A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải) anh hùng

       Ai đã từng nghe bài hát nổi tiếng "Tiếng đàn ta lư" của nhạc sĩ Huy Thục hẳn còn nhớ giai điệu và ca từ rất rộn ràng "Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới. Rừng núi ta ơi hãy thắm xanh vui cùng bản làng. Mừng thắng trận Gio An...". Đây chính là chiến công vang lừng của Quân đội ta, có phần không nhỏ là của Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải), Quân khu 4, để góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập tự do cho đất nước.

 Khu nhà bia tại đền thờ 2500 liệt sĩ Trung đoàn 27

Nhân việc Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 584 - Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tìm kiếm được 38 hài cốt liệt sĩ ở khu vực Nông trường Dốc Miếu thuộc thôn Xuân Mai, xã Gio Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, Báo Quân khu 4 xin giới thiệu vài nét về Trung đoàn 27 (Trung đoàn Triệu Hải) và thành tích gắn liền với những liệt sĩ đã quy tập được trong thời gian hoạt động.

Đầu năm 1968 tình hình chiến cuộc đã chuyển sang một bước ngoặt mới. Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ bị thua đau trong chiến tranh phá hoại, buộc phải ném bom hạn chế và chấp nhận cuộc họp 4 bên ở Pa -ri. Còn miền Nam với cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt bắt đầu từ ngày 31 tháng 1 năm 1968, quân và dân ta đã giành được thắng lợi chưa từng có.

Trước yêu cầu khẩn trương chi viện sức người và sức của cho chiến trường miền Nam, Bộ tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Trung đoàn 27 gồm 3 tiểu đoàn 1,2,3 và 3 cơ quan Trung đoàn cùng các đơn vị trực thuộc. Lúc này, Tiểu đoàn 43 của tỉnh đội Nghệ An được điều về làm Tiểu đoàn 2. Ngày 20 tháng 2 năm 1968, Tiểu đoàn 3 đã có mặt tại xã Vĩnh Chấp, Tiểu đoàn 2 tập kết phía tây Vĩnh Linh, đây là vị trí cuối cùng để đơn vị chuẩn bị bước vào chiến đấu theo chỉ thị của mặt trận B5. Riêng Tiểu đoàn 1 đang trên đường hành quân khẩn trương vào chuẩn bị làm lực lượng dự bị cơ động cho Trung đoàn.

Trận đánh thắng đầu tiên ở làng Gia Bình của Tiểu đoàn 2 và trận đánh vang dội ở làng Phúc Sa (Do Linh- Quảng Trị) của Tiểu đoàn 3, mùa xuân năm 1968 đã viết lên trang sử vẻ vang của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Như vậy chỉ sau gần hai tuần kể từ ngày thành lập, đơn vị đầu tiên của Trung đoàn đã trực tiếp chiến đấu chiến trường bắc Quảng Trị, giành được những thắng lợi vô cùng vẻ vang, làm cho quân địch hoang mang khiếp sợ.

Thời điểm này địch bị vây tứ phía, quân ta và quân địch liên tục chiến đấu, giành từng tấc đất, Tiểu đoàn 2 được phân công vây ép Cồn Tiên, cô lập căn cứ không cho địch nống lấn ra đông bắc Cồn Tiên, thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10/1968 là thời điểm chiến đấu ác liệt nhất. Cựu chiến binh Lê Bá Dương cho biết khi ông chiến đấu cùng các đồng đội, nhiều chiến sĩ hy sinh vô cùng anh dũng, quân ta và quân địch chỉ cách nhau những hầm hào công sự, nhưng giữa cuộc chiến hai bên là hai thái cực, ông và đồng đội sau một ngày cầm súng, họ kể cho nhau về gia đình và người thân, những bức thư truyền tay nhau đọc, có nhiều người người quê ở miền bắc. Những lúc rảnh rỗi, họ lại giành thời gian để viết thư gửi về gia đình, nhiều chiến sĩ lên đường khi vừa cưới vợ vài tuần. Liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng người vừa tìm được hài cốt cũng cưới vợ xong là lên đường vào chiến trường.

Các liệt sỹ trong đợt quy tập trong đợt này, rất có thể là các đồng đội cùng đơn vị của ông hy sinh trong các đợt chiến đấu trong thời kỳ vây ép Cồn Tiên. Cựu chiến binh Lê Bá Dương cho biết thêm danh sách những người mà ông nắm được cùng an táng nơi đây. Họ là những liệt sĩ đã ngã xuống để đất nước đứng lên.

Trong suốt những năm tháng về sau, ông cùng Ban liên lạc Trung đoàn đã làm được những công việc thiết thực nhằm tri ân những liệt sĩ như xây dựng “Khu tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 27” tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đây là ước nguyện của các cựu chiến binh nhằm mục đích trả lại tên cho 1.840 liệt sĩ chưa tìm được của Trung đoàn pháo binh 27.

Nhà thơ Nguyễn Văn Á, cựu chiến binh Trung đoàn 27 đã trào dâng xúc cảm, viết nên bài thơ “Mẹ đừng buồn bên mộ chẳng dòng tên” để tưởng nhớ đồng đội của mình:

Nào chúng mình cùng hội tụ về đây

Những người lính của Trung đoàn Hai Bảy

 Chỉ phần mộ chiến trường xưa nằm lại

Bao năm rồi tắm gội gió mưa chan

Đồng đội ơi nào hãy xếp thành hàng

Điểm danh nhé – Một, hai, ba… và hết

Bao ánh mắt dọi nhìn lên bia đá

Dòng tên nào cũng nhức nhối con tim

Đồng đội ơi biết chẳng thể kiếm tìm

Những ngôi mộ “vô danh” thời trận mạc

Mười bốn chiếc bia hơn hai nghìn địa chỉ

Cứ mịt mờ đôi mắt lệ đầy thêm

Mẹ đừng buồn bên mộ chẳng dòng tên

 Con đừng khóc ngày cha không về nữa

Lá xanh rụng, lá vàng chưa kịp úa

Cũng thường tình cha hãy bớt niềm đau

Ngày con đi vào chớp bể mưa nguồn

Lưng mẹ bắc chiếc cầu vồng năm tháng

Thương nhớ cũng mang bóng hình viên đạn

Chồng không về em hóa đá “Vọng phu”

Đồng đội ơi đừng hờn tủi nữa nào

Ca lên chứ cùng vui ngày hội tụ

Ngôi nhà chung chúng mình từng ấp ủ

Chính là đây đồng đội cứ sum vầy

 Đất linh thiêng bỗng chốc đổ mưa dầy

Giọt nước mắt ngày Ngưu lang – Chức nữ

Cầu Thê Húc khép nỗi buồn quá khứ

Nén hương chiều ai thắp cuối trời xa.

Trong hơn 7 năm chiến đấu trung đoàn đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 2 vạn tên địch (có gần 1 vạn tên Mỹ), bắt sóng 940 tên, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 20 tiểu đoàn, 31 đại đội, bắn rơi 79 máy bay, phá hủy 440 xe quân sự (có nhiều xe tăng và xe bọc thép, 41 khẩu pháo, 2 dàn ra đa, thu 800 khẩu súng các loại), hỗ trở cho hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng nổi dậy giải phóng quê hương.

Trung đoàn đã được nhà nước tặng thưởng 5 huân chương quân công giải phóng và tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đất nước độc lập, thống nhất, Trung đoàn cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trung đoàn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, thiết thực cải thiện đời sống và góp phần xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.

Đến năm 1991 theo chỉ thị của cấp trên Trung đoàn thực hiện rút gọn thành khung thường trực làm nhiệm vụ huấn luyện dự bị động viên, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn luôn tập trung mọi nổ lực, nâng cao chất lượng huấn luyện quân dự bị động viên cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trình độ và khả năng chiến đấu từ kỹ thuật, chiến thuật phân đội nhỏ đến hiệp đồng chiến đấu quân binh chủng trong đội hình sư đoàn thuộc quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ, Trung đoàn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

 

_________________Báo Quân khu 4 trân trọng đăng thông tin của Cựu chiến binh Lê Bá Dương

DANH SÁCH 26 LS HY SINH CÙNG NGÀY (13/9/1968), CÙNG VỊ TRÍ VỚI LS NGUYỄN VĂN HƯNG

1/ Nguyễn Văn Hưng - sinh 1948 - nhập ngũ 8/1966 – Đơn vị : c2 d2 E27. Quê: Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.

2/ Võ Văn Lầu – sinh 1940 - nhập ngũ 10/64 - C3 d2 E27. Thiện Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.

3/ Bùi Văn Xuân - sinh 1948 - nhập ngũ 11/1966 - c2. Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.

4/ Bùi Thanh Tý - sinh 1949 - nhập ngũ 8/1966. Kỳ Phong, Kỳ Anh , Hà Tĩnh.

5/ Nguyễn Công Chướng – sinh 1948 – nhập ngũ 8/1966 – c1. Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh.

6/ Hồ Sỹ Hồng - sinh 1950 - nhập ngũ 4/1968 - c3d2 e27. Diễn Trang (có thể là Diễn Trung), Diễn Châu Nghệ An

7/ Cao Đăng Đạt - sinh 1949 – Nhập ngũ 4/1968 - C3 D2 E27. Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An.

8/ Cao Tiến Xinh - sinh 1949 -nhập ngũ 4/1968 - c2d2e27. Diễn Phú Diễn Châu , Nghệ An.

9/Lê Đức Thịnh - sinh 1949 - nhập ngũ 4/1968. Nghĩa Thu (Có thể là Nghĩa Thuận), Nghĩa Đàn, Nghệ An.

10/Ngô Tiến Hàn - sinh 1948 - nhập ngũ 4/1968 - c1 d2 e27. Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ.

11/Trương Văn Thái, - Sinh 1935 – nhập ngũ 4/1968 - c2. Minh Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ.

12/Trần Hữu Phúc - sinh 1948 – nhập ngũ 8/1967 – c1. Gia Điền , Hạ Hòa, Phú Thọ.

13/ Trịnh Văn Túc - sinh 1949 – nhập ngũ 4/1968. Lâm Lợi, Hạ Hòa, Phú Thọ

14/ Trần Quang Nhã – sinh 1950 – nhập ngũ 4/1968 – c2. Lâm Lợi, Hạ Hòa, Phú Thọ.

15/ Hà Xuân Nhới - sinh 1937. Minh Đài, Thanh Sơn, Phú Thọ.

16/ Phạm Trọng Hội - sinh 1949 – nhập ngũ 7/1968. Lương Lữ, Thanh Ba, Phú Thọ.

17/ Bùi Văn Bích - sinh 1939 – nhập ngũ 12/1967. Sơn Phú, Phú Hòa , Đàn Hùng, Phú Thọ.

18/ Ngô Gia Tụng - sinh 1946 –nhập ngũ 8/1967- c1. Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ.

19/ Nguyễn Kiến Hợi - sinh 1944, Thuận Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên.

20/ Đặng Sửu - sinh 1950 – c1d3. Văn Phúc, Phúc Thọ, Hà Nội.

21/ Bùi Văn Bình – sinh 1935 – nhập ngũ 12/1967 – c2 d2.

22/ Doãn Thắng Đức – sinh 1942 – nhập ngũ 12/1967- d3 . Văn Phúc, Phúc Thọ Hà Nội.

23/ Nguyễn Văn Hồng – sinh 1935 – d3. Phương Đỗ, Phúc Thọ Hà Nội.

24/ Vũ Văn Phẩm - sinh 1939 – nhập ngũ 1967. Lê Giang, Tiên Hưng, Thái Bình.

25/ Trịnh Xuân Lữ - sinh 1938 – nhập ngũ 9/1966 – c2. Yên Quý, Yên Định, Thanh Hóa.

26/ An Văn Âu – sinh 1950 – nhập ngũ 2/1968 - c1. Hưng Đạo, Tiên Lữ, Hưng Yên

Thành Vinh ghi theo lời kể Cựu chiến binh Dương Doãn Ngụ Trung đoàn 27

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 10 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội