A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cặp mắt sau cửa kính

Chiến dịch Huế-Đà Nẵng kết thúc, Trung đoàn Phú Xuân (nay là Trung đoàn 6, Bộ CHQS Thừa Thiên Huế) dừng lại làm nhiệm vụ quân quản thành phố Huế. Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 của tôi canh giữ 3 chiếc cầu quan trọng bắc qua sông Hương là Tràng Tiền, Phú Xuân và Bạch Hổ.

Tôi được Trung đội trưởng Sáng phân công ở tại một căn biệt thự rộng trong thành nội trên đường Mai Thúc Loan cùng với một tiểu đội của Trung đội 1. Nói là một tiểu đội nhưng sau khi giải phóng Huế chỉ còn lại 6 chiến sĩ. Bởi vậy, 7 anh em chúng tôi chỉ ở gọn trong khu nhà bếp của gia đình.

Trong phòng khách rất rộng của ngôi biệt thự có đặt một bàn thờ ngày đêm nghi ngút khói hương trước di ảnh của một sĩ quan quân đội ngụy Sài Gòn. Những người dân cùng phố cho chúng tôi biết đó là một trung tá mới bị bộ đội giải phóng tiêu diệt tại chiến trường Buôn Ma Thuột đầu tháng 3-1975. Thời điểm chúng tôi vào ở nhờ trong ngôi nhà chỉ có hai cô gái, một cô là con gái ông chủ nhà và một cô là người họ hàng. Cả hai đều là sinh viên năm cuối Trường Đại học Y khoa Huế (nay là Trường Đại học Y Dược Huế).

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Với hai cô sinh viên y khoa, tất cả những gì thuộc về bộ đội giải phóng đều lạ. Có lẽ vì thế các cô ngại tiếp xúc với chúng tôi. Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975, khi Trường Đại học Y khoa Huế chưa mở trở lại, các cô gái hầu như không ra khỏi phòng. Chỉ có một chiếc cassette đặt ngoài cửa phòng ngủ liên tục phát ra những bản nhạc nước ngoài từ khi các cô thức dậy cho đến khi họ tắt đèn đi ngủ. Dường như hai cô gái không muốn để những âm thanh bên ngoài lọt vào phòng họ. Có một điều tôi bất ngờ gặp là hai cô gái thường đứng sau cửa kính của phòng ngủ nhìn ra sân rộng trước ngôi biệt thự. Mọi sinh hoạt của chúng tôi diễn ra hằng ngày dường như được thu vào những cặp mắt sau cửa kính.

 Dù không ngủ nghỉ, sinh hoạt ở nhà trên nhưng hằng ngày các chiến sĩ trực nhật vẫn lên quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Một lần tôi lên kiểm tra vệ sinh buổi sáng, chợt gặp cô chủ nhà đang gỡ rối chiếc băng cassette. Thấy tôi, cô chủ chạy vào phòng nhưng nghe tiếng chào, cô quay lại mở hé cửa nhìn ra. Tôi lại gần bắt chuyện làm quen. Thấy vậy, cô mạnh dạn bước ra cửa và khi câu chuyện đã trở thành mạch nối xóa đi sự nghi ngại, cô hỏi tôi đủ thứ xung quanh công việc hằng ngày của chúng tôi mà có lẽ các cô đã “thu” được qua khung cửa kính.

Câu đầu tiên cô sinh viên y khoa hỏi tôi:

 - Anh là chỉ huy ở đây à?

 - Vâng! Tôi là trung đội phó và một tiểu đội của trung đội tôi nữa.

Thế là cô sinh viên đặt ra một loạt câu hỏi. Nào là tại sao mỗi buổi sáng các cô lại thấy tôi đứng trước hàng quân kiểm tra từng móng tay, từng cổ áo các chiến sĩ. Tại sao tôi là chỉ huy mà lại đi giặt quần áo cho các chiến sĩ bị ốm, bị sốt. “Tại sao các anh lại gọi mấy người ăn mày vào nhà rồi cho họ cơm, bánh kẹo (lương khô)… Những điều ấy, tôi có thấy các chỉ huy quân đội quốc gia (ý chỉ quân đội ngụy Sài Gòn) phải làm đâu…”. Rồi cô sinh viên ấy lại hỏi rằng, cô nghe nói trong số chúng tôi có cả sinh viên đại học, tại sao sinh viên cũng chịu đi lính, không “trốn quân dịch” được à…?

Dần dần khi đã thành quen, không thấy hai cô gái nấu nướng gì nên đến bữa cơm, chúng tôi mời các cô xuống nhà dưới ăn cơm với tiểu đội. Bữa đầu tiên được mời, hai cô gái tròn mắt ngạc nhiên và thắc mắc. Cậu Cường, tiểu đội trưởng, vốn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh lém lỉnh: “Vì các cô đã là người nhà chúng tôi rồi!”. Từ đó, cứ đến bữa là hai cô gái xuống nhà dưới ăn cơm cùng chúng tôi. Bữa cơm bộ đội đạm bạc nhưng hôm nào các cô cũng khen ngon. Có hôm đang ăn, một cô thốt lên: “Sao bộ đội giải phóng ở trên rừng mà nấu ăn khéo thế? Trên rừng làm gì có cá, có thịt mà nấu… Nghe nói ở trên rừng Việt Cộng chỉ ăn cỏ dại, ăn rắn, rết sống cơ mà; bộ đội giải phóng đã lần nào đụng với Việt Cộng chưa?...”. Nghe vậy, cả tiểu đội tôi tròn mắt nhìn nhau, nhưng chỉ một thoáng hiểu ra, ai cũng cười. Tiểu đội trưởng Cường chỉ vào chính mình và nói: “Việt Cộng là đây, trong nhà mình có rắn, rết không, mai ta làm một bữa?”. Nghe vậy, cô chủ nhà thốt lên: “Bộ đội giải phóng cũng là Việt Cộng à?”…

Nghe cô sinh viên thốt lên ngạc nhiên như vậy, tôi chợt nhớ ngày 26-3-1975, tiểu đoàn tôi tiến vào xã Thủy Xuân, một xã ngoại thành Huế (nay là phường Thủy Xuân, TP Huế). Tổ 4 người gồm anh Biên, anh Tứ, anh Tuy và tôi rẽ vào một ngôi nhà nhỏ đầu làng. Ngôi làng vắng ngắt vì dân đã sơ tán và trốn đi trước khi bộ đội giải phóng tràn về. Chợt chúng tôi nghe có tiếng động trong ngôi nhà khóa chặt. Tiếng động có lúc gấp gáp nghe như có ai đó phát bàn tay xuống nền gạch. Tôi tò mò dán mắt vào khe cửa và chợt nhận ra một phụ nữ đang cố sức bịt chặt miệng một đứa trẻ. Người đứa trẻ cứ cong lên, giãy giụa, bàn chân của nó đạp lạch bạch xuống nền nhà. Thấy vậy, chúng tôi đấm tay bồm bộp vào vách cửa. Càng nghe tiếng động, người phụ nữ càng ép chặt đứa bé vào góc nhà. Anh Tuy đạp cửa xông vào giành đứa bé tái ngắt trên tay người phụ nữ, mặc cho chị ta nhoài theo gọi thảm thiết: “Việt Cộng… Con ơi… Việt Cộng… Không được giết con tôi!”.

Một thời gian sau ngày Huế giải phóng, tiểu đoàn tôi về đóng quân tại xã Thủy Xuân, cả 4 anh em chúng tôi trọ trong ngôi nhà của một phụ nữ. Chị tên là An, cháu bé tên là Ngọc, chính là người mẹ bịt miệng đứa trẻ mà chúng tôi bắt gặp bữa trước. Sau chiến tranh, anh Tứ, anh Biên trở lại Trường Đại học Sư phạm Vinh, anh Tuy phục viên về quê ở Tứ Lộc, Hải Dương, chỉ còn tôi ở lại quân ngũ. Năm 2009, trong một chuyến công tác, tôi trở lại Huế, đến ngôi biệt thự ở đường Mai Thúc Loan, nơi chúng tôi ở những ngày đầu Huế giải phóng, không có một ai, cổng đóng kín. Hỏi thăm người dân sống cạnh đó nhưng không ai có thông tin gì về chủ ngôi nhà. Tôi cũng trở lại xã Thủy Xuân thăm ngôi nhà cũ. Chị An và cháu Ngọc tiếp chúng tôi như người thân vừa trở về sau chuyến đi xa...

Nguồn Báo QDND


Tác giả: báo quân đội nhân dân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội