A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Noi gương anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Nhớ thương Đại úy Trương Anh Quốc

Trong trận đại hồng thủy tàn phá các tỉnh trên địa bàn Quân khu tháng 10, 11 năm 2020, nhiều cán bộ, chiến sĩ không quản ngại gian khổ, hiểm nguy vào tận nơi sạt lở cứu hộ, cứu nạn Nhân dân và anh dũng hy sinh. Trong đó có Đại úy, liệt sĩ Trương Anh Quốc, Nhân viên Điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Với những người ở lại, anh là người chiến sĩ quả cảm, người chồng, người cha mẫu mực.

Những ngày đầu Xuân Tân Sửu, ngôi nhà gần hoàn thiện nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế của liệt sĩ Trương Anh Quốc có nhiều cán bộ địa phương, bộ đội, dân quân, Nhân dân đến giúp vợ con anh chỉnh trang lại nhà cửa, vườn tược. Ngôi nhà vừa mới được động thổ xây dựng thì mưa lũ kéo dài khiến việc hoàn thiện gặp nhiều khó khăn. Từ ngày anh Quốc “đi xa”, vật liệu xây dựng vẫn còn đó, nay được mọi người sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, sẵn sàng thi công trở lại theo ý nguyện của gia đình.

Ông Ngô Thanh Bình, bố vợ liệt sĩ Trương Anh Quốc tâm sự: “Khi hai vợ chồng nó nên duyên do hoàn cảnh khó khăn, Quốc thường xuyên xa nhà nên vợ chồng Quốc sống chung với chúng tôi dù nhà tôi cũng chẳng rộng rãi gì. Chắt bóp, vay mượn người thân, bạn bè mãi được một số tiền mua được mảnh đất nó tâm sự với tôi rằng, cảm ơn bố mẹ đã cho vợ chồng con chung sống, vợ chồng con sẽ làm ngôi nhà nhỏ, dù đơn sơ nhưng cũng thuận tiện cho sinh hoạt”.

Đoàn công tác Bộ Giáo dục - Đào tạo đến thăm, động viên cô giáo Ngô Thị Thanh Nhàn, 
vợ liệt sĩ Trương Anh Quốc. Ảnh: C.T.V
                                  

Trong câu chuyện với ông Bình, tôi được biết, anh Quốc là con đầu trong gia đình 4 anh em, hoàn cảnh khó khăn. Là anh đầu nên anh Quốc là lao động chính hỗ trợ bố mẹ nuôi các em ăn học. Anh và chị Nhàn mới lấy nhau được 5 năm, sinh được hai cô con gái xinh xắn, cháu lớn 4 tuổi và cháu nhỏ mới hơn 1 tuổi. Chị Nhàn là giáo viên tại một trường học ở thị xã Hương Trà, cách nhà khoảng 30 km.

Theo chị Nhàn thì khi còn sống anh Quốc muốn xây làm ngôi nhà để vợ và hai con có nơi làm việc, học tập. Vì hoàn cảnh khó khăn, đồng lương hai vợ chồng eo hẹp, để giảm bớt nhân công, anh tranh thủ ngày nghỉ tự đào đất làm móng, lên thiết kế, rồi khi nghỉ phép anh cùng một số thợ tập trung đẩy nhanh tiến độ làm nhà.

Chị Nhàn cho hay: “Hết thời gian nghỉ, anh trở lại đơn vị. Vì trực phòng chống lụt bão, anh ở cơ quan mấy tuần không về, trước lúc đi cứu hộ, cứu nạn anh cũng không kịp gặp mặt vợ con. Hôm đó anh có điện về nói là đi lên cứu hộ, cứu nạn trên Phong Xuân, mấy ngày em liên lạc cho anh cũng không được, sau đó nhận được tin báo anh hy sinh. Tưởng chừng không vượt qua được nỗi đau này nhưng được sự quan tâm của đồng đội, các tổ chức, đoàn thể và bà con lối xóm đã giúp mẹ con em dần ổn định cuộc sống. Mới đây, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo vào thăm hỏi và đề nghị tỉnh tạo điều kiện chuyển em về dạy gần nhà cho tiện chăm sóc gia đình”. 

Với đồng chí, đồng đội, anh Quốc là người tâm huyết, trách nhiệm trong công việc. Nhận xét về người cấp dưới của mình, Đại úy Lê Huy Diệu, Trưởng Ban Quân báo, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong công việc, đồng chí Quốc là người năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm và có trình độ chuyên môn tốt. Tuy vợ đi dạy xa nhà, con cái còn nhỏ nhưng đồng chí ít khi để việc gia đình ảnh hưởng đến nhiệm vụ đơn vị”.

Sự hy sinh cao cả của Đại úy, liệt sĩ Trương Anh Quốc để lại nỗi nhớ thương vô hạn trong lòng người ở lại. Anh hy sinh để xứ Huế thêm bình yên. Đất mẹ xứ Huế mãi ôm anh vào lòng. Sông núi sẽ mãi khắc tên người con ưu tú của quê hương.

HẢI BĂNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội