A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Đưa tiễn một tấm lòng

Đưa tiễn một tấm lòng

Chiều ngày 18 tháng 3 năm 2020, lúc đó khoảng 15 giờ 10 phút, Trung tá Đặng Huy Cường Thư ký Tòa soạn báo Quân khu 4 gọi điện cho tôi:

- Anh Thái “đi” rồi chú ơi! Anh ấy “đi” lúc 15 giờ 5 phút chú ạ!

Tôi buông máy, vậy là Thái “đi” thật rồi ư? Vẫn biết cuộc đời này là “cõi tạm”! Vẫn biết cái ngày này của Thái sẽ đến nhưng sao nó đến nhanh vậy? Mới hôm nào đi họp Cựu chiến binh Phòng Tuyên huấn Quân khu với nhau, Thái tỉ tê với tôi: “Tôi nghĩ cái ngày của mình không còn xa nữa, anh ạ. Anh đã từng viết bài cho những anh em Báo Quân khu ta “ra đi”. Thế nào anh em cũng nhờ anh viết bài về tôi. Viết vui thôi, đừng buồn nhiều lắm anh nhé!”

 Ôi chao! Viết về sự mất mát mà anh bảo tôi viết cho vui! Vui sao được anh!

        Đang ngồi lặng người ngẩn ngơ suy nghĩ về Thái, lại nhìn mấy tấm hình mới chụp với anh gần đây thì chuông điện thoại reo. Đầu dây là Thượng tá Hồ Công Lĩnh, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Quân khu:

- Anh Thái “đi” rồi anh ơi! Anh sống lâu với anh ấy, viết cho Báo ta bài giã từ tiễn biệt nhé!

        Vậy là điều tâm niệm của Thái đã thành sự thật! Từ hai cú điện thoại ấy, trong ảo mờ sương khói thời gian, hiện lên rành rẽ từng kỷ niệm với người quá cố. Từ hình bóng, dáng người, giọng nói, nhất là nghĩa tình của Nguyễn Đình Thái hiện về rờ rỡ trong ký ức của tôi.

     ….Tôi biết rồi quen anh Nguyễn Đình Thái từ khi còn là sinh viên Đại học Báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương. Ngày đó, Đại úy Nguyễn Xuân Tùng cùng quê với tôi, đang là Trưởng Ban biên tập Báo Hải Quân nhân dân, điện thoại cho tôi: “ Báo mình có đồng chí Thái lên học đó đấy. Đó là một đồng chí phát hiện vấn đề báo chí rất tốt; sống có tâm, sống nghĩa tình. Anh em tìm gặp nhau, giúp nhau với nhé!”. Gặp Thái, ấn tượng đầu tiên của tôi, đó là một người lính thấp đậm, có nụ cười rất hiền. Ấn tượng ấy in đậm trong tôi. Khi Thái về làm Trưởng ban Biên tập rồi Tổng Biên tập Báo Quân khu Bốn, có điều kiện gần nhau, tôi càng hiểu nhận xét của anh Xuân Tùng và ấn tượng của mình đã đúng!

Đại tá Nguyễn Đình Thái cùng các Cựu chiến binh Báo Quân khu 4 thăm Trại hồng - Trụ sở đầu tiên của Báo Quân khu 4.

 

         Đồng chí Nguyễn Đình Thái sinh năm Bính Thân, theo lịch dương nhằm ngày ngày 10 tháng 10 năm 1956, tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tuổi ấu thơ, Thái học giỏi, nhất là môn Văn. Tốt nghiệp PTTH, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Nguyễn Đình Thái nhập ngũ và được biên chế vào Quân chủng Hải Quân. Ở đơn vị, anh hay viết tin, bài cho Báo Hải Quân nhân dân, Báo Quân đội nhân dân. Anh viết nhanh, viết tốt, có nhiều phát hiện nên lọt vào mắt xanh của Trưởng ban Biên tập Báo Hải quân là đồng chí Nguyễn Xuân Tùng. Anh Tùng đã đề nghị Cục Chính trị Quân chủng đưa Thái về làm phóng viên Báo Hải quân. Làm phóng viên một thời gian, biết Thái có triển vọng, Quân chủng cho anh đi thi Đại học Báo chí.

Thái đỗ Đại học, sau 5 năm tu nghiệp, Thái được về Báo Quân khu 4. Đó là những ngày Thái phải tỏ rõ năng lực của mình. Anh phấn đấu từ phóng viên rồi trở thànhThư ký Tòa soạn, Trưởng ban Biên tập, rồi Tổng Biên tập Báo Quân khu 4. Khi đã trở thành Tổng Biên tập, Nguyễn Đình Thái đã “chinh phục” được những phóng viên khó tính nhất bằng cái Tâm và tài năng của mình.

Đại tá Nguyễn Đình Thái (hàng thứ nhất thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 và dâu, rể của Báo Quân khu nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

 

Cái đặc biệt ở anh là không hề suy nghĩ bon chen mà hết sức quý trong và rất chú ý phát hiện, bồi dưỡng những anh em phóng viên mà anh biết rất có khả năng phát triển, dù họ mới chập chững bước vào nghề. Nói về người Tổng Biên tập của mình, Phóng viên Trần Hoài, Trưởng đại diện Báo Quân đội nhân dân tại Bắc miền Trung kể:

- Khi bước chân về Báo Quân khu 4, tôi hoàn toàn không biết nhiều về báo chí cả.  Anh Nguyễn Đình Thái lúc đó là Thư ký Tòa soạn bảo: “Phải học chú ạ! Không học, không làm được đâu!” Ngày ấy, anh Thái thấy mỗi khi đi công tác về tôi in ảnh bày la liệt mà không chọn được bức nào để đăng báo, sốt ruột quá, mắng: “Chú làm phóng viên mà chụp ảnh thế này chỉ có mà sạt nghiệp. Lương trung tá như anh đây còn không chịu nổi nữa là trung úy như chú!” Bài viết đầu tiên của tôi là ghi chép “Để mỗi lần ra quân là đánh thắng” anh Đình Thái xem xong, cũng yêu cầu viết đi, viết lại tới 4 lần. Khi yêu cầu viết lại lần thứ 4, anh đe: “Anh cho chú viết thêm lầm này nữa, nếu không được, xin trả chú về đơn vị!” Khi viết xong, tôi đưa cả hai tay trình trung tá, Thư ký tòa soạn Nguyễn Đình Thái. Anh đọc rất nhanh, rồi nhìn thẳng vào tôi, mỉm cười: “Được rồi, chú Trần Hoài! Đã ra quân là đánh thắng! Chú thắng rồi! Tôi chúc mừng chú!” Với anh em phóng viên là vậy, còn với người đã phát hiện, dìu dắt mình từ trong trứng nước, Thái không bao giờ quên. Anh nhiều lần tâm sự với tôi:

- Tôi có được ngày hôm nay, công lao lớn thuộc về anh Xuân Tùng anh ạ. Anh ấy đã dìu dắt, giúp đỡ tôi trưởng thành…!

        Mấy năm đó, anh Xuân Tùng đã về hưu, thường hay bị bệnh, Nguyễn Đình Thái vẫn thường sang nhà tôi rủ tôi đến thăm. Ngày anh Xuân Tùng mất, Thái khóc nhiều lắm. Ngày đó, Trưởng ban Biên tập chưa có xe con như bây giờ, ngồi tại nhà tôi Thái khóc đến mức không sao điều khiển nối xe máy, tôi phải chở anh đi. Thái rất hay mủi lòng, rất hay khóc vì thương đồng đội, thương cán bộ, phóng viên thuộc quền mình. Ngày 21- 6 anh thường đến thăm bố mẹ, vợ con các phóng viên là liệt sĩ và thắp hương cho anh em. Tôi đã từng xúc động đến nghẹn ngào khi thấy Thái khóc nức nở trước bàn thờ phóng viên Nguyễn Thanh Tùng , trước mộ Nguyễn Lương Lộc. Đó là những giọt nước mắt từ trái tim tiếc thương đồng chí, đồng đội. Với Nguyễn Đình Thái nước mắt của anh không dối bao giờ...

        Khi viết đến đây, tôi đã định đặt dấu chấm hết cho bài viết này trong đêm, nhưng chưa thắp được nén hương cho anh, lòng tôi không thể nào yên. Sáng nay 19 tháng 3 năm 2020, biết linh cữu anh sắp “về” quê nhà Xuân Sơn, tôi vội vã đến thắp nén tâm hương cho anh. Đứng trước bàn thờ khói nhang nghi ngút, nhìn ảnh anh, một nỗi đau không cùng trào dâng trong lòng tôi. Nguyễn Đình Thái ơi, từ hôm nay, dẫu mãi mãi anh không còn viết được nữa; mãi mãi anh em trong “Ngôi nhà chung” Báo Quân khu 4 chẳng còn gặp anh được nữa, nhưng những đóng góp lớn lao của anh với báo chí Quân khu 4 với nền báo chí nước nhà thì sẽ còn mãi mãi! Những người như anh luôn thắp sáng trong chúng tôi niềm tin yêu đồng chí, đồng đội niềm tin yêu cuộc đời, và con người!

                                                                                           NGUYỄN XUÂN DIỆU

 


Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội