Giáo viên trẻ yêu nghề, mê sáng tạo
Đến Trường Quân sự tỉnh Quảng Trị, chứng kiến giờ học chính trị của Lớp đào tạo chỉ huy trưởng xã (phường, thị trấn) khóa 3, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi phương pháp truyền đạt hấp dẫn, lôi cuốn, nhiều ví dụ minh chứng đa dạng, sát thực tiễn địa phương của một giáo viên trẻ khiến cho không khí buổi học thêm sôi nổi. Tìm hiểu chúng tôi được biết, đó là Trung úy Nguyễn Văn Linh, giáo viên chính trị của nhà trường.
Được biết, tốt nghiệp ra trường năm 2014, anh về công tác tại Trường Quân sự tỉnh Quảng Trị. Thời gian đầu khi được phân công giảng dạy, anh Linh không tránh khỏi những bỡ ngỡ bởi kiến thức quân sự, quốc phòng địa phương còn hạn chế nên bài giảng chưa sâu. Khắc phục tình trạng đó, anh chủ động chuẩn bị sớm bài giảng, tham khảo ý kiến của những đồng nghiệp đi trước; trực tiếp liên hệ, gặp gỡ các cựu chiến binh để tìm hiểu về các trận đánh xảy ra trên địa bàn; hay mạnh dạn đề xuất với Khoa giáo viên và Ban giám hiệu nhà trường để được tham quan các đợt diễn tập ở địa phương. Từ đó, bài giảng của anh có thêm nhiều ví dụ, minh chứng phong phú, sát với thực tế địa bàn của các đối tượng học viên.
Từ thực tiễn giảng dạy, hàng năm anh còn sáng tạo ra nhiều mô hình có giá trị ứng dụng vào dạy, học. Điển hình như, sáng kiến: “Thiết bị tạo giả âm thanh dùng trong huấn luyện, diễn tập”. Quá trình tham gia huấn luyện chiến thuật, diễn tập, khi quân xanh sử dụng thiết bị tạo giả âm thanh vừa mất thời gian, quân số; cơ động lại khó khăn, yếu tố đảm bảo an toàn không cao. Trước thực tế đó, Trung úy Nguyễn Văn Linh đã trăn trở, tìm hiểu và nghiên cứu ra thiết bị tạo giả âm thanh bằng giàn ống nổ làm bằng tre hoặc ống sắt; một đầu bịt kín, phía đế ống có lỗ để kích nổ bằng chất liệu đất đèn, bình nước, lửa. Tùy theo tính chất, quy mô huấn luyện, diễn tập có thể tạo âm thanh lớn, nhỏ mà sử dụng nguyên liệu nhiều hay ít. Sáng kiến của anh đã tạo âm thanh giả sát thực tế chiến đấu, kinh phí giá thành thấp, dễ chế tạo, tiết kiệm được thời gian, quân số trong huấn luyện, diễn tập.
Với sự năng động, sáng tạo của mình, năm 2017, anh còn sáng kiến ra hệ thống bia báo điểm tự động phục vụ trong bắn đạn thật, đạt giải Khuyến khích giải thưởng Nguyễn Viết Xuân. Trước thực tế, khi học viên thực hành bắn đạn thật phải có bộ phận phục vụ báo bia vừa mất thời gian, tính khách quan, an toàn không đảm bảo. Khắc phục tình trạng đó, anh đã sáng tạo ra hệ thống bia báo điểm tự động. Phía sau mặt giấy của bia là các bản cực bằng giấy kẽm (truyền điện cực dương) tương ứng các vòng điểm trên bia, được nối với giây dẫn ra ngoài đến nguồn điện rồi đến hệ thống đèn led hiển thị điểm số. Sau các bản cực độc lập tương ứng vòng điểm mặt bia là tấm cách điện bằng bìa cattong; tiếp đến tấm giấy kẽm (truyền điện cực âm). Sử dụng nguồn điện 12V cùng bộ chỉnh lưu. Khi đạn xuyên xuyên qua bia, tác động đến giấy kẽm truyền điện cực dương và âm làm đèn led sáng hiện thị điểm số, dẫn điểm số đến vị trí người chỉ huy, thư ký trường bắn tổng hợp để biết ngay kết quả từng phát bắn. Hệ thống bia này giúp người chỉ huy nắm được kết quả của người bắn ở từng phát bắn; còn người bắn nhanh chóng rút được kinh nghiệm để đạt kết quả bắn cao hơn và đảm bảo tiết kiệm thời gian, nhân lực, tính trung thực, khách quan.
Với niềm đam mê sáng tạo, cùng đức tính cần cù, chịu khó tự học, tự rèn, ý thức, trách nhiệm cao trong công việc nên Trung úy Nguyễn Văn Linh liên tục 4 năm (2014 - 2017) đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua; năm 2015; 2016 được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; được UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị vinh danh gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nhiều hình thức khen thưởng khác của các cấp...
Bài, ảnh: ĐỨC CƯƠNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận