A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Noi gương anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Nước rút tới đâu, phòng chống dịch bệnh tới đó

Những cánh đồng vẫn ngập chìm trong nước do mưa lũ; những con đường, xóm làng tràn ngập bùn non, rác thải, xác động vật phân hủy; cây cối gãy đổ, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp nghiêm trọng... Cảnh tượng ấy khiến tôi cùng đoàn công tác của Tổng cục Hậu cần khi đến tỉnh Quảng Bình hỗ trợ người dân vùng lũ ai cũng ngậm ngùi, xót xa.

Bà Đặng Thị Hồng Thắm, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Khó khăn trước mắt về đời sống người dân đang dần được tháo gỡ khi những ngày qua ngoài sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, tổ chức đoàn thể, người dân huyện Lệ Thủy chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ của hơn 500 đoàn từ thiện trong cả nước. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn, cấp bách nhất hiện nay đó là nguy cơ dịch bệnh bùng phát, ô nhiễm môi trường sau lũ...”. Theo bà Đặng Thị Hồng Thắm thì sau lũ, người dân rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, tiêu chảy cấp, dịch tả, thương hàn, cảm cúm, đau mắt, các bệnh về da liễu... do môi trường ẩm ướt, bùn đất, xác động vật chết và các chất thải độc hại trôi dạt khắp nơi; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm... làm cho các mầm bệnh có cơ hội sinh sôi nảy nở.

Quân y Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình phun khử trùng sau lũ tại huyện Lệ Thủy.

 

Hiện nay, một số địa phương ở Quảng Bình nước vẫn chưa rút hết, do vậy việc khắc phục hậu quả, khử trùng môi trường gặp không ít khó khăn. Để bảo vệ sức khỏe và giúp người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, với phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường và nguồn nước sinh hoạt đến đó”, Phòng Quân y Quân khu đã cấp thuốc, hóa chất và chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình phối hợp với ngành y tế địa phương triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh sau lũ như: Vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước; tổ chức các hoạt động khám, cấp thuốc cho người dân. Theo đó, cán bộ quân y của tỉnh và các huyện thường xuyên túc trực để hướng dẫn người dân vùng lũ thực hiện vệ sinh môi trường, nguồn nước, cung cấp đầy đủ hóa chất cần thiết như: Cloramin B, Aquatas... và các loại hóa chất khác để xử lý môi trường. Theo Thượng tá Ngô Mậu Quý, Chủ nhiệm Quân y Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình thì ngay khi nước rút, Ban Quân y đã rà soát, bổ sung trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo nhân viên quân y các huyện bám sát địa bàn, hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xử lý vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt.

Được biết, cùng với ngành Quân y Quân khu, trong đợt này Tổng cục Hậu cần cũng hỗ trợ tỉnh Quảng Bình khám, cấp thuốc cho hơn 1.000 người dân; cung cấp các dung dịch, hóa chất khử khẩn như: Cloramin B, Aquatas... với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng và tổ chức phun thuốc khử khuẩn nguồn nước, chuồng trại chăn nuôi... nhằm sớm trả lại môi trường, nguồn nước sạch cho bà con vùng bị ngập lụt. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình cũng tăng cường lực lượng vừa giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, vừa tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống dịch bệnh.

MẠNH HÙNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội