A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thầy giáo nặng lòng với bản sắc dân tộc H’Mông

“Các nhà ngôn ngữ học thế giới lo ngại, nếu không được bảo tồn kịp thời, nhiều ngôn ngữ trên thế giới sẽ đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Với mỗi ngôn ngữ “chết” đi, dân tộc đó như mất đi bản sắc” - Thầy Hơ Văn Tông A, người dân tộc H’Mông, ở xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), năm nay 60 tuổi, nguyên là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Pù Nhi mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng nỗi niềm như thế.

Với tư chất thông minh, thầy là một trong số ít người dân tộc H’Mông ở Mường Lát vào được giảng đường sư phạm. Năm 1980 ra trường thầy trở về quê hương theo nghiệp “gieo chữ”, “trồng người” nơi vùng cao. Trăn trở với bản sắc dân tộc mình, ngoài công tác giảng dạy, thầy còn tự nghiên cứu về chữ dân tộc H’Mông, vừa để bảo tồn ngôn ngữ dân tộc mình vừa thường xuyên đứng lớp dạy chữ H’Mông cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. Gắn bó với ngành giáo dục gần 40 năm, thầy là một trong những người có vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa dân tộc H’Mông.

Đối với thầy, dạy tiếng và bản sắc dân tộc mình cho cán bộ để lại nhiều điều tâm đắc. Thầy Tông A nhớ lại: “Thời điểm 2003 - 2004, khi người dân tộc H’Mông ở Tây Nguyên bị kẻ xấu lợi dụng để gây rối, việc dân vận không hiệu quả, tôi được tỉnh mời tham gia lớp bồi dưỡng tiếng H’Mông do Bộ Công an tổ chức, rồi được cử vào Đắc Lắc, Đắc Nông làm công tác dân vận. Vào tìm hiểu thì thấy rằng, cán bộ ta giao tiếp chưa đúng. Họ gặp dân, giới thiệu là cán bộ rồi tuyên truyền bà con phải chấp hành thế này, thế kia, như thế đồng bào không nghe đâu”. Thầy dẫn chứng: “Điều quan trọng nhất là phải giao tiếp để tạo được không khí cởi mở bằng tiếng H’Mông như: Gia đình ta có mấy người, năm nay có được mùa không; trâu, bò mấy con, có béo tốt không?… Rồi trò chuyện với đồng bào bằng ngôn từ bình dị, gần gũi với đời sống của họ nhất, tạo khoảng cách gần gũi thì vào vấn đề mới trúng được”.

Thầy giáo Hơ Văn Tông A (bên trái) giới thiệu bức tranh hồ Hoàn Kiếm do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tặng trong dịp đến làm việc tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

 

Giới thiệu với tôi những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, thầy xúc động: “Sau thời gian một tháng hướng dẫn cán bộ nắm bắt tâm lý của đồng bào, công tác dân vận hiệu quả hơn hẳn, tình hình Tây Nguyên ổn định trở lại, tôi được Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen. Khi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh lên Mường Lát đã tặng cho tôi giấy khen và bức tranh hồ Hoàn Kiếm được khắc bằng đồng này…”.

Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng với nỗi niềm muốn gìn giữ và truyền dạy ngôn ngữ dân tộc mình, thầy thường xuyên tham gia các lớp dạy tiếng dân tộc H’Mông cho cán bộ tỉnh nhà. Thầy tâm sự: “Con người cũng như cái cây vậy, cành lá muốn phát triển tốt thì phải giữ được bộ rễ. Con người phải biết giữ gìn và bảo tồn bản sắc dân tộc mình để lưu giữ cho đời sau. Mà muốn giữ được bản sắc dân tộc, trước hết phải giữ được tiếng nói và chữ viết. Tôi chỉ mong rằng đồng bào mình giữ được bản sắc riêng, còn cán bộ thì có vốn kiến thức cơ bản về văn hóa dân tộc H’Mông để dân vận cho hiệu quả”.

Hiện nay, cùng với công tác giảng dạy, thầy còn chuyên tâm nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc H’Mông. Bởi cho đến những năm 1950, tiếng dân tộc H’Mông là ngôn ngữ chưa có chữ viết. Thầy đã trực tiếp biên soạn một số sách và giáo trình tiếng dân tộc H’Mông cho các cấp học. Theo thầy thì khó khăn nhất trong biên soạn chữ dân tộc H’Mông là sự pha trộn nhiều hệ ngôn ngữ của các tộc người dân tộc H’Mông. Bộ chữ dân tộc H’Mông Latin hóa lập năm 1961 được Chính phủ phê chuẩn là xây dựng theo ngữ âm ngành dân tộc H’Mông Lềnh vùng Lào Cai, có bổ sung thêm một số âm vị của các ngành dân tộc H’Mông khác, gồm 59 phụ âm, 28 vần và 8 thanh. Mặt khác, tiếng dân tộc H’Mông là ngôn ngữ chưa thành văn nên việc dịch thuật, chuyển ngữ rất khó khăn.

Ông Lâu Thanh Va, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường Lát cho biết: “Hiện nay ở Mường Lát, người am hiểu sâu sắc ngôn ngữ dân tộc H’Mông như thầy Tông A không nhiều. Thực tế, ngôn ngữ dân tộc H’Mông đang dần bị mai một, nhiều từ đã mất đi thay vào đó là các từ mượn. Vì vậy thầy Tông A luôn tâm huyết, trăn trở giữ gìn ngôn ngữ của cha ông mình để truyền lại thế hệ sau nhằm lưu giữ bản sắc người dân tộc H’Mông”.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng


Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội