, xin ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Khu vực và Quân khu, quyết tâm đưa lực lượng chiến đấu vào bờ Nam sông Bến Hải diệt địch. Đối với các đơn vị được giao nhiệm vụ vào trực tiếp chiến đấu ở mặt trận Gio - Cam - Quảng Trị, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Khu vực đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, bổ sung và kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ trì cấp ủy, chỉ huy các cấp, củng cố tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng; tiến hành công tác giáo dục chính trị, công tác tư tưởng, làm cho mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sỹ xác định đúng đắn yêu cầu nhiệm vụ, gắn trách nhiệm chính trị với vinh dự được vào chiến trường chiến đấu “chia lửa”, “chia máu” với đồng chí, đồng bào quê hương. Tiểu đoàn 47 (Bộ CHQS Vĩnh Linh) là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ vào hoạt động liên tục trên các mặt trận Gio - Cam, Triệu - Hải trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Vượt lên biết bao hy sinh gian khổ, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn đã cùng với lực lượng dân quân, du kích Vĩnh Linh thực hiện phương thức hoạt động “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, vượt sông Bến Hải, phối hợp với lực lượng cấp trên và lực lượng tại chỗ tổ chức hiệp đồng tác chiến chặt chẽ tiến công địch và cùng quân dân địa phương giữ đất, giành dân, đánh địch phản kích, giữ vững và mở rộng quyền làm chủ.

Trên địa bàn Gio Linh - Cam Lộ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, Thường vụ liên huyện Gio - Cam đã chỉ đạo LLVT địa phương tiến công địch ở khắp mọi nơi, mọi lúc, tham gia phối hợp với LLVT Vĩnh Linh, bộ đội chủ lực, lực lượng quần chúng vây hãm, vây lấn, tích cực tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, triệt tiếp tế đường không, cắt tiếp tế đường bộ.

Ngày 13 tháng 1 năm 1968, du kích Cam Mỹ phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực đánh chặn 1 đoàn xe vận tải, phá huỷ 9 xe, diệt hơn 100 tên địch trên đoạn đường Tân Lâm - Cà Lu. Đêm 20, rạng sáng ngày 21 tháng 1 năm 1968, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị phát lệnh nổ súng tiến công Khe Sanh, với trận mở màn từ hướng Tây, đánh chiếm Chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa và điểm cao 832. Lực lượng du kích Cam Mỹ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh vào chi khu Cam Lộ, tiêu diệt 40 tên địch. LLVT xã Cam Chính đẩy mạnh công tác theo dõi mọi hoạt động của bọn bảo an, dân vệ, cùng nhân dân và bộ đội chủ lực tấn công trụ sở chính quyền địch, đánh đuổi dân vệ, bao vây đồn Cồn Trung, chớp thời cơ phá sập các ấp chiến lược. Du kích xã Cam Nghĩa phối hợp với quân chủ lực tập trung đánh địch trên địa bàn Cam Nghĩa, diệt 80 tên địch, thu 100 khẩu súng các loại. Đột nhập tiêu diệt 5 tên ác ôn, 6 tên phòng vệ dân sự, thu 13 khẩu súng.

Để phối hợp với lực lượng của ta đánh vào thị xã Quảng Trị, thành phố Huế, đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968, từng loạt pháo 130 - 155 ly của Bộ Chỉ huy chiến dịch Bắc Đường 9 - Quảng Trị dội bão lửa lên căn cứ Dốc Miếu, Quán Ngang, Cồn Tiên; bộ đội địa phương, du kích xã Trung Sơn phối hợp với du kích xã Trung Hải, xã Gio Lễ đã phóng 10 quả bom bay tự tạo và bắn cấp tập 30 quả đạn cối 82 ly, 60 ly vào căn cứ Dốc Miếu, Dốc Sỏi. Căn cứ Dốc Miếu bị tê liệt trong khói lửa, kho xăng bốc cháy, kho đạn nổ liên tục. Tiểu đoàn 27, Trung đoàn 31 bộ đội địa phương liên huyện Gio - Cam cùng du kích xã Cam Thủy, Cam Mỹ bao vây chi khu Cam Lộ, đánh địch ở cầu Đuồi, Vĩnh An, giải phóng khu tập trung Cùa. Ngày 2 tháng 2 năm 1968, Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 270, du kích các xã Gio Hà, Gio Mỹ, Gio Hải chặn đánh 4 tiểu đoàn địch đi càn, diệt 80 tên, bắn cháy 2 xe tăng. Ở khu tập trung Tân Tường, Liên huyện ủy chỉ đạo các đội công tác phát động quần chúng nổi dậy. Đội công tác xã Cam Thủy đẩy mạnh diệt ác trừ gian làm lỏng thế kìm kẹp của địch ở khu tập trung Nam Đường 9. Điển hình là trận du kích xã Cam Thủy đã cải trang, tiêu diệt tên cảnh sát trưởng tại km số 8 trên Quốc lộ 9 giữa ban ngày, gây tiếng vang lớn trong quần chúng nhân dân. Ở vùng Cùa, LLVT và nhân dân đã làm chủ hoàn toàn ngay tập trung của địch, rút được 60 thanh niên bổ sung cho lực lượng chính trị và LLVT của huyện. Kết quả trong 20 ngày đầu của Tổng tiến công và nổi dậy, các LLVT Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, trong đó có phần đóng góp quan trọng của LLVT Vĩnh Linh, bộ đội địa phương và dân quân du kích Gio - Cam đã liên tục chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắt 233 tên, phá gần hết ấp chiến lược ở hai huyện Gio Linh, Cam Lộ. Dưới sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội chủ lực Mặt trận Đường 9, quân và dân Cam Lộ đã dũng cảm tiến công địch, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng thêm một vạn dân, chính quyền cách mạng được thành lập ở 34 thôn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của trên, Thường vụ liên huyện Gio Linh - Cam Lộ quyết tâm tổ chức một đợt chiến đấu mới phong tỏa dài ngày đoạn sông từ Cửa Việt lên Đông Hà. Đáng chú ý là trận phục kích trên tuyến giao thông đường thủy Cửa Việt - Đông Hà, đoạn ngã ba Gia Độ - Hói Sòng của Tiểu đoàn 47, dân quân du kích các xã Cam Giang, Gio Mai, Gio Quang, xóm Vạn Đò Đông Hà phối hợp với bộ đội đặc công Đoàn 126. Nhờ xây dựng thế trận "Bạch Đằng" trên sông Hiếu nên lực lượng dân quân du kích và các chiến sĩ Đoàn 126 phối hợp với Tiểu đoàn 47 quân chủ lực địa phương, đánh chìm, đánh hỏng 1 tàu tuần tiểu, 6 tàu vận tải cỡ lớn và toàn bộ lực lượng cùng lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị; bắn cháy 3 xe bọc thép, 1 chiếc cháy chìm dưới sông, 2 chiếc cháy trong thôn Đại Độ, diệt 30 tên Mỹ, giữ vững vị trí cắm cọc.

Trong 10 ngày cuối tháng 2 năm 1968, các tổ dân quân bắn tỉa Vĩnh Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Trung (Vĩnh Linh) vượt sông Bến Hải vào chi viện cho mặt trận phía Đông, đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch. Nữ du kích Trần Thị Buổi (Vĩnh Tú) từ một chiến sĩ phục vụ đã xin trực tiếp cầm súng, trong 3 ngày phục kích chỉ với 26 viên đạn đã tiêu diệt 19 tên địch.

Ngày 25 tháng 3 năm 1968, tại chốt Phò Cam (xã Gio Mỹ), du kích Nguyễn Sư Xinh (dân quân xã Vĩnh Trung - Vĩnh Linh vào phối hợp chiến đấu) bị địch bắt ở vọng gác tiền tiêu. Trong tình thế vô cùng hiểm nghèo, đồng chí bình tĩnh cho địch xúm đến gần thật đông mới chụp lựu đạn rút chốt tiêu diệt 6 tên địch, anh dũng hy sinh. Trong một ngày với 14 tay súng, dân quân xã Vĩnh Trung phối hợp với một tổ quân chủ lực và một tiểu đội du kích Gio Linh đã bẻ gãy 9 đợt tiến công của 4 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn, diệt 150 tên giữ vững trận địa.

Hai là, tiêu hao, kiềm chế lực lượng cơ động của Mỹ - ngụy, chiếm lĩnh nông thôn, giữ vững vùng núi và vùng giáp ranh, nghi binh đánh lạc hướng địch, chuẩn bị tốt mọi mặt cho Tổng tiến công và nổi dậy.

Theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên đã thực hiện điều chỉnh lực lượng, tổ chức lại chiến trường; đồng thời tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, kịp thời bố trí, sắp xếp đảng viên, cán bộ theo các hướng, phụ trách từng địa bàn cụ thể... Hội nghị Khu ủy Trị - Thiên hạ quyết tâm: “Tập trung sức lực và cố gắng cao nhất, tiến công địch liên tục và toàn diện cả về quân sự, chính trị, binh vận, tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quân Mỹ, cô lập chúng và làm cho chúng không cứu vãn được quân ngụy. Chiếm lĩnh những vùng nông thôn xung yếu, làm rối loạn thành phố và tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng Trị - Thiên - Huế, giành chính quyền về tay nhân dân, đánh bại mọi cuộc phản kích của địch”.

Theo sự phân công, ở hướng Nam của tỉnh, mục tiêu chính của cuộc tấn công lần này là thị xã Quảng Trị và La Vang do Trung đoàn 2 chủ lực, Tiểu đoàn 814 bộ đội địa phương tỉnh và dân quân, du kích đảm nhiệm. Đêm 31-1-1968, bộ đội địa phương huyện, du kích xã phối hợp với K10 đặc công đánh quận lỵ Triệu Phong và một số trụ sở chính quyền ở xã của địch. Kết quả, ta tiêu diệt được tiểu đoàn dù quân Mỹ lẫn ngụy ở Hành Hoa. Do bị địch bất ngờ tăng quân một lúc 5 tiểu đoàn cả Mỹ lẫn ngụy án ngự phía Nam và Tây Nam thị xã Quảng Trị chống cự rất quyết liệt nên các trận chiến đấu ở đây diễn ra khá phức tạp, giành đi giật lại với địch nhiều lần, cuối cùng không thực hiện được ý định. Đến gần sáng ngày 1 tháng 2 năm 1968, các mũi tiến công không hợp điểm được, phải rút khỏi thị xã. Ngày 8 tháng 2 năm 1968, Đại đội 2 - K10 đặc công tỉnh phối hợp cùng du kích xã Hải Vĩnh, Hải Xuân tập kích tiêu diệt 150 tên kỵ binh bay Mỹ ở Trà Lộc (Hải Xuân). Cũng trong tháng 2 năm 1968, du kích xã Triệu Trung vượt sông Vĩnh Định đánh tập kích địch, bắt 30 tên làm trong chính quyền địch khiến chúng hoang mang, khiếp sợ. Mỹ và ngụy tiến hành phản kích quyết liệt nhưng bị bộ đội địa phương và lực lượng du kích xã chặn đánh 45 trận, tiêu diệt 65 tên Mỹ và 50 lính quân đội Sài Gòn. Du kích xã Hải Sơn đánh chiếm trụ sở chính quyền xã, diệt 26 tên, thu 30 súng các loại, bắt sống xã trưởng và một số phần tử có nợ máu với cách mạng, giải phóng 3 thôn còn lại.

Mặc dù chưa chiếm được mục tiêu cơ bản nhưng sau 25 ngày đêm (31-1-1968/24-2-1968) liên tục tấn công, nổi dậy, quân và dân địa phương đã làm tan rã một bộ phận quân ngụy và lực lượng kìm kẹp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn của địch, đưa phong trào chiến tranh du kích phát triển lên đỉnh cao. Thắng lợi đó đã có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho mặt trận Huế, khiến địch không thể điều quân từ Quảng Trị vào cứu nguy cho lực lượng Huế, cổ vũ, động viên quân dân thành phố Huế liên tục tấn công, nổi dậy giành quyền làm chủ.

Đầu tháng 5 năm 1968, bộ đội chủ lực mở đợt tấn công, bao vây 5 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây, buộc Mỹ phải điều 2 lữ đoàn kỵ binh bay lên để giải tỏa Khe Sanh, để lộ sơ hở phía Nam Quảng Trị. Chớp thời cơ, LLVT tỉnh, huyện bám đồng bằng mở rộng vùng giải phóng. Được bộ đội địa phương và tỉnh hỗ trợ, quần chúng các xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Phước, Triệu Tài (huyện Triệu Phong) xuống đường giương cao biểu ngữ, gậy gộc, giáo mác tràn qua sông Vân Hòa, vượt đường 64, 68 vào vùng địch kiểm soát để đấu tranh. Bọn bình định các ấp Thanh Liêm, Ngô Xá, Đại Hào hoảng sợ chạy trốn. Đồng bào nổi dậy phá tan ách kìm kẹp. Hàng chục tên ác ôn bị trừng trị, 60 tên tề, điệp đầu thú cách mạng. Vùng “tam giác sắt” Gia Độ - Xuân Thành - Giao Liêm hơn 10 năm trời bị địch kìm hẹp rất gay gắt, nay cũng chớp thời cơ vùng dậy phá tan ách kìm kẹp của địch. Vừa phá kìm kẹp, diệt ác ta vừa tranh thủ xây dựng cơ sở. Đội ngũ cán bộ cốt cán hình thành, 30 Ủy ban khởi nghĩa lần lượt ra mắt nhân dân. Hàng trăm thanh niên, du kích lên đường tòng quân bổ sung cho bộ đội địa phương huyện, tỉnh. Ở huyện Hải Lăng, mặc dù bị địch khủng bố ác liệt nhưng phong trào chiến tranh nhân dân vẫn hoạt động mạnh. Tiêu biểu cho những trận chiến đấu mưu trí, kiên cường trong đợt này là tấm gương hy sinh oanh liệt của nữ liệt sĩ Phan Thị Hồng, xã đội phó xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng). Sau khi dẫn đường cho bộ đội diệt gọn 40 xe tăng địch tại Rú Cát, địch phát hiện hầm bí mật, đồng chí đội nắp hầm lao lên dùng lựu đạn, tiểu liên diệt 3 tên địch, trúng đạn ngã xuống vẫn kịp rút chốt quả lựu đạn cuối cùng diệt thêm 4 tên lính ngụy rồi hi sinh anh dũng. Trong tháng 5 năm 1968, LLVT xã Triệu Sơn phối hợp với bộ đội chủ lực chặn đánh 1 tiểu đoàn Mỹ đi càn từ Triệu Lăng vào rú Thượng Trạch diệt 16 tên, trong đó có tên Tiểu đoàn phó. Tháng 7 năm 1968, bộ đội địa phương, dân quân du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực, tiến công tiểu đoàn kỵ binh bay của Mỹ tại thôn Văn Phong, bắn cháy 6 máy bay lên thẳng, diệt 160 tên. Kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận, nhân dân Triệu Sơn đã tổ chức thành công hàng trăm cuộc đấu tranh chính trị, với hàng nghìn lượt người tham gia, vận động được hơn 400 lính ngụy và dân vệ cầm súng về với cách mạng. Ngày 1 tháng 6 năm 1968, du kích xã Triệu Phước phối hợp với bộ đội địa phương huyện phục kích địch trên Đường 64, diệt 7 tên, thu 5 súng...

Trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, hoà cùng tiếng súng của cả miền Nam và 3 mặt trận trên chiến trường Quảng Trị, lực lượng du kích Triệu Phong, Hải Lăng đã phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh, bộ đội chủ lực thọc sâu đánh mạnh vào cứ điểm La Vang, quận lỵ Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và hầu hết các đồn bốt của địch, tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của chúng. Với phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi giáp công”, tích cực chủ động tấn công vào các vị trí của địch, du kích cùng với bộ đội địa phương tấn công bao vây đồn bốt địch, giải phóng thôn, xóm, góp phần cùng các mặt trận làm nên chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực liên tục tiến công, vây hãm Khe Sanh, chặn đánh quyết liệt lực lượng tiếp viện bằng đường bộ, đường không của địch.

Trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, LLVT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực liên tục tiến công, vây hãm Khe Sanh, chặn đánh quyết liệt lực lượng tiếp viện bằng đường bộ, đường không của địch, biến Đường 9 thành mồ chôn giặc Mỹ xâm lược.

 Ngày 15 tháng 2 năm 1968, 7 du kích xã Tà Rụt tấn công địch ở đồi Cu Cha, tiêu diệt 29 tên Mỹ, thu 29 khẩu súng các loại cùng quân trang, quân dụng. Bị thua đau ở đồi Cu Cha, cuối tháng 2 năm 1968, Mỹ sử dụng máy bay đổ quân xuống đồi A Ve và xây dựng nơi đây thành một cứ điểm kiên cố nhằm khống chế ngã ba tam giác các xã Nam Đường 9 - Lào - A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Trước tình hình đó, quân và dân xã Tà Rụt quyết tâm phải nhổ bằng được cái gai lợi hại của Mỹ - ngụy. Đại đội 12 của Ban Cán sự miền Tây cùng du kích xã phối hợp chiến đấu tiêu diệt hàng chục tên Mỹ, riêng du kích xã Tà Rụt tiêu diệt 16 tên Mỹ. Bị tiến công liên tục và tổn thất nặng nề, cuối tháng 3 năm 1968, địch buộc phải rút khỏi đồi A Ve. Tại cao điểm Ka Ra Chông, LLVT xã A Xing đã phối hợp với các đơn vị diệt gọn 1 trung đội lính Mỹ gồm 36 tên, thu 30 khẩu tiểu liên, 1 đại liên, 2 trung liên, làm hư hỏng nhiều loại vũ khí phương tiện khác của địch. Mặc dù bị thất bại liên tiếp, nhưng quân Mỹ - ngụy không chịu bỏ rơi địa bàn quan trọng này. Ngày 1 tháng 4 năm 1968, Mỹ đổ quân xuống Đồi 29 thuộc A Đăng và các đồi Cô Ka Va, Cà Lư, A Ve, Phát Xiêng, Cà Ư, tạo thành một hệ thống đồn bốt khống chế các xã miền Tây và ngăn chặn sự liên lạc của cách mạng từ Lào xuống. Trước tình hình đó, bộ đội miền Tây, Trung đoàn 6 và 7, bộ đội đặc công K10, K8 cùng quân và dân xã Tà Rụt quyết tiêu diệt hết quân Mỹ và phương tiện chiến tranh của chúng.

Tháng 4 năm 1968, LLVT huyện Hướng Hóa đánh ngăn chặn địch ở đồn Cửa Ông nống ra, tiêu diệt tại chỗ 3 tên Mỹ, bắn rơi 1 máy bay. Ngày 18 tháng 5 năm 1968, dân quân du kích xã Hướng Phùng cùng với đơn vị Đoàn 559 đánh địch đổ bộ tại đồi Côxacóc diệt 13 tên, thu 13 súng, bắt 1 tên nhảy dù. Tháng 7 năm 1968, du kích xã Húc Nghì đánh địch đóng ở đồi Tỏi, diệt 5 tên, buộc chúng phải rút lui; lực lượng dân quân Tà Long phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt 3 điểm chốt ở đồn Cửa Ông, tiêu diệt 1 trung đội lính Mỹ. Du kích xã Mò Ó, dưới sự chỉ huy của đồng chí Pả Nem- Xã đội trưởng phối hợp với bộ đội địa phương đóng ở khu vực Ba Lòng và bộ đội chủ lực tổ chức đánh 8 trận lớn nhỏ ở đoạn đường từ Sa Mưu lên km 45, Đường 9, diệt 1 đoàn xe vận tải 9 chiếc của Mỹ và 100 tên lính Mỹ. Phối hợp, hỗ trợ chiến dịch giải phóng Khe Sanh, du kích xã cùng các đơn vị đánh 7 trận lớn nhỏ vào cứ điểm Khe Yêu, diệt 35 tên Mỹ, thu 32 súng, đạn các loại.

Trên địa bàn xã A Túc, từ năm 1968, máy bay địch thường xuyên đánh phá rất ác liệt và nhiều lần cho bộ binh đổ quân càn quét. Dân quân du kích đã tích cực đánh địch bằng cách đặt mìn, bẫy đá, hầm chông trên những đoạn đường địch hay đi lại. Những lần địch đổ quân càn quét, dân quân du kích xã đã chủ động tổ chức lực lượng bất ngờ đánh địch ngay từ phút đầu. Bằng lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu quả cảm, không ngại gian khổ hy sinh, LLVT và nhân dân A Túc đã độc lập chiến đấu và phối hợp chiến đấu trên một trăm trận lớn nhỏ.

Ngày 7 tháng 6 năm 1968, quân ta đánh bại cuộc hành quân giải tỏa mang tên “Ngựa bay” của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của chúng, dồn kẻ địch ở Khe Sanh càng lâm vào tình thế hết sức khốn quẫn. Không thể chịu đựng nổi sức tiến công, vây hãm, uy hiếp của ta, từ cuối tháng 6 năm 1968, Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ buộc phải rút quân khỏi căn cứ Khe Sanh, một vị trí có ý nghĩa chiến lược, được chúng dày công xây dựng từ cuối năm 1967.

Trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh - Hướng Hóa, tuy nhân dân các dân tộc Hướng Hóa vừa trải qua nạn đói trầm trọng do chất độc hóa học của quân đội Mỹ gây ra, nhưng khi có lệnh điều động sức người, sức của, phục vụ kháng chiến, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, Kinh sôi nổi hưởng ứng. Toàn huyện đã huy động trên 5.000 dân công, thanh niên phục vụ vận chuyển hàng hóa, phối hợp với bộ đội công binh làm đường, huy động được 2.000 tấn gạo và hàng triệu gốc sắn, chuẩn bị lương thực phục vụ chiến đấu. Lực lượng du kích đã tham gia đưa đường cho bộ đội đi trinh sát gần 100 lượt ở căn cứ Làng Vây, Tà Cơn... chuyển hàng trăm lượt thương binh về tuyến sau, vận chuyển hàng nghìn tấn đạn dược, lương thực tiếp tế cho bộ đội ở phía trước. Trong quá trình làm nhiệm vụ, có đơn vị dân công bị tổn thất nặng do bom đạn của Mỹ dội xuống giữa đội hình vẫn không lùi bước, tiếp tục xông lên xả thân vào việc cứu hàng khi kho tàng của ta bị địch bắn cháy.

Có thể thấy rằng, trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968, LLVT tỉnh Quảng Trị đã phát triển, mạnh mẽ, rộng khắp, đánh địch trên cả 3 mặt trận và 3 vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị), góp phần giải phóng các vùng sau lưng địch tạo ra thế chiến lược có lợi cho ta, tạo thời cơ, bàn đạp cho bộ đội chủ lực tác chiến tập trung tiêu diệt lớn quân địch, buộc địch phải rút khỏi Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa với hơn 1 vạn dân. LLVT tỉnh xứng đáng với 12 chữ vàng truyền thống của Tỉnh ủy Quảng Trị trao tặng: “Bám trụ kiên cường, lập công xuất sắc, vững mạnh toàn diện”.

                                                                                                                                                                       Đại tá NGUYỄN HOÀI PHƯƠNG

                                                                                                                                     Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Quảng Trị


Tác giả: nguyễn hoài phương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội